Lịch sử Bình Giả

Tôn vinh – Nguyễn Đức Hiến

Nhân dịp Đức Giám Mục Nguyễn Văn Trâm tiên khởi Địa phận Bà Rịa, chủ sự đại lễ làm phép chuông và thánh hiến bàn thờ Vinh Châu vĩnh viễn trong đặt mẫu hài cốt của vị Hiển Thánh 1888 Lm Phêrô Vũ Đăng Khoa, tâm can tôi bồi hồi xúc động và đã trở về với quá khứ thời niên thiếu. Địa phận Vinh ta đã có hai vị Chân Phước Tử Đạo: Lm Phêrô Vũ Đăng Khoa và thầy giảng Phêrô Tự; đặc biệt địa danh Thuận Nghĩa, nơi Chân Phước Tự đã tử đạo vì lòng trung nghĩa. Là con cháu của địa phận Vinh nói chung, Bình Giả Vinh Châu nói riêng, đức tin của chúng ta còn được nung nấu thêm cùng với ba vị Hiển Thánh khác: Giám Mục Hemor Silla Liêm, Anê Lê Thị Thành và Mathêô Lê văn Gẫm.

Ôn lại quá khứ gần bảy thập niên thực sự không dễ dàng cho một người đã lớn tuổi và trải qua nhiều chặng đường như tôi. Tuy nhiên với tấm lòng tha thiết yêu mến hai vị thánh, nhân ngày 15/3/2007 kính Thánh Giuse bổn mạng quan thầy giáo xứ Vinh Châu, tôi ao ước được xưng danh hai Ngài. Chính ngày này, Vinh Châu được vĩnh viễn mang dấu ấn hài cốt và tên của ngài linh mục hiển thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, để thế hệ kế tiếp luôn luôn nhớ đến ngài cầu bầu vạn phúc, bình yên cho xứ sở. Nếu có thiếu sót điều gì xin bà con thông cảm cho.

Ngược dòng thời gian, vào đầu thập niên 40, một vị linh mục thừa sai người Pháp Francis, tên Việt Nam là cố Khanh, được bổ nhiệm quản hạt Thuận Nghĩa. Người là sáng lập viên một trung tâm văn hóa rất lớn lao, cách thành phố Vinh 60 km, diện tích trên 10 mẫu tây gồm có học đường, ký túc xá, các soeur, khu thể dục giải trí, khu giáo lý, ca hát; tọa lạc tại vùng Thuận Nghĩa do các nhà giàu như ông cửu Bân, cửu Lạng cúng hiến; nằm kế cận thị trấn Cầu Giát là nơi buôn bán rất sầm uất; hầu hết các chủ nhân ở vùng này là người Thanh Hóa. Cùng thời có trường Thi (công lập ở Vinh), trường Chính Hóa và Thiên Khải Đường.

Tên Thánh của trung tâm văn hóa cũng là tên ngôi trường nổi tiếng giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An: Trường Trung Tiểu Học Phêrô Vũ Đăng Khoa. Vào thời đó, rất hiếm người được may mắn vào học trường này vì hầu hết dân quê khó nghèo không có tiền, hằng ngày chạy ăn ba bữa cơm khoai, rau cháo là đã khá lắm rồi. Trong mỗi xứ giỏi lắm những người có của ăn của để đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể nhất tại xứ Cầm Trường, xứ mẹ lớn lao thế mà chỉ có ba thằng nhóc tuổi mẫu giáo: Xuân, Ân (cháu cha Đông) và Hiến (có ông cậu đang học lý đoán ở Xã Đoài), may mắn được gởi vào ăn học tại ký túc xá do các soeur rèn luyện, đứng đầu là soeur Thiên Ân; vì “mộng” của cha mẹ là cho con làm linh mục sau này!

Học xong tiểu học chúng tôi được vào Trường Tập Xuân Phong, sau đó vào trường La Tinh rồi Lý Đoán. Nhờ soeu Ái Tuất và các nhạc sĩ Trúc Thủy Hùng mà ba nhóc chúng tôi khá nhạc lý và biết cả chữ La Tinh. Sau đó chúng tôi vào Trường Tập thêm hai năm với chương trình cuối Écoles Primaire và một năm đầu dự bị La Tinh. Trừ Đoàn Khắc Ân, còn tôi và Xuân cảm thấy chịu không nổi nội quy của nhà trường. Chúng tôi vi phạm kỷ luật chuyên môn vì bản tính tuổi trẻ ham chơi, học tốt nhưng nết na đức hạnh thì được xếp vào loại “đèn đỏ”. Hai chúng tôi và sau đó thêm cả Ân đều được trả lại Vũ Đăng Khoa học tiếp trung học cho tới các lớp Đệ Nhị Cấp.

Thế rồi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, trường bị đóng cửa. Chúng tôi ngậm ngùi từ giã cha Hiệu Trưởng Việt Nam đầu tiên là cha Ngoạn. Các cha, các soeur, các giáo sư như cha Thái Quang Nhàn, cha Đình Hòe, cha Hán, cha Khai và các thầy Xuân, Lộc, Hòe, Bổn. Nhạc sĩ Trúc Thủy Hùng trong nhạc đoàn Lê Bào Tịnh cũng là giáo sư thanh nhạc của trường. Người nhạc sĩ này sáng tác rất nhiều bản thánh ca trong Ca Vịnh Hợp Tuyển, nổi bật nhất là hai bản: Cha Khát (tuần thánh) và bản Trần Hoàn Lưu Ly (Đức Mẹ). Nhạc sĩ trốn ra Hà Nội lúc còn Pháp thuộc và bị tai nạn chết trước khi được di cư vào Nam.

Trung tâm văn hóa Vũ Đăng Khoa sau đó trở thành khu dân cư đông đúc, nhà trường đã bị đập phá. Dấu tích ngày nay chỉ còn lại một cây Điệp già và hai cây Phi Lao kế cổng trường ngày xưa đã xơ xác cằn cỗi.

Nếu đi tham quan nhà thờ Thuận Nghĩa sẽ thấy lăng mộ của chân phước Phêrô Tự ngày nay đã được trùng tu. Khách thập phương đến viếng và nhờ ngài cầu bầu cho những mong ước của mình được Chúa chấp nhận.

Năm 1954-1955, giáo dân Vinh di cư vào Nam rất đông. Bình Giả là một trại lớn trong số nhiều trại nhưng giáo dân cũng gánh chịu nhiều đau khổ và chết chóc nhất so với các trại khác.

Mới vào miền Nam, lớp thanh niên hoàn toàn thất nghiệp, không có giấy tờ chứng minh trình độ học vấn để xin việc làm. Để giải quyết cái “bí” thất nghiệp này, cha Nguyễn Viết Khai (thực sự không phải là Hiệu Trưởng trường Vũ Đăng Khoa) đã nảy ra ý kiến độc đáo là đứng tên Hiệu Trưởng làm giấy chứng nhận học lực cấp cho thanh niên muốn xin vào làm cán bộ Công Dân Vụ hay Dân Vệ Đoàn. Cha Khai là người rất có uy tín và là tuyên úy cho gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Từ ông Đặc Ủy Kiều Công Cung hay ông Quách Tòng Đức đến các Bộ Trưởng, một khi nghe tên “cha Khai” đều nể phục và giải quyết đơn từ mau lẹ, không ai bị từ chối. Nhờ thế mà thanh niên Địa phận Vinh được vào làm trong các ngành hàng loạt.

Phần hai của giai đoạn di cư quan trọng không kém đó là giải quyết nơi chốn học tập cho các thầy La tinh và Lý đoán. Cha Cao Văn Luận và cha đại diện Trương Cao Khẩn lại chạy đến Tổng Thống cậy nhờ và đã được như ý. Một cơ sở ở Thủ Đức mà Tổng Thống Diệm đã cho để thành lập chủng viện di cư địa phận Vinh mang tên Chân Phước Phêrô Tự, tiếp tục chương trình đào tạo các linh mục. Cho tới khi có quyết định của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam tất cả các chủng viện di cư đều được địa phương hóa và thống nhất điều hành.

Tại chủng viện Phêrô Tự, các thầy thuộc địa phận Vinh khá đông. Vào những dịp nghỉ hè, các thầy thường kéo nhau về Bình Giả hay Ban Mê Thuột. Đa số các thầy sau này đều trở thành linh mục, trong đó có Đức Cha Nguyễn Thanh Hoan, các cha Lê Xuân Hoa (Xuân Ly Băng), cha Hoàng, Bình, Tài, Uyển, Thi, Tâm, Oánh, Diện v.v…

Bài này được viết theo ký ức, tất nhiên không thể xem là sử liệu nhưng là những sự kiện cụ thể xảy ra theo thời cuộc xoay vần. Một đóng góp rất nhỏ nhoi để vinh danh hai vị thánh đã đổ máu đào làm chứng đức tin, gương sáng minh viễn cho con cháu Vinh từ đời này cho tới đời kia; cho cánh đồng truyền giáo nở rộ trên quê hương xứ sở nghèo khó nhưng sản sinh ra bao đấng anh hùng. Ân huệ, phước lộc tiền nhân Các Thánh Tử Đạo là dấu ấn tình yêu Thiên Chúa ban tặng. Con cái các thế hệ kế tiếp hãy muôn đời ghi nhớ!!!

Hồi ức của Thầy Nguyễn Đức Hiến: cựu học sinh Vũ Đăng Khoa

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời