Y Khoa

Ung thư không phải lúc nào cũng “cầm chắc cái chết”

Nhắc đến ung thư người ta thường đinh ninh một điều là sẽ “cầm chắc cái chết trong tay”. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ nếu được phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi lên đến 70% và ung thư không phải lúc nào cũng đi đến cái chết.

BS. Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu BV Nhi T.Ư cho biết: “Với bệnh ung thư ở người lớn chỉ có thể hy vọng kéo dài sự sống cho họ nhưng ở trẻ nhỏ được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi và giúp các em trở lại với cuộc sống sinh hoạt đời thường. Có đến 70% bệnh nhi ung thư được chữa khỏi, cơ hội sống cho trẻ là rất nhiều chỉ cần cha mẹ và cộng đồng chung tay hành động giúp trẻ”.

bệnh nhi ung thư có nhiều cơ hội sống và sinh hoạt bình thường


Hôm nay 13.11, trên cả 2 thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và TP. HCM đã diễn ra Ngày hội Hoa hướng dương vì bệnh nhi ung thư năm 2011. Có thể đối với những người khỏe mạnh thì đó chỉ là một ngày bình thường như 364 ngày khác, nhưng đối với những bệnh nhi ung thư thì đây là ngày cộng đồng chung tay kéo dài sự sống cho các em. Cơ hội sống dù chỉ 1 ngày, thậm chí một phút đôi khi cũng thật quý giá!

Em Lê Thị Trầm, học sinh lớp 9D, Trường THCS Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không khỏi xúc động khi kể về quãng thời gian 3 năm về trước, cả em và gia đình phải chống chọi với căn bệnh ung thư hạch di căn. Trầm bùi ngùi: “Nhà em nghèo, lại xa BV nên đi lại rất tốn kém, chi phí trông chờ vào 3 sào ruộng thu nhập chẳng đáng là bao. Đã có lúc sự tuyệt vọng, chán chường khiến em ngã quỵ nhưng thương bố mẹ em lại gắng sức điều trị. Em chỉ sợ nếu em bỏ cuộc thì bố mẹ sẽ rất đau lòng”.

Sau khi điều trị qua giai đoạn duy trì, khỏi bệnh các bác sĩ đã cho Trầm về nhà. Đến nay em đã trở lại trường học bằng sự yêu thích và niềm đam mê của mình. Không chỉ nỗ lực để theo kịp các bạn, Trầm còn thi đạt danh hiệu học sinh giỏi môn tiếng Anh và năm nào, em cũng là học sinh giỏi toàn diện của trường.

Không ít bệnh nhi đã chiến thắng bệnh tật, trở lại trường học.

 

Bùi Khương Duy, học sinh lớp 6B, Trường THCS Tân Dân (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là một đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Năm lên 3 tuổi, bố em mất vì tai nạn; chưa đầy 2 tháng sau em ngồi vào nồi cám lợn nóng, bị bỏng toàn thân. Rồi 1 năm sau đó, Duy biết tin mình bị ung thư máu. Nỗi đau chồng chất nỗi đau và cứ thế chất lên đôi vai vốn đã nặng gánh của mẹ.

Duy kể: “Để duy trì sự sống cho em, mẹ đã phải chịu trăm nghìn tủi cực. Những ngày nằm viện, 2 mẹ con bữa ăn bữa nhịn, có lần cả tuần chỉ ăn cháo nhân đạo của BV. Các bác sĩ trong BV thấy tội nên hay nhường mẹ con em suất cơm trưa”.

“Lúc đó em chỉ còn da bọc xương. Các bác sĩ lo sợ truyền hóa chất vào em sẽ không sống nổi và lần đó, sau khi truyền hóa chất em đã bị liệt. Thương mẹ, em quyết tâm tập đi rồi dần dần em cũng đứng dậy được và bước những bước đi đầu tiên sau nhiều năm điều trị hóa chất. Em tự đến trường đi học và với sự giúp đỡ của mọi người em có lực học tốt, sức khỏe cũng dần ổn định thêm”- Duy hồ hởi kể.

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu của bé gái Đoàn Thị Hằng (lớp 3C, Trường tiểu học An Đức, Ninh Giang, Hải Dương) ít ai nghĩ rằng bé đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư máu. Hoàn cảnh của Hằng cũng thật éo le: bố mẹ ly dị, em phải sống với ông bà ngoại tuổi cao sức yếu.

Năm 2009, Hằng được đưa đi khám do sức khỏe yếu, các bác sĩ chẩn đoán em mắc bệnh ung thư máu. Từ đó, cuộc sống của Hằng gắn liền với những đợt điều trị lâu dài khiến cơ thể mệt mỏi vô cùng. Vậy nhưng sau mỗi lần điều trị hóa chất, Hằng vẫn nhờ ông bà đưa em đến lớp học cùng các bạn, học kỳ nào Hằng cũng là tấm gương vượt khó cho các bạn noi theo…

 

Các em cần “Thêm một bàn tay để siết chặt vòng tay”….


Mặc dù đang ở lứa tuổi ăn tuổi học nhưng với những bệnh nhi đáng thương này, thời gian nằm viện còn nhiều hơn thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Mang trong mình trọng bệnh song bằng nghị lực và sự chung tay giúp sức của cộng đồng các em đã vượt khó thành con ngoan, trò giỏi. Thành tích ấy đối với bệnh nhi ung thư quả không phải là dễ dàng có được.

Cùng với Trầm, với Khương Duy và với Hằng còn có biết bao bệnh nhi ung thư khác đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật. Và một lần nữa, các em cần “Thêm một bàn tay để siết chặt vòng tay”, để các em có thể vượt qua nỗi đau bệnh tật tìm đến nụ cười trên môi đúng với lứa tuổi của các em.

 


Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời