Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

ChiecBayThoiKhangPhap BoDaXanh

Chiếc Bẫy Thời Kháng Pháp

Bờ Đá Xanh

Ông Chiếng trầm ngâm bên cái chuồng gà trống không, tối hôm qua không biết thằng ăn trộm vô lương tâm nào đã tới nẫng nguyên bầy gà của ông. Đâu ít gì, cả thảy cũng gần hai chục con gà lớn nhỏ.

Ông cảm thấy buồn trong lòng vô cùng, mới mấy ngày trước đây, thằng cháu nội mà ông cưng nhất, nó xin ông một con gà trống con, ông đã hứa cho nó, mà nó chỉ dám xin con nhỏ. Ông đã định bụng đến ngày lễ Chầu lượt, gia đình nó xuống chơi, ông sẽ nói bà Chiếng làm thịt một con gà lớn nấu cháo để cho tụi nó ăn. Còn thằng cháu, ông sẽ dành cho nó một bất ngờ là ông bắt con gà trống choai cho nó, con gà này đang trổ mã tiếng gáy đã ra vẻ đem đi chọi được, ông nghĩ thằng cu Tũn sẽ mừng như thế nào.

– Bà ơi! Ra coi chuồng gà này, không còn mống nào nữa cả! Ông buồn bã gọi bà.

Bà Chiếng chạy ra đứng bên ông há mồm ra nhìn, chẳng nói được lời nào. Cái chuồng gà ông Chiếng làm bằng tre tương đối chắc chắn, bây giờ chẳng còn con gà nào cả. Mỗi chiều ông hay bà đều vãi bắp hay lúa lép cho gà ăn, nhìn bầy gà thân thương cục cục giành nhau ăn, ông bà thấy rất vui trong lòng. Bầy gà là lợi tức của ông bà, vừa có tiền tiêu vừa có thịt ăn trong những bữa cơm gia đình.

– Con cái nhà ai ba trợn ba trạo vậy không biết! Gà người ta nuôi cũng mồ hôi nước mắt, đến ăn trộm không trừ lại một con nhỏ nữa. Bà Chiếng than thở.

– Thời buổi bây giờ con người ta ăn trộm ăn cắp như rươi! Chẳng bù mấy mươi năm về trước, đi đâu chẳng bao giờ phải khóa cửa mà vẫn an tâm.

Xóm quê này là xóm đạo, dân chúng di cư từ ngoài Bắc vào đã gần Năm mươi năm, làng xóm thân tình sống bên nhau, đùm bọc nhau như bà con ruột thịt. Ruộng vườn là công việc chính yếu từ bao năm qua, năm nào trời thương mùa màng cũng tương đối được, gạo lúa ngô khoai đủ ăn, có khi còn dư đem bán kiếm chút tiền sửa sang nhà cửa. 

Cuộc sống ổn định được vài chục năm thì lại thêm một lần di cư nữa, lần này thì người di cư không phải là bà con trong xóm đạo này, mà là người tứ xứ đến đây, từ Bắc vào cũng có, từ Trung vào cũng có, từ thành phố về cũng có. Do cuộc sống khó khăn, Dân chúng tìm đủ đường kiếm miếng ăn cho cuộc sống. Và miền quê với ruộng vườn mặc dù cuộc sống lam lũ, thiếu phương tiện nhưng lại có thể trồng trọt ngô khoai sống qua ngày. Thế nên xóm đạo của mấy mươi năm về trước cũng thay đổi, cái thay đổi do thời cuộc nhiễu nhương, tranh tối tranh sáng…

Ông Chiếng nằm buồn gác tay lên trán suốt cả ngày. Là người có đạo, ông tin Chúa sẽ phù trợ giúp đỡ khi mình làm điều lành. Lễ lạy kinh hạt ông vẫn siêng năng, chẳng bao giờ ông có chuyện với hàng xóm cả. Thế nhưng cái điều lành ông trông mong cuối cùng cũng chẳng đến với ông, tuy vậy ông cũng chẳng thất vọng. Lý do ông nghĩ là rất chính đáng, chẳng qua cũng vì thời buổi khó khăn mà con người sinh tệ hại, đói thì đầu gối phải bò!

Ngày Lễ Chầu lượt của xứ đạo ông rồi cũng đến, gia đình mấy đứa con cháu xuống nhà chơi tham dự Lễ Chầu lượt, ông bảo bà mua con vịt đánh tiết canh và nấu cháo, còn thằng cháu, ông đưa nó ra chuồng gà và bảo:

– Ông nội để dành cho cháu một con gà trống choai, chứ không phải con nhỏ mà cháu xin trước đây đâu. Nhưng tuần rồi ăn trộm nó bắt hết cháu ạ.

Thằng cu Tũn thất vọng đến tội nghiệp, nhưng chợt mắt nó sáng lên:

– Thế ông Nội có nuôi nữa không? Lần trước ông nói bán hết đợt gà này ông sẽ nuôi gà nòi nữa mà!

– Ừ, ông sẽ mua cặp gà nòi cho nó đẻ trứng ấp con, lứa đầu tiên ông sẽ cho con một cặp, chịu không? Ông Chiếng đưa tay vuốt tóc cu Tũn.

Thằng Tũn vỗ tay cười vui vẻ nghĩ đến cặp gà nòi, bằng tuổi nó chẳng ai cho nó rớ đến chứ đừng nói là có trong tay nguyên một cặp. Nó biết là mơ ước của nó sẽ thành sự thật vì ông Nội nuôi gà đã nhiều năm, ông chịu khó chăm sóc nên gà mau lớn khỏe mạnh. Nó nghe ông kể là trước đây ông cũng đã nuôi gà nòi đi chọi, đá gà, nhưng thời trẻ trung đó đã qua, bây giờ lớn tuổi ông chỉ nuôi gà thịt mà thôi.

Ông Chiếng lại bắt đầu gầy dựng bầy gà từ số không. Chuồng thì sẵn, chỉ phải mua cặp gà khỏe mạnh để nuôi mau đẻ trứng ấp con.

Lần này thì chuồng gà ông Chiếng làm thêm cửa đóng then cài, đề phòng ăn trộm lần nữa. Ông dự định nuôi thêm một con chó xích nó phía nhà sau, để có động tĩnh gì nó sủa lên báo động.

Ông bà Chiếng cứ chiều chiều lại ra sân sau, vãi bắp lúa lép cho bầy gà ăn, hai con gà nòi mới đó mà đã cao lêu khêu nổi bật giữa đám gà đẻ. Ông nghĩ đến thằng Tũn, cháu cưng của ông, nhất định phải cho nó một cặp để nó mừng.

Buổi chiều trời mát, ông đang sửa lại cửa chuồng cho chắc chắn thêm, ông gắn ổ khóa vào cái cửa nẹp sắt, các then chắn đứng bằng tre rất chắc, nhưng nếu lấy búa nạy cũng sẽ bật ra, ông bọc phía ngoài một lớp lưới sắt. Chú Tiếng bên nhà qua chơi thấy vậy nói:

– Bác Chiếng ơi! Thời buổi bây giờ, bác có làm chắc mấy ăn trộm nó cũng bắt được thôi! Rãy tiêu của anh Chiếu gần bên rãy cháu, hồi tối ăn trộm vào cắt nguyên bụi tiêu kéo xuống để hái. Thật hết nói, vườn tiêu bị cắt chắc cũng vài chục bụi sây trái nhất. Ăn trộm bây giờ chẳng những lấy trộm mà còn phá hoại nữa. Bụi tiêu trồng cả mấy năm bị cắt ngang, chẳng biết là người hay quỉ nữa!

Ông Chiếng thở dài:

– Anh cũng biết đó, ông bà già tui làm ăn được chi, chỉ có bầy gà nuôi mà tụi nó cũng cạy chuồng bắt sạch. Sát bên nhà mà tụi nó còn làm vậy thì ngoài rãy chắc còn trồng trọt được gì nữa!?

– Hồi xưa đâu có vậy hả bác? Cháu còn cột cả hai con bò ở lại trong rãy, vì đường về nhà sình lầy quá! Bây giờ chẳng ai dám làm vậy.

– Cũng tại cái thời thế cháu ạ!

– Thời thế gì bác! Tụi nó cờ bạc rượu chè rồi sinh ra ăn trộm chứ thời thế gì!

– Đành là thế, nhưng ngày xưa khi bác còn thanh niên, cũng thiếu gì đám ăn chơi, nhưng đâu đến nỗi này. Cái xã hội nó sinh ra vậy mà!

Ông Chiếng nghĩ đến thằng Tũn, đến tiếng thở dài của vợ ông mà buồn trong lòng. Chẳng lẽ bó tay trong cái chuyện này sao!? Ăn trộm không có lương tâm, mà mình cứ nhịn hoài chắc cuối cùng nhịn đói! Ông nhớ lại hồi thanh niên tham gia kháng Pháp, tổ của ông đã làm những cái bẫy đơn sơ mà cũng rất tinh vi, bọn Pháp cứ bị dính bẫy hoài. Sau này không dám làm thêm, chỉ vì tụi Pháp khi bị thương vì bẫy, nhà nào gần đó nó tới kéo cổ chủ nhà ra tra hỏi. Dân quê biết gì đâu, cho dù biết họ cũng không nói! Thật tội nghiệp! Cuối cùng bị Pháp nó đem đi giam có khi biệt xứ luôn.

Bây giờ đã già, nhưng ông vẫn nhớ những cái bẫy đó, ông muốn làm vài cái bẫy thông thường quanh chuồng gà, thằng ăn trộm nào mò tới dính bẫy cho biết! Ông Chiếng nói với bà:

– Tui dự định bẫy ăn trộm bà ạ. Tui làm bẫy, tối tối giăng ra bên chuồng gà. Phải làm một lần cho tụi nó tởn, chứ không thì nuôi công không cho tụi nó ăn!

– Không được đâu ông ơi! Con nhà Công giáo mình ai lại làm thế. Rủi nó bị thương lại còn phải tốn tiền thuốc thang cho nó. Rồi thì bà con lại lời ra tiếng vô chuyện ác đức đó nữa.

– Thế còn chuyện trộm cắp phá họai của bọn ăn trộm thì sao?

– Đành chịu vậy! Ông rán làm chuồng cho kỹ, coi ngó đêm hôm chứ biết làm sao bây giờ. Ông cũng thường nói là tại cái thời thế nó sinh ra mà!

Ông Chiếng ngẫm nghĩ lời bà nói có lý, chẳng lẽ mình con nhà có đạo lại gây ra chuyện như thế mang tiếng. Cái bẫy thời kháng Pháp ông đã có cách làm, nhưng lại không thể đem ra áp dụng được. Ông chắt lưỡi:

– Thôi, mình phải trông trước ngó sau vậy! Chỉ mong là tụi ăn trộm biết đường ngay nẻo chính mà theo. Chứ cái thời thế mà nó sinh ra thì đành chịu.

Bờ Đá Xanh.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời