Bài Vở Cũ Thiếu nhi

ChuongTrinhHuanLuyen Bai 11

CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN

HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ


BÀI 11 : TÂM LÝ TRẺ

I/ ĐỊNH NGHĨA:

Tâm lý trẻ là cá tính, bản chất và tính tình riêng của mỗi đứa trẻ.

II/ MỤC ĐÍCH :

  • Hướng dẫn và giáo dục các em trở thành người công dân tốt của xã hội và đưa các em đến với Chúa.
  • Hiểu rõ tính tình, hoàn cảnh từng em để có một phương thế hướng dẫn thích hợp cho từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh của mỗi em.
  • Hiểu rõ các em để đáp ứng những nhu cầu cần thiết, để dễ gần gũi, thân mật và thương yêu các em như em út.

III/ PHÂN LOẠI :

1- Tuổi Ấu Nhi (Khoảng 6 đến 10 tuổi)

  • Hiếu động, thích sinh hoạt tay chân. Sinh hoạt cần dễ hiểu, giản dị.
  • Giàu tưởng tượng, hay sợ, thích kể chuyện, không thích dọa nạt.
  • Nhạy cảm, hay hờn giận, muốn được người lớn quan tâm chăm sóc.
  • Ngây thơ, hồn nhiên, thật thà, đơn sơ.
  • Tò mò, thích chơi hơn học.

2- Tuổi Thiếu Nhi (Khoảng 11 đến 14 tuổi)

  • Bướng bỉnh, hay phá rối, không vâng lời.
  • Ham vui, thích hài hước, thích chọc ghẹo bạn bè, thích trò chơi mới lạ, mau nhàm chán.
  • Luôn nghĩ về mình,suy nghĩ nông cạn, cho mình là đúng.

a) Phát triển về tình cảm

  • Yêu ghét: Thích phê bình,ích kỷ, hay cãi nhau, nói nhiều, khoe khoang, nói quá sự thật, tọc mạch. Có tinh thần đoàn kết, biết ganh đua, biết che chở cho bạn nhỏ, em út. Thích công việc nào thì làm bằng được, ghét những kẻ khác chế diễu mình. Sợ chê, hay ghen với anh em.
  • La khóc: ít khóc nhưng hay càu nhàu, đã biết mắc cở, biết tủi thân, thường phàn nàn người lớn bất công.
  • Giận dữ: Hay nói tục. chửi thề, hay cãi lại, lý luận, buồn nhiều hơn giận
  • Sợ sệt: Sợ thua kém bạn bè, sợ thất bại, hay chán nản khi gặp thất bại

b) Phát triển về tinh thần:

  • Phản ứng khi nhận được mệnh lệnh: Thường nói nhiều mới chịu nghe, hay cãi lý, tìm cớ từ chối, muốn tự do làm hơn là gò ép. Nhiều khi tỏ vẻ bất cần
  • Biết nghe lời lý luận: Biết lựa chọn quyết định nhưng vẫn thích làm theo ý riêng.
  • Ý niệm về thiện ác: Biết thế nào là tội phúc (không phải là những điều người lớn cho phép hay cấm đoán). Đã cảm thấy có lỗi, nhưng ít chịu nhận lỗi, chú trọng đến sự công bằng hơn là tội phúc. Lý tưởng của nó là lý tưởng của bọn đồng tuổi.
  • Ý niệm về sự thật và quyền sở hữu: Thích vật gì thì muốn lấy bằng được, rất để ý đến quyền sở hữu. Thích mua bán đổi chác, thu thập cất dấu rồi thỉnh thoảng lấy ra coi. Rất thích tiền, biết tính toán khi mua vật gì, khôn ngoan trong việc đổi chác. Thích khoe khoang, “bịa” cho vui, dù biết nói dóc nhưng muốn dò xem người lớn có tin không?
  • Càng cấm sách nào thì lén đọc cho bằng được.
  • Ngôn ngữ, tư tưởng: ăn nói thô lỗ, hay chửi thề, dọa nạt, nói ngược lại người khác, hay hỏi, hay nói. Thích dúng những tiếng mà mình cho đó là oai, biết dùng tiếng lóng, biết chỉ trích người lớn. Tư tưởng bắt đầu có tính cách độc lập. Thích thực tế

3- Tuổi Nghĩa sĩ (Thiếu niên, đã dậy thì, 14-18t)

  • Ham hoạt động, thích trò chơi mạnh, có cảm giác, hiếu kỳ, gợi suy nghĩ
  • Thích tự lập, làm theo ý riêng, không muốn lệ thuộc
  • Ưa tìm hiểu, hay thắc mắc, hay bắt chước. Tò mò nhưng bồng bột, thích chưng diện đua đòi,
  • Tuổi dậy thì hay mơ mộng.
  • Hay suy nghĩ đâu đâu….ít nghĩ đến công việc
  • Đây là thời kỳ chuyển biến từ trẻ con qua người lớn. Thay đổi thể lý và sinh lý. Do đó dễ bị chi phối, dễ bị nịnh.

Trẻ dậy thì, đã lờ mờ cảm thấy được những chỗ bí mật trên cơ thể mình, muốn đoán lấy, tìm lấy mà không chịu hỏi người lớn, chỉ tìm hiểu ở bạn bè. Chúng đã biết e lệ khi đề cập đến vấn đề sinh dục. Bổn phận của người lớn là biết cách chỉ dẫn cho chúng một cách tự nhiên, không nên quá quan trọng, cũng không nên để trẻ tự tìm hiểu một mình, nhất là bị bạn bè cám dỗ.

a) Tâm lý:

  • Muốn người ta coi mình như người lớn, vì đã biết ý thức cá nhân, biết so sánh suy nghĩ, không tin một cách ngây thơ những lời dạy bảo, mà đòi phát biểu ý kiến, phê bình, tranh luận. biết tự xét và xét người
  • Thích ganh đua trong việc học
  • Hãnh diện hoặc xấu hổ vì gia đình.
  • Chú ý đến ăn mặc, muốn người ta chú ý đến mình.
  • Tự đắc, tự tin, lòng tự ái càng cao thì sợ người ta càng chê cười
  • Không chịu phục tùng như hồi còn nhỏ.
  • Thích được tự do.
  • Thường bất hòa với người lờn nhất là cha mẹ.
  • Hay phản ứng khi gặp điều không vừa ý (hoặc cãi lại, hoặc hóa ra lầm lỳ suốt ngày không nói một tiếng, nhưng khi có dịp sẽ bung ra với bạn bè cho là người lớn vô lý)
    Thích đọc những sách cấm.
  • Rất hăng hái nhưng bồng bột. Thích tự do lựa một ý tưởng thật cao siêu
  • Về phương diện tình cảm biến chuyển sâu xa: đa cảm dễ phật ý, ít biểu lộ với người lớn.
  • Thích viết nhật ký.

b) Cách giáo dục:

  • Phải tin và hiểu chúng, để hòa mình vào chúng, chứ đừng bắt chúng phải theo mình.
  • Nên khuyên bảo, đừng ép buộc.
  • Nếu không vâng lời, cãi lại thì đừng vội giận dữ.
  • Khoan nghĩ rằng nó đã hư hỏng thật sự.
  • Đợi lúc thuận tiện mà khuyên bảo
  • Không dùng giọng mỉa mai, phải bình tĩnh, thẳng thắn mà nói.
  • Đừng soi mói đời tư của nó chỉ nên kiểm duyệt một cách âm thầm và kín đáo

TÓM LẠI:

Trẻ em có rất nhiều tính tốt. Chúng ta cần nắm rõ và hiểu chúng để giáo dục các em trở nên tốt hơn, vì:
Nhân chi sơ, tính bản thiện
Và “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta, vì nước Trời là của chúng
(Mc 10,16)

— o0o —

Mục Lục | Bài Kế Tiếp

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời