Lịch sử Bình Giả

Vinh Trung 1963-1967 – Đặng Viết Tính

 

Vinh Trung 1963 – 1967

 

Dãi tâm hồn thư thản và thả mình về qúa khứ để nhớ một chút gì đã xảy ra vào
những năm 1963 – 1967 tại xứ Vinh Trung, Bình Giả.

 

Tất cả những người dân sống ở Bình Gỉa (nói chung) và Vinh Trung (nói riêng)
vào thập niên đó, không ai là xa lạ với cái tên đã đi vào lòng người: “Linh mục
Phanxicô Xaviê Đinh Quốc Thụy”. Đó cũng là đề tài mà người viết mạo muội thuật
lại một phần chuyện đã biết hoặc trải qua trong trang ngắn này.

 

Vì dựa vào trí nhớ để viết lại những phần chuyện, nên có thể phần nào không
chính xác, xin qúy bà con tha thứ.

 

Từ lúc cha Đinh Quốc Thụy về nhận xứ Vinh Trung, các đoàn thể được chỉnh đốn
theo một phương pháp và nội quy rất mới mẻ, sinh hoạt của giáo xứ càng náo nhiệt
và xã hội thêm tiến triển, quy cũ hơn. Được như vậy là vì Ngài đã áp dụng luật
pháp cứng rắn (quân đội) vào trong tất cả đoàn thể cũng như ngoài xã hội; từ
người gìa cho tới trẻ con.

 

Các hội đoàn trong xứ gồm có: đoàn Con Đức Mẹ, đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, đoàn
Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn thanh niên.

 

Mỗi ngày có thánh lễ buổi sáng và chầu thánh thể buổi chiều. Thánh lễ rất
ngắn gọn, 45 phút là xong, từ đầu cho đến cuối, không đọc kinh dài dòng. Tất cả
thành viên trong các đoàn thể bắt buộc phải tham dự thánh lễ và giờ chầu. Nếu
vắng mặt thì phải báo lý do chính đáng cho đội trưởng và trình lên cha xứ mỗi
tối, ngược lại thì chịu hình phạt: nhẹ thì hai roi điện và nặng thì nằm chuồng
cọp (chuồng cọp của thiếu nhi làm bằng kẽm gai chung quanh và trên mặt đất).

 

Mỗi chiều, thành viên trong đoàn Hùng Tâm Dũng Chí và Thanh niên phải tập
trung về sân nhà thờ để chơi bóng chuyền, đá banh. Bạn nào chậm trễ thì Cha sẽ
đọc tên bằng loa phóng thanh.

 

Buổi tối, đoàn Con Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí sinh hoạt
ngoài trời một giờ, chơi trò chơi và báo cáo tin tức trong một mgày.

 

Con cái Cha đi lễ rất đúng gìơ và không thiếu một ngày nào. Sau chuông lễ 15
phút thì nhà thờ đã chật người. Những anh, chị, em nào đi vào nhà thờ sau lần
chuỗi thứ hai thì phải tự ra qùy giữa lối đi của nhà thờ cho tới lúc lần hạt
xong. Ngược lại, không ai qua mặt được Ngài đâu, sẽ bị 2 cái tát như trời đánh,
tỏa đom đóm và phải qùy ở lối giữa cho tới lúc thánh lễ xong.

 

Còn nhớ mãi, chú Hường (Huy) hầu như ngày nào cũng bị một cái tát bởi vì ngủ
gục trong thánh lễ. Chú Đức (Hiền) vì tội chửi thề và đánh lộn nên Cha hớt tóc
một sọc từ trước ra sau và bắt nằm chuồng cọp trong 3 giờ, nhưng không bao giờ
chừa, tóc chưa kịp mọc thì đã bị hớt lần khác.

 

Sau mỗi thánh lễ, tất cả mọi người trong nhà thờ, từ gìa tớí trẻ, không ngoài
một ai, xếp theo hai hàng đi vào lối giữa cho tớí cuối nhà thờ, bắt đầu từ thiếu
nhi, xồn xồn cho tới ông bà già và lão. Cha Thụy sẽ đứng cuối của lối ra và nhìn
kỹ từng người; nếu áo đứt một nút thì Ngài sẽ bứt hết những cái còn lại; nếu áo
rách một lỗ thì Ngài móc cho rách luôn; anh nào tóc dài thì mời đứng qua một bên
và tông đơ sẽ đi một đường từ trước ra sau rất đẹp, mát; anh nào mặc quần hippy
thì cây kéo của Cha sẽ đi một đường từ dưới lên trên.

 

Kỷ luật thì nghiêm minh nhưng Cha rất thảo, có gì thì phân phát cho con cái,
từ miếng ăn cho tới quần áo. Tuần nào hội Caritas cho bánh mì và sữa thì cuối
tuần con cái được no nê. Quần áo vì không có nhiều nên mấy tháng Cha phân phối
một lần.

 

Chợt nhớ tới câu chuyện này: một lần kia, Cha đang chia quần áo cho các em nhỏ
trước cửa nhà xứ thì bà Doãn (con) đứng trên thềm và nói:

 

– Cha ơi, cho con xin một cái áo.

 

Cha nhìn bà rất đỗi ngạc nhiên,

 

– Chờ Cha một lát, để tôi vào phòng kiếm cái nào vừa bà đã.

 

Thế là Cha đi vào trong và khi trở ra, thay vì cái áo trên tay là một cái thước
gỗ daì (1x 1 x 3) và bà chạy không kịp nên bị hai hèo. Bà vừa khóc vừa kể lể:

 

– Cha không cho mà còn đập con.

 

Vừa lúc đó thì mấy thằng nhanh nhẹn kéo bà xuống dưới cỏ chứ không bị thêm đòn
nữa, vì trước khi Cha phát đồ áo, Cha dặn rằng:

 

– Những ai muốn xin quần áo thì phải đứng dưới thềm và Cha đo vừa ai thì người
đó được, không chen lấn hoặc đứng trên thềm.

 

Chỉ vì bà Doãn tới sau nên không nghe lệnh của Cha. Bị mấy hèo đau thật!

 

Cha Thụy có nhiều luật không tưởng được. Bà con nhớ không, các đoàn thể
(không cá nhân) chỉ được phép vào tết Cha trong ngày29 và 30 mà thôi. Ngày mùng
một, mùng hai và mùng ba thì đóng cửa, không tiếp và cũng không ai được phép tớí
mừng tuổi Cha.

 

Vậy đã xảy ra một lần, thế này. Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều ngày mùng hai tết,
đám chú giúp lễ đang chơi trước sân nhà xứ thì ông Nghĩa (cao), La Nham, lạng
chạng (đã rồi) hai tay 2 chai bia con cọp đi thẳng vào nhà xứ.

 

– Ông Nghĩa đi mô đó?

 

– Tau đi tết Cha Thụy.

 

– Cha cấm đi tết ngày mùng hai mà!

 

– Cha cấm tau cũng đi.

 

Mấy thằng nhóc sao có thể giữ ông lại được. Ông cao và khỏe nữa. Một thằng chạy
vào nói lại với Cha:

 

– Cha ơi, có ông Nghĩa đòi đi tết Cha.

 

Cha suy nghĩ một chốc lát rồi phán:

 

– Mở cửa cho ông ấy vào.

 

Bốn thằng này không hiểu Cha muốn nói gì, vì chưa bao giờ Cha tiếp ai trong ba
ngày tết cả.

 

– Đã bảo mở cửa sao tụi bây còn đứng đây.

 

Vừa mở hé cửa thì ông Nghĩa đã đứng ngay đó và giật cửa ra lớn.

 

– Tau đã nói là Cha tiếp tau mà. Bây là quân nóí láp.

 

Mấy thằng chạy ra khỏi phòng khách và nép sau cửa chờ xem tình hình thế nào.

 

– Sao hôm nay ông có nhã hứng tới tết Cha vậy?

 

– Bựa ni …mùng hai tết, con thương Cha …nên biếu Cha hai …chai bia con…cọp. Ông
sắp xỉn, vừa nói vừa gật gật cái đầu.

 

– Ông muốn nhậu bia với mồi gì không?

 

– Cha cho chi thì con ăn nấy.

 

– Ông chờ để tôi lấy cái này cho ông ăn nhá.

 

Nhìn thấy Cha đi tơí đống cây cưa dở để đóng bàn thờ thì biết ngay Cha sẽ làm
gì, mấy thằng chạy vào nói ông Nghĩa chạy đi nhưng ông cản lại. Thế là Cha mừng
tuổi lại cho ông mấy gậy. Nhờ có ông Yên (bọ) chạy qua để kéo phụ ông Nghĩa ra
khỏi phòng khách chứ không thì ông la lết vì tội “Đi tết Cha”.

 

Tình báo CIA của Cha rải khắp nơi nên bất cứ chuyện gì xảy ra trong xứ Cha
biết hết: từ tổ chức sòng bài ở đâu, ông bà nào chửi nhau, cô cậu ngồi nói
chuyện góc nào, etc…, đều được báo cáo tường tận. Nên thời đó các ông bà gìa ăn
ngủ ngon giấc, khỏi lo lắng con cái sanh tật xấu. Ngay cả anh chị viết thư tình
cho nhau cũng bị cấm vì đã có lần Cha đọc thư ngay trong nhà thờ.

 

Trong xứ, hầu như ai nghe Cha gọi tới tên cũng đều sợ, không biết chuyện gì
đây! Thế mà ông Bác gửi hai đứa cháu cho Cha, Sanh và Bảo, chẳng anh nào ngán
Cha cả.

 

Một ngày kia, ba chú, Sanh, Dũng và Trần ăn cắp nhạn của ông Dung (Quan Lãng) và
bị ông bắt được qủa tang rồi trình lên cha Thụy. Từ 8 giờ sáng ngày sau, ba chú
phải qùy dướI gốc cây nhạn của ông Dung và cùng đọc: “Tôi là kẻ ăn cắp nhạn của
người có nhạn” cho tới 12 giờ trưa. Đám học sinh, trai, gái đi học về ngang qua
đó rất đông, tất cả tụ lại và cườI một trận đã đời.

 

Ngoài xã hội cũng thế, trên có trời, dưới có cha Thụy. Chẳng ngán ông bà nào
cả!

 

Không nhớ rõ năm nào, tổng thống Nguyễn văn Thiệu về thăm Bình Gĩa và cha Đinh
quốc Thụy đã bắt buộc tất cả học sinh tiểu học ở Làng Ba phải tham dự. Tám giờ
sáng, tất cả học sinh tập trung tại trường tiểu học và đi bộ lên sân vận động ở
làng 2 (bên cạnh trường trung học Tấn Đức). Khi tới nơi thì học sinh tiểu học
Làng Một, Làng Hai và trung học Tấn Đức cũng đang tề tựu về nơi đã quy định.

 

Đến 10 giờ thì Cha ra lệnh cho tất cả học sinh xếp hàng theo lối, thấp trước cao
sau, thẳng hàng trước thẳng, vì như thông báo thì ông Thiệu sẽ đi bằng máy bay
trực thăng tớí vào lúc 10:30 sáng. Đồng hồ cứ tích tắc tới 10:30, không thấy máy
bay nào cả, qua 11:00 cũng không. Học sinh vì đứng trong tư thế nghiêm lâu qúa
không chịu được và bắt đầu nhúc nhích, tiếng to tiếng nhỏ, có thằng mắc đái chịu
không nổi đành đánh ngay sân cỏ. Khoảng 11:30, được lệnh Cha Thụy: “học sinh
làng 3 giải tán và đi về nhà”. Ôi chu choa, sướng ơi là sướng, thế là như đàn
ong, quân choa dọt lẹ, chỉ tội học sinh Làng Một và Làng Hai phải ở lại vì Cha
Đông và cha Kiều đâu giám to gan như cha Thụy.

 

Mãi tới gần 12:00 trưa, ông Thiệu mới tới. Số người còn lại rất lưa thưa và dàn
chào gần như đã rã gánh. Một vị tổng thống bị dân Bình Giả hơì hợt tiếp đón như
vậy rất quê độ và khi hỏi ra câu chuyện là do linh mục Đinh quốc Thụy giải tán
học sinh và dân chúng cũng theo đó về nhà luôn.

 

Đàn em của ông Thiệu chất vấn cha Thụy:

 

– Tại sao ông tự ý giải tán học sinh?

 

Cha Thụy ung dung trả lời:

 

– Tổng thống Thiệu thông báo là tới đây vào lúc 10:30 sáng, chứ không phải 12:00
trưa. Hơn nữa các em nhỏ không thể đứng chờ lâu vì đói bụng. Đó không phải là
lỗi của tôi, nên hỏi lại ông Thiệu.

 

Có lẽ vì tính ngạo đời của Cha Thụy nên tôi phục Cha sát đất măc dầu đã bị bao
nhiêu cái tát trong thờì gian giúp lễ . Cũng đâu đó còn vẳng tiếng ngâm thơ nhìn
đời của ông Cao Bá Quát:

 

“Nhà trống ba gian,
“Một thầy, một con , một chó cái,
“Nửa người, nửa ngợm, nửa đườI ươi.”

 

Bốn năm chăm lo đạo cũng như đời cho giáo dân Vinh Trung; ngày trong cảnh
thanh bình, ngày chiến tranh lửa đạn. Muôn người cùng Cha theo lý tưởng, nhưng
cũng có cá nhân phản đối những quyết định và việc làm của Cha. Ngài đã từng
tuyên bố: “Ai muốn thưa kiện Cha lên tòa Giám Mục thì tới gặp Cha và Cha sẽ
đánh máy tờ đơn giùm cho”. Ai giám xin kẻ thù tha cho ông chủ tịch hội đồng giáo
xứ và xử tội tôi thay thế, năm 1964. Cũng chỉ vì sống chết và bảo vệ con chiên,
Ngài phải trả một gía rất đắt sau này. Ai đã đứng lên nói một tiếng công đạo cho
Người hay vội vàng: “Tôi không biết Người là ai!”

 

Ngài đã ra đi và không bao giờ ra lệnh, xử phạt ai nữa cả. Khuôn mặt biểu
hiện sự cứng rắn, đôi mắt không che đậy sự thần thông và quảng đại, bước đi
nhanh nhẹn để bảo vệ kịp thời cho đàn chiên. Nay Ngài đang hiển trị trên nước
trời và lắm lúc nhìn xuống đàn con giáo dân Vinh Trung đang tản mác khắp nơi,
xin Ngài phù hộ cho chúng con luôn đoàn kết, yêu thương nhau và nhất là biết giữ
đạo cho phải như chính Ngài đã dạy bao lần trên bục giảng.

 

Một thời để nhớ,
Một thời để thương,
Về Linh mục Phanxicô Xaviê Đinh Quốc Thụy

 

Đặng viết Tính

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời