Lịch sử Bình Giả

Bình Giả hay Bình Giã?

 

 

Bình Giả hay Bình Giã?

 

BBT: Đi tìm cái dấu đúng của chữ thứ hai, trong hai chữ Bình Giả (hay Bình Giã) thân thương là một việc nên làm và là một đề tài tranh luận rất sôi nổi. Đã có nhiều bài viết về đề tài này. Các tác giả đã đưa ra những luận cứ và dẫn chứng khác nhau để chứng minh cho ý kiến của mình. BBT Binhgia.net xin lần lượt giới thiệu các bài viết về đề tài này, theo thứ tự thời gian đã nhận được. BBT mời gọi những vị nào có thêm tài liệu hoặc ý kiến liên quan đến đề tài, xin gởi về BinhGiaWeb@googlegroups.com

 

    1. Thư Góp Ý của Bác Nguyễn Đình Thông

 

    1. Ý Kiến của Anh Đặng Xuân Hường

 

    1. Biên Khảo của Anh Đinh Văn Khang

 

    1. Thư của Cựu Xã Trưởng Bùi Viết Khoa

 

    1. Ý Kiến của Ông Huỳnh Tịnh Mẫn

 

    1. Ý Kiến của Ông Trần Văn

 

    1. Ý Kiến của Ông Vũ Hồng Nhàn

 

    1. Góp Ý Thêm của Anh Đinh Văn Khang

 

    1. Góp Ý Về Danh Xưng Bình-Giã Hay Bình-Giả của Ông Hà Niên

 

    1. Tìm Hiểu Lịch Sử và Tên Gọi Bình Giã của ông Đinh Bạt Liệu

 

 


1) Thư Góp Ý của Bác Nguyễn Đình Thông

 

Kính gởi: Ban Biên Tập Bình Giã – Net và Ban Tổ Chức
Đại Hội Đồng Hương Bình Gìã năm 2005

 

Xin kính chào quý vị. Nhân dịp đi tham dự đại hội đồng hương Bình Gĩa cũng như thỉnh thoảng có dịp đọc Bình Giã Net,
tôi thấy chữ Bình Giã luôn được viết là Bình Giả, dấu hỏi (?) bên trên chữ Giả, nên xin có vài ý kiến thô thiển về hai chữ Bình Giã như sau:

 

    1. Theo tôi nhớ thì trên bản đồ địa danh miền Nam Việt Nam hồi 1955 được truy cứu để chọn địa điểm thành lập trại định cư
      Bình Giã, thì chữ Bình Giã trên bản đồ ấy gần một địa danh khác là Bình Ba và chữ Giã ấy có dấu ngã chứ không phải dấu hỏi (?)

 

    1. Khởi đầu lập trại định cư, nơi góc ngã ba đường rẽ vào Bình Giã, có tấm bảng lớn viết bằng tiếng Pháp, bên dưới bằng tiếng Việt: «TRUNG TÂM ĐỊNH CƯ BÌNH GIû, thì chữ Giã cũng có dấu ngã không phải dấu hỏi.

 

    1. Trong thời kỳ tôi làm tổng Thư ký Ban Quản Trị trại định cư Bình Giã từ tháng 10-1955 đến hết năm 1956, rồi Thư ký Ty Định cư Bà rịa năm 1957, thì các văn kiện liên lạc giữa Phủ Tổng Ủy Di Cư ở Saigòn và Ty Định cư Bà Rịa liên quan về trại định cư Bình Giã, thì chữ Giã luôn luôn có dấu ngã.

 

    1. Trong các văn kiện hành chánh chính quyền xã trước năm 1975, thì chữ Bình Giã đều viết dấu ngã trên chữ Giã. Tôi có đính kèm theo đây vài bản sao giấy khai sanh hồi trước năm 1975 của mấy người nhà để ta cùng xem lại.

 

    1. Nơi cuốn sách «BÌNH GIÃ – QUÊ HAI» của Đình Quang thì chữ Bình Giã cũng vẫn viết dấu ngã trên chữ Giã.

 

 

Chữ Bình Giã đây, ta có thể hiểu được là «Bình dân, dân giã, bình giã», và dù giâi thích cách nào đi nữa thì ta vẫn phải tôn trọng cái tên riêng địa danh từ thủa xưa mà Sở Địa Chánh tức Sở Điền Địa miền Nam Việt Nam đã in trên bản đồ. Còn cái nghĩa đích thực của nó thì ta không nên quan tâm, vì đó là quyền của người đặt tên từ thủa ban đầu, xưa rồi. Cái tên và chữ viết đã từng xử dụng phổ thông trong dân gian lâu đời rồi thì đã trở nên hiện thực, chỉ trừ khi chánh quyền muốn sửa đổi tên khác thì lại là chuyện khác.

 

Việc cắt nghĩa, bình giải các tên địa danh để mà sửa dấu sửa chữ thì nhiều khi rất khó, như các tên Bình Ba, Ngãi Giao, Cù Mi v.v., thì giải thích ra nghĩa gì, trừ những địa danh có nghĩa dễ hiểu như Đất Đỏ, Sông Cầu, Xuân Sơn…, nếu viết sai dấu là ta thấy rõ.

 

Cho nên, theo thiển ý của tôi, đối với tên riêng của các địa danh, xưa nay đã gọi và viết như thế nào thì ta cứ theo như vậy là thuận lý nhất mà thôi, không cần diễn giải để sửa chữa.

 

Ngày 05 tháng 3 năm 2006

Người góp ý

Nguyễn đình Thông

 

Tài Liệu:

 

Khai sinh bằng Pháp Ngữ được ký năm 1956, trong đó ghi là Bình Giã:

 

 

Trở Lên Trên

 


2) Ý Kiến của Anh Đặng Xuân Hường

 

Quê Hương Tôi: BÌNH-GIẢ hay BÌNH-GIÃ?

 

Từ bao năm qua, bà con ta, từ nhỏ đến lớn, sống quanh quẩn trong làng xóm, Làng Hai hay làng Ba, làng Một, ai cũng quá quen thuộc với những tên làng xóm đó. Khi có ai hỏi “Anh chắt nứ…” hay “Ạ hoe nớ ở mô đó hầy?” Thì chẳng mấy ai trả lời dài giòng: Ở xứ Vinh-Trung, ở thôn Vinh-Hà, ở ấp Vinh-Châu…mà gọn-gàng dễ hình-dung ở đâu ngay : Ở làng Ba, làng Một, làng Hai…

 

Bà con ta có thể cũng chẳng mấy ai biết rõ nguồn-gốc tên mấy địa-danh ấp, thôn, xứ cho thật rõ ràng, ngoại trừ chữ Vinh thì có thể ai cũng nghĩ do là người mình gốc Địa-phận Vinh (Bà con có thể tham-khảo ở mục Lịch-sử BG)

 

Và với âm giọng của dân Nghệ-Tĩnh-Bình, thì mấy địa-danh, làng Một, Hai, Ba, Xứ Vinh-Hà, Vinh-Châu, Vinh-Trung rất dễ nói, chẳng có những dấu giọng như hỏi, ngã nào cả.

 

Qua đến tên các họ thì đa số cũng thế, như làng Một,(các khóm, họ đề cập đến trong bài này là trước lúc chia Xã) với các Họ Văn-Yên, Gia-Hoà, An-Hà, Vĩnh-Phước, Vĩnh-Lộc, chữ Vĩnh nằm trước nên âm sau Phước, Lộc cũng chẳng ảnh hưởng chi mấy đến giọng nói.

 

Làng Hai với các Họ Xuân-Phong, Nghi-Lộc, Phi-Lộc, Phú-Linh, Đông-Yên, Vĩnh-Hoà…cũng hầu như không có hỏi ngã ở chữ thứ hai là những chữ có âm giọng hơi khó với dân mình.

 

Đến làng Ba thì có Nhân-Hoà, La-Nham, Xuân-Mỹ, Bình-Thuận, Yên-Đại, Quan-Lãng, Qui-Hậu, Ngọc-Long, Sơn-La (Ngọc-Long và Sơn-La sau này nhập lại làm một với tên gọi Ngọc-Sơn). Làng Ba có tên hai họ với dấu ngã ở chữ thứ hai là Xuân-Mỹ và Quan-Lãng, thế nhưng hầu như chẳng mấy ai đọc đúng với dấu giọng đó, vì dấu ngã có âm “trường thanh” đọc một chữ có dấu ngã hầu như phải kéo dài một chút. Dân ta “chặt to kho mặn” Xuân-Mỹ đọc thành “Xuân-Mỵ”, Quan-Lãng đọc thành “Quan-Lạng”, nếu có “rán một chút” thì cũng thành “Xuân-Mỷ”, Quan-Lảng”, có lẽ vì dân ta giọng nói hơi nặng nề một chút nên tất cả đều nói “đoản thanh”, ít khi kéo dài âm ra.

 

Bà con ở họ Nghi-Lộc, Phi-Lộc có vẻ âm giọng đọc, nói đúng nhiều hơn so với các họ khác (?). Thực tế thì các âm giọng nói chẳng ảnh-hưởng chi đến các sinh-hoạt thường ngày của bà con, ngoại trừ các “ chú choai-choai”, có khi nghịch-ngợm nhại giọng chọc ghẹo nhau một chút, hay “bặm trợn” hơn thì cả gan nhại tiếng chọc mấy bà cụ!!!

 

Tuy là đọc, nói, viết khác nhau, nhưng địa-danh các họ thì từ xưa tới nay vẫn y-nguyên, chỉ riêng một địa-danh lớn hơn là Xã thì đã bị biến đổi từ “BÌNH-GIÔ sang “BÌNH-GIẢ”!

 

Sau một thời gian dài “Năm mươi năm” định cư tại một vùng đất tương đối trù-phú, và không ít bà con lại định-cư một nơi xa xôi hơn nữa tận châu Mỹ, châu Âu, châu Úc…, cuộc sống bà con ta đã thay đổi nhiều. Nỗi khắc-khoải lưu-luyến quê-hương hầu như ai cũng nhớ về quê cũ, lớp các cụ thì nhớ nguyên-quán ở Nghệ-An, Hà-Tĩnh, Quảng-Bình, nếu có ở xa thì nhớ đến quê-hương thứ hai “BÌNH-GIÔ, lớp trẻ hơn sinh-trưởng trong Nam đang ở nước ngoài thì cũng “chạnh lòng thương nhớ nơi chôn nhau cắt rún BÌNH-GIẢ!” Hai ba thế hệ: ông, cha con, lớp già, lớp trung niên, lớp trẻ vẫn nhớ đến quê nhà! Nhưng “Bình-Giã” của ngày mới vô Nam, sau năm mươi năm “định-cư”, sau ba mươi năm “đổi đời” đã “tiến-hóa”, đã “biến-hóa” hay đã “thoái-hóa” thành “Bình-Giả”!

 

Một thực tế không phải tranh cãi: địa danh “BÌNH-GIÔ là tên nguyên-thuỷ được đặt cho khu định cư bà con ta, và bây giờ theo thời gian đã biến đổi đi một chút, mà một chút đó lại “không nhỏ”!

 

Cái thay đổi “không kèn không trống” này có lẽ chẳng là chủ-đích của ai cả! Nó đến từ từ đến nỗi chẳng ai để ý, chẳng ai quan tâm. Mà thật là “khó-hiểu”, nó chỉ được bà con trong Xã “đổi thay”, trong khi nơi bản đồ Hành-chánh hiện hành của Tỉnh Bà-Rịa Vũng-Tàu cũng chẳng “thay-đổi”! Thành-phố Vũng-Tàu có một con đường mang tên “Bình-Giã”, đúng với tên nguyên-thuỷ của Xã nhà chúng ta! (Xem Saigonbao.com ở mục báo Bàrịa VT)

 

Trong Lịch-sử cũng có rất nhiều trường hợp tên địa danh biến đổi, và sau này thì con cháu “chẳng biết đàng nào mà mò cho đúng cả”! Như tên Sài-Gòn, La-Vang…cũng đã được ghi vào “sổ bàn cãi” của các nhà khảo cứu!

 

Vậy thì tên “Bình-Giả” có nên đem trở về “nguyên-thuỷ” là “Bình-Giã” không? Cả ba thế hệ còn đang “hiện diện” đầy đủ cả, bà con chúng ta nên hội ý để tìm ra giải-pháp cho cái “biến đổi đi một chút” này, kẻo rồi sau này trăm năm nữa con cháu lại “cãi nhau như mổ bò” để “nghiên-cứu”!

 

Thời gian sau này, địa-giới được cả bên Giáo-hội, cả bên Chính-quyền phân ranh lại. Xã Bình-Trung ra đời, bà con ở Xã Bình-Trung thì khỏi phải băn-khoăn sau này có bị “biến-đổi” gì không? Bảo đảm chữ Trung này thì đọc, nói, viết thế nào “cụng rứa mà thôi! Nỏ trật đi mô được”!

 

Chỉ có chữ “Giã” đã không biết vì lý do gì thành “Giả”? Có phải vì giọng nói lâu ngày thành quen, rồi từ ấn tượng nghe ra viết….Hầu hết bà con ta khi nói thì chữ “Giả” đó ai cũng nói thành “Giạ”! “Bình-Giạ độ ni tiêu trúng lắm!”; “Về Bình-Giạ dừ khác lắm rồi! Nhưng nếu phải viết ra thì không ai viết “Giạ” mà viết là “Giả”! Có lẽ từ đầu chẳng ai cho là quan trọng khi nói “Bình-Giã” hay “Bình-Giả” hay “Bình-Giạ” cũng được! Tiếng dân ta mà!

 

Thế là từ chuyện nói sang chữ viết cũng thế, Bình-Giã hay Bình-Giả cũng chẳng ai nói chi. Trên giấy tờ chẳng ai để ý cái dấu hỏi hay ngã đó. Nếu như Bình-Ba, Ngãi-Giao hay Xuân-Sơn mà thêm một cái dấu cỏn con vào chữ thứ hai thì có lẽ ai cũng “há hốc mồm ra!”

 

Dù sao thì khi biết chữ “Bình-Giã” của một thời được bao bọc bởi luỹ tre làng, đã thay đổi từ từ theo các bụi tre lần lượt ra đi, và bây giờ trở thành “Bình-Giả”, có lẽ ai cũng có nhiều suy tư lắm!

 

 


Ôi! Quê-hương, Bình-Giã của tôi ơi!

Năm mươi năm, đã quá nửa đời người,

Đây đất lành, nơi chôn nhau cắt rốn,

Một thời trên đất Mẹ, một đời tôi!

Ôi! Quê-hương, Bình-Giã ngày xưa ơi!

Nhớ mãi trong tim, dẫu ở xứ người,

Mai này giũ sạch nợ trần vương-vấn,

Về vui trong đất Mẹ, thoả lòng tôi!

đặngxuânhường.

 

 

Bài viết này chỉ là một ý kiến riêng, nhân đọc bức thư của Bác Thông, người đã đưa ý kiến về hai chữ nguyên-thuỷ tên Xã Bình-Giã. Xin Bà con xa gần góp ý để thảo-luận về đề-tài này trong mục DIỄN ĐÀN BÌNH-GIẢ.”

 

Tài Liệu:

 

Bản đồ hiện hành ghi là Bình Gĩa

 

 

Trở Lên Trên

 


3) Biên Khảo của Anh Đinh Văn Khang

 

Bình Giả hay Bình Giã?

 

Nhân dịp về thăm quê hương vào mùa hè 2006 vừa qua. Tôi thấy có nhiều thay đổi. Nhiều nhà lầu kiểu mới, nhiều cửa tiệm mọc lên. Một thay đổi lớn tôi để ý thấy đó là cái tên Bình Giả ngày xưa đã bị thay đổi khá nhiều thành Bình Giã. Một điều mà hơn ba mươi năm về trước tôi rất ít thấy. Chúng ta thử tìm hiểu xã này là Bình Giả (dấu hỏi) hay Bình Giã (dấu ngã).

 

Người miền Trung thường phát âm sai một số dấu. Chỉ riêng hai dấu hỏi và ngã, tại Bình Giả đã có nhiều cách phát âm khác nhau.

 

– Gia Hòa phát âm dấu ngã thành dấu hỏi : “Chị ngả, em nâng”.

 

– Có khóm phát âm dấu ngã thành dấu huyền : “Tui được đi Mỳ

 

– Phi Lộc phát âm dấu hỏi thành dấu nặng : “ăn một củ khoai mà ăn cả vỏ!” thì phát âm thành “ăn một cụ khoai mà ăn cạ vọ!”.

 

– Nghi Lộc phát âm dấu ngã thành dấu nặng. Dấu nặng thành dấu ngã : Xuân Mỹ phát âm thành Xuân Mỵ, Con ngựa phát âm thành con ngữa. Nhưng đặc biệt là phát âm dấu hỏi rất chuẩn. Là dân miền Trung mà nói giọng Bắc. Ông Tổ họ Nguyễn người Nghi Lộc đến từ Thanh Hóa nên nói giọng Bắc. Nên không thể phát âm sai tên Bình Giả (dấu hỏi) được. Nếu tên “Bình Giã” có từ đầu thì họ phát âm thành “Bình Giạ” rồi.

 

Trụ Sở Xã Bình Giả ngày xưa là dấu hỏi. Tất cả các xe đò từ Bà Rịa vào Xuân Sơn qua Bình Giả đều ghi dấu hỏi hết. Quý vị có thể kiểm chứng bằng cách hỏi tất cả những người Nam, người Bắc lớn tuổi từ Ngãi Giao tới Bà Rịa, Vũng Tàu, tới Long Khánh. Hãy hỏi những người cách đây hơn 30 năm đã từng đến đây buôn bán hay công việc. Họ sẽ cho biết Bình Giả hay Bình Giã. Xin cứ hỏi Đức ông Nguyễn Thanh Long ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn Hoa Kỳ, Linh mục Đinh Công Huỳnh ở Philadelphia, Pennsylvania. Hai vị này là con thiêng liêng của cha già Công ở Bình Ba. Hai ngài sẽ cho biết Bình Giả hay Bình Giã.

 

– Các tài liệu của Địa Phận từ trước tới nay đều viết dấu hỏi. Hiện nay có Hạt Bình Giả.

 

Tên Bình Giả đã đi vào Quân Sử dưới hai chế độ Nam và Bắc. Cứ hỏi các anh em Sĩ quan người Bắc, dưới thể chế Cộng Hòa, khoảng trên 60 tuổi sẽ rõ. Những “bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Tên Bình Giả đã đi vào văn chương. Trong bài hát Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy có đoạn như sau: “Anh trở về bằng chiến thắng Plê-mê hay Đức Cơ, Đồng Xoài, BÌNH GIẢ. Anh trở về hàng cây nghiêng ngả …”. Trong cuốn “Những trận đánh lịch sử trong chiến tranh Việt Nam 1963-1975” của tác giả Nguyễn Đức Phong, do Đại Nam xuất bản năm 1993 có nói đến trận đánh lớn ở Bình Giả. Cô Uyên Phương, một nhà văn và là nhạc sĩ gốc Gia Hòa đã sáng tác nhiều bài hát trong đó có hai bài nói đến Bình Giả. Vừa diễn tả đúng tâm trạng của người Bình Giả và của người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Màu đỏ của đất hay máu đỏ của người. Hai bài đó là: Cô gái Bình Giả và Bình Giả dấu yêu. Trong cuốn truyện dài “Câu chuyện của một dân tộc” của Nguyễn Hồng Hòa (gốc Bình Giả) cũng có nói tới một vài sự kiện ở Bình Giả.

 

– Tôi xin đính kèm theo đây những văn kiện hành chánh và những con dấu xã của những năm 1957, năm 1964, năm 1968, năm 1974, sau năm 1975 và con dấu của Ủy Ban Nhân Dân Xã hiện tại (2006). Tất cả những con dấu này đều ghi xã Bình Giả (dấu hỏi). Cũng có một số tài liệu hành chánh đánh máy dấu ngã do thư ký xã viết sai dấu. Dân miền Trung thường phát âm sai và viết sai dấu hỏi thành dấu ngã. Nếu quý vị để ý trên các tờ báo hải ngoại hay trên mạng internet, sẽ thấy những sai lỗi chính tả này như: “tâm tình chia sẽ”, “Sữa Honda giá rẽ”

 

Sưu tầm về hai chữ giả và màu đỏ tôi tìm thấy có nhiều nghĩa khác nhau.

 

Giả theo Hán tự có nghĩa: (1)

 

    • giả ( 者) là người: học giả, ký giả, dịch giả, độc giả … (2). Quảng Đông phát âm là chẻ, Phổ Thông phát âm là chờ

 

    • giả ( 假) là không thật: giả dối, giả dạng …(giả theo nghĩa này đã được Nôm hóa).

 

    • mượn như gỉa đạo (mượn đường), giả danh (mượn tên)

 

    • giả sử, giả như, giả dụ, … (或 者)

 

 

Có nhiều chữ để diễn tả màu đỏ trong chữ Hán.

 

    • ( 红 ) Nghĩa là đỏ (cách chung). Tiếng Phổ Thông phát âm là hủng. Tỉnh Quảng Đông đọc là hùng. Người Tiều phát âm là áng, Phúc Kiến phát âm là ảng.

 

    • ( 霞 ) là màu đỏ của mặt trời lặn. Quảng Đông phát âm là , Phổ Thông phát âm là xì ả.

 

    • ( 赭 ) phát âm là giả. Gồm hai chữ: (者 ) giả là người ghép thêm chữ (赤 ) màu đỏ (3). Nhưng được dịch ra : Màu đỏ của đất – Đất đỏ (4). Trong chữ này có ý nghĩa gì về triết lý nhân sinh không? Người là từ đất hay người là đất?

 

 

Hai chữ Bình (平) là bằng phẳng, Giả ( 赭 ) là đất đỏ. Bình Giả là vùng đất đỏ bằng phẳng.

 

Năm 1971, khi làm Giáo Sư ở trường Tấn Đức, tôi đã có dịp nêu thắc mắc về chữ giả với cha già Đoàn Duy Đông. Ngài là một trong ba linh mục đầu tiên của trại Bình Giả. Tôi hỏi ngài tại sao tên trại này lại là Binh Giả. Giả có nghĩa là giả dối, không thật. Ngài cho biết: “giả ở đây không có nghĩa đó. Giả là người. Bình là bình yên. Bình Giả là những người  được bình yên rồi”. Ngài còn nói một câu Nho có chữ giả với nghĩa này nhưng vì quá lâu rồi, tôi không còn nhớ rõ.

 

Khi tìm tòi về tên trại Bình Giả, tôi nhận thấy các vị tiền bối đã chọn được cái tên rất hay. Người đưa ra cái tên này phải rất thông Nho. Một tên mà nói lên được nhiều ý. Vừa có nghĩa đen : vùng đất đỏ bằng phẳng, vừa có nghĩa bóng: người bằng yên, người bình lặng. Phải có sự đắn đo suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi lựa chọn chứ không phải đổi dấu để rồi giải thích. Sau khi làng, trại đã được ổn định cha ông ta đã muốn tìm cho trại mới này một cái tên có ý nghĩa. Tên Bình Giả đã được chọn thay vì Hiếu Nghĩa.

 

Có  người cho rằng“chữ Bình giã đây, ta có thể hiểu được là « Bình dân, dân giã, bình giã »”. Dân giã . Chữ giã ở đây viết “gi” là sai chính tả. Phải viết là “d” mới đúng. Dân dã (theo tự điển Việt Nam). Nếu muốn hiểu theo ý này thì phải viết là “Bình Dã”.

 

Cuốn “Bình Giả Quê Hai” của Đình Quang viết dấu ngã là do nhà in viết sai. Trong bản chính, tác giả viết dấu hỏi. Tôi xin đính kèm lời cáo lỗi của tác giả ở trang 197 trong cuốn sách này.

 

Viết bài này tôi muốn trình bày những minh chứng xác thực cho các thế hệ mai sau được biết  và mong giữ gìn cái tên đẹp và thân thương BÌNH GIẢ mà người xưa đã để lại.
Để kết thúc tôi xin gởi tới tất cả quý vị, nhất là các bạn trẻ, lời nhắn nhủ của thân sinh tôi đã để lại cho chúng tôi và con cháu và cũng để lại cho thế hệ tương lai những người Bình Giả. Câu chữ Nho gồm bốn chữ, được viết trên tường hông nhà ông Đinh văn Quy ở hàng 6 Nghi Lộc vào năm 1963 và vẫn còn cho tới ngày hôm nay.

 

 

 


Xuân
Huy
Cổ
Kính(5)

 

 

“Hỡi các con cháu. Hãy noi gương cha ông, phát huy một tương lai tươi sáng. Hỡi các thế hệ trẻ. Hãy noi theo các bậc tiền nhân, phát triển Bình Giả thành một mùa xuân huy hoàng.”

 

Xin kính chào quý vị.
Đinh Văn Khang
Tháng 9 năm 2006

 


 

 Phụ chú 1:

 

Sau khi đọc bài này, Cụ Vũ Long Hương, một bậc lão thành, thông Nho ở Tỉnh Phước Tuy đã gởi tặng mấy câu thơ:

 

 

 

“Bên tường nắng Xuân chiếu
Rọi sáng tấm ” gương xưa ”
Phất phản Ảnh, hương thừa
Tổ Tiên trong ” Kính Cổ ”
Gia huấn tri ân, giỗ (6)
Con cháu giữ gia phong
Rạng rỡ gương tổ tông
” Xuân Huy Cổ Kính ” tự “.

 

 

 

Đặc biệt bài thơ này có thể đọc từ câu cuối lên câu đầu..

 

Phụ chú 2:

 

Khi tôi sửa soạn gởi bài này đến Ban Biên Tập thì nhận được nhiều tin vui. Những người trẻ này đang làm rạng danh con dân Bình Giả và dân tộc Việt Nam.Trước hết là anh Nguyễn Duy An, hiện nay là senior vice-president của National Geographic Society, một hội có cơ sở trên khắp thế giới. Mới đây anh lại được giải hạng nhất “Viết về nước Mỹ” do Việt Báo tổ chức. Giải viết văn Việt Ngữ này lớn nhất trong cộng đồng Việt Nam Hải Ngọai. Người kế tiếp tôi muốn nhắc tới là anh Hoàng Quốc Việt. Một người trẻ đã thành lập công ty Nguyễn Hoàng informatics lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay bắt đầu với hai bàn tay trắng. Anh còn muốn làm rạng danh Bình Giả bằng cách xây một trường Công Nghệ Vi Tính  ở Gia Hòa. Có thể còn có nhiều người nữa đang làm cho khuôn mặt Bình Giả nở hoa nhưng chưa được nhiều người biết đến. Xin cám ơn và vinh danh tất cả .

(1) Hán Việt Từ Điển từ nguyên của Bửu Kế, nhà xuất bản Thuận Hoá
(2) Nói đúng hơn là một nhóm người. Nhân cũng là người, con người
(3) Từ điển Hán-Anh: Far East New Concise Chinese-English Dictionary
(4) Theo tự điển Hán tự Thượng Hải & Hồng Kông (TH HK)
(5) Kính hay kiếng, gương soi.
(6) Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch và ngày giỗ trận Đống Đa vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch, kỷ niệm ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm kỷ dậu 1789. Dân Việt Nam nhớ ngày giỗ trận Đống Đa để tưởng niệm chiến công oanh liệt của tiền nhân, cả hai ngày trọng đại nêu trên cùng thời là mùa Xuân . Gương tiền nhân tốt thì noi theo. Noi gương tốt mà làm rạng danh tổ tiên .

 

Tài Liệu Dẫn Chứng:

 

Chữ trong văn kiện và con dấu trong Khai Sinh và Hôn Thú phát ra năm 1958 đều ghi là Bình Giả.

 

 

 

 

 

Đính chính của tác giả Đình Quang trong cuốn “Bình Giả quê Hai”

 

 

Trở Lên Trên

 


 

 

4) Thư của Cựu Xã Trưởng Bùi Viết Khoa

 

(Do anh Đinh Văn Khang chuyển từ bản viết tay đính kèm)

 

Kính thăm anh em,

 

Thực ra, tên quê hương Bình Giả mình đã có từ đầu, có từ vùng đồi núi nằm kế cạnh Ngãi Giao mới vào đất Bình Giả và vào tới Xuân Sơn. Tên gọi địa danh thì không được rõ. Nơi thì gọi Bình Giả (dấu hỏi), nơi thì gọi Bình Giã (dấu ngã). Từ sang 1956, hành chánh địa phương được thành lập, trải qua nhiều vị lúc thì Chủ Tịch, lúc lại Đại Diện Xã, lúc lại Xã Trưởng. Uỷ Ban Hành Chánh Xã Bình Giả đã được thành lập nhưng có người vẫn gọi là Bình Giã, có người gọi đúng hơn là Bình Giả. Mãi tới năm 1973 tôi mới chứng thực dùng tên Bình Giả (dấu hỏi).

 

Từ khoảng trước đó vào năm 1971, khi tôi chưa làm việc xã, nhưng đã có dụng ý muốn dùng địa danh thật chính thức và đúng cách, đúng chữ. Tôi đã gặp gỡ các cha Nguyễn Viết Khai, cha Trần Đình Trọng, cha Đoàn Duy Đông, kể cả cha Nguyễn Ngọc Sơn, lúc đó là thầy Sơn, giúp xứ Vinh Trung và phụ trách trường trung học Hồng Lĩnh. Tất cả các ngài đều đồng ý với tôi về danh xưng BÌNH GIẢ.

 

Trong dịp khai giảng niên học mới ở trường Hồng Lĩnh, tôi đã viết bài nói chuyện với giáo sư và học sinh, tôi đã đề cao đến cội nguồn Bình Giả.

 

Chúng tôi đã xây cất cổng Bình Giả gần cầu làng Một, tôi đã cho khắc lên: “Xã Bình Giả”. Sau này bị phá hết.

 

Sau khi có sự đổi mới về cải tổ hành chánh, tôi đã dự một buổi họp tại tòa Hành Chánh Tỉnh, có sự chủ tọa của ông Phó Tỉnh Trưởng Lâm Hữu Trãi, các Trưởng Ty Hành Chánh và nhiều Ty khác nữa. Tôi đã trình bày một số cải tổ nền hành chánh. Tôi đã đề nghị thay đổi con dấu của chính quyền xã. Nhân dịp này, tôi cũng xin chính quyền tỉnh xác nhận về tên xã Bình Giả. Tất cả đã đồng ý việc thay đổi con dấu và  xác định tên xã Bình Giả  (dấu hỏi). Tất cả được ghi vào biên bản về điểm này. Con dấu được ghi là: ”Cơ quan chính quyền xã Bình Giả”. Sau này bàn giao con dấu mới, tôi lại một lần nữa xác định con dấu mới và tên Bình Giả là chính thức và hợp pháp.

Có nhiều cơ hội tôi đã đề cao tinh thần của người Bình Giả. Trong những dịp nói chuyện trước dân chúng, tôi đều dùng và đề cao chữ GIẢ.

 

Còn nhiều lắm, anh em ta ơi.
Đất Bình Giả đây: Đầy tình yêu thương.
Người Bình Giả đây: Dù bị qụy xuống, vẫn đứng thẳng lên.

 

Thân chào anh em,

 

Bùi Viết Khoa

 

Ghi Chú: Ông Bùi Viết Khoa là Cựu Xã Trưởng Xã Bình Giả trong thời gian 1973-1975

 

Đính kèm: Nguyên bản viết tay lá thư

 

 

 

Trở Lên Trên

 


 

 

5) Ý Kiến của Ông Huỳnh Tịnh Mẫn

 

Tôi tên thật là BÌNH GIÃ (dấu ngã ở chữ thứ hai)

 

Tôi tên thật là Bình Giã, được tổ tiên người miền Nam sanh ra và đặt tên từ thủa xa xưa, có lẽ từ thời các vua chúa nhà Nguyễn. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa thì tôi được có mặt trên bản đồ Nam Kỳ, sánh vai với các bạn láng giềng như Bình Ba, Ngãi  Giao, Xuân  Sơn, ..v..v. Trong khi phần lớn Bình Ba và Xuân Sơn đã  trở thành đồn điền cao su màu mỡ của người Pháp, thì Bình Giã tôi hầu hết vẫn còn hoang vu.

 

Sau thời chiến tranh 1945-1954, tôi hân hạnh được đón nhận hàng ngàn người di cư từ miền Bắc vào. Cũng từ đó tôi được vỗ về, chăm sóc vun xới, trở thành phì nhiêu phong phú. Tôi đã rạng rỡ một thời với cái tên Bình Giã, và không hề thay tên đổi họ, mà lại được chia ra làm 3 làng (hoặc 3 ấp).

 

Trên các bản đồ từ thời Pháp thuộc cho đến bây giờ là năm 2006, các bản đồ địa lý Miền Nam, bản đồ Thủy Lâm, bản đồ Hành Chánh..v..v.., tên thật tôi luôn luôn vẫn là  Bình Giã. Trên các văn kiện hành chánh cũng như di cư thời trước, tên thật của tôi cũng là Bình Giã không hề đổi thay.

 

Nếu quý vị nào muốn sửa tên tôi là Bình Giả cho vừa ý quý vị thì tùy, nhưng mà tên truyền thống ngàn xưa của tôi đích thậtBÌNH GIÃ, (dấu ngã trên chữ thứ hai).

 

Dù tên tôi có nghĩa là gì, xấu hay đẹp, tôi không quan tâm, vì đó là tên riêng mà tổ tiên đã đặt cho tôi và đã vĩnh viễn trên bản đồ, đã đi vào địa lý và lịch sử của Miền Nam cũng như của tổ quôc Việt Nam muôn đời rồi. Thân ái chào quý vị.

 

Ngày 08-10-2006.
Người trình thuật : Huỳnh tịnh Mẫn , sanh ngày 30-3-1928.

 

Tài Liệu :

 

Trich từ báo Bàrịa-Vũng Tàu ra ngày 14/10/2006

 

 

Trở Lên Trên

 


 

 

6) Ý Kiến của Ông Trần Văn, Ph.ThanhH

 

BÌNH GIẢ và BÌNH GIÃ

 

Gần đây tôi được biết và được đọc “binhgia.net”. Thật đáng khen ngợi tinh thần sáng tạo, sự can đảm và lòng quyết tâm bền bỉ của một số bạn trẻ Bình Giã; “ăn cơm nhà vác ngà voi”, để đùm bọc tinh thần quê hương! Tuy nhiên lúc mới vào “binhgia.net”, đều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là thấy “Bình Giả – Quê Hương Yêu Dấu” lại dùng dấu hỏi (?) trên chữ Giả. Đã hơn 50 năm nay chưa khi nào tôi thấy chữ Bình Giã lại có dấu hỏi (?) trên chữ Giả. Sau khi đọc qua vài lần, đọc tới khoản tin tức và lịch sử Bình Giã, thấy có mục “Bình Giả hay Bình Giã” cùng với một số ý kiến đã đóng góp trái ngược nhau, về dấu hỏi hay dấu ngã trên chữ “Gia”; tôi tự thấy có trách nhiệm đóng góp thêm ý kiến. Vấn đề chữ Bình Giả hay Bình Giã đã có cơ sở xác minh rõ ràng, bởi các lẽ sau đây:

 

Xét về pháp lý:

 

Ta xem bản đồ, trên bản đồ ghi thế nào thì ta cứ viết như thế. Ta là người di cư từ năm 1955, mà đất và tên Bình Giã đã có từ xưa; người xưa đã “đặt tên” và “dấu” thế nào thì ta cứ theo như vậy; ý nghĩa ra sao ta cũng không thể sửa chữa được. Vì rằng bản đồ là cơ sở hợp pháp của chánh quyền, của địa lý, cuả lịch sử một đất nước.

 

Xét về truyền thống:

 

Xưa nay trong các văn kiện hành chánh từ Tỉnh trở lên, hoặc của Tổng Ủy di cư trước kia, chữ Bình Giã đều có dấu ngã nơi chữ “Giã”.

 

Các giấy khai sinh, giá thú do xã Bình Giã cấp, có lúc thì ghi Bình Giã, có lúc thì viết là Bình Giả, chẳng qua là do người mình viết mà thôi. Nếu có ai viết không giống như chữ trên bản đồ, đó chỉ là vì viết sai, hoặc do phát âm sai, ta gọi là “nói rỏ”. Có người phát âm “Bình Giạ” (dấu nặng ở chữ Giạ), hoặc “Bình Giả”! Rất nhiều chữ ta dùng hàng ngày mà trong sách vở văn chương lại không dùng, ví dụ: “Bựa ni mưa, choa nỏ đi mô”. Đó là tiếng địa phương và là cách phát âm của người Nghệ Tĩnh chúng ta. Ngoài ra, hàng ngày cũng có những chữ thông thường khác mà thiếu chi “người” viết sai! Người Tây, người Mỹ cũng thế thôi! Ngay con dấu xã Bình Giã thì cũng do “người” di cư ta đặt làm!

 

Chứng minh tính chất truyền thống của chữ giã, (dấu ngã):

 

Trong cuốn sách BÌNH GIÃ Quê Hai của ông Đình Quang, chỉ nói riêng cuốn tái bản in năm 1995, gồm 99 tờ giấy khổ nhỏ, trong đó đã có hơn 120 chữ Bình Giã, tất cả đều được viết dấu ngã trên chữ Giã. Điều này chứng tỏ: tác giả đã thuộc làu trong đầu hai chữ Bình Giã (với dấu ngã trên chữ Giã), sau bốn mươi năm quen thuộc với Bình Giã rồi. Tác giả cũng xác nhận tính chất truyền thống này trong phần đính chính, khi tác giả muốn sửa chữ Bình Giã thành chữ Bình Giả nơi trang 197. Tờ đính chính rằng:

 

Vì lâu nay nhiều người quen dùng chữ Bình Giã (dấu ngã), nên người phụ trách dựng bản đã sử dụng dấu ngã theo thói quen đó. Nhưng chữ Bình Giả phải là dấu hỏi mới đúng? Vì theo Hán văn thì Bình là bằng phẳng, Giả là đất đỏ, đất màu son. Khi phát hiện ra thì đã không còn kịp để sửa lại. Mong bạn đọc thông cảm”.

 

    • Theo sự đính chính thì tác giả vẫn công nhận rằng chữ Bình Giã có dấu ngã nơi chữ giã, đã thông dụng từ lâu rồi.

 

    • Nay tác giả nghĩ rằng chữ Bình Giả phải là dấu hỏi nơi chữ giả thì mới đúng với cách giải thích của tác giả

 

    • Chính tác giả cũng đang nghi ngờ về hai chữ “giả/giã”, vì ông đã chấm hỏi (?) ngay sau câu đính chính của mình: “Nhưng chữ Bình Giả phải là dấu hỏi mới đúng?

 

 

Cước chú:

 

Tất cả hơn 120 chữ Bình Giã trong cuốn sách đều viết dấu ngã nơi chữ giã, cộng thêm lời đính chính nói trên của tác giả, thì rõ là không phải do nhà in viết trật chữ, như lời một vị đã góp ý.

 

Xin đính kèm: Hình bìa, trang 1 và trang 197 cuốn sách BÌNH GĨA QUÊ HAI của tác giả
Đình Quang, để đối chiếu.

 

 

 

 

Trở Lên Trên

 


 

 

7) Ý Kiến của Ông Vũ Hồng Nhàn

 

Tôi tên là Vũ-hồng-Nhàn, sanh ngày 04 tháng 01 năm 1928, sang năm 2007 là đúng 79 tuổi. Đã từng tham gia chức vụ Ủy-viên Tài-chánh Xã Bình Giã từ năm 1962 đến 1964 và chức Phó Chủ-tịch Xã từ 1965 dến 1967. Tôi xin góp một vài ý kiến thô thiển về địa-danh “BINH-GIA” dấu ngã hay dấu hỏi.

 

Tôi cho rằng Bình-giã (dấu ngã) đã có từ trước khi dân mình xuống định-cư vào cuối năm 1955. Sau khi thành lập xã Bình Giã, nhiệm kỳ ông Võ-Đình-Hoạt, ông Đinh-Thế-Hiển làm Xã trưởng, rồi đến nhiệm kỳ ông Hoàng-Đình-Long, thời gian nầy tôi là Ủy-viên Tài-chánh Xã. Đến khi ông Hoàng-Đình-Long giữ chức Chủ-tịch Xã, tôi là Phó Chủ-tịch, con dấu của Xã vẫn là “Hội Đồng Xã Bình-giã” (dấu ngã). Trong nhiệm kỳ ông Nguyễn Đồng, con dấu của Xã là “Ủy-ban Hành-chánh Xã Bình-giả” lại là dấu hỏi. Kể từ đó về sau chữ Bình-Giã tự nhiên được đổi sang dấu hỏi. Không ai biết tự đâu, người nào hay cơ quan hành chánh nào, hay vì sơ suất không để ý nên Ủy-ban Hành Chánh Xã đã khắc sang dấu hỏi. Hiện nay chúng ta quan tâm muốn tra cứu và tìm hiểu. Mỗi người khi nêu ý kiến lên thì ai cũng đều có lý của mình cả. Vậy nên theo thiển ý của tôi ,chúng ta nên dung hòa, ai muốn viết dấu ngã hay dấu hỏi cũng được. Nhưng nếu nói đúng lý thì chữ Bình Giã phải là dấu ngã vì chúng ta nên giữ đúng quy định từ trước đã có.

 

Riêng ý kiến của ông Bùi-Viết-Khoa xác định chữ Bình Giả (dấu hỏi) thì đó là ý kiến của cá nhân, chứ ông cũng đâu có quyền quyết định là phải đổi từ dấu ngã sang dấu hỏi đưọc. Xin ông và mọi người thông cảm và hiểu dùm.

 

Kính chào bà con Đồng Hương khắp nơi.

 

Vũ-hồng-Nhàn

 

Trở Lên Trên

 


 

 

8) Góp Ý Thêm của Anh Đinh Văn Khang

 

Kính thưa quý vị,

 

Trước đây tôi đã viết một bài tìm hiểu về tên xã Bình Giả – sau hơn một năm tìm tòi tài liệu – như một đóng góp về sử liệu cho thế hệ mai sau. Gần đây ông Vũ Hồng Nhàn là cựu Phó Chủ tịch xã (1965-1967) cho biết rằng xã này lúc ông làm việc là Bình Giã (dấu ngã). Vì muốn nói lên sự thật nên tôi phải viết thêm bài này và cung cấp tài liệu chứng minh để quý vị rộng đường phán đoán.

 

Vùng rừng núi âm u này đã có từ lâu. Có nhiều vết tích cho thấy từ xa xưa đã có những người cư ngụ ở đây nhưng vì một lý do nào đó, có thể là chiến tranh, họ đã phải bỏ ra đi. Khi mới tới định cư, tôi đã thấy một cây xoài cao lớn trong vườn bà Mãn hàng tư Nghi Lộc, một cây xoài trước nhà ông Khôi hàng nhất Phi Lộc, cây vú sữa trước nhà ông Lê Quang Nho ở hàng nhất họ Quan Lãng, những ngôi mộ hoang rải rác trong trại v.v…cho thấy điều đó. Gần đây nhất, ông luật sư Trần Ngọc Liễng đã đến xã trình giấy tờ đòi lại những phần đất của ông trước đây ở Bình Giả. Lúc sinh thời, thân sinh tôi cũng có nhắc tới phần đất của ông luật sư Liễng nhưng đã được chính phủ thời đó bồi thường ở vùng phía trên Đàng Cùng, Ngãi Giao…. Tôi đã dò hỏi một số người lớn tuổi về tên của vùng đất này. Có người cho là Bình Giả, có người cho là Bình Giã . Có một vị cao niên cho biết khi mới di cư vào Nam, đã đọc được một tài liệu cho biết vùng này đã được đặt tên từ thời Pháp thuộc, sau khi họ bình định được giặc giã, đó là Bình Giã (dấu ngã). Tôi có một thắc mắc. Giặc đối với người Pháp phải chăng là những chiến sĩ cách mạng chống Pháp ? Có một vị cho biết “theo trí nhớ thì khi mới tới là Bình Giã nhưng về sau là Bình Giả”. Tất cả chỉ là nghe nói, chỉ  là  thấy nhưng chưa có ai đem ra những tài liệu để chứng minh thời xa xưa ấy là dấu hỏi hay dấu ngã. Nhưng nếu có tài liệu chứng minh được trước 1955 là dấu ngã thì đây là một bằng chứng để xác nhận thêm chính cha ông chúng ta đã đổi dấu ngã thành dấu hỏi.

 

Năm 1955, khi cha ông chúng ta đến đinh cư trên vùng đất này đã đặt tên cho trại mới là Hiếu Nghĩa. Tới năm 1957, Cơ Quan Hành Chánh xã được thành lập thì lấy tên là Bình Giả . Trải dài suốt 50 năm, các con dấu hành chánh xã đã thay đổi từ “Hội Đồng Xã Bình Giả”, tới “Uỷ Ban Hành Chánh Xã Bình Giả”, sau năm 75 “Uỷ Ban Nhân Dân Cách Mạng Xã Bình Giả, Huyện Châu Đức, Bà Rịa Long Khánh” cho tới hiện tại năm 2007, con dấu “U.B.N.D. Xã Bình Giả, Bà Rịa Vũng Tàu”.  Chữ Bình Giả luôn là dấu hỏi. (tất cả những con dấu này đã được minh chứng trong các tài liệu đã cung cấp).

 

Trong bài góp ý trước đây, ông Vũ Hồng Nhàn cho rằng con dấu “Hội Đồng Xã Bình Giả “ dưới thời ông xã trưởng Hoàng Đình Long là  dấu ngã là không đúng. Xin ông xem lại con dấu “Hội Đồng Xã Bình Giả” đã được dẫn chứng trong bài viết của tôi trước đây (con dấu này có người hiện đang còn giữ) và cũng con dấu đó đã được đóng vào năm 1965 dưới thời ông Hoàng Đình Long  được dẫn chứng dưới đây thì sẽ rõ là dấu hỏi hay dấu ngã!

 

Nếu từ xa xưa tên vùng đất này là Bình Giả (dấu hỏi) thì không có gì phải bàn cãi. Nếu trước đây (trước 1955) là Bình Giã (dấu ngã) mà sau này (sau 1955) là Bình Giả (dấu hỏi – đã được dẫn chứng qua các con dấu) thì chúng ta phải cám ơn và cảm phục cha ông đã khôn khéo thay đổi từ dấu ngã thành dấu hỏi để có được một cái tên có ý nghĩa, thâm thúy như ngày hôm nay. Khi đặt tên cho một trường học, một giáo xứ hay một xã, cha ông ta phải đắn đo suy nghĩ, tìm kiếm một cái tên nào cho thật hay, thật có ý nghĩa. Tên của các giáo xứ như Vinh Hà, Vinh Châu, Vinh Trung; tên của Trường Trung Học Tấn Đức (trước đó là Vinh Đức); tên trại Hiếu Nghĩa đều có ý nghĩa hết. Vì thế khi thay đổi tên Hiếu Nghĩa thì không thể lấy một tên không có ý nghĩa  là bình giã được. Có người cho rằng, tên một địa danh chỉ để phân biệt nơi này với nơi khác, không cần biết ý nghĩa. Nói thế không đúng với những trại định cư tân lập và phủ nhận sự đóng góp của cha ông. Theo bác Nguyễn Đình Thông cho biết tên trại này trước 1955 là Bình Giã (dấu ngã) nhưng bác còn thêm “chỉ trừ khi chánh quyền muốn sửa đổi tên khác thì lại là chuyện khác”(sic). Đây là vấn đề. Nếu có sự sửa đổi thì chính cơ quan chính quyền (và với sự góp ý của các vị lãnh đạo tinh thần) đã làm việc sửa đổi đó. Qua sự tìm tòi tôi thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy cha ông chúng ta đã ý nhị thay đổi dấu ngã thành dấu hỏi. Cha ông ta đã rất thích thú khi tìm được tên này. Con cháu viết sai tên, nói sai dấu sẽ làm cho các bậc tiên nhân buồn lòng. Khi nhớ  đến công ơn của cha ông, chúng ta cũng không thể quên những đóng góp văn hóa về tên xã Bình Giả. Có một điểm đáng buồn. Khi những người ở các nơi khác như ông Nguyễn Đình Phúc phó tỉnh trưởng tỉnh Phước Tuy (phụ trách hành chánh), Giáo Sư Trần Kim Sa Thanh Tra Sở Học Chánh Tỉnh Phước Tuy (phụ trách giáo dục) đều cho biết là Bình Giả, trong khi đó những người tại quê hương mình thì cứ khư khư là Bình Giã.  

 

Theo bài viết của ông Bùi Viết Khoa, ông muốn tìm kiếm tính xác thực tên xã Bình Giả bằng cách hỏi các vị chủ chăn đầu tiên của trại như cha Đoàn Duy Đông, cha Trần Đình Trọng, cha Nguyễn Viết Khai v.v…(Chính tôi cũng đã hỏi cha già Đông về chữ này.)  Ông đã có ý tìm tòi về thắc mắc này trước khi ông làm xã trưởng. Ông không quyết định thay đổi dấu. Vì con dấu “Ủy Ban Hành Chánh Xã Bình Giả” đã có từ thời ông  Nguyễn Đồng (1968), rồi ông Hoàng Đình Long nhiệm kỳ 2 , rồi mới tới ông Khoa (1973). Khi còn tại chức, ông chỉ đề nghị thay đổi tên “Ủy Ban Hành Chánh” thành “Cơ Quan Chính Quyền” thôi. Khi làm xã trưởng, ông lại nêu thắc mắc này với chính quyền Tỉnh và cũng đã được xác định trong đại hội tỉnh là dấu hỏi.

 

Mong rằng các thế hệ mai sau biết giữ lấy tên BÌNH GIẢ thân thương mà cha ông ta đã để lại.

 

Kính chào quý vị
Đinh văn Khang

 

* Đính kèm dưới đây là con dấu “Hội Đồng Xã Bình Giả” thời ông Hoàng Đình Long

 

 

Trở Lên Trên

 


 

 

9) Góp Ý Về Danh Xưng Bình-Giã Hay Bình-Giả Của Ông Hà Niên

 

Thuộc vào thế hệ hậu sinh không được biết nhiều về vùng đất thân yêu, nơi mình sống và lớn lên, nhưng để có thêm dư kiện và tài liệu…, tôi xin được đóng góp thêm những điều thấy và nghe, đang còn nhớ trong ký ức từ ngày đầu tiên đến vùng đất này. Xin được trình bày 2 phần.:

 

I. Về danh xưng Bình-Giã.( Là một Địa Danh )

 

Bình Giã xưa kia chỉ là một khu rừng đất đỏ hoang vu. Ngày đầu tiên đến vùng đất này đã thấy xe ủi đất đang san bằng cây cối, có đất  làm nhà cho dân. Sau khi được cấp nhà theo thủ tục bốc thăm, cuôc sống đồng bào di cư tương đối tạm ổn định.

 

Quen dần với cuộc sống của vùng đất mới, thỉnh thoảng còn trông thấy những cây mít,  xoài, khế, vú sữa, cam, quít và có cả giếng nước, mồ mả của người đã chết mà xe ủi đất đã ủi còn sót lại, làm tôi có ý nghĩ “Nơi này trước kia đã có người ở”. Đặc biệt tại khu vực của người Bình Thuận đang ở bây giờ còn sót lại khoảng một hecta vườn cây quit xanh tươi và nhiều trái (gần khu vực chợ “chổm hổm” Bình Thuận bây giờ); cây mít lâu đời gần nhà ông Huân (Xuân-Phong) và Cố Đạo (Xuân-Mỹ); cây vú sữa cao ngất ở gần nhà bà Hiến (Quan Lãng); cây khế xum xuê tại nhà anh Sen (Bình-thuận).

 

 Khu vực của Vinh Trung được sự may mắn là phía sau Bình Thuận và Xuân Mỹ có một đồn điền cà phê, mà trong đó còn có đủ các loại cây ăn trái, đặc biệt là cây mít. (Lớp trẻ thường gọi đây là vườn địa đàng).  Nhờ có khu đồn điền cà phê này, nên đã giúp một số bà con có công ăn việc làm (như Cha của tôi) trong những ngày đầu, chân ướt chân ráo đặt chân lên vùng đất mầu mỡ này.

 

 Đồn điền cà phê này là của một người Pháp, sau bán lại cho ông Ba Xương, người gốc Thừa Thiên Huế, người làm thư ký cho đồn điền này. Vào một dịp  tết, ông ghé nhà chúc tết cho gia đình cha tôi và những người khác làm công cho ông. Trong bữa cơm trưa thân mật với mọi người, và cũng để tiễn tôi ngày hôm sau trở lại trường, ông đã kể chuyện về vùng đất Bình Giã! Theo lời ông: “Vùng đất Bình Giã ngày trước cũng đã có người sinh sống. Một ít người là dân địa phương làm nghề nông, một số bà con gốc người Thừa Thiên Huế theo ông làm công nhân cho đồn điền cà phê. Và ở nơi đây đã có trận đánh khá lớn giữa quân đội Pháp và Việt Minh, số người chết cũng khá nhiều. Sau trận đánh, dân chúng hoảng sợ và bỏ chạy, người địa phương về Long Điền, Đất đỏ, số còn lại đi tản mác ra Bình Ba hay Hàng Gòn …

 

Qua câu chuyện còn nhớ lại trong ký ức,  nên tôi có một sự nhận xét:  Bình Giã là một địa danh đã có trước khi cha ông chúng ta đến sinh sống.

 

Về các địa danh, thường được người dân địa phương đặt tên cho các địa danh ấy. Họ căn cứ vào sự thực tế, biến cố, sử tích… hay qua con mắt nhận xét có một cái gì đặc biệt để đặt tên. Ví dụ như, sông lớn thì gọi ‘Sông Lớn” hay “Sông Cái” v.v . Về cầu cống như: cầu Ông Minh, cầu Sông Ray … Sau này làm việc và được đi công tác ở các xã, thì mới biết thêm về cách tạo những địa danh của  người dân. Ở vùng Bàrịa, thường là do những người chuyên môn đi rừng chặt cây, đốn gỗ, họ tự đặt để xác định khu vực với nhau, lâu ngày và quen gọi, được nhiều người biết đến nên trở thành địa danh.

 

Về ý nghĩa các địa danh, có nhiều tên thật khó hiểu quanh khu vực Bình Giã như: Bầu Chinh, Bầu Trơ, Cồn Rang … , vì đó là tên của người dân tộc Thiếu Số.

 

Một điều mà chúng ta thường thấy trước hay sau năm 75, các xã mới thành lập thường lấy tên môt địa danh đã có sẵn. Ví dụ: Xã Suối Nghệ, Đá Bạc, Xà Bang, Đồng Xoài …

 

II. Dấu của chữ Giả hay Giã.

 

Qua các bài viết góp ý của các đồng hương cũng đã có nhiều người  phân tích về cung giọng và cách phát âm của người vùng Nghệ An và Hà Tĩnh. Nói chung người dân ở vùng Bình Giã phát âm không được chuẩn về dấu Sắc, Hỏi, Ngã. Chúng ta thường lẫn lộn, nên khi viết cũng hay bị sai lỗi chính tả. Như hai chữ Bình Giã mà chúng ta đang đề cập đến.

Tôi xin được kể lại một câu chuyện lúc đang hoc lớp Đệ Tam tại Trường TH Tấn Đức  (lớp Đệ Tam năm đó, Vinh Trung có 3 người theo học đó là anh Liệu, anh Hợi và tôi,  Hợi thì đã hy sinh trong chiến trận):

 

Sau những buổi học ở trường về! Ban đêm, ba anh em chúng tôi còn vào nhà xứ Vinh Trung để cha Fx Đinh Quốc Thụy hướng dẫn, dạy thêm môn Anh văn, Việt văn và chơi bóng bàn… Thời đó, Ngài là giáo sư Anh văn và là giám thị trường Tấn Đức.

 

Tối thứ Sáu thường là buổi học ôn về môn Việt văn, làm bài bình phẩm vể 1 bài thơ, hay một bài luận văn nào đó, bài của anh nào hay thì được đọc trong chương trình phát thanh tối thứ Bảy. Một hôm bình phẩm về đề tài: Lòng Yêu Nước. Trong bài viết, vô tình tôi đã bỏ dấu sai chữ “giả biệt”. Sau khi kiểm bài, Ngài điểm mặt tôi và nói: “Thằng này, học tới đệ tam rồi, viết chữ bỏ dấu còn sai. Ngài đã giải thích cho hai chúng tôi (tối hôm đó  anh Liệu vắng mặt, chắc là đang lo đi cưa o Cảnh ..?): “Cũng như cái nơi bây đang ở, mà viết và nói cũng sai bét, Bình Giã thì nói là Bình-Gia, Bình-Giả, hay Bình-Gịa”. Ngài chỉ tấm bản đồ của tỉnh Phước Tuy treo ở tường và nói: “Không thấy trên bản đồ người ta ghi là Bình Giã đây hay sao. Nhà bây phải cố gắng tập và uốn lưỡi cho quen để phát âm đúng với chữ có dấu ngã… Hèn chi người ta nói dân bây là cái dân trọ trẹ”.

 

Trong những năm ngồi ở ghế nhà trường, từ cấp tiểu học tới trung học, chưa thấy một giáo viên hay giáo sư nào đề cập và nói về ý nghĩa hai chữ Bình Giã. Trải qua nhiều triều đại của  các vị chủ tịch xã và người thư ký, khi đánh máy, hay viết một văn bản chỉ theo thói quen của mình và tất cả mọi người, khi phải thay đổi con dấu (cái triện), cũng tùy theo người đánh máy văn bản xin phép đổi con dấu, bởi vậy mới thấy trong con dấu lúc thì dấu ngã (~) lúc thì lại hỏi (?). Nhân viên làm làm con dấu chỉ căn cứ theo đơn xin. Trước năm 75 sống xa nhà, nhiều lúc viết vẫn lầm lẫn về các dấu. Nhưng từ lúc được Cha FX nhắc nhở, tôi luôn viết chữ Bình Giã là dấu ngã (~). Bởi thế, khi biết trang Web của Binhgia.net, thỉnh thoảng mở để đọc,  thấy chữ Bình Giả, ghi dấu hỏi, trong đầu óc có ý nghĩ là bỏ dấu bị sai.

 

Về các danh từ địa danh, ý nghĩa thật khó hiểu, hai chữ Bình Giã tôi chỉ được nghe một người đã biết về vùng đất này nhiều, đó là ông Xu Sanh. Thỉnh thoảng gặp ông ở rãy tiêu lúc nghỉ ngơi, tò mò hỏi chuyện ngày trước về vùng đất này, có lúc được nghe ông nói về ý nghĩa chữ Bình Giã. Ông cũng chỉ nghe và theo suy đoán của ông, vì trước đây có trận đánh ở khu vưc này, nên có thể Bình Giã có nghĩa là: Vùng đất ‘không còn bình yên’, nên mới có địa danh Bình Giã (như vậy chữ Giã có dấu ngã được hiểu theo nghĩa Gĩa là giã từ, giã biệt).

 

Nếu giải nghĩa Bình Giã là một “vùng đồng bằng đất đỏ” cảm thấy không được thuyết phục, vì ngồi trên máy bay trực thăng nhìn xuống và cũng như nhìn trong bản đồ thì Bình Giã là một vùng đất cao, một cái đồi thoai thoải. Đã có nhiều người ví von vùng đất Bình Giã  như một con rồng uốn khúc đang tắm trong hồ nước, vì bao quanh Bình Giã là đồng ruộng, đầu con rồng nằm về phía làng Ba, cái bụng thì ở Gia-Hòa và đuôi ở làng Một.

 

Cho nên chúng ta căn cứ theo bản đồ địa chính của tỉnh Phước Tuy ngày trước, để làm cái gốc và căn bản thì hợp lý. Nhưng muốn thay đổi cái dấu để có thêm ý nghĩa cũng là điều tốt, nhưng qua việc làm như thế, chắc sẽ có nhiều người ưu tư không và có hợp lý hay không??

 

Đây chỉ là những điều được nghe và thấy, còn nhớ trong ký ức. Xin được đóng góp một vài ý kiến thô thiển, hy vọng có nhiều người đóng góp ý kiến thêm, để có sự quyết định hợp lý.
_

Hà Niên – California

 

* Xin lỗi quý vị, trong bài viết có   một  số chữ sai chính tả..ví du: chữ ‘ hiểu biết’ hay ‘  đế có ‘‘vì khi bỏ dấu hỏi nó vẫn nhảy ra dấu sắc.Có lẽ chiếc máy này nó cũng có sư đồng cảm với chủ của nó và bà con Binh-Giã, Xin bà con thông cảm.

 

Trở Lên Trên

 


 

 

10) Tìm Hiểu Lịch Sử và Tên Gọi Bình Giã của ông Đinh Bạt Liệu

 

Mấy năm trước đây, trên trang binhgia.net có nhiều bài viết bàn về tên gọi của quê hương yêu dấu chúng ta là Bình Giã hay Bình Giả. Chuyện chưa ngã ngũ, thế rồi chẳng ai bàn tiếp nữa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng quan tâm và muốn biết về nguồn cội quê hương mình.Tôi cũng vậy, nên đã cố gắng tìm hiểu và muốn chia sẻ những gì góp nhặt được với mong ước là chúng ta cùng nhau tìm ra nguồn gốc tên gọi và thống nhất một tên chung. Vì quen viết và để tiện trình bày, trong bài này cho phép tôi được dùng tên Bình Giã để chỉ về quê hương chúng ta.

 

1/Lịch sử Bình Giã:

 

Tên Bình Giã được ghi nhận lần đầu tiên là vào năm 1846.

 

Sau khi đánh tan nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long. Một trong những việc nhà vua quan tâm là cho tiến hành kê khai ruộng đất trên cả nước, mà đã kéo dài từ năm 1805 đến năm 1839. Ở Nam Bộ, từ Bình Thuận trở vào, mãi đến năm 1836 mới thực hiện được. Số địa bạ của cả nước lên đến 16.000 cuốn, kê khai chi tiết từng xã thôn, tên mỗi chủ sở hữu, diện tích, loại đất sử dụng. Địa bạ được lập thành ba bản: bản Giáp lưu tại kinh đô, bản Ất lưu ở tỉnh, bản Bính được giữ ở xã thôn. Huyện Phước An là vùng đất của cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay, thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (năm 1832 đổi thành tỉnh Biên Hòa) có 42 làng thôn . Số địa bạ này chưa có tên Bình Giã.

 

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Nhà Nguyễn tách hai huyện Phước An và Long Thành của phủ Phước Long để lập phủ Phước Tuy và cắt một phần đất của hai huyện này để lập thêm huyện Long Khánh. Huyện Long Khánh có 6 tổng. Tên và vị trí địa lý các tổng này có thể xác định như sau:

 

– Tổng Long Cơ có 7 xã thôn, là vùng đất chúng ta ở bây giờ.
– Tổng Long Xương có 10 xã thôn, là phần hữu ngạn và sát với sông Ray.
– Tổng An Trạch có 8 xã thôn, là vùng Hắc Dịch, Láng Lớn, Suối Nghệ….
– Tổng An Viễn có 6 xã thôn, là vùng Cẩm Đường, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc…
– Tổng Tập Phước là vùng Bảo Chánh, Bảo Định… (bị mất hết địa bạ).
– Tổng Khánh Nhơn ở vùng tả ngạn sông Ray, giáp với tỉnh Bình Thuận.

 

Hầu hết dân của 6 tổng này là người dân tộc thiểu số vào thời đó gọi là “sách Man”, có nghĩa là buôn làng người Man. Những làng người thiểu số này mà triều đình kiểm soát được, gọi là “thuần Man”. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì “…vua ban cho một chữ làm họ như 6 chữ: Tùng, Lâm, Đào, Lý, Dương , Mai)(1). Ta thấy ngày nay nhiều người dân tộc Châu Ro thường mang những tên họ trên. Theo Nguyễn Đình Đầu trong cuốn “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- tỉnh Biên Hòa” thì 44 quyển địa bạ của huyện Long Khánh lập năm 1837, được ghi ký vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) và năm Tự Đức thứ 2 (1849), tổng Long Cơ còn giữ được 9 quyển. Số 9 quyển địa bạ này có diện tích là 119,5 mẫu của 3 xã là Bình Ba, Ngãi Giao, Thới Giao (ở phía bắc xã Ngãi Giao) và 4 thôn là Quảng Giao (Ấp 1 xã Xuân Sơn ngày nay), Tĩnh Ba (ở phía bắc Xuân Sơn), Bình Dã và Điền Dã (Ruộng Tre). Hai thôn Điền Dã và Bình Dã có nguồn gốc chung của một làng tận bên Sông Xoài, tổng An Trạch di cư sang. Thôn Xuân Sơn ngày ấy không thuộc tổng Long Cơ mà thuộc tổng Long Xương. (Xin lưu ý chữ “Dã” ghi đúng theo bản dịch của Nguyên Đình Đầu) (2)

 

Về địa giới Bình Giã, địa bạ ghi rằng: “Đông giáp địa phận thôn Quảng Giao, có rạch nhỏ làm giới. Tây giáp địa phận thôn Khánh Hội, có xa lộ làm giới. Nam giáp địa phận thôn Điền Dã(3), có xa lộ làm giới. Bắc giáp địa phận xã Ngãi Giao, có suối Liêm làm giới. Thực canh ruộng đất: 12 mẫu, 2 sào, 7 thước, 5 phân.(4) (Có thể tổng Long Cơ còn có thêm thôn Khánh Hội).

 

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), bỏ huyện nha Long Khánh và giao về cho phủ Phước Tuy cai quản. Ba tổng Long Xương, Long Cơ và An Trạch gồm 23 xã thôn, như địa bạ lập năm 1846, được nhập vào huyện Phước An. Ngày 5/6/1862 triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng cho Pháp 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Theo cuốn “Chuyên khảo về tỉnh Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu”(5), số dân của Bà Rịa-Vũng Tàu vào năm 1901 là 54.902 người với 65 làng. Riêng Bà Rịa có 49.212 người với 62 làng. Số người thượng là 3.659 người. Các làng của 4 tổng An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Hạ đều ghi chi tiết, có chua tên làng bằng chữ Hán và số dân cụ thể. Ba tổng Long Cơ, Long Xương và An Trạch được gọi là các tổng “Mọi”, gồm 20 làng, giảm 3 làng so với năm 1846. Số dân của 3 tổng này sách cũng không ghi, nhưng có thể tính toán để xác định được là 3.897 người. Bình quân là 195 người một làng. Chúng ta có thể hình dung được sự thưa thớt, cô độc của các làng thời đó, bị bao bọc xung quanh bởi toàn là rừng. Tổng Long Cơ lúc này có 6 làng: Bình Ba, Bình Giã, Điền Giã, Ngãi Giao, Quảng Giao, Trình Ba (Tĩnh Ba) và cũng không có gì thay đổi so với năm 1846, chỉ không còn làng Thới Giao. Với một vài trăm nhân khẩu trên một làng, thời đó các làng này chỉ là những quần cư người dân tộc Châu Ro mà mãi sau này họ vẫn còn sinh sống: Bình Giã là khu Xà La ,vùng đất giáo họ Vô Nhiễm thuộc xứ Vinh Trung bây giờ, mà từ năm 1961đến năm 1964 họ đã dần dần chuyển đi nơi khác. Điền Giã là Ruộng Tre. Hiện nay làng này vẫn còn, thuộc thôn 1 xã Bình Trung. Ngãi Giao có thể là Bàu Chinh, Bàu Trơ hay môt làng nào đó nay không còn. Xuân Sơn là Cà Mum. Trình Ba thuộc vùng đất xã Lâm San, nay làng này không còn. Còn làng Cồn Rang ở Lam San là nơi người dân tộc Châu-ro mới đến khai phá và định cư sau 1980.

 

Xét về đường sá ta có thể đoán được môt phần sinh hoạt và sự giao lưu thông thương trong vùng. Bà Rịa lúc đó có đường số 15 (Quốc lộ 51) được Pháp nâng cấp xong năm 1902 và một số đường giao thông trong 4 tổng thuộc vùng gần biển. Các tổng Mọi chưa có đường. Xa lộ làm ranh giới ghi ở địa bạ Bình Giã nêu trên chỉ là đường mòn, đường xe bò. Năm 1901, Quốc lộ số 1 và đường xe lửa từ Biên Hòa ra Nha Trang được khởi công. Năm 1907, đường xe lửa đã làm ra đến ga Mường Mán(6). Năm 1910, Pháp mở đường Tân Phong (Long Khánh) đi Bà Rịa. Từ đây sự giao thông ở vùng chúng ta có thuận tiện hơn. Năm 1917, hai tổng An Trạch và Long Cơ hợp nhất thành tổng Cơ Trạch. Ngày 7-11-1919, Toàn quyền Đông Dương lấy lý do an ninh đã sát nhập phần đất gọi là Khánh Sơn (Khánh Nhơn) và 3 làng của người thiểu số là Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích, nguyên của tỉnh Bình Thuận vào tỉnh Bà Rịa và đổi tên thành tổng Nhơn Xương. Đến thời gian này, vùng hai tổng Mọi chúng ta có vẻ chưa có gì thay đổi.

 

Sau khi người Pháp nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công cây cao su, họ bắt đầu khai phá đất đai để lập đồn điền. Đầu tiên là đồn điền Gallia ở Bình Ba được thành lập năm 1908. Sau đó nhiều đồn điền khác ra đời ở Ngãi Giao, Cù Bị, Láng Lớn, Xà Bang, Cẩm Mỹ… Theo thống kê của Lê Thành Tường trong “Chuyên khảo về tỉnh Bà Rịa, năm 1950” vào năm 1929, tổng diện tích trồng cao su của cả tỉnh Bà Rịa là 8.000 héc-ta. Sự phát triển đồn điền cao su cần nhiều công nhân. Các chủ đồn điền đã phải mộ người từ miền Trung, miền Bắc mà thời đó gọi là đi công-tra (hợp đồng). Việc này đã làm gia tăng dân số trong vùng. Nhiều người cho rằng sự di dân giai đoạn này tuy không rầm rộ nhưng với thời gian dài nên số người ở miền Bắc, miền Trung vào vùng Đông Nam Bộ là rất lớn. Mở thêm đường sá cũng là để mở mang kinh tế, vận chuyển thuận lợi và khai hóa dân chúng. Hương lộ 327 từ Ngãi Giao đi sông Ray có trong khoảng thời gian những năm 1930. Sau khi có đường, một số chừng vài chục hộ dân, đa số ở vùng Hòa Long, Long Phước thuộc thị xã Bà Rịa bây giờ đến khai phá. Họ ở rất thưa thớt, khoảng vài ba trăm mét mới có một mái nhà. Có hộ ở gần đường, có hộ lại ở sâu trong bìa rừng. Đường 327 này được nối với đường 328 đi từ Bà Tô, Phước Bửu lên Bàu Lâm và sau này nối với quốc lộ số 1. Năm 1932, đồn điền Gallia bắt đầu trồng cao su ở Xuân Sơn và tới năm 1938, mở thêm một chi nhánh ở đây, rồi làm môt con đường riêng để chuyển mủ cao su về Bình Ba mà chúng ta quen gọi là Đường Cong. Một thời gian sau, dân số của thôn Quảng Giao lên đến 4.000 người. Năm 1938, chính quyền Pháp lập thêm một cấp hành chính là cấp quận, mà trước đó các tổng trực thuộc tỉnh và lập một quận chung quản lý cả 8 tổng của Bà Rịa gọi là quận Long Điền. Bình Giã vẫn thuộc tổng Cơ Trạch. Năm 1947 Pháp xây cầu sông Ray và để thuận tiện khai thác vùng đất của tổng Nhơn Xương. Cầu này bị lực lượng Cách mạng Việt Minh giật sập năm 1953. Như vậy, trong giai đoạn từ 1908 đến 1954 đã có sự thay đổi lớn ở vùng đất chúng ta. Các quần cư người Kinh ở các tổng Mọi được hình thành trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh Thế giới thứ I (1914-1918), Thế giới thứ II (1939-1945) và cuộc chiến 9 năm chống Pháp đã làm chậm lại sự khai phá đất đai ở vùng tổng Cơ Trạch chúng ta cũng như ở cả Đông dương nói chung.. Theo lịch sử huyện Châu Đức, năm 1948 ở Bình Giã có hai sự kiện lớn: Một là quân Pháp càn quét dã man và làm dân làng người Kinh phải bỏ làng chạy vào Quảng Giao, có một số trở về Long Phước, Hòa Long, Bà Rịa và vĩnh viễn không trở lại. Lúc đó người ta hay gọi là “chạy Tây”. Điều này giải thích được lý do và thời gian những cư dân đã bỏ đi trước khi chúng ta đến. Hai là một trận đánh lớn của Việt Minh phục kích quân Pháp đi từ Bình Ba vào Xuân Sơn tại bưng Xà La, ở ngay đoạn dốc ngã tư đường 765 và trạm xăng Bình Trung bây giờ. Trận này quân Pháp thiệt hại nặng nên sau đó đã liên tục vào làng Quảng Giao càn quét, bắn phá và đốt nhà để trả thù(7).

 

Sau hiệp định Genève ngày 20/7/1954, hai miền Đất nước bị chia cắt thì lại bắt đầu môt giai đoạn phát triển mới. Người ta đua nhau khai phá rừng để lập đồn điền. Không chỉ người Pháp có những đồn điền lớn như Gallia, Courtenay, mà nhiều người Việt như Đồng Ngọc Khánh, Lê Thành Long, Nguyễn Văn Của cũng lập đồn điền ở Bình Ba, La Vân. Khi những người di cư năm 1955 lên mảnh đất Bình Giã này, người ta thấy đồn điền cà phê của một người Pháp tên là Các-nê ở phía Nam xứ Vinh Trung mà sau này chuyển giao cho ông Lý Văn Xương. Ở vùng đất phía Bắc giáo họ Phi Lộc, cũng có đất bao ranh của luật sư Trần Ngọc Liễng, đồn điền cao su Bésia, đồn điền của Vương Quang Tôn, của Sáu Ủy, của đại úy Ngọc; sở cam quýt của Bà Kỳ, Tư Cam…

 

Sự thay đổi lớn lao nhất trong vùng này là sự thành lập trại định cư Bình Giã với số dân là 6.445 người (8). Với số lượng dân cư lớn như thế, có thể nói là một xã ở nông thôn đông dân vào bậc nhất tỉnh đã làm thay đổi hẳn vùng đất mà mới đây người Pháp còn gọi là Mọi. Ngày 10/11/1955 Tỉnh trưởng tỉnh Bà Rịa ký Quyết định số 297-VP thiết lập văn phòng hành chính Châu Thành tại tòa hành chính tỉnh lỵ trực thuộc huyện Long Điền để cai quản 3 tổng An Phú Hạ, An Phú Tân và Cơ Trạch. Ngày 3/1/1957, Bộ trưởng bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Hữu Châu ký Nghị định số 6-BNV-HC/NĐ ấn định các khu vực hành chính tỉnh Phước Tuy có 6 quận, gồm 2 quận là Vũng Tàu, Cần Giờ và 4 quận mà trước đây thuộc quận Long Điền là Long Điền, Châu Thành, Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Xã Bình Giã thuộc tổng Cơ Trạch, quận Châu Thành(1b). Ngày 24/12/1961 chính quyền VNCH ra nghị định số 1290/NV thành lập quận Đức Thạnh, được tách từ quận Châu Thành và đặt quận lỵ tại xã Ngãi Giao do tổng thống Ngô Đình Diệm ký. Quận Đức Thạnh gồm 4 xã là: Bình Giã, Ngãi Giao, Bình Ba và Hắt Dịch. (Thời Đệ I Cộng hòa tổng thống kiêm thủ tướng nên ký luôn nghị định) (2b). Như vậy, địa giới của xã Bình Giã bao gồm cả Xuân Sơn và giáp đến tận sông Ray, Long Khánh. Lúc này khi làm các thủ tục hành chính, những người dân ở Xuân Sơn phải ra Ủy ban xã Bình Giã đặt tại trung tâm ấp Vinh Châu. Bên kia sông Ray, huyện Xuyên Mộc cũng phát triển mạnh. Năm 1959, chính quyền VNCH đưa người từ Quảng Trị, Quảng Nam vào lập khu dinh điền ở Thừa Tích (Bàu Lâm) và Ba Mẫu (Hòa Bình) và lập trại Công dân vụ ở đây. Người ta nói trại Công dân vụ tổ chức rập khuôn phía Cách mạng với sự điều khiển của Kiều Công Cung, một cán bộ cách mạng ly khai. Các cán bộ Công dân vụ mặc đồ đen, đi dép Bình Trị Thiên với khẩu hiệu: “Cùng ăn – Cùng ở – Cùng làm”. Đường 328 được gọi là đường Trần Lệ Xuân…

 

Đang trên đà phát triển thì cuộc chiến hai miền Nam Bắc ngày càng khốc liệt. Trận Bình Giã mà ác liệt nhất là từ ngày 28- 31/12/1964 được nhiều người trong nước và thế giới biết đến. Sau trận đánh này, các làng Xuân Sơn, Thừa Tích, Ba Mẫu không có người ở vì không có an ninh. Người thì vào rừng, người di tản ra thành. Nhiều làng người dân tộc Châu Ro cũng bị xóa trong thời gian này. Ở vùng Đức Thạnh, đa số họ về tập trung ở làng Vinh Thanh, xã Ngãi Giao. Do chuyển vùng định cư hay đi làm việc nơi khác, dân số Bình Giã sau 15 năm định cư (năm 1970) giảm xuống còn 5.300 người. Hai mươi năm sau ngày đến định cư, đêm 26 rạng 27 tháng 4/1975, quận Đức Thạnh thất thủ dưới hỏa lực của quân đội Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Bình Giã vô chính phủ vài ngày trước khi chính quyền mới tiếp quản.

 

Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng Tháng Tám cũng có một số thay đổi địa danh địa giới cho phù hợp với tình hình, chủ yếu là để kháng chiến. Căn cứ Xuyên Phước Cơ (Xuyên Mộc- Phước Bửu- Cơ Trạch) được thành lập và và sau này được chọn làm nơi chuyển quân ở miền Đông Nam Bộ đến, để tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève. Tháng 10/1967, Trung ương cục Miền Nam thành lập tỉnh Bà Rịa-Long Khánh (tháng 5/1971 đổi tỉnh thành phân khu, rồi đến tháng 8/1972 đổi lại thành tỉnh) gồm 8 huyện và 3 thị xã. Bình Giã thuộc huyện Châu Đức. Địa giới và tên gọi huyện Châu Đức lúc này bao gồm cả hai quận Châu Thành và Đức Thạnh ở bên phía VNCH. (Tháng 10/1962, quận Châu Thành đổi tên là quận Long Lễ).

 

Từ 30/4/1975, Xã Bình Giã được điều hành bởi Ủy ban Nhân dân Cách mạng và vẫn thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Ngày 10/2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sát nhập tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, tỉnh Biên Hòa và tỉnh căn cứ Tân Phú thành tỉnh Đồng Nai, đồng thời phân chia lại các huyện. Xã Bình Giã thuộc huyện Châu Thành, địa giới của huyện Châu Thành diện tích cũng bằng huyện Châu Đức lập vào tháng 5/1971. Ngày 02/6/1994, Nghị định số 45-CP của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do thủ tướng Võ Văn Kiệt ký phân chia huyện Châu Thành thành huyện Châu Đức, huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Huyện Châu Đức gồm 11 xã và thị trấn Ngãi Giao(9). Như vậy, huyện Châu Đức được thành lập hai lần, nhưng lần sau này diện tích nhỏ hơn quận Đức Thạnh, do xã Hắc Dịch bao gồm cả Sông Xoài sát nhập về huyện Tân Thành. Ngày 23/7/1999, Nghị định số 57/1999/NĐ-CP của Chính phủ do thủ tướng Phan Văn Khải ký, phân chia xã Bình Giã thành 2 xã là Bình Giã và Bình Trung (10).

 

Theo thống kê dân số năm 2000, tỉnh Bà Ria- Vũng Tàu có 822.000 người. Như vậy, sau 100 năm của thế kỷ 20 (từ năm 1901-2000) dân số của tỉnh chúng ta tăng 15 lần.

 

Trên đây là sơ lược môt số nét về lịch sử Bình Giã. (Tôi chỉ chú trọng vào các thời điểm thay đổi địa giới, địa danh của các tổng huyện vùng chúng ta ở, còn cấp tỉnh cũng đổi tên, tách nhập nhiều lần nhưng không ảnh hưởng đến Bình Giã, đã không được nhắc đến).

 

2/ Về tên gọi quê hương:

 

Bình Giã ban đầu có tên là Bình Dã. Đây là tên trong quyển địa bạ được ghi ký vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Từ Bình Dã này cũng được nhắc nhiểu lần khi xác định địa giới của các xã thôn xung quanh. “Bình Dã” có nghĩa là “đồng bằng” (bình: bằng; dã: đồng). Chữ “Dã” cũng hay dùng. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Năm Mậu dần thứ 8 (1698) đời Hiển Tông sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh lấy xứ Lộc Dã (tức Đồng Nai, người Thanh gọi là Nông Nại) làm huyện Phước Long”. “Lộc Dã” có nghĩa là “Đồng Nai” (lộc: nai). Một số từ điển Hán-Việt như của Đào Duy Anh (1932), của Nguyễn Văn Khôn (1960)…có ghi từ ghép “bình dã” và cũng giải thích với nghĩa là đồng bằng.Việc chuyển từ chữ “Dã” sang chữ “Giã là do hai phụ âm “gi” và “d” đều phát âm như nhau. Sự phân biệt cách viết là do các từ điển, báo chí, người đi trước… quy ước và đặt sẵn cho người sau phải theo. Hơn nữa, “dã” còn có nghĩa là “chưa thuần” như hoang dã, có vẻ không đẹp và văn minh nên người ta muốn tránh. Do đó, sau này Bình Dã (đồng bằng), Điền Dã (đồng ruộng) được viết thành Bình Giã, Điền Giã là điều dễ hiểu. Tên Bình Giã được những văn bản cấp cao của Nhà nước cũng như sách vở, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và thế giới dùng. Nhiều địa danh cũng có tên là“Giã”: thị trấn Vạn Giã ở Khánh Hòa; xã Trung Giã và cả trường tiểu học, trung học phổ thông thuộc địa bàn có cùng tên ở Sóc Sơn, Hà Nội; làng Thanh Giã ở Bắc Ninh. Ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có xã gần giống tên xã chúng ta là xã Bằng Giã.

 

Tên Bình Giã có nhiều khi được viết thành “Bình Giả”. Có thể ngay từ thủa ban đầu dùng chữ Quốc ngữ thì có người đã viết “Giã” là dấu hỏi (thanh hỏi). Tài liệu xưa nhất chúng ta có hơn 100 năm viết là Bình-giả, Điền-giả là cuốn “Monographie de la province de Ba Ria et de la ville du Cap Saint Jacques, 1902”(3b). Sách này các địa danh tiếng Việt người viết đánh dấu chưa chuẩn.. Sách ghi làng Long-mỷ, An-ngải, Mỷ-xuân, Phước-lể, Phước-hửu …đều dấu hỏi. Đối chiếu chữ Hán đi kèm thì thấy đáng ra phải viết Long-mỹ, An-ngãi, Mỹ-xuân, Phước-lễ, Phước-hữu(11). Các sách như “Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu (2005)”, “Bà Rịa – Vũng Tàu những con số và sự kiện (2007)” khi dẫn chứng các địa danh ghi trong tài liệu này đều sửa lại là dấu ngã. Nghị định số 76-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ VNCH ký ngày 20 /3/1958 sửa đổi Nghị định số 6-BNV-HC/NĐ (bãi bỏ quận Đất Đỏ) cũng ghi là Bình giả, Ngải giao(4b). Ta thấy chữ “Ngãi” cũng ghi dấu hỏi. Năm 1973, xã Bình Giã có một sĩ quan làm Phân Chi khu trưởng, tương tự như Xã đội trưởng bây giờ, chữ gì cũng viết dấu hỏi. (Sĩ quan thời đó có trình độ ít nhất là tú tài, được đánh giá là học vấn cao, ở Bình Giã chỉ đếm trên đầu ngón tay)(5b). Con dấu của xã Bình Giã dùng từ năm 1965-1975 ghi là Bình Giả. Con dấu của Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Xã năm 1975 cũng ghi là Bình Giả, nhưng chỉ dùng trong thời gian 10 tháng sau ngày thống nhất Đất nước. Từ tháng 2/1976 đến nay hầu hết các con dấu của chính quyền và các ban ngành đều ghi là Bình Giã (6b) . Còn các văn bản mỗi người ghi một cách tùy ý. Trước đây, ở xã Bình Giã làm sai khai sinh cho dân sai cả hàng trăm tờ chỉ vì dấu hỏi dấu ngã. Những tên họ như Nguyễn, Đỗ, Vũ… thì ghi dấu hỏi là Nguyển, Đổ, Vủ. Như thế, chúng ta thấy từ xưa đến nay, từ Bộ Nội vụ VNCH, Hội nghiên cứu Đông dương đến cán bộ xã, người có bằng tú tài… có khi đã viết là “Giả”. Nhờ đối chiếu với những chữ khác trong bản văn, chúng ta thấy được “Giả” là sai và đánh giá trình độ những người viết là chưa phân biệt được dấu hỏi, ngã.

 

Bình Giã viết thành Bình Giả có ba lý do: Chữ quốc ngữ cho đến đầu thế kỷ 20 đang ở giai đoạn hình thành. Khi người Pháp cai trị, họ chủ trương dùng chữ Quốc ngữ. Nhờ các tờ Gia Định báo (1862), Đông dương tạp chí (1922) và nhiều tờ báo khác, rồi các tiểu thuyết, nhóm Tự lực văn đoàn, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, trình độ học vấn của người dân được nâng cao… đã làm tăng thêm số người biết chữ và dần dần hoàn thiện tiếng Việt. Cho đến năm 1954 số người Việt Nam chưa biết chữ hoặc ở mức dưới tiểu học còn rất nhiều, nên việc viết sai chính tả cũng dễ xảy ra. Lý do thứ hai là người nói giọng Nam bộ không phân biệt được dấu hỏi, dấu ngã. Đây là lý do chính. Trong lời tựa của cuốn sách “Việt ngữ chính tả tự vị” in tại Sài Gòn của Lê Ngọc Trụ, được giải thưởng văn chương năm 1961, có đoạn: “Các bạn miền Nam đối với hai giọng hỏi, ngã, dẫu có viết thế nào cũng không phát âm đúng để phân biệt”. Thực tế ta vẫn thấy trên các bài báo, sách vở của những người nổi tiếng, có học hàm học vị như giáo sư tiến sĩ cũng thỉnh thoảng viết sai dấu hỏi dấu ngã. Lý do khác nữa là đối với một câu văn, viết tắt hay viết sai một vài chữ người ta có thể đoán ra hay sửa ngay cho đúng; nhưng đối với một danh từ riêng, tên riêng khi viết sai, nếu gặp lần đầu người ta thường công nhận và nằm lòng cái tên sai đó. Cho nên những người lần đầu tiên thấy chữ Bình Giã ghi dấu hỏi, thế là theo và không sửa được, rồi người này theo người kia làm lan rộng cái sai ra cộng đồng.

 

Một số người cho rằng Bình Giả mới đúng vì “giả” có nghĩa là “đất đỏ”. Theo tôi đây chỉ là sự suy đoán chỉ dựa vào nghĩa rồi gán ghép là không có gì chắc chắn. Chữ “giả” với nghĩa này rất hiếm dùng. Một vài tài liệu ghi “giả” để chỉ một loại đất sét màu đỏ được sử dụng làm nguyên liệu trong nghề gốm sứ. Nó không phải là đất đỏ bazan. Đất đỏ bazan là do dung nham của núi lửa tạo nên, ở nước ta có khắp nơi, nhất là Miền Đông Nam Bộ và Cao Nguyên Trung Bộ. Những nơi có đất đỏ này chúng ta không thấy địa danh nào có chữ “Giả” với nghĩa ấy. Ai vào làng Điền Giã (Ruộng Tre) sẽ thấy ngay cả sơn điền, tức là ruộng cao cũng chỉ là đất đen. Nếu dịch “Điền Giả” là “Đất đỏ ruộng” cũng khó nghe. Nói về đất đỏ, từ Hán-Việt người ta hay dùng là “xích thổ”(xích: đỏ; thổ: đất): “Gia định thành thống chí” và “Đại Nam nhất thống chí” đều dẫn “Tân Đường thư” đời nhà Đường nói rằng phía đông nam nước Hoàn Vương có nước Xích Thổ, đất màu đỏ pha vàng rất tốt và cho rằng đó là vùng Bà Rịa chúng ta. Sách cũng dùng chữ “xích thổ” để mô tả vùng đất đỏ của 7 xã thôn thuộc tổng Phước Hưng(12). Sông Ray là sông lớn nhất Bà Rịa, lưu vực khoảng 720 km2, mà đa số là đất đỏ bazan, đến mùa lũ nước chảy cuồn cuộn, đỏ ngầu. Có thể vì vậy mà thời trước gọi là sông Xích Lam. Thời vua Gia Long, ở cửa Lộc An có lập một nhà trạm để chuyển giao thông tin với triều đình Huế trong hệ thống đường Thiên lý. Dân mình không dùng từ “giả” theo Hán-Việt mà lại thích dùng Nôm hơn. Có rất nhiều địa danh là “Đất Đỏ”: huyện Đất Đỏ, họ đạo Đất Đỏ có từ thế kỷ 17 ở tỉnh nhà ai cũng biết. Trước năm 1954 có hạt Đất Đỏ ở vùng Vĩnh Linh, Cửa Tùng thuộc giáo phận Huế. Mũi Đất Đỏ, ấp Đất Đỏ ở Phú Quốc. Còn các ngọn núi, xóm thôn, con đường mang tên “Đất Đỏ” thì rất là nhiều.

 

Việc dùng tên Bình Giả có thể nói là sai, nhất là những người sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là sai về mặt pháp lý: Đất nước ta vừa trải qua hai chế độ theo hai đường lối chính trị khác nhau, là kẻ thù của nhau, nhiều khi chỉ trích nhau về cách dùng từ; nhưng cả hai chế độ đã có các văn bản cấp cao mới đây nhất như Nghị định thành lập quận Đức Thạnh, Nghị định thành lập huyện Châu Đức, Nghị Định thành lập xã Bình Trung nêu ở trên đều dùng tên Bình Giã. Các nghị định là những văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng trên toàn cõi quốc gia. Nghị định được ban hành và đăng trên công báo để công bố cho cả nước biết mà thi hành. Ai thực hiện sai là vi phạm. Việc khắc con dấu, đánh máy văn bản, làm khai sinh… ghi là Bình Giả là là sự sai phạm của cấp dưới, của người thừa hành. Chúng ta tự cho tên Bình Giả là đúng, rồi tự động dùng tên gọi này, không theo tên hành chính mà Nhà nước đã đặt, có khi sẽ gây phiền phức cho chính chúng ta. Các cơ quan công quyền có thể từ chối công nhận những văn bản ghi sai tên hành chính này. Như suối Rau là tên con suối làm ranh giới giữa hai làng Xuân Sơn – Anh Mao có trong địa bạ năm 1846 và người ta dùng tên này cho đến nay. Khi thành lập một xã thuộc khu vực con suối này, Nghị định 45-CP ngày 2/6/1994 lấy tên là xã Suối Rao (có lẽ thấy chữ “Rau” là dân dã, nhiều chất xơ quá!) và rồi mọi người ai cũng phải theo. Nói một cách khác, Nhà nước như cha mẹ, khai sinh cho con tên gì thì phải dùng tên ấy.

 

Giả sử chúng ta có những bằng chứng, luận cứ về địa danh của mình và muốn sửa đổi thì phải lập hồ sơ gửi lên cấp trên để xin phép. Được biết, việc thay đổi địa danh địa giới của cấp quận huyện và xã phường, Nhà Nước giao cho bộ Nội vụ xem xét và trình Chính Phủ phê duyệt. Có thể người ta sẽ nực cười nếu ai đó đề nghị sửa tên Sài Gòn cho đúng tên ngày xưa là Sài Côn!

 

3/Đôi điều cảm nghĩ:

 

Việc luận bàn đúng sai về tên gọi quê hương, chúng ta thấy không phải là vì chính trị, hay vì thương hiệu, mà là vấn đề chữ nghĩa. Cái sai chỉ là sai lỗi chính tả. Nhưng ở đây nó thể hiện sự bất nhất trong nội bộ người Bình Giã chúng ta về tên gọi của quê hương mình. Thực ra, tên chỉ là tên, nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì cả hay còn có nghĩa không đẹp là đàng khác. Có khi tên được đặt bởi những người cầm rựa cầm rìu, là những người tiên phong đi khai phá đất hoang mà chẳng biết chữ nghĩa gì. Mục đích của việc đặt tên cho một vùng đất, ban đầu chỉ là để xác định vị trí và phân biệt với các vùng đất khác, địa danh khác. Sống trên mảnh đất nào đó lâu ngày “đất bỗng hóa tâm hồn”, nó hình thành những tình cảm ăn sâu vào lòng người, đó là tình quê hương.

 

Tên quê hương cho dù đẹp hay không đẹp, ai cũng yêu quý và muốn gìn giữ. Trên đất nước ta trong quá khứ các địa danh địa giới cứ “khắc nhập khắc xuất” như truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, không biết mai này có còn giữ được tên Bình Giã nữa không? Mảnh đất mà chúng ta đến ở từ năm 1955 này, ngày nay có ai là hậu duệ của những người sống thời thế kỷ 19 trở về không? Dù là những người đến sau, là kẻ kế thừa, chúng ta cũng trân trọng những gì người xưa để lại, nhất là tên gọi. Không ai muốn thay đổi tên và lại càng không muốn dùng hai tên một lúc. Nó còn làm rắc rối cho tự chúng ta và cả xã hội.

 

Bình Giã đã có một lịch sử trên 160 năm, có thể có trước khi kê khai địa bạ vào năm 1837. Nhưng cứ cho rằng, địa bạ của một xã thôn được quan chức nhà Nguyễn ghi ký và lưu giữ tại kinh đô tức là triều đình nhà Nguyễn chính thức công nhận xã thôn đó, thì Bình Giã có mốc năm 1846 là năm thành lập. Địa bạ của “Bình Dã thôn” năm 1846 viết bằng chữ Hán, hiện đang lưu trữ ở Hà Nội. Đây là bằng chứng bằng văn bản xưa nhất của Bình Giã chúng ta. Hy vọng rằng sau này thế hệ con cháu hay ai đó có điều kiện tiếp cận sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

 

Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định và thống nhất một tên gọi chung của quê hương yêu dấu. Tôi thiết nghĩ tên BÌNH GIÃ là một tên gọi ấn tượng, có nguồn gốc, có giá trị lịch sử, có tính pháp lý cũng như cả ý nghĩa về mặt địa lý là vùng đất ở đồng bằng. Đó là tên thật và ước mong đừng ai dùng tên với chữ “GIẢ” nữa./

 

Đinh Bạt Liệu

 

Chú Thích:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Quyển XXVII, phần tỉnh Biên Hòa, biên soạn vào thời vua Tự Đức.
(2) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Biên Hòa, TpHCM xuất bản 1994, Tr.361.
(3) Nguyễn Đình Đầu (Sđd, Tr.361).Vị trí thôn Điền Dã ghi trong địa bạ năm 1846: Bắc giáp thôn Bình Dã, Nam giáp thôn La Sơn, Tây giáp thôn Khánh Hội và La Sơn, Đông giáp thôn Anh Mao. Thực canh ruộng đất: 22 mẫu (gần 11 héc-ta).
(4) Một mẫu ta bằng 4.894,4 m2 (= 150 thước x 150 thước). Một thước = 0,4664 m.
(5)Hiệp hội nghiên cứu Đông dương, Monographie de la province de Ba Ria et de la ville du Cap Saint Jacques, Sài Gòn 1902
(6) Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển, Nxb Đồng Nai 1998. Tr.125
(7) Lich sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Đức, Nxb Chính trị Quốc Gia, 2004, trang 71.
(8) Đình Quang, Bình Giả quê hai, 1992 , Tr. 15.
(9) http://www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/ND45CP.rtf?id=2309
(10) http://www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/ND57CP.rtf?id=5101
(11) Long-mỹ, Phước-lễ… là lối viết tên riêng thời đó.
(12) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thống chí, (viết khoảng năm 1820-1822) Quyển Sơn xuyên chí (chép về núi sông), phần Trấn Biên Hòa.

 

Các files ảnh:

 

(1b) Công báo VNCH:

 

 

 

(2b) Công báo VNCH:

 

 

 

 

(3b) Cuốn “Monographie de la province de Ba Ria et de la ville du Cap Saint Jacques”, Sài Gòn 1902 ,(sách đã dẫn, trang 01,13,14 và 15).

 

 

 

 

 

(4b) Công báo VNCH

 

 

(5b)

 

 

(6b)

 

 

Trở Lên Trên

 

 

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời