Lịch sử Bình Giả

Bình Giả Xưa Và Nay – Đình Quang

 

 

BÌNH GIẢ XƯA VÀ NAY

 

Đình Quang

 

Lời phi lộ của BBT

“Bình Giả Xưa Và Nay” là bài tóm lược lịch
sử Bình giả của ông Đinh Quang Hân, bút hiệu
Đình Quang, ông cũng là tác giả cuốn “Bình Giả
Quê Hai” với sự cộng tác của thầy Anh Tôn
Khôi (Thầy Khôi hiện là thư ký thường trực
chương trình ‘Tái thiết Điạ phận Vinh’, 32
Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận I,
do Đức Cha Điạ phận Vinh mời; đồng
thời thầy là quản lý chi nhánh tu hội ‘The Servants
of the Paraclete’ của Hoa Kỳ tại VN, với tôn chỉ
và mục đích giúp các Linh mục, đặc biệt
là các LM gặp khó khăn; và phân phát học bổng bảo
trợ ơn gọi từ Úc và Mỹ. Thầy Khôi là một
trong những người đã cung cấp tư liệu
cũng như hình ảnh di cư của thập niên 50
và 60). Họ là những người đã dày công tạo
dựng kho tàng quý báu về lịch sử di cư,
tạm cư và thành lập trại định cư Bình
Giả để lưu lại cho thế hệ mai sau.

Ban biên tập mong sẽ đón nhận thêm các tư liệu,
bài viết và hình ảnh liên quan đến cùng chủ đề
này để đăng lên trang binhgia.net. Nhờ
đó các thế hệ kế tiếp biết được
lịch sử hình thành của Bình Giả, đồng thời
giúp bảo tồn các tư liệu hình ảnh liên hệ
không bị mai một, thất truyền.

Để phù hợp với khuôn khổ và tôn chỉ của
trang Web, BBT sẽ có thể hiệu đính các bài viết
nhưng nội dung chính sẽ được duy trì.

 


 

“Ai về Bình giả quê tôi,
Người dân Nghệ Tĩnh vui đời dựng xây.
Năm mươi năm biết mấy đổi thay,
Ngày xưa tranh lá ngày nay nhà lầu.”
ĐQ

 

Cuộc sống không ngừng tiến lên. Mới ngày nào đó ông bà ta rời bỏ
xóm làng quê hương đất Bắc thân yêu, vào Nam lập nghiệp tìm cho mình một
cuộc sống mới no đủ, tự do, hạnh phúc. Được phủ Tổng Uỷ Định Cư lúc
bấy giờ giới thiệu lên miền đông Nam Bộ, nhiều đất nhiều rừng khai phá để
định canh định cư.

Hiệp định Genève 20.7.1954 được các cường quốc ký kết nhằm chấm dứt cuộc
chiến tranh Việt Pháp kéo dài 9 năm, trong đó có điều khoản chia đôi Việt
Nam, lấy vĩ tuyến 17 gần giòng sông Bến Hải tỉnh Quảng trị làm ranh giới hai
miền Nam Bắc. Phía Nam trở vào là phần đất do Pháp-Việt Nam Cộng Hòa
trấn giữ. Bờ Bắc trở ra giao cho Cộng sản Việt Nam cai trị. Dân
chúng Việt Nam được tự do di cư vào Nam hay ra Bắc, tự do chọn lựa nơi sinh
sống của mình. Một uỷ ban kiểm soát đình chiến quốc tế được thành lập
chủ yếu do Canada, Ba Lan, và Ấn Độ điều hành. Đã có gần một triệu
người thuộc các tỉnh phía Bắc ồ ạt di cư vào Nam được nhà cầm quyền cung cấp
phương tiện di chuyển bằng đường hàng không (máy bay), đường bộ (xe vận
tải), đường thủy (các tàu Hải quân). Tiếc thay dân chúng hai tỉnh Nghệ
An và Hà Tỉnh nằm trong vòng đai an ninh của Liên khu 4 kháng chiến nên
không có tin tức gì, báo chí cũng không, truyền thanh cũng chẳng có nên
không một ai biết đến phong trào di cư. Mãi đến tháng 3 năm 1955 một
số người đi buôn bán xa mang tin về lén lút phổ biến cho nhau và từ đó đồng
bào mới làm đơn xin chính quyền miền Bắc cho đi Nam. Sau khi xét duyệt
họ cũng cho một số ra đi, lẻ tẻ từng đợt âm thầm, tránh náo động.

Đầu năm 1955, địa phận Vinh có tổng số giáo dân là 188.000 người, sau di cư
còn lại tại miền Bắc là 143.000 người. Số linh mục di cư là 38 vị, đại
chủng sinh là 27 vị, và tiểu chủng sinh là 52 vị.

Bà con di cư Vinh khi được đi phải tự túc bằng đường bộ, thuê xe phải trả
tiền. Tiến dần về phương Nam, theo quốc lộ 1 vào bờ Bến Hải. Từ
đây nhà cầm quyền bờ phía Nam tiếp đón cho ăn ở và cho vào các trại tạm cư ở
sân vận động Huế, ở cảng Đà Nẵng, Nha Trang, ở Xuân Trường Gia Định, và Bình
Đông Chợ Lớn.

Ngày 28 tháng 10 năm 1955, một số đông đồng bào Vinh từ các trại tiếp cư
Xuân Trường (Thủ Đức, Gia Định), Bình Đông (Chợ Lớn) được xe nhà binh chở
lên vùng đất đỏ phía đông của tỉnh Bà Rịa để định cư, và một xã được thành
lập có tên là Bình Giả. Theo Hán tự, Bình là bằng và Giả là đỏ.
Bình Giả nằm trên một vùng đất đỏ với khí hậu hai mùa mưa nắng của miền Nam
Việt Nam. Mưa bùn nắng bụi.

 

“Quê ta vất vả bao đời,
Mưa chan lầy lội nắng thời bụi bay.
Giờ đây như cánh chim bay,
Lìa xa quê mẹ nhớ ngày năm xưa.”

ĐQ

 

Bình Giả là trại lớn nhất của giáo phận Vinh trong tổng số hơn 40 trại di
cư gốc Vinh. Dân số lúc ban đầu là 6.445 người, đại đa số là giáo dân
hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh, được chia làm ba xứ đạo, tính từ Ngãi Giao vào
là:

Xứ Vinh Hà: 2.100 người, do linh mục Phêrô Nguyễn Văn Kiều quản
nhiệm, giáo dân đa số là người Hà Tỉnh nên gọi là Vinh Hà. Gồm giáo
dân gốc các xứ Yên Nhiên, Trại Lê, Tam Đa, Tân Thành, Tiếp Võ, Kẻ Đọng, Kẻ
Mu, Gia Hoà, Thượng Bình, Tri Bản, Vạn Căn, Kẻ Vang, và Thổ Hoàng.

Xứ Vinh Châu: 2.300 người, do linh mục Antôn Đoàn Duy Đông quản xứ.
Đa số giáo dân gốc huyện Diễn Châu, Nghệ An, nên gọi là Vinh Châu, gồm giáo
dân gốc các xứ Vĩnh Hòa, Phi Lộc, Đông Yên, Phú Linh, Xuân Phong, Nghi Lộc,
và Cẩm Trường.

Xứ Vinh Trung: 2.045 người, do linh mục Phêrô Trần Thanh Cần quản xứ.
Đa số giáo dân gốc các xứ trung tâm vùng Xã Đoài như Bình Thuận, Nhân Hòa,
La Nham, Xuân Mỹ, Quan Lãng, Sơn La, Quy Hậu, Ngọc Long, và Yên Đại, nên
được gọi là Vinh Trung.

Để nhớ về địa phận mẹ, nên một số trại định cư thuộc giáo phận Vinh ở miền
Nam Việt Nam đã dùng tên Vinh đứng đầu khi chọn tên trại như Vinh Phú, Vinh
Lưu, Vinh Thanh, Vinh Đức, v. v,…

Nhằm giúp đồng bào sớm định canh định cư, một ủy ban hỗ trợ đinh cư của Công
Giáo được thành lập, đứng đầu là Đức giám mục Phạm Ngọc Chi. Mỗi trong
mười giáo phận miền Bắc di cư có một linh mục đại diện trong ủy ban, các
linh mục quản xứ kiêm nhiệm giám đốc trại. Địa phận Vinh chúng ta đề
cử linh mục Nguyễn Viết Khai làm đại diện để cùng các linh mục giám đốc trại
và các ban định cư lo việc tái định cư, ổn định đời sống cho đồng bào, và
giúp các con em tiếp tục việc học trong thời gian chưa có chính quyền địa
phương. Ủy ban định cư đã hoạt động rất hữu hiệu trong hai năm
1954-1956.

Lúc mới được thành lập (1955) xã Bình Giả thuộc quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa.
Do sắc lệnh số 143 NV, ngày 20 tháng 10 năm 1955, Bộ nội vụ đã thay đổi tên
một số tỉnh Nam Việt, tỉnh Bà Rịa sát nhập thêm thị xã Vũng Tàu và đổi tên
thành Phước Tuy, Bình Giả tách khỏi quận Long Điền và được sát nhập vào quận
Châu Thành. Sau năm 1975, dân từ các thành phố lớn và các tỉnh miền
Trung đi vào các vùng kinh tế mới nên một số xã được thành lập quanh Bình
Giả, và huyện Châu Đức được thành lập bao gồm Bình Giả.

Cuối năm 2000, xã Bình Giả đuợc chia hai, từ đầu làng Ba trở vào địa giới
Xuân Sơn được gọi là xã Bình Trung.

Sau nửa thế kỷ, Bình Giả hiện nay có nhiều thay đổi. Đường sá được mở
mang, giao thông tiện lợi. Xe hơi, xe vận tải đi khắp nơi dễ dàng,
thuận lợi. Số xe gắn máy gần như nhà nào cũng có một chiếc. Nhà
cửa khang trang, số nhà xây mới rất nhiều, có nhiều nhà cao tầng, phòng ốc
tiện nghi trang bị bàn ghế chẳng khác gì chốn đô thành.

Lưới điện đã trải rộng tới Bình Giả, cung cấp ánh sáng đủ cho các gia đình.
Ban đêm ánh sáng từ các đường lộ chính, các khu buôn bán, giải trí, khuôn
viên nhà thờ, đài Đức Mẹ sáng trưng, người đi lại sinh hoạt mãi tới khuya.
Thủy lợi cũng đã dẫn nước về các cánh đồng khô hạn, bà con gia tăng diện
tích lúa, gia tăng vụ, sản xuất nhiều lúa gạo, cung cấp đủ thực phẩm cho
người và súc vật.

Với truyền thống chăm chỉ, kiên nhẫn, thức khuya dậy sớm lao động miệt mài,
đời sống vật chất của dân Bình Giả đã có nhiều thay đổi. Sự trợ giúp
của các Việt Kiều cho thân nhân cũng đóng gióp một phần vào sự nâng cao mức
sống. Các phương tiện dân dụng như TV, radio, telephone rất phổ biến.
Những gia đình khá giả đã có máy giặt máy sấy, tủ lạnh. Đời sống văn
hoá được nâng cao.

Bình Giả là một vùng gần toàn tòng giáo dân Công giáo, với truyền thống sống
đạo qua nhiều thế hệ, với nền tảng đức tin vững vàng, song song với sự phát
triển kinh tế, đời sống tôn giáo trong vùng cũng tiếp tục phát triển tốt
đẹp. Các nhà thờ ba xứ đã được xây dựng lại kiên cố, to lớn, đẹp đẽ,
khang trang, rộng thoáng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào. Số
giáo dân gia tăng cùng với đà gia tăng dân số, giáo xứ nào cũng có gần 5000
giáo dân. Các sinh hoạt đạo đức, sinh hoạt đoàn thể vẫn được duy trì.

Các xứ đạo quanh vùng cùng với Bình Giả đã kết hợp thành một giáo hạt với
tên là Giáo hạt Bình Giả gồm các giáo xứ Xuân Sơn, Ngãi Giao, Bình Ba, Hữu
Phước, Suối Nghệ, Kim Long, v.v., …

Việc học vấn của con em cũng được nâng cao, trường cấp 1, cấp 2 một số được
xây mới. Số các em mù chữ ngày càng giảm bớt. Các em có
khuynh hướng về thành phố học đại học, ngành nghề khá đông. Các em sau khi
tốt nghiệp bằng bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên đã trở về phục vụ đồng bào.
Do đó tình trạng sức khỏe của người già, phụ nữ và trẻ em được cải thiện.

 

“Hôm nay ngày hội đồng hương,
Cùng ca cùng hát cùng thương nhau nhiều.
Bốn phương chung một nguồn yêu,
Quê hương ta đó những chiều nhớ thương.
Hỡi ai gió bụi muôn phương,
Nhớ ngày họp mặt lên đường về đây.
Cùng nhau ôn kỷ niệm này,
Để cho con cháu sau này biết Quê.”

 

Đình Quang
(20-8-2004)

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời