Lịch sử Bình Giả

Cha Phero Nguyễn Văn Kiều – Nguyễn Song Lam

 

 

Lời Phi lộ của BBT

 

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý Ông Bà và ACE Đồng
Hương Bình Giả.

 

Linh mục Ngô Sĩ Đình dòng Đa Minh Việt Nam và một số bà
con Bình Giả gợi ý mở chương trình vận động Phong Thánh cho Cha Phêrô Nguyễn Văn
Kiều, người Cha đạo đức, khả kính và gương mẫu của giáo xứ Vinh Hà và là người
Cha chung của Bình giả cũng như giáo phận Vinh.

 

Đây là một chương trình lâu dài, có thể đến vài chục
năm. Nhưng, nếu chúng ta không mở đầu thì công việc sẽ không bao giờ có kết qủa.
Do đó,hôm nay BBT xin giới thiệu bài (Vài nét sơ lược về cuộc đời cha Phêrô
Nguyễn Văn Kiều) của ông Nguyễn Đình Kim (Paris) bút hiệu Nguyễn SongLam. Ông
cùng giáo sư Chu Mạnh Hùng (cả hai đều là nghiã tử của cha Già Kiều) đã hội ý
viết lên bài này dựa trên sử liệu của ông Đình Quang (Đinh Quang Hân) trong cuốn
“Cuộc đời Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều 1903-1971” (Ông Đình Quang cũng là tác giả
cuốn Kỷ yếu lễ giổ 25 năm Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều, Bình Giả Quê Hai…..)

 

BBT sẽ lần lượt trích đăng các bài liên quan về “Hạnh
Của Cha Phêrô” trong các cuốn sách kể trên. Mong qúy vị độc giả đón đọc, góp ý
hoặc viết lên những chi tiết về hạnh của Cha Già. Sau đó chúng ta sẽ tập hợp
thành một tập tài liệu và cùng đệ đơn lên tòa Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc để xin
mở hồ sơ cứu xét Phong Thánh cho cha Phêrô.

 

BBT Bình Giả Quê Hương
Yêu Dấu

 


 

 

 

Vài Nét Sơ Lược Về Cuộc Đời Của

 

Cha PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KIỀU (1903-1971)

 

Nguyễn Songlam

 

Bà con Bình Giả chúng ta thật may mắn có được một vị Mục Tử khả ái và đáng
kính. Đó là Cha Già Kiều! Xứ đạo Vinh Hà thật có diễm phúc vì nơi đó đang cất
giữ một gia tài tôn giáo và tinh thần hiếm có. Đó là ngôi mộ của Cha Già Kiều!

 

Dưới đây, tôi xin ghi lại sơ lược một vài nét về cuộc đời của vị Cha chung dựa
trên tài liệu của anh Đình Quang: “Cuộc đời Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều” và sau
khi đã tham khảo ý kiến của anh Chu Mạnh Hùng, huynh trưởng con cùng Cha Già
Kiều, hiện là Giáo Sư tại Đại Học West Chester, Pennsylvania.

 

Nguồn Gốc

 

Sinh năm 1903, năm Quý Mão, Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều xuất thân từ một gia
đình nghèo thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Song thân của Ngài là
cụ Phaolô Nguyễn Văn Hiêng, mất sớm và bà Anna Trần thị Kiều. Gia đình Ngài
thuộc họ Chính Yên, xứ Quan Lãng, hạt Bụt Đà, địa phận Vinh.

 

Thời Kỳ Đào Tạo ở Chủng Viện (1913-1935)

 

Năm lên mười (1913), Ngài được theo giúp Cha già Chấn và Cố Nhàn (người Pháp
có tên là Massadier). Ba năm sau, năm 1916, Ngài được các vị nầy giới thiệu vào
tiểu chủng viện Xã Đoài, giáo phận Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An. Xong tiểu chủng
viện, năm 21 tuổi, Ngài được sai đi làm Thầy Giảng giúp Cố Nhàn tại Đồng Tháp và
coi sóc giáo dân mới tại Thành Trài, Thanh Bích.

 

Sau sáu năm thử thách, năm
1930, Ngài được gọi vào trường Lý Đoán Xã Đoài, tức là Đại Chủng Viện để tiếp
tục học, chuẩn bị làm Linh Mục. Và cuối cùng, ngày 21 tháng 12 năm 1935, Ngài
được thụ phong Linh mục do Đức Giám Mục Anrê-Giuse-Bắc (Eloy) tại Xã Đoài. Năm
đó Ngài 32 tuổi.

 

Thời kỳ linh mục (1935-1971)

 

Tháng giêng năm 1936, Ngài được bổ nhiệm làm cha phó xứ Thọ Hoàng, Hương Khê,
Hà Tĩnh. Một năm sau, năm 1937, Chánh xứ Yên Phúc, Phúc Sơn, Hà Tĩnh. Tháng 2
năm 1941, Chánh xứ Bột Đà, Anh Sơn, Nghệ An. Từ 1942-1955, Chánh xứ Làng Truông,
Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1952 , Đức Giám Mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức đặt
Ngài làm quản hạt Ngàn Sâu, kiêm Chánh xứ Làng Truông.

 

Năm 1955, Cha rời miền
Bắc di cư vào Nam. Ngày 28/10/1955, Bề Trên sai Ngài về Bình Giả làm Chánh xứ
Vinh Hà kiêm Hạt trưởng hạt Bình Giả, nay thuộc giáo phận Xuân Lộc. Từ năm 1964
đến 1971, Giám đốc trường Trung tiểu học tư thục Tấn Đức, Bình Giả. Ngày
28/4/1971, năm Tân Hợi, Cha Già chúng ta mất tại bệnh viện Sùng Chính, Sàigòn,
hưởng thọ 68 tuổi.

 

Thánh lễ An táng của Ngài được cử hành long trọng ngày
2/5/1971 tại Thánh đường xứ Vinh Hà do Cha Chính Cao Văn Luận chủ tế cùng với
các Linh mục trong và ngoài giáo phận. Nghi thức làm phép xác do Đức Giám Mục
Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục giáo phận Xuân Lộc cử hành. Thi hài của Ngài được an
táng tại khuôn viên Thánh đường giáo xứ Vinh Hà, Bình Giả. Hiện nay, nấm mồ của
Ngài đã trở thành một trung tâm hành hương và cầu nguyện của đông đảo bà con ta
trong cũng như ngoài nước.

 

Vài Nét Về Chứng Từ Của Cha Già Kiều

 

Những nét mà người ta rất dễ cảm nhận nơi Cha Gìa là: Bình dị, đạo đức,
thương người và thương súc vật.

 

Bình Dị

 

Một vài hình ảnh tiêu biểu mà ký ức của mỗi người chúng ta vẫn còn có về Ngài
là chiếc xe đạp “cọc cạch” lúc Ngài đi thăm viếng kẻ liệt, chiếc áo bà ba màu
nâu và quần dài đen lúc ở nhà xứ, miếng trầu nhai trên môi, tươi cười lúc nói
chuyện … Phải, Cha Già sống rất đơn sơ, bình dị và khó nghèo từ cái ăn, cái mặc
đến vật dụng trong nhà. Ở thời đại xe gắn máy, xe hơi, Cha Già vẩn gắn bó với
chiếc xe đạp của mình mặc dù đã có nhiều người có nhã ý biếu Ngài những phương
tiện giao thông hiện đại nầy. Cha Già muốn sống một cuộc sống thật đạm bạc theo
gương Chúa Giêsu để bất cứ ai cũng có thể đến với Ngài, đặc biệt là những người
nghèo khó.

 

Đạo Đức

 

Ngoài những giờ kinh lễ sáng tối và phụng vụ bình thường của một xứ đạo,
người ta thường thấy Cha Già quỳ hằng giờ trước Mình Thánh Chúa, ngồi cả buổi
trong toà giải tội. Trong tay không khi nào rời bộ tràng hạt Mân Côi. Mỗi tuần
Ngài ăn chay 3 ngày. Trong mùa chay, Ngài còn dùng roi để tự phạt tội mình mỗi
sáng theo phương thức của dòng khổ tu Xitô để cầu nguyện cho các linh hồn.

 

Viết
về Cha Già, tôi nghĩ đến Cha Xứ thành Ars ở nước Pháp, Cha Gioan Maria Vianney,
sống vào cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 và đã được Đức Giáo Hoàng PIÔ XI phong
thánh năm 1925. Cha Thánh ngồi tòa giải tội 16 giờ mỗi ngày, nhiều đêm Ngài thức
trắng đêm quỳ chầu trước Mình Thánh Chúa và có một cuộc sống đạm bạc hoàn toàn
vì kẻ khác. Chúng ta mong muốn một ngày gần đây Cha Già của chúng ta cũng được
Tòa Thánh Vatican chiếu cố để gương sáng của Vị Cha chung được toàn thể thế giới
Công Giao biết đến.

 

Thương Người

 

Trong ký ức tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Cha Già ngồi bên cửa sổ phát thuốc cho
người nghèo hay trên thềm xi măng xức thuốc đỏ cho bệnh nhân. Xuất thân từ một
gia đình nghèo khó, hơn ai hết, Ngài cảm nhận được thân phận của những người
cùng khổ. Thật vậy, ngoài giờ kinh lễ, phụng vụ, ngồi Tòa giải tội, Cha Già dành
rất nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân, an ủi người già, ủy lạo những người đau
khổ, phát thuốc, chữa bệnh. Bất cứ ai cũng đều có thể đến với Ngài. Bất cứ giờ
nào Ngài cũng niềm nở và ân cần đón tiếp. Ở đâu cần đến Ngài, ngay giữa bữa ăn,
Ngài cũng bỏ dở để đến với họ. Chính bàn tay Ngài đã săn sóc cơm cháo, thưốc
men, áo quần cho rất nhiều người đói cơm, rách áo, ghẻ lở, bệnh tật. Ai thiếu
cơm, Ngài chia cơm, ai thiếu áo, Ngài chia áo. Hành động bác ái của Ngài đã đưa
về với Giáo Hội rất nhiều “con chiên lạc”, từ ngoài Bắc đến trong Nam.

 

Thương Súc Vật

 

Một điểm cuối cùng mà anh Chu Mạnh Hùng đã nhắc lại cho tôi, đó là tình
thương của Cha Già đối với súc vật. Anh Hùng viết: “Mến Chúa và yêu tha nhân đối
với Cha già Kiều vẩn chưa đủ. Tình thương bao la của Ngài còn trải rộng đến cả
loài vật, đặc biệt là chó, mèo, những con vật gần gũi ngày đêm với người. Những
xứ văn minh người ta săn sóc, âu yếm những con vật nầy như những người bạn quý.
Một hôm hai người thân tín đã từng vượt rừng với Cha Già từ Hương Khê sang Lào
và ở với Cha trong nhà xứ Vinh Hà, lên cơn thèm đánh chén thịt chó nên đã âm mưu
giết hại con chó vàng khỏe mập đã đựơc Cha Già nuôi nhiều năm. Hôm đó hai ông
anh bàn kế hoạch nấu nước sôi tạt vào con chó để nó bị phỏng chết. Không ngờ chó
bị phỏng nhưng không chết!!! Cha Già thấy vậy rất đau lòng. Ngài săn sóc con chó
hết mình. Ngày đêm lo xức thuốc và cho ăn uống hết sức cẩn thận. Sau một thời
gian ngắn, con chó vàng cũng lành vết phỏng, và trở lại trạng thái bình thường…”

 

* * * * *

 

Giờ đây, Cha Già tuy đã xa mà lại rất gần. Gần trong tim của chúng ta, gần trong
sự hoạt động của Thánh Linh giữa chúng ta qua lời bầu cử của Cha Già trên nước
Trời.

 

Lúc sinh thời, Cha Già đã yêu thương giúp đỡ chúng ta, lúc chết đi Ngài
vẩn tiếp tục yêu thương giúp đỡ những ai chân thành đến khấn xin Ngài. Từ lúc
Ngài mất đi, ngôi mộ của Ngài đã trở thành một nơi hành hương, cầu nguyện, khấn
vái, không riêng gì cho giáo dân ở đây mà còn từ nhiều nơi khác, và ngay cả
những người không Công giáo. Họ đến với Ngài trong một tâm tình hết sức cha-con.
Người thì xin cho thân thích lành bệnh, kẻ thì xin phù hộ cho heo gà khỏi dịch.
Người xin cho gia đình sum họp, kẻ xin tìm lại được trâu bò, của cải đã mất,
v.v… Biết bao tấm bia nói lên lòng tri ân của họ đối với Cha Già! Chúng tôi rất
mong những tấm bia nầy được bảo toàn xứng đáng bên cạnh ngôi mộ của Cha Già để
mọi người nhận thức được tình thương của Chúa đối với chúng ta qua vị Cha Già
đáng kính.

 

Chúng ta hãy cầu xin vị Cha chung phù hộ cho tất cả những người con
Bình Giả của Ngài hiện đang sống phân tán trên khắp năm châu bốn bể được hồn an
xác mạnh. Và để tỏ lòng tri ân đối với Cha Già, chúng tôi đề nghị bà con Bình
Giả trong cũng như ngoài nước hãy viết gửi về Ban Biên Tập trang Binhgia.net nầy
những chứng từ liên quan đến Cha Già lúc sinh thời cũng như sau khi Ngài đã mất.
Ban Biên Tập sẽ lưu trữ, đúc kết và phổ biến những chứng từ nầy để góp phần phát
huy Gia Tài Thiêng Liêng tốt đẹp mà Cha Già đã để lại giữa chúng ta.

 

Nguyễn Songlam

 

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời