Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

BenKiaTroiQuenLang UyenPhuong

Ben Kia Troi Quen Lang

Bên Kia Trời Quên
Lãng

Uyên Phương

Hoài An! Đi đâu về vậy? Trông xanh xao lắm. Chắc Hoài lại trở cơn bệnh rồi,
hãy uống thuốc thường xuyên theo lời bác sĩ căn dặn đi cưng!

Hoài khổ sở nhất là mỗi khi chú Phong lưu tâm và chăm sóc như vậy. Chú đâu
biết được trong Hoài vẫn có một nỗi day dứt mà không nói ra được. Đôi mắt Hoài
long lanh buồn nhìn chú Phong nửa hờn dỗi nửa âm thầm trách móc. Ngày đó Hoài
nghe cha kể chú Phong mồ côi từ thuở nhỏ. Ở với gia đình Hoài, được cha rất
thương yêu và xem chú như em ruột của mình, và chú đã phụ giúp cha bao nhiêu
công việc khó khăn trong gia đình, ngay cả những việc lặt vặt không tên cũng đến
tay chú, Hoài cần đi bác sĩ, cũng chú, chị Hương cần đi chợ, cũng chú chở đi.
Ngày tháng dần qua, những sự kiện hằng ngày trong đời sống có liên hệ, có va
chạm, có chia sẻ khiến tình cảm trong Hoài đã bắt đầu nhen nhúm và rồi dần lớn
lên theo cảm nghĩ rung động của Hoài, khiến Hoài xúc động mỗi khi chú Phong ân
cần hỏi đến, hoặc chăm sóc Hoài như một đứa bé.

Hoài An không trả lời, lặng lẽ đi vào nhà trong, bước nhanh vào phòng, kéo
vội cái màn che giữa hai phòng của Hoài và phòng chị Hương. Ngồi yên lặng một
mình. Hoài nghĩ đến lọ thuốc mà bao nhiêu lần Hoài định trút hết vào miệng. Nghĩ
đến điều đó Hoài mường tượng đến sự an bình thanh thản ở một nơi nào đó khi Hoài
nghỉ yên sẽ hết lo âu và buồn phiền, sợ hãi. Nhưng, bỗng đâu Hoài lại nghĩ đến
chú Phong. Nếu Hoài vĩnh viễn không còn trên đời này nữa, chắc chú Phong sẽ cô
đơn lắm, sẽ buồn lắm… Nhưng Hoài không muốn tiếp tục sống những ngày âu lo,
những đêm thao thức, ngại ngần và sợ hãi những bất trắc đầy đe dọa do cơn bệnh
trở chứng có thể chợt xảy đến. Vì vậy, Hoài cảm thấy cuộc sống đối với Hoài lúc
này nếu như không có chú Phong thì rất vô vị và trống rỗng làm sao.

Hoài không hiểu vì đâu chú Phong đã ngoài bốn mươi mà chưa cưới vợ. Chú có
phong độ lắm kia mà, hơn nữa chú lại là người rất hiểu đời, từng trải, rất được
nhiều người ưa mến. Cha Hoài thúc giục, mai mối cho chú cô Liễu, người con gái
xinh đẹp, nết na trong làng nhưng chú vẫn không tỏ thái độ, chú vẫn dửng dưng
bình thản. Có lúc Hoài hỏi chú: “Sao chú không cưới cô Liễu, cô Liễu đẹp, vừa
hiền lại có tiếng con nhà nết na?” Chú chỉ cười nhạt với Hoài và nói một cách
thật bâng quơ: “Đâu phải cứ mình muốn là được đâu.”

Chị Hương còn hai tháng nữa là lên xe hoa, trông chị đẹp hẳn ra. Nhất là đôi
mắt. Hoài và chị Hương đều có đôi mắt giống mẹ. Đôi mắt tròn, ướt và buồn. Vóc
dáng cao, dễ nhìn. Chị Hương lăng xăng chạy lo những công việc chuẩn bị cho tiệc
trà ngày cưới của chị. Hoài nghĩ miên man đến niềm hạnh phúc của chị. Chị Hương
thật có phước. Anh Hảo, chồng sắp cưới của chị, hiền lành, phong độ, và bản
lãnh. Anh rất ít nói. Hoài cũng rất thích người đàn ông ít nói, khuôn mặt trầm
lạng nhưng bên trong thì lại ẩn dấu một tình cảm sâu sắc.

Mặc dầu Hoài đã uống thuốc đều theo toa. Nhưng hôm nay Hoài thấy trong người
vẫn không được khỏe. Mẹ Hoài sáng đã phải đi buôn bán ở chợ. Cha Hoài bận rộn
công việc vặt cho tơm tất để chuẩn bị ngày cưới cho chi Hương. Nhìn chị Hương
tay liền tay, tới tấp công việc nhưng vẫn thấy được trong chị một niềm hạnh phúc
thênh thang đang chờ đón. Bỗng Hoài thấy cái gì đó nhoi nhói trong tim. Nỗi buồn
hay niềm vui đang xâm chiếm lòng Hoài. Hoài mệt mỏi chẳng giúp gì được cho chị.
Hoài bước ra cửa, bâng khuâng nhìn trời. Phía cuối trời những đám mây trắng lãng
đãng trôi, báo hiệu một ngày nắng gắt. Dưới mái hiên nơi đầu nhà, chú Phong ngồi
lặng lẽ, khuôn mặt trầm tư. Hoài nhẹ nhàng bước tới bên chú. Hoài không biết chú
đang nghĩ điều gì mà sao trông chú ưu tư. Điếu thuốc chú hút đã tàn gần tới ngón
tay mà hình như chú không mấy quan tâm. Lúc đó, chú Phong quay đầu lại. Vẫn nụ
cười nửa vời, mái tóc hất một bên bồng bềnh, chú không nói lời nào, vất vội điếu
thuốc vừa cháy rụi tới ngón tay.

“Chú Phong!”, Hoài nhìn bâng quơ vào khoảng trống của không gian, cười buồn:
“Chị Hương sắp lấy chồng.” Nói rồi, đôi mắt Hoài nhắm lại, và bỗng nhiên một
giọt nước mắt chảy dài trên má Hoài khiến chú Phong bối rối. “Hoài An!”, Phong
nho nhỏ gọi tên nàng, rồi bỗng dưng im bặt.. …

Chỉ có duy nhất Phong gọi nàng bằng tên Hoài An, cái tên cảm được thân thiết
qua giọng trìu mến của người gọi và người được gọi cảm nhận được tình thương yêu
dành cho mình. Bởi vậy, Hoài cảm thấy một sự gần gũi nào đó giữa Hoài và chú
Phong. Phong lặng lẽ châm một điếu thuốc khác, nhìn theo bóng Hoài đi trở vào.
Còn lại một mình lẻ loi, trong lòng Phong bỗng như có một nỗi cô độc trở về từ
đâu đó xa lắm, thật xa mà Phong chưa rõ để có thể hình dung ra được. Phong bất
chợt thấy hình bóng yếu đuối và buồn thương của cô bé tên Hoài nhạt nhòa trước
mắt mình.

Đêm nay trời im gió, không khí oi bức. Cha Hoài đi thăm ông bác bị đau từ
chiều hôm qua. Mẹ Hoài ngủ sớm để mai còn phải thức dậy lúc tinh mơ, đáp chuyến
xe đầu tiên. Chị Hương đang tính sổ xem sẽ mời những ai. Hoài cũng cảm thấy vui
lây với chị. Đến ngồi cạnh chị Hương. Hoài hỏi:

– Chắc chị mời đông bạn lắm?

Chị Hương nói:

– Chị mời gần hai trăm người, trong đó có Hiếu nữa.

Hương nói rồi lén nhìn Hoài để có ý dò phản ứng của Hoài, nhưng thấy Hoài có
vẻ tảng lờ về câu nói của mình, Hương nói tiếp:

– Chị thấy Hiếu thương quý em lắm! Em lớn rồi, em cũng phải lấy chồng cho cha
mẹ an tâm chứ.

– Em biết, nhưng thôi lo cho chị lấy chồng là cha mẹ cũng mệt lắm rồi, em thì
cứ từ từ đã có sao đâu.

Nói xong Hoài bâng khuâng cười. Và, bỗng nhiên Hoài nghĩ đến chú Phong.

Còn vài ngày nữa là chị Hương khoác áo cưới theo chồng. Mọi việc chị lo rất
tươm tất. Mẹ chuẩn bị và may những bộ đồ thật sang, trông mẹ vui và đẹp, trẻ hẳn
ra. Hoài nghe nói hồi nhỏ mẹ là hoa khôi trong vùng. Cha đeo đuổi cực khổ lắm
mới cưới được mẹ. Hoài không may áo mới, Hoài thích mặc bộ đồ màu hồng nhạt mà
chú Phong mua tặng ngày Hoài mừng sinh nhật mười sáu tuổi. Đã mấy năm rồi mà nay
chiếc áo vẫn còn vừa vặn.

Chị Hương đẹp quá! Hoài nhí nha nhí nhảnh ngắm chị một lúc, Hoài nói:

– Em chưa thấy một cô dâu nào đẹp như chị, mà có lẽ theo em, chị là người đẹp
nhất trên đời.

Nói rồi hai chị em cười ròn rã. Lần đầu tiên chú Phong thấy Hoài cười. Hoài
cười tươi như chưa bao giờ cười. Vui như chưa bao giờ vui. Ngày hôm nay cả nhà
ai cũng bận tiếp khách, Hoài phụ chị Hương tiếp bạn của chị.

– Chào Hoài! Trông Hoài đẹp lắm.

– Cảm ơn anh, không dám đâu.

Hoài không biết phải nói gì thêm với Hiếu, có lẽ chị Hương đã nói với Hiếu về
Hoài. Hiếu lại tiếp:

– Trông Hoài không khác gì cô dâu.

Nghe Hiếu khen Hoài mỉm cười rồi nhìn Hiếu. Hoài nói:

– Đàn ông các anh thật giỏi nịnh.

Hoài vừa ngừng tiếng thì đầu kia góc nhà tiếng trầm ấm của chú Phong nói tiếp
lời Hiếu:

– Mai kia Hoài sẽ là người đẹp nhất đời nối tiếp chị Hương!

Hoài đứng lặng người không nói lời nào, chỉ bỉm môi để cắn chặt cho thấm cái
nỗi chua xót hay một chút hy vọng của hạnh phúc mà Hoài đang ơm nụ trong tim
mình. Hoài khẽ gật đầu cáo lỗi Hiếu để tiếp những người bạn khác. Bất cứ một
người khách nào mà Hoài tiếp vào cũng không khỏi gửi Hoài một lời khen.

Rồi đây chị Hương sẽ có cuộc sống riêng. Hoài rất mừng cho chị. Hoài cảm thấy
không gì hạnh phúc bằng mình lấy được người mình yêu. Hoài thấy hôm nay chị vừa
vui, lại vừa đẹp. Chú rể trông oai ra phết. Hoài thấy chú Phong hôm nay cũng
lịch sự, sang trọng trong bộ đồ vét màu nâu. Khuôn mặt chú nghiêm, phong trần.
Bộ đồ chú mặc làm dáng vẻ chú đầy nét tây phương. Sau buổi tiệc, mọi người đã
về, nhưng chú Phong vẫn còn thu xếp bàn ghế với vài người bạn của chị Hương.
Hoài thật vụng về không biết phải làm gì để che dấu những niềm riêng đang dấu
kín của mình khi chú Phong nói một câu bất chợt:

– Hoài! Khi nào đến phiên Hoài thì chú Phong sẽ phụ giúp hết mình.

Hoài đỏ mặt, nhìn chú Phong một thoáng nhẹ rồi đi vào nhà. Câu nói của chú
Phong đem tới cho Hoài một niềm vui đột ngột nhưng rất nhẹ nhàng.

***

Hoài đang lau lại mấy bình hoa trong chậu kiếng. Tiếng nhạc đâu đó đang vang
dội lại một bản tình ca thật buồn: “Có những niềm riêng một đời dấu kín…”
Không dấu nổi những giọt nước mắt đang chực trào, Hoài đưa tay thấm nhẹ những
giọt nước mắt cô quạnh của đời mình. Nghĩ đến cuộc sống, nghĩ đến thân phận.
Hoài xót xa cho chính mình đã không may mắc phải bệnh tim, tuy chớm nhẹ, nhưng
đó cũng là một trở ngại cho những mơ ước của Hoài, những mơ ước mà bao nhiêu
người con gái có quyền mơ ước, đó là tình yêu thương.

Bác sĩ khuyên Hoài là phải tự mình chữa bệnh cho mình bằng cách không suy
nghĩ, không lo lắng, uống thuốc theo toa thì sẽ có thể dứt được. Nhưng bao nhiêu
lo ngại, bao nhiêu suy tư hình như cứ đến với Hoài, dằn vặt Hoài thì làm sao
tránh được sự xúc cảm mạnh. Và nhất là lúc này, những nỗi lo sợ không đâu lại
đến và đến nhanh như cơn lốc của mùa mưa đến muộn. Hoài ngồi xuống ôm mặt khóc.
Căn phòng trở nên tĩnh lặng. Bầu không khí vụt trở nên nặng nề. Bất giác, cảm
giác của một bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc óng mượt của Hoài, làm toàn thân Hoài
run rẩy. Bàn tay ấm áp, âu yếm như muốn gửi tất cả yêu thương, che chở.

– Hoài! Tại sao Hoài khóc, nhớ chị Hương phải không?

Hoài ngồi yên bất động!

Chú Phong quàng qua ôm nhẹ lấy bờ vai gầy yếu của Hoài. Hoài run rẩy, phập
phồng. Một hơi thở nhẹ trên mái tóc Hoài. Dường như một nụ hôn vừa mới đặt lên
mái tóc Hoài. Một lời nói nhỏ thoảng như hơi gió:

– Hoài An!

Đôi mắt Phong bỗng mờ đi theo tiếng gọi của mình. Phong chợt nghĩ đến cử chỉ
âu yếm vừa thoáng qua, buông tay khỏi Hoài, vội hỏi:

– Có giận chú không?

Hoài cúi xuống im lặng. Hoài sung sướng cảm niềm rung động mới đây còn vang
âm xao xuyến. Nhưng Hoài lại ngần ngại. Một chút tâm ý, gợn nhẹ trong Hoài, tựa
như một mặc cảm. Bởi vì từ bao lâu nay, chú Phong là người dạy dỗ hai chị em
Hoài như một người chú, em của cha, Hoài không biết rồi sẽ ra sao nếu cha mẹ
biết chuyện này. Bỗng dưng, Hoài nhìn chú Phong bằng ánh mắt trìu mến và chan
chứa thương yêu, Hoài lắc đầu, lùi bước. Và, những giọt nước mắt đọng ở bờ mi,
đã nhỏ giọt …

***

Sau đêm đó Hoài tránh ít gặp chú Phong. Nhưng trong tim, Hoài cố nén một niềm
đau, một nỗi chua xót thấm ngầm và thấm dần đến tận xương tủy. Hoài lo sợ sẽ
không kiềm chế được con tim yếu đuối khi đôi mắt trầm tư của chú Phong nhìn Hoài
đắm đuối. Những mặc cảm vu vơ để Hoài có lúc đã nghĩ rằng mình vừa mới phạm lỗi.
Nhưng trong tận sâu trái tim Hoài, hình ảnh chú Phong đã trở thành một hình ảnh
thân thương và Hoài tin chắc ngay với chính Hoài rằng, tình cảm và cả con người
chú Phong là một biểu hiện chân thật. Đôi mắt chú Phong lại chập chờn trước mặt,
không tài nào Hoài ngủ được. Hoài rời giường, ra ngồi trước cửa nhìn trời đêm
đầy sao, nhìn thấu vào màn đêm. Hoài nghe mình thật sự cô đơn. Trong căn phòng
nhỏ bé này, cách nơi Hoài đang ngồi không xa là cái giường của chú, không có một
bóng đèn. Trong bóng tối Hoài không thấy được để biết chú còn thức hay ngủ. Hoài
nhắm mắt lại nghĩ đến nụ hôn nhẹ nhàng đầu tiên chú Phong đặt trên mái tóc đêm
nào…như một niềm hạnh phúc đang dần đến.

Không biết Hoài ngồi đây đã bao lâu, toàn thân Hoài cảm thấy giá lạnh. Vừa
lúc Hoài đứng lên thì thấy đốm lửa nhỏ lóe lên của điếu thuốc. Hoài bồi hồi,
biết chú vẫn chưa ngủ. Hoài lặng người, những cảm giác chú đưa đến cho Hoài vẫn
còn âm hưởng ở đâu đây. Thật sự Hoài rất mến thương chú, không biết tình cảm này
xuất phát từ đâu và lúc nào.

– Hoài! Sao chưa ngủ, khuya lắm rồi biết không? Giọng chú Phong nói nửa trang
nghiêm nửa âu yếm.

– Dạ biết.

Trả lời chú một cách bâng quơ rồi Hoài đứng như một pho tượng. Đôi chân Hoài
như bị chôn cứng không có cảm giác. Bất chợt Hoài bước tới gần giường chú, chú
Phong đang vừa nằm một tay để xuôi dưới gáy, một tay cầm điếu thuốc. Hoài đứng
khựng lại một giây. Chú ngồi bật dậy, cố ý nhích qua cho Hoài ngồi xuống. Hoài
len nhẹ ngồi và đưa tay nắm lấy tay chú. Hoài bóp nhẹ bàn tay chú, bao nhiêu câu
nói trong đầu Hoài muốn ngỏ, nhưng có một điều gì, như nỗi xúc động đã chặn
nghẹn ở cổ Hoài, Hoài từ từ ngước nhìn chú Phong. Trong bóng đêm, Hoài vẫn cảm
nhận được trong ánh mắt của chú Phong là cả một đốm lửa sáng chói đang dẫn đường
cho Hoài đi tới. Đó có phải là con đường sẽ mang tới cho Hoài những niềm hạnh
phúc sau này hay cả một đời Hoài sẽ mất lạc chú Phong. Phong ôm nhẹ Hoài vào
lòng. Bóng đêm êm đềm trùm xuống trên hai mái đầu. Thật lâu chú Phong đưa tay
vuốt nhẹ lên đôi má gầy yếu của Hoài. Chú Phong đã hiểu hơn ai hết, Hoài đang
khóc và nỗi niềm riêng đang được tỏ bày…

Trong quá vãng của chú Phong, chú là người từng trải. Và, đây là một tình cảm
đầy éo le, không hứa hẹn, không hy vọng, nên từ đầu chú Phong đã đọc được hết
những thầm kín của Hoài, và chú đã hiểu rằng, sẽ có ngày này, nhất định sẽ có
ngày này. Chú đã cố tránh để không giết tình cảm của Hoài. Không phụ lòng ba mẹ
của Hoài. Nhưng con tim đã thắng lý trí. Và bây giờ thì chú Phong không còn đủ
can đảm để tránh xa Hoài. Bởi chú Phong biết, nếu lánh xa Hoài thì chẳng khác
nào cướp đi sự sống của Hoài. Định mệnh đã an bài. Có ai trên đời này không chấp
nhận.

***

Sau lần đó Hoài không còn tránh chú Phong nữa. Hai người đã âm thầm trao nhau
những cảm xúc thật sự của tình yêu. Tình cảm mỗi ngày một sâu nặng. Hoài thật sự
có tình yêu thì cuộc sống khả quan hơn, cơn bệnh không hành hạ Hoài trong những
cơn đau quằn quại mà Hoài đã từng âm thầm chịu đựng trước đây. Hoài yêu đời hơn,
Hoài khỏe và hồng hào da thịt. Nhưng cơn bệnh của Hoài đòi hỏi Hoài không suy
nghĩ, tránh những cảm xúc mạnh. Nhưng làm sao để Hoài không lo âu mỗi ngày nếu
một mai kia Phong sẽ xa Hoài…! Hoài biết vậy, nhưng khi mà tình yêu thương của
chính mình dành giữ đã trao trọn cho chú Phong, và ngược lại tình tha thiết của
một đời người chú Phong đã ký thác vào Hoài, cho Hoài những vui mừng, những mong
chờ, những hồi hộp, những rộn ràng hạnh phúc. Tất cả đã luôn tạo thành những xúc
động khiến bệnh Hoài gia tăng. Hơn nữa, niềm hạnh phúc yêu thương vừa chớm nở,
bao phiền muộn đã vội theo nhau khi cha mẹ Hoài biết chuyện của Hoài và Phong.
Mẹ Hoài vì thương con, nên có chút cảm thông. Nhưng cha còn những suy nghĩ khe
khắt, mặc dù chú Phong không phải là người ruột thịt, nhưng vì từ lâu mối liên
hệ thân thiết với gia đình Hoài đã khiến cha của Hoài quan niệm như một người
chú ruột. Cũng bởi quan điểm đó đã khiến ông khăng khăng không chấp nhận chuyện
tình của hai người. Đối với Hoài, ông khắt khe và tìm cách ngăn chặn. Vì vậy,
Phong phải rời nhà Hoài ra đi. Cả mấy tháng Hoài mới được gặp lại Phong
mỗi khi Phong về thăm gia đình Hoài. Chẳng có nỗi đau nào bằng mỗi lúc Phong trở
về thăm gia đình và chứng kiến sức khỏe của Hoài yếu đi nhiều. Có lần Hoài khóc
và nói với Phong: “Hãy đưa em đi một nơi thật xa, để em được ở bên anh và không
còn phải lo sợ mất anh.” Phong không thực hiện ngay được, bởi tình cảm của gia
đình Hoài đối với Phong bấy lâu đã tạo nên những khó khăn và những trở ngại thực
tế.

Phong đã không thực hiện được ước mơ tuy nhỏ nhoi của Hoài. Cho đến một buổi
sớm kia khi Phong tới thăm Hoài, Phong chết trân khi nhìn Hoài từ từ lìa đời sau
cơn đau quằn quại. Trước khi xa lìa Phong, Hoài nhìn Phong âu yếm một lần cuối
và không tỏ một vẻ gì oán trách. Có lẽ vì không một lời oán trách, nên giờ đây
Phong không một giây phút nào an lành trong tâm hồn.

Hoài chỉ có một ước mơ duy nhất là được sống bên Phong. Ước mơ đơn giản có
thế mà Phong không thực hiện được. Phong đã yêu thầm Hoài từ lúc Hoài còn là cô
bé thơ, những nét hiền dịu, sự sớm hiểu trong cách cư sử. Và nhất là từ lúc biết
Hoài mang phải chứng bịnh tim. Phong lại càng thương yêu Hoài hơn. Tình yêu này
Phong đã ôm ấp và giữ kín, bởi thế mà mãi sau này Phong không hề nghe lòng rung
động trước một người con gái nào.

***

Chiều nay Phong về thăm lại căn nhà nhỏ, nơi có Hoài của những đêm Phong ôm
trọn trong vòng tay, nơi có Hoài của những đêm Hoài tha thiết van xin Phong đưa
Hoài ra đi nơi xa xôi nào đó có an bình cho cả hai người. Giờ chỉ còn một mình
Phong ngồi đây với điếu thuốc tàn rụi. Bây giờ Hoài đã về thế giới bên kia của
Hoài, một thế giới vô cùng nào đó mà Phong không thể mường tượng ra được. Nhưng
có điều Phong tin chắc rằng hình ảnh Phong vẫn như một dấu ấn trong linh hồn
Hoài.

Phong ngồi xuống bên khung cửa sổ. Ngoài kia, cảnh trí đìu hiu, thấp thoáng
bóng dáng Hoài, một cô gái lớn lên trong bao lo âu, phiền muộn của cơn bệnh, đã
không thể gượng nổi, lại thêm một trăn trở của mối tình đầu đời. Hình ảnh yếu ớt
của Hoài lần cuối cùng Phong gặp, vẫn chập chờn đây đó. Phong sẽ mang theo mãi
mãi hình ảnh yêu thương đó của Hoài. Buổi chiều nay như bao buổi chiều đã qua,
Hoài sẽ không bao giờ trở lại nữa. Phong cảm thấy cô đơn, tâm tư lạnh giá với
nỗi nhớ nhung mãi quấn quyện canh cánh bên lòng. Mắt Phong cay xè, vì khói thuốc
hay Phong đã khóc…

Phong buồn bã đưa mắt nhìn ra xa. Buổi chiều muộn màng mang tất cả u buồn tỏa
đầy trong không gian. Phía xa, hàng cây đứng im bóng như muốn tôn trọng nỗi xót
xa tê tái đang tuôn trào trong tâm hồn người đàn ông, ngồi đơn côi giữa một
không gian mà sự vật chung quanh đối với người đó như đã đổ vỡ, như đã tàn tạ…

Uyên-Phương

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời