Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

TinhThonNu 2 NguyenDuyAn

Tinh Thon Nu 2

Đoạn Kết — Tình Thôn Nữ

Nguyễn Duy-An

[Lời người viết:
Để hiểu được tình tiết của Đoan Kết — Tình Thôn Nữ,

Quý vị nên đọc truyện Dở
Dang Tình Thôn Nữ trước khi bắt đầu.

Quý
vị có thể nhấn con chuột vào đây để đọc Dở Dang Tình Thôn Nữ truớc khi trở
lại để xem Đoạn Kết
. Cám ơn]

Vừa nhận lại cái passport (hộ chiếu) và bước qua một ô cửa hẹp để vào bên
trong phi trường Tân Sân Nhất, tôi đang nhớn nhác cố tìm xem Xuân đã lo xong thủ
tục giấy tờ Hải Quan hay chưa thì nghe tiếng kêu từ phía cửa nhận hành lý:

– Anh Duy, em đây nầy.

Tôi vội vàng quay lại, thấy Khang, em trai tôi đang hớn hở vẫy tay bên cạnh
Tiến, thằng bạn thân đã 20 năm rồi không gặp mặt. Nếu không có tấm hình nó gởi
qua tháng trước, tôi không thể ngờ đó là Tiến. Tôi chưa kịp nói gì, đã nghe
tiếng Xuân nhỏ nhẹ sau lưng:

– Em xong rồi. Lấy hành lý ở đâu anh Duy?

Tôi không trả lời Xuân, chỉ lặng lẽ bước dần về phía nhận hành lý. Giọng Xuân
bỗng nghẹn ngào:

– Anh Tiến! Trời ơi, anh ốm quá…

Tôi không ngờ “con bé” giỏi thế! Nó nhận ra người yêu ngay khi ánh mắt vừa
chạm nhau sau 20 năm trời cách biệt. Tiến đã tới bên cạnh, nắm chặt tay tôi:

– Duy, biết làm sao để đền ơn cậu? Xuân… trông em vẫn trẻ và đẹp như
ngày nào!

Tôi đẩy Tiến qua phía Xuân:

– Lo cho người đẹp đi, bọn mình tâm sự sau.

Hai đứa vẫn còn e dè và ngượng ngập lắm, chỉ dám nắm nhẹ tay nhau trong khi
nước mắt Xuân đã dàn dụa và Tiến chỉ biết đứng “ngẩn tò te” ngắm nhìn người yêu
khóc. Tôi phải lấy mấy tờ giấy trong túi trao cho Tiến để lau mắt cho nàng.
Thằng em tôi thông minh tế nhị hơn tôi tưởng, nó nắm tay tôi kéo đi trong khi
tôi chưa biết nói gì:

– Anh đến đàng ni chỉ hành lý để em lấy ra không có lộn xộn mất hết.

– Làm sao hai đứa vào trong này được vậy?

– Anh Tiến có vài người quen làm trong đây nên chỉ mất mấy điếu thuốc 555
là “vô tư” thôi.

– Em không nói với mẹ và o dượng chứ?

– Không, em chỉ nói lên Sàigòn mấy bữa có tý việc. Em lên nhà anh Tiến
hôm qua, chờ cả buổi anh ấy mới về, rồi thức cả đêm nói chuyện… Sáng nay
mới đi thuê xe ra đón anh với o Xuân đó. Anh ấy hỏi em đủ chuyện, nhưng em
có biết gì hơn anh ấy đâu, chỉ nói anh đưa o Xuân về hôm nay. Anh ấy cứ khoe
với em cả đêm là không ngờ o Xuân vẫn còn thương anh ấy. Câu chuyện chỉ đáng
nói nửa giờ là xong, nhưng anh ấy nói đi nói lại cả đêm. Anh Tiến cứ trách
anh và o Xuân là không báo trước để anh ấy chuẩn bị. Anh Tiến nói chỉ thấy
anh gởi email về cho biết là o Xuân đã liên lạc với anh, nhưng không nói sẽ
về nhanh như vậy.

– Anh cũng định mùa hè mới đưa chị và các cháu về luôn, vì kỳ này các
cháu đang đi học, nhưng chị bây cứ dục hoài, và con Xuân cũng nóng lòng muốn
về gặp o dượng, xin nghỉ cả 2-3 tháng, sang nhà anh chị ăn Noel rồi mua vé
về luôn chứ có định trước gì đâu mà báo. Anh chỉ ở Việt Nam có vài tuần
thôi. Mẹ và mấy đứa ở nhà khỏe cả chứ? Mà o dượng dạo này ra sao?

– Cũng rứa thôi anh. Mà anh định chương trình răng đây?

– Cứ lấy hành lý xong rồi tính.

– Anh Tiến nói cứ lấy hành lý gom lại một chỗ rồi người bạn anh ấy sẽ
mang ra xe, khỏi phải khám xét mất thì giờ.

– Xe cộ sao?

– Em bàn với anh Tiến là chỉ thuê xe về nhà anh ấy thôi, nhưng anh ấy đã
hẹn tài xế là có thể sẽ đi Bình Giả luôn.

– Để lát nữa hai đứa nó bớt khóc rồi bàn lại xem sao.

Trong lúc đứng chờ lấy hành lý, tôi nghĩ lại những việc xảy ra từ mấy tuần
nay “như một giấc mơ” giờ này đã thành sự thật khi nhìn thấy Tiến và Xuân đứng
khóc bên nhau sau 20 năm trời cách biệt…

* * * * *

Hai ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi vừa bước vào văn phòng đã nghe điện thoại
reo inh ỏi. Tôi vội vàng để cái máy laptop xuống bàn, vừa trả lời điện thoại:

– Good morning. National Geographic, John Nguyen’s speaking. (Xin chào,
tôi là Duy ở National Geographic).

– Anh Duy, em Xuân nầy.

Nghe tên Xuân tôi đã hơi ngờ ngợ, nhưng chưa biết nói sao thì “con bé” đã
khóc nức nở trong điện thoại. Xuân, có đúng thật là Xuân không? Có phải em là
“con bé” mồ côi từ 20 năm trước vẫn nhận tôi làm anh ruột đó không? Tôi chờ ít
phút cho nàng bình tĩnh lại rồi mới hỏi thật lớn trong điện thoại:

– Xuân? Đang ở đâu vậy?

– Dạ, em đang đứng ở phi trường Washington National với chị Nhung nầy.
Anh tin không?

Qua mấy phút xúc động, “con bé” đã trở về với bản tính hồn nhiên, nhí nhảnh
của ngày nào, những ngày của 20 năm về trước ở thôn Bình.

– Cái gì? Mi không nói dỡn chớ.

– Em đây anh. Cô Xuân nói đúng đó, em đang ở phi trường với Xuân. Em xin
lỗi đã dấu anh mấy ngày nay, nhưng cô Xuân muốn dành cho anh một “surprise”
(ngạc nhiên).

Tôi không tin cũng phải chấp nhận sự thực vì đúng là tiếng vợ tôi đang nói
trên điện thoại, nên vội vàng trả lời:

– Để anh sắp xếp công việc trên sở tý rồi anh về ngay. Mà sao em tìm được
Xuân vậy?

– Chuyện dài lắm, nhưng cô Xuân tìm được anh qua trang web Bình Giả, chứ
không phải em tìm được cô ấy đâu… Lát nữa về nhà em kể cho anh nghe, bây
giờ hai chị em phải đi lấy hành lý. Love you (yêu anh).

* * * * *

Tôi mở cửa bước vào thấy Xuân đang giúp vợ tôi xếp quà Giáng Sinh cho mấy đứa
nhỏ chung quanh cây thông ở phòng khách. Hai chị em người nào cũng nước mắt lưng
tròng, nhưng miệng lại cười nói có vẻ vui lắm:

– Ồ, anh Duy về. Wow, trông anh phát tướng ra có vẻ sang lắm đó nha!

– Chị mi đang bắt anh “diet” (kiêng ăn) đó, sang gì! Mi trốn đi đâu biệt
tăm, biệt tích lâu thế. Chồng con gì chưa?

Tôi chỉ vô tình hỏi một câu cho có chuyện, không ngờ Xuân bật khóc nức nở. Vợ
tôi ôm nàng vào lòng rồi quay sang trách nhẹ:

– Anh thật vô tâm quá sức, vừa gặp cô ấy lại hỏi vớ vẩn thế!

Vợ tôi kéo Xuân lên ghế, ôm nàng dỗ dành như dỗ con gái lúc nó khóc vì đau
răng cách đây mấy tuần… Tôi chẳng biết làm gì nên tới ngồi gần bên, chờ đợi.
Một lúc lâu, nhà tôi mới bắt đầu:

– Các đây hơn một tuần, hôm anh nghỉ làm đưa mấy đứa nhỏ đi mua cây thông
đó. Cu Châu dưới Atlanta gọi lên, nói là có một cô người Bình Giả ở Toledo,
tiểu bang Ohio gởi email cho trang web kiếm anh, nói là người bà con, cần
nói chuyện gấp với anh… Cu Châu sợ anh la nên không chịu đưa số điện thoại
cho em, nhưng em nói mãi rồi hắn cũng phải đưa vì anh đi vắng. Em ghi số
điện thoại xong cũng hơi ghen ghen, không biết có phải cô bồ cũ nào của anh
đi tìm hay không. Em sốt ruột quá nên làm liều gọi thử xem sao. Vừa nghe cô
ấy xưng tên là Xuân, người Bình Giả, em chợt nhớ lại câu chuyện tình ngang
trái anh kể về anh Tiến và Xuân, nên em hỏi dồn… Và cô ấy “chính là cô
Xuân trong câu chuyện Dở Dang Tình Thôn Nữ” của anh đó. Em đón về cho anh em
đoàn tụ, anh phải trả công em đó nha.

– Sẵn sàng. Mà Xuân làm sao biết email của cu Châu vậy?

– Thế em mới tìm được anh chớ.

– Thôi đi “bé con”. Nói đàng hoàng tý coi. Hồi mới sang Mỹ, anh đăng báo,
nhắn tin lung tung cả cũng chẳng thấy tăm hơi gì…

– Để từ từ em kể cho anh chị nghe. Bây giờ em trả lời câu hỏi trước của
anh: Em đọc mấy bài Tuỳ Bút và Nhật Ký Đời Tỵ Nạn của anh trên Diễn Đàn Bình
Giả, biết anh làm kỹ thuật cho trang web Bình Giả nên em gởi email tìm
thử…

– Thế sao em không nhắn tin cho anh trong Diễn Đàn Bình Giả lại gởi email
cho cu Châu vậy?

– Em không muốn ghi danh vì sợ người ta biết! Và còn anh Tiến nữa chi. Em
đọc thấy anh lo về kỹ thuật cho trang web nên email đại cầu may, không ngờ
gặp được cu Châu… Em đã khóc mấy ngày sau khi đọc chuyện đời của em và anh
Tiến trên trang web đó, anh biết không? Anh Tiến bây giờ ra sao rồi anh?

– Vẫn yêu em như ngày nào. Để tý anh cho xem mấy cái email nó gởi qua, có
cả hình nữa đó. Rồi chiều tối mình gọi điện thoại về nói chuyện.

– Từ từ đã anh Duy à. Em phải chuẩn bị tinh thần đã. Để em kể cho anh chị
nghe “chuyện đời của em” từ khi em bỏ trốn khỏi nhà o dượng…

Không biết anh Duy còn nhớ lúc anh và anh Tiến tới nhà dì Huyền ở Hải Sơn
kiếm em, dì đã phải vội vàng “làm dữ” để đuổi khéo hai anh đi cho nhanh vì lúc
đó em đang nằm khóc trong buồng! Em phải trốn trong nhà dì Huyền cả tháng mới
gặp được chuyến đi. Lúc sang tới trại tỵ nạn, em khai sút xuống 2 tuổi để được
nhận qua Mỹ theo diện “trẻ em không thân nhân”, và em đã được một ông bà bác sĩ
người Mỹ ở Toledo nhận làm con nuôi. Em đi học lại trung học, bắt đầu từ lớp 10
vì theo giấy tờ em mới 16 tuổi; sau đó em theo học ngành y tá vì không đủ khả
năng học bác sĩ như cha mẹ nuôi em mong muốn. Đã hơn một lần em muốn tìm cách
liên lạc về Việt Nam để hỏi tin tức của anh và anh Tiến, nhưng em cứ do dự mãi,
tới lúc lên Đại Học em mới dứt khoát là không liên lạc nữa vì biết đâu anh Tiến
cũng đã lập gia đình rồi. Thật tình mà nói cũng có nhiều khi em dường như không
thể chịu đựng được, em đã viết cả trăm lá thư về cho o dượng, nhưng chưa bao giờ
em gởi đi… Em còn giữ cả thùng những lá thư không gửi như một chứng tích trong
20 năm qua.

Năm 1991 em ra trường, đi làm y tá cho ông bố nuôi ở nhà thương, nhưng một
năm sau thì bố mẹ nuôi em mất vì tai nạn xe hơi. Mấy tháng sau, buồn quá, em
quyết định xin vào dòng Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêsa Calcuta. Sau một năm nhà tập,
em khấn tạm lần đầu và đi sang Ấn Độ làm việc cho nhà dòng như một ý tá thường
trú tại trung tâm dành cho những người nghèo khổ bệnh hoạn. Ba năm sau em vẫn
không thể khấn trọn đời được vì lúc đi cấm phòng chuẩn bị khấn, bóng hình anh
Tiến và chuyện tình dang dở ngày trước lại trở về, và em chỉ dám khấn tạm thêm 3
năm nữa. Sau lần khấn tạm thứ ba thì bề trên khuyên em nên ra đời vì chắc Chúa
muốn em lập gia đình.

Em mới trở lại Mỹ từ cuối năm 2003, và vẫn làm y tá cho nhà thương cũ ở
Toledo. Em vẫn để ý tìm kiếm tin tức của anh và anh Tiến. Cũng đã mấy lần em
viết thư nhưng lại không gửi về cho o dượng. Mãi tới tháng trước, trong một lần
dùng internet, em tìm thử chữ “Bình Giả” và không ngờ gặp được cái website do
anh và bạn bè người Bình Giả thành lập. Tới khi em đọc thấy chuyện của chính em
được anh đưa lên trang web thì em tự biết phải làm gì… Và em đã tìm được anh!

Thực ra, nếu chị Nhung không gọi lại hôm đó, chắc em cũng đành buông xuôi, vì
như anh biết đó, em thuộc loại người cố chấp! Lúc đầu em cũng rất sợ khi thấy
người gọi lại không phải là anh, nhưng cũng may chị Nhung đã biết câu chuyện
tình dang dở của em và anh Tiến, nên hai chị em mới sắp xếp để em về đây nghỉ lễ
Noel năm nay. Em đã xin nghỉ dài hạn 2-3 tháng, và nếu thuận tiện, em sẽ về Việt
Nam trước tết. Anh chị giúp em được không? Em không dám về một mình…

Tôi đang phân vân chưa biết trả lời ra sao, nhà tôi đã lên tiếng trước:

– Mấy đứa nhỏ còn phải đi học nên không về cả nhà vào dịp này được. Anh
xem có thể sắp xếp xin nghỉ được thì đưa cô Xuân về thăm lại o dượng càng
sớm càng tốt. Hai năm trước mình về, thấy dượng có vẻ yếu lắm rồi, với lại
nếu làm giấy kịp, anh đưa mẹ đi du lịch luôn, rồi cuối mùa hè mình đưa mẹ
về.

– Để anh tính lại xem sao. Nhưng mẹ chỉ muốn mình đưa con về chứ bà cứ
than già rồi, không muốn ngồi máy bay lâu…

– Anh chị cứ sắp xếp việc nhà… Em đã xin nghỉ mấy tháng nên cũng không
vội gì. Mấy tuần nay đầu óc em căng thẳng quá… Anh chị cho em ở với anh
chị một thời gian chứ không em điên mất, nhất là khi nghe chị kể là anh và
anh Tiến vẫn miệt mài tìm kiếm em. Em không ngờ anh Tiến vẫn ở vậy vì em,
mặc dầu chẳng có tin tức gì… trong 20 năm trời.

* * * * *

[Bài Hát 20 NĂM TÌNH CŨ]

Bấm vào nút PLAY để nghe trong lúc
đọc phần kết

Và câu chuyện cứ thế tiếp tục… để giờ này tôi đứng ở phi trường Tân Sân
Nhất nhìn đứa em mồ côi đang khóc nức nở bên người yêu là bạn thân của tôi từ 20
năm trước. Không biết hai đứa có nói với nhau được lời nào không hay chỉ lấy
nước mắt thay lời. Thằng em tôi đã nhận xong hành lý, đến nói nhỏ vào tai tôi:

– Mình định răng dừ anh? Cứ để o Xuân với anh Tiến đứng khóc mãi ri à?

Thay vì trả lời câu hỏi của chú nó, tôi tiến đến:

– Thôi, khóc làm gì nữa. Hai đứa ôm nhau một cái để chụp tấm hình coi nào?
Lúc nãy tớ đã chụp tấm hình hai đứa “mùi mẫn” khóc với nhau rồi, bây giờ cười
lên để chụp tấm khác cho đủ bộ “before and after” (truớc và sau)…

– Duy, tụi mình mang ơn vợ chồng cậu…

Tôi cắt ngang:

– Ơn huệ cái gì. Có muốn trả ơn thì sắp xếp cưới nhau càng sớm càng tốt. Đàng
nào cũng “cha già con muộn” rồi, nhưng có còn hơn không.

Tôi kéo cả hai đứa dính sát vào nhau, định tạo dịp cho tụi nó bớt ngượng để
chụp tấm hình kỷ niệm, nhưng “lão Tiến” này ốm yếu mà nhanh nhẹn quá, nó lách
người tránh khỏi rồi lên tiếng:

– Để mình kêu mấy đứa bạn mang hành lý ra dùm rồi về Bình Giả luôn.

– Tớ về đây chỉ vì hai ông bà thôi, cứ việc “phán một lời” là có mọi sự.

* * * * *

Chúng tôi về tới Bình Giả lúc trời đã nhá nhem tối. Mẹ tôi sững sờ khi thấy
tôi bước vào nhà, nhưng đã chết sững khi thấy Xuân đi sau tôi, và cả Tiến nữa:

– Con về sao không báo trước? Ai như con Xuân rứa hầy? Mi nứt đất ở mô lên
rứa? Biệt tăm biệt tích cả 20 năm rồi…

– Mự. Con về rồi nì. Con chỉ tiếc không kịp về gặp cậu lần cuối!

– Thôi, thôi… để tau chạy sang cho o dượng…

Không để mẹ nói hết câu, tôi vội chặn lại:

– Mẹ! Chờ tý đã. Con nghĩ mình phải sắp xếp kheo khéo một tý kẻo lại có người
đứng tim thì khổ!

– Không mô! Dượng hắn kỳ ni đỡ nhiều rồi, chỉ than thở cả ngày là không biết
con Xuân lưu lạc nơi mô.

– Vậy để con và Xuân đi với mẹ luôn, còn Khang dẫn anh Tiến theo sau nha,
nhưng đứng ngoài sân chờ, đừng vào nhà.

Mẹ tôi tuy già yếu rồi, nhưng cũng đi nhanh lắm, vừa đi vừa kéo tay Xuân. Vào
tới cửa, thấy cả nhà đang ăn cơm, mẹ tôi lên tiếng:

– O dượng với các cháu ăn cơm trễ rứa. Ra coi tui đưa ai về đây nầy.

Xuân đã chen vào trước, quỳ sập xuống bên cạnh bà o:

– Cháu về quỳ đây lạy xin o dượng tha thứ…

Cả o, cả dượng, cả các em… cả nhà đều chạy đến kéo Xuân đứng lên, ai cũng
lộ vẻ vui mừng khôn tả, nhưng mắt người nào cũng ướt đầm đìa. Dượng nàng lên
tiếng trước:

– Chúa Mẹ còn thương nhà ta lắm, bằng không thì dượng chết không nhắm mắt
được con à. Xuân ơi là Xuân, con ở mô về rứa?

Không để cho Xuân kịp trả lời, o nàng đã nức nở:

– Anh chị ơi, cháu Xuân về rồi nì. Anh chị có linh thiêng thì về đây nói lên
lời tha tội cho vợ chồng em.

Xuân cũng nức nở trong nước mắt:

– O dượng tha cho cháu tội bất hiếu, và làm khổ gia đình o dượng 20 năm nay.
Cháu trở về xin làm lại đứa cháu mồ côi của o dượng như năm nào…

Mẹ tôi cũng nước mắt lưng tròng, nhưng có vẻ bình tĩnh lắm:

– Quân ni lạ hầy. Khóc rứa đủ rồi. Ngồi xuống cả đi cho cháu nó nghỉ tý, rồi
lải rải nói chuyện sau. Bây giờ phải vui mừng lên chớ…

Hình như tới lúc này o dượng mới nhìn thấy tôi. O nàng vẫn nhanh nhẹn như
ngày nào:

– Ồ! Anh Duy về nữa à! Anh kiếm được con Xuân ở mô rứa? Từ bao nhiêu năm ni o
chỉ kỳ vọng vào một mình anh may ra mới tìm được…

Tôi vội vàng đính chính:

– Xuân nó tìm được vợ chồng cháu đấy chứ.

– Thì cũng phải có anh làm mấu chốt chớ không thì mần răng mà o dượng gặp lại
được em nó. Thật Chúa Mẹ đã nghe lời cầu xin của o mấy chục năm ni.

Dượng nàng bây giờ trông hiền lành quá, nhất là cặp mắt không còn “ngây dại”
như những năm trước tôi về thăm…

– Dượng cũng xin anh Duy bỏ qua cho những lời nói và việc làm không đúng của
dượng ngày trước. Dượng biết anh không giận hờn chi o dượng, vì bao nhiêu lần về
Việt Nam anh đều đến thăm o dượng; nhưng dượng có lỗi thì dượng phải xin anh tha
cho. Chỉ tiếc một điều là anh Tiến giờ này không biết còn phiêu bạt ở mô.

Tôi định chạy ra sân lôi cổ thằng bạn thân vào nhà, nhưng nó đã lững thững
đến bên cạnh từ lúc nào:

– Con là Tiến cũng về đây xin o dượng tha cho lỗi lầm năm cũ, và xin o dượng
nhận thêm một đứa cháu mồ côi nữa cho đủ đôi.

Đúng là dân người Bắc ăn nói hay thật! Gặp tôi trong hoàn cảnh này chắc chỉ
biết đứng như “tượng bụt” chứ làm gì mà nói được một câu đầy đủ ý nghĩa như hắn.

– Được, được. Không cần biết dượng mi có nhận hay không, để đó rồi o lo cho
tất cả. Cũng tại choa mà hai đứa bây phải khổ sở cả mấy chục năm ni…

Nhìn cảnh gia đình đoàn tụ, tình yêu ươm nụ từ 20 năm trước bây giờ mới bắt
đầu đơm bông kết trái, tôi lặng lẽ bước ra sân. Tôi muốn dành những giây phút
linh thiêng này, trong lúc mọi người đang ngỡ ngàng trước niềm vui “sống lại”
của gia đình, để dâng lên lời cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria đã quan phòng gìn
giữ mọi người trong 20 năm qua… để có được buổi chiều hôm nay. Câu chuyện “Dở
Dang Tình Thôn Nữ” của tôi bây giờ đã có đoạn kết.

Nguyễn Duy-An

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời