Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

BuoiChieuQue BoDaXanh

Buổi Chiều Quê

Bờ Đá Xanh

Ngày nào cũng vậy, cứ vào lúc mây chiều ngả sang màu đỏ thẫm, mặt trời sắp lặn dưới mấy ngọn đồi xa xa, anh Lũy dọn dẹp hết mọi thứ vào cái giỏ cũ kỹ, vác cái cuốc lên, anh chuẩn bị dẫn con bò về nhà.

Công việc nhà nông hầu như chẳng bao giờ có thể nói là xong xuôi cả, lúc nào cũng có việc để làm, ngày này qua ngày khác, đầu tắt mặt tối từ buổi sáng lúc mặt trời vừa ló dạng. Nhìn qua đám rãy kế bên, anh Tiếng còn đang bừa nốt đám cỏ hai vợ chồng vừa cuốc xong trong buổi chiều:

-Về chưa Tiếng? Anh Lũy kêu to.

-Chờ mình chút, sắp xong rồi!

Anh Lũy để con bò đứng kế bên hàng rào, cẩn thận cột sợi dây vào cái cọc gỗ, đặt cuốc xuống rồi  bước vào khoảnh rãy anh Tiếng.

-Chắc mai mốt là trỉa đậu được rồi, phải không chị Tiếng?

Chị Tiếng cũng đang dọn dẹp đồ đạc vào giỏ xách trả lời:

-Dạ, nhà em cũng tính cuối tuần này là trỉa hết đám này luôn, đám kia tuần tới. Còn anh Lũy bên đó sao?

-Mình tính qua tuần trỉa một đợt hết luôn, sau này hái đậu cũng mướn người một đợt luôn cho tiện.

-Cũng hay đó! Nhưng đừng để qua tháng, trễ quá đậu có khi mắc sương muối kém lắm!

-Ừ! Cũng lo vậy, nhưng nhà đơn người, nếu trỉa lai rai sau này khó mướn người quá. Mình mướn một đợt hái hết luôn, chứ tuần này một đợt, tuần sau một đợt thợ họ hứa làm cho người khác mình chịu thua, lỡ mắc mưa coi như đậu “mốc”!

Anh Tiếng đã tháo con bò ra, lấy mớ vỏ bắp cho bò ăn rồi ngồi xuống rít một hơi thuốc lào, vừa nhả khói vừa nói:

-Ngồi nghỉ chút đã anh Lũy, lát về luôn, có chè chát đây, làm một ly về ăn cơm tối cho ngon!

-Thôi! Bây giờ mà uống vào là về hết ăn cơm thì có, xót ruột cồn cào mà lại không thấy đói nữa, báo hại bà xã lại cằn nhằn!

Chị Tiếng cười:

-Chị Lũy cũng sướng thiệt! Cứ năm một thế là ở nhà hoài lo cơm nước cho chồng! Anh về là có mọi thứ sẵn sàng cả rồi!

-Ừ! Thì vừa coi con vừa cơm nước. Anh chị thì có mấy cháu lớn rồi, tụi nó làm được hết cả. Mình con nhỏ thì đành chịu!

Anh Tiếng lấy mấy bông bắp còn hâm hẩm nóng ra:

-Còn mấy bông bắp bà xã mới luộc chiều nay, cạp một bông rồi về!

Anh Lũy cầm một bông bắp, bóc vỏ:

-Bắp nếp thơm thật! Mình cũng quảy một giỏ về cho tụi nhỏ! Chị Tiếng để giống bắp nếp này nhớ cho tui ít bắp giống với nha! Bên nhà tui cũng bắp nếp, nhưng loại đó hạt lớn hơn, bông cũng lớn hơn nhưng không thơm dẻo bằng lọai này!

-Dạ, qua năm em để cho, nhà em năm nào cũng trỉa bắp nếp này. Ăn quen rồi, bông hơi nhỏ nhưng hạt đều lắm, nhìn bông bắp có khi nhỏ tí nhưng cũng đầy hạt.

Anh Tiếng cầm ly nước lên:

-Trỉa bắp này phải riêng ra một đám, đừng có gần mấy đám bắp kia mà hỏng ăn, phấn hoa nó bay qua là thành bắp lai giống. Năm trước kia chị Điển trỉa bắp nếp kế bên đám bắp đỏ, sau đó bắp nếp chẳng ra nếp nữa!

-Hồi đó chẳng mấy ai trỉa bắp đỏ, nên chẳng để ý là bắp bị lai giống vừa khó bán vừa không ngon! Chị Tiếng cũng góp ý.

-Bây giờ người ta trỉa bắp đỏ, bắp cao sản nhiều rồi! Bắp này cây lớn như cây mía, dọn cây bắp mệt lắm! Nhưng được cái thu họach cao, dễ bán! Thôi thì người ta sao mình vậy!

-Nói sao thì nói, nhà em vẫn trỉa một đám bắp nếp, đến mùa bắp mà không có bắp ăn thì thèm thật! Ba cái thứ bắp đỏ ăn chẳng ra cái gì!

-Có ai mà luộc bắp đỏ ăn! Chị Tiếng cười.

Anh Tiếng đứng lên:

-Thôi về Lũy, về là vừa! Đường mùa mưa trơn trợt, cứ mò mẫm về đến nhà là tối om!

Con đường quê đất đỏ xám mùa mưa chẳng bao giờ khô ráo được, nhất là sau vụ mùa đầu. Bà con chuyên chở bắp bầu bí bằng xe bò xe cày, những thứ nặng nề đó cộng thêm mưa làm đất mềm ra, đường sá trở nên lầy lội, những vũng bùn ngập nước như những cái bẫy, trượt chân vào là ngã ra ngay. Những vũng sâu do lằn xe để lại có khi ngập quá đầu gối, và rất khó lòng lấp nó lại, ngay cả khi mùa nắng đến.

Cả mấy người đi men theo lề đường trên rẻo đất nhỏ, mấy con bò được tự do bước thong thả tránh những vũng nước đỏ lòm. Phía trước có chiếc xe bò chở đầy bắp đang mắc kẹt dưới vũng lầy khá sâu. Con bò rán sức kéo mà không lên được. Anh Lũy nói:

-Xe bò nhà cu Liễng, chắc phải phụ cho nó lên đi Tiếng! Xe bắp này cũng đâu có đầy quá đâu, mà chắc mấy bữa nay chở bắp cứ mưa vậy nên con bò mệt nhoài rồi!

Anh Tiếng cười nói với cu Liễng:

-Để cho nó nghỉ chút rồi tui với chú Lũy đẩy phụ cho nó lên nhé Liễng!

-Dạ, cám ơn hai chú, con nãy giờ cứ loay hoay đây mà không làm sao lên được!

Chị Tiếng cầm giây giữ hai con bò lại, còn hai người đàn ông phụ đẩy bánh xe cho con bò kéo lên. Con bò cũng rất khôn, nó biết lấy đà bằng cách lùi lại một chút rồi mới giật mạnh, nhưng cái vũng quá sâu, không cách gì lên được. Con bò có vẻ đuối sức thở phì phò! Anh Lũy đề nghị:

-Thôi xuống mở bò ra đi Liễng, hốt bớt một ít bắp xuống rồi để con bò chú kéo lên cho! Cái vũng này sâu quá!

-Dạ, con cũng tính vậy, nên có mang theo mấy cái bao nhỏ. Chắc là bỏ vào bao lát nữa đem lên cho nhanh.

-Vậy là hay đó Liễng! Sao lúc bẻ bắp không cho một mớ vô bao luôn cho tiện ? Anh Lũy hỏi.

Cu Liễng cười:

-Dạ…làm biếng chú! Cứ cắp rổ bẻ đầy là đổ lên xe, bỏ bao lôi thôi thấy lâu lắc quá!

Mấy người hì hục hốt bắp bỏ vào bao rồi cột lại đưa xuống bên lề đường, bùn lầy lội làm công việc càng khó khăn hơn. Cuối cùng thay con bò anh Lũy vào, nó kéo lên được, hai người phụ khiêng mấy bao bắp lên xe. Cu Liễng cám ơn rối rít rồi mắc bò vào xe kéo về.

Mùa mưa thì hầu như chiều nào cũng vậy, suốt con đường đất đỏ từ ngoài xa về đầu làng dài cả mấy cây số đầy dẫy những hố bùn, xe bò thay phiên nhau mắc lầy, bà con mỗi người một tay phụ đẩy hết xe này đến xe khác, lớp này lên xe về thì lớp sau đến có khi tận tối mịt mới hết xe.

Anh Lũy và vợ chồng anh Tiếng đã về qua khu xóm nhỏ. Bên đường, một gia đình đã dọn cơm nơi chái hiên, mùi chiên xào thoang thoảng trong tiếng đũa chén va chạm lách cách giữa tiếng cười nói của mấy đứa con lớn bé. Cảnh chiều quê nơi thôn dã như làm hồn người nhẹ bay trong không khí đầm ấm của một gia đình sum họp. Mặc dù nghèo vất vả, nhưng cái hồn quê trong sáng giản dị, tình người đầy vun. Người dân quê mộc mạc vẫn sống yên bình theo năm tháng trong những xóm nhỏ rợp bóng lá dừa!

Bờ Đá Xanh

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời