Lịch sử Bình Giả

Lịch sử Họ Gia Hòa – Nguyễn Đình Hòa

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ

Họ GIA HÒA, Xứ VINH CHÂU, Hạt BÌNH GIẢ. NGUỒN GỐC, SỰ HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

I. LỜI MỞ ĐẦU:

Kính thưa cộng đoàn giáo dân họ Gia Hòa khắp mọi nơi. Tôi đã được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Gia Hòa Bình Giả. Tôi cảm nghiệm mình đã được thừa hưởng những công lao to lớn của cha ông, nhân dịp về nguồn, tìm hiểu, sưu tập, cộng với số tài liệu của cha chú để lại, và được sự hổ trợ của BHG xứ Gia Hòa mẹ (ngoài Bắc), tôi đã hoàn thành tập tài liệu này với mục đích giúp thế hệ con cháu hiểu được cội nguồn và những công lao to lớn của các bậc tiền nhân, đồng thời nhìn lại thời gian 50 năm (1955-2005) xây dựng và phát triển, những thành quả đã đạt được nhân kỷ niệm 50 năm thành lập giáo họ ngỏ hầu mỗi người chúng ta tự hỏi và nhìn lại chính mình.

II. NGUỒN GỐC HỌ GIA HÒA:

Họ Gia Hòa ở Binh Giả gốc chính là xứ Gia Hòa thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, trực thuộc địa phận Vinh.

III. VỊ TRÍ VÀ ĐỊA DƯ:

Làng gốc Gia Hòa nằm chính trên tỉnh lộ bắt đầu từ cây Gia Lách (ngả ba quốc lộ số 1, cách cầu Bến Thủy khoảng 500m, thuộc tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh lộ chạy theo hướng đông đến Hội Thống), đông giáp làng Khải Mông, tây giáp làng Trung Lộc, nam giáp dãy núi Hồng Lĩnh, bắc giáp tả ngạn bờ sông Lam, dòng sông uốn cong bao nửa vòng xứ mẹ.

IV: SỰ HÌNH THÀNH XỨ MẸ GIA HÒA:

Họ đạo Gia Hòa được hình thành từ đầu thế kỷ 19 lúc các triều Chúa Nguyễn ra tay bắt đạo Gia Tô một cách quyết liệt và gay gắt, tổ tiên chúng ta không rõ từ phương nào tới, tản mác sống dọc theo chân núi Hông Lĩnh và dọc theo bờ sông Lam. Khi tình hình bắt bớ có phần lắng dịu, tổ tiên chúng ta mới nhóm thành họ đạo là làng Gia Tuyền, sau đó từ Gia Tuyền đổi thành Gia Hòa không biết là từ khi nào và với mục đích gì. 

Đến năm 1886, Gia Hòa được gọi là họ đạo đầu tiên trong số 12 họ đạo của huyện Nghi Xuân, Gia Hòa khi ấy thuộc xứ Chân Lộc (Lâp Thanh-Nghi Lộc). khi đó giáo dân xứ này ngày một đông, Chân Lộc được tách một số họ đạo để thành lập một xứ mới gọi là xứ Làng Anh, và Gia Hòa lúc đó thuộc về xứ Làng Anh.

Đến ngày 14/12/1889, Đức Cố Giám Mục Pigneau, tức là Đức Cha Tự người kế vị Đức Giám Mục Gauthier ra săc chỉ cho thành lập một xứ đạo đầu tiên tại Nghi Xuân đó là xứ Gia Hòa, bao gồm các họ là Gia Hòa , Khai Mông, Cam Lâm, Cường Gián, Tả Ao, Xuân Hòa, Yên Hòa, Thổ Chu, Yên Trạch, Vạn Thọ Chu, Vạn Ngọc Lâm (Vạn là họ gồm những người sống bằng nghề đánh cá ở sông lạch, và chuyên sống trên thuyền), tổng cộng tất cả 11 họ. Như vậy kể từ ngày 14/12/1889, Gia Hòa đã chính thức trở thành một xứ mới của địa phân VINH.

Đến ngày 13/5/1895 (tức là 6 năm sau), Tòa Giám Muc địa phận Vinh lại ra sắc chỉ tách hai họ Cam Lâm và Cường Gián khỏi xứ Gia Hòa để thành lập một xứ mới gọi là xứ Cam Lâm, và đồng thời tách họ Yên Lĩnh ra khỏi xứ Thọ Kỳ (tức là Thọ Ninh và Đức Thọ) xáp nhập vào xứ Gia Hòa, như vậy lúc này Gia Hòa còn 10 họ đạo.

Lịch sử cũng thay đổi như dòng nước chảy của một con sông qua nhiều mùa mưa lũ, khi xói mòn, khi bồi đắp, khi giận giữ, khi bình yên, cũng có lúc làm thay đổi biến dạng cả một vùng rộng lớn. Gia Hòa quê mẹ lại ở ngay bên bờ sông Lam, một con sông lớn nên cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng thay đổi theo dòng lịch sử khi hợp khi tan và cho đến nay, sau 116 thành lập (1889-2005), Gia Hòa còn lại 5 họ đạo là Gia Hòa, họ trị sở, tọa lạc ngay trên tỉnh lộ từ ngả ba Gia Lách đi về Hội Thống, cách cầu Bến Thủy 3km về hướng đông, họ Yên Lĩnh cách nhà thờ giáo xứ 3km về hướng tây tây nam. Từ họ Yên Lĩnh chếch về hướng đông là họ Thượng Thôn; họ Xuân Hòa nằm sát họ Gia Hòa về hướng đông, cùng với họ Tả Ao. Các họ hiện nay đã có nhà nguyện và trường học, riêng họ Tả Ao quá ít dân số nên không có.

V. ĐỜI SỐNG & DÂN SỐ:

Theo thống kê vào năm 1955, số dân trong giáo xứ có khoảng trên dưới 2000 giáo dân, chuyên sống bằng nghề nông theo cha truyền con nối. Quê mẹ Gia Hòa ở vào vùng đất luôn gặp nhiều thiên tai, có thể nói là không năm nào thoát khỏi bão lụt, đất đai eo hẹp lại cằn cỗi, ngọai trừ vùng đất phù sa nằm bên bờ sông Lam thì rất là phì nhiêu nhưng cũng rất ít.

Nói chung đời sống tổ tiên ta thời đó rất nghèo nàn, 99% dân trong làng ở nhà mái lá vách đất, cơm áo đạm bạc và thô sơ, cuộc sống rất vất vả, có thể nói được xong mùa cung hết gạo. (Hiện nay theo vòng quay của bánh xe lịch sử, theo chiều hướng phát triển của xã hội thì quê mẹ Gia Hòa ta cũng đã phát triển một cách rõ rệt, tỉnh lộ chính đi qua làng cũng đã bê tông nhựa hóa vào năm 2000, nhà dân ở hai bên lộ cũng đã được kiên cố hóa, và nhà cao tầng cũng đã dần dần mọc lên, cuộc sống của giáo dân ngày càng sung túc và đầy đủ hơn, có thể nói là một tương lai tươi sáng đang ở phía trước (nhận định của tôi vào năm 2001).

VI. ĐỜI SÔNG VĂN HÓA:

  1. Trình độ kiến thức văn hóa: Nói được sau một thời gian dài, Gia Hòa chỉ lóe lên như ngọn đèn trước gió rồi lại im lìm với đồng ruộng. Thời Hán học chỉ nổi lên Cố Cụ Phan (thân sinh Cha Già Lạc),Cụ đậu tú tài Hán, nhưng khi vào tam trường để thi cử nhân thì Cụ bị rớt, còn về Tây học người cao nhất cũng chỉ đậu được Primaire (tiểu học) nhưng số lượng cũng rất khiêm tốn, đếm không đủ ngón đầu ngón tay. Trong làng có cụ Tả Ao nổi tiếng về địa lý, nhưng Cụ lại là người lương; trái lại các làng bên cạnh họ lại khá hơn, như làng Tìm Điều sản sinh hai nhà đại văn hào nổi tiếng, không những trong nước mà còn cả trên thế giới nữa đó là Cụ Nguyễn Công Trứ, con người được thôi thúc với chí làm trai, hòai bảo với cái nợ tang bồng, nên Cụ đã giằng giật với con đường tiến thân. Cụ Nguyễn Du nổi tiếng với Đoạn Trường Tân Thanh (tức Truyện Kiều), một nhà thơ uyên bác hiên nay đã được xây dựng lăng để kính nhớ tại làng. Làng Xuân Viên cũng có Cụ Trần Trọng Kim nổi tiếng là một nhà chính trị tài ba. Tổ tiên chúng ta thời đó không buôn bán nên cũng rất ít giao thiệp với bên ngoài, hơn nữa đời sống vật chất thiếu thốn nên việc học cũng rất ít được quan tâm, khuyến khích.
  2. Nếp sống văn hóa: Mặc dầu sự học hành có phần yếu kém, nhưng Gia Hòa vẫn luôn giữ được phong cách trong nếp sống, biết kính trên nhường dưới, sống có tôn ti trật tự.Các cụ khi hội hè phải có áo dài khăn đóng, các bà phải áo dài tứ thân đầu vấn khăn mỏ quạ. Vào dịp Tết, các cụ thường tổ chức hội chơi cờ, đánh cù, xít đu,v.v… Vào dịp hè, các cụ thường tổ chức hội thi diều sáo rất là vui nhộn, những con diều sáo dài hàng mấy thước đủ màu sắc mang trên mình nhiều ống sáo, bay dật dờ trên khoảng trời cao phát ra những âm thanh rất kỳ diệu, trông rất đẹp mắt và vui tai.
  3. Kiến trúc nhân tạo và thiên nhiên : Gia Hòa quê mẹ không có một công trình kiến trúc nào đáng ghi nhận ngoài ngôi nhà thờ của giáo xứ và một ngôi đình làng được chạm khắc công phu và tỉ mỉ, nhưng ngôi đình đã bị sụp đổ trong cuộc chiến tranh chống Pháp (1945-1954), chỉ còn lại ngôi nhà thờ nhưng cũng bị bom đạn Mỹ tàn phá khá nhiều (hiện nay đang được xây mới và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2006). Vùng đất quê mẹ Gia Hòa ở vào một địa thế khá hùng vĩ, phía bắc có dòng sông Lam bao quanh nữa vòng làng, phía nam có dãy núi Hông Lĩnh hùng vĩ, một nhánh của dãy Trường Sơn. Núi bắt đầu từ bờ biển Hội Thống chạy dài về hướng tây nam, dãy Hồng Lĩnh có rất nhiều ngọn lớn nhỏ cao thấp khác nhau, ngọn đầu tiên ở gần bờ biển khá thấp và chỉ toàn là đá, hình dạng các hòn đá chồng nhau trông như cánh buồm căng gió ngoài khơi, hoặc trông như cái quạt đang xòe, cha ông ta đặt tên cho là Hòn Đá Buồn. Trong dãy có hòn cao hơn cũng toàn đá dựng lên như những cột trụ chơ vơ giữa trời, cũng có thể trông như những lâu đài cổ kính, cha ông ta gọi là Hòn Đá Dựng, đó chính là hai hòn đẹp nhất và hùng vĩ nhất trong dãy. Đến phần đất của Gia Hòa thì có một hòn khá lớn nhô ra, cây cối um tùm đặc biệt là có rất nhiều quả sim. Cứ đến tháng 7 tháng 8 người dân rủ nhau đi hái quả sim về để ăn hoặc ủ để cất rượu sim. Ngọn này rất gần với làng Gia Hòa nên cha ông chúng ta gọi là núi Bần hay rú Lần, từ đây kéo dài qua Truông Kẻ Giằng nối tiếp dãy Trường Sơn và chạy dài cho đến Lào.
  4. Đức Tin: 116 năm so với lịch sử giáo hội thì Gia Hòa thật mới mẻ, nhưng tổ tiên chúng ta đã trải qua biết bao đau khổ và thử thách: khi bị truy lùng bắt bớ, khi bị xiềng xích tra tấn, khi bị rạch mặt khắc chàm “Nghi Xuân Tả Đạo” ; vì thế, đời sống đức tin của tổ tiên chúng ta thời đó lúc hợp lúc tan, nhưng khi hợp thì lại càng lớn và vững vàng hơn, nói được Gia Hòa cũng như các xứ đạo khác của địa phận VINH, trưởng thành và lớn lên trong đau thương và gian khổ. Cho đến hôm nay, Gia Hòa đã thắp sáng lên được ngọn nến đức tin, tô thêm một điểm son vào bản đồ lịch sử của giáo hội Việt Nam.

VII. CÁC ĐỜI CHA SỞ & CÔNG LAO CÁC NGÀI :

Các vị chủ chăn Gia Hòa từ ngày thành lập cho đến nay:

  1. Cha Già Phong (1889—1900): với 15 năm chăn dắt đoàn chiên Gia Hòa, Ngài là vị chủ chăn tiên khởi, Ngài đã kết hợp với các vị thân hào trong xứ để xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên của giáo xứ gồm các Cụ Trùm Tính, Cụ Phan (thân sinh Cha Già Lạc), Cụ Tuần, Cụ Mưu, Cụ Bang, Cụ Cựu Bính, Cụ Trùm Chồm, Cụ Truyền,vv… Khi nhà thờ hoàn tất thì cũng là lúc Ngài qua đời . Thi hài của Ngài được an táng trong ngôi thánh đường do Ngài xây dựng.
  2. Cha Già Dược (1894—1904): những năm trước đó Ngài làm phó cho Cha Già Phong. Với 4 năm làm chánh, Ngài cũng về với Chúa và Ngài cũng được an táng trong thánh đường (hài cốt của Hai Cha cũng vừa mới được cất bốc rất là đầy đủ hôm khai móng làm thánh đường mới).
  3. Cha Già Tường (3/1904 — 8/1920): 16 năm chăm sóc con chiên Gia Hòa, Ngài được bề trên gọi về hưu ở Nhà Chung Xã Đoài và an nghỉ tại đó.
  4. Cha Già Vĩnh (8/ 1920 – 8/1927): sau 7 năm với con chiên Gia Hòa, Ngài được bề trên sai đi coi xứ Kim Đôi (Quảng Bình).
  5. Cha Già Minh (08/1927 – 02/1938): trong 11 năm coi sóc con chiên Gia Hòa, Ngài đã xây dựng nhà xứ, xây dựng nhà thờ họ Xuân Hòa. Khi công trình còn dang dở thì Ngài qua đời. 
  6. Cha Già Cai (02/ 1938 – 05/1943): với 5 năm ở xứ Gia Hòa, Ngài đã khởi công xây dựng tháp chuông nhà thờ xứ, tiếp tục và hoàn tất nhà nguyện họ Xuân Hòa, khởi công xây dựng nhà nguyện họ Thượng Thôn đồng thời di dời họ đạo này dến một nơi yên tĩnh hơn. Ngài là người mở trường dạy Quốc ngữ đầu tiên taị xứ Gia Hòa. Ngài cưỡng bức giáo dân nhất là thanh niên nam nữ đi học chữ Quốc ngữ, kêu gọi các gia đình có con em đang theo học chữ Nho bỏ về để học chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Có thể nói được rằng Ngài là người đầu tiên giải thoát phần nào nạn mù chữ cho giáo dân Gia Hòa thời đó. Ngài đem đến một sự thay đổi trong nếp sống cả văn hóa lẫn phong cách; nhưng rất tiếc, vì những hẹp hòi cố hữu hay vì một đố kỵ nào đó, một số giáo dân đã kiện Ngài lên Tòa Giám Mục (không rõ lý do), thế rồi vào một đêm buồn, Ngài lặng lẽ bước xuống thuyền chài đi về địa phận, và sau đó Ngài nhận bài sai đi coi xứ Hướng Phương (Quảng Bình).
  7. Cha Già Đông (1943—1953): 10 năm trông coi giáo xứ Gia Hòa, Ngàai là vị chân tu theo hướng khắc kỷ, nghiêm ngặt với chính bản thân. Đối với Ngài, mọi vật chất trần thế Ngài không hề để ý tới, Ngài là người uyên thâm về thần học, sống thiên về cầu nguyện và giảng dạy. Ngài có công xây dựng cho Gia Hòa một trường học đặt tên làTrường Mân Côi. Ngài bị bệnh tim và đã bị đột tử trong phòng riêng vào ban đêm, đến sáng hôm sau mới phát giác được. Thi hài của Ngài được an táng trước khuôn viên nhà xứ. 
  8. Cha Paul Nguyễn Đức Tính : Ngài thụ phong linh mục vào mùa hè năm 1951 tại Phát Diệm. Ngài được bổ nhiệm đến là phụ tá Cha Già Đông tại Gia Hòa và đặc trách quản xứ Cam Lâm từ năm 1951 đến 1953. Từ năm 1953 đến 1987, Ngài chính thức quản xứ Gia Hòa. Như vậy vừa phụ tá vừa chính thức là một thời gian dài 34 năm chăn dắt giáo dân GiaHòa. Ngài đã trải qua rất nhiều thử thách do dòng lịch sử của đất nước thay đổi, nhưng được ơn trên che chở, và Ngài đã được Chúa gọi về vào ngày 07/08/1987. Thi hài của Ngài được an táng bên cạnh mộ Cha Già Đông (hiện nay giáo dân Gia Hòa cũng đang dự trù sẽ cải táng mộ Cha Già Đông và Cha Già Tính vào một nơi khác đẹp hơn).
  9. Cha Jos. Nguyễn Đức Châu (11/1988-05/1994): Ngài bị bệnh tim mạch và được gọi về Nhà Chung Xã Đoài dưỡng bệnh.
  10. Cha Jos Võ Văn Thìn (06/1994-03/02/1998): Ngài cũng bị bệnh và cũng được gọi về Nhà Chung dưỡng bệnh.
  11. Cha Paul Bùi Văn Huyên (04/02/1998 đến nay): tuổi Ngài cũng đã rất cao, cộng thêm Ngài cũng mang rất là nhiều thứ bệnh trong mình, nhưng cũng đã cố gắng nối bước Hai Cha tiền nhiệm trong việc xây dựng lại ngôi thánh đường giáo xứ, và lễ đặt viên đá đầu tiên đã được cử hành vào ngày 06/02/2003 do Đức Giám Mục Paul Cao Đình Thuyên chánh địa phận Vinh làm chủ tế. 

VIII. GIA HÒA ĐÓNG GÓP VỚI GIÁO HỘI:

Sau 116 năm, Gia Hòa đóng góp cho Giáo Hội được 9 vị linh mục,trong đó 4 vị đã qua đời ở quê mẹ (Bắc) là Cha Già Tôn, Cha Già Chấp, Cha Già Ân (người thông thạo nhiều ngoại ngữ và đã được địa phận gởi đi du học tại Penăng), Cha Già Lạc là người rất am hiểu về Hán học và là môt nhà thơ giỏi; còn 4 vị ở trong miền nam là: Cha Nguyễn Văn Ngọc (dòng Phước Sơn,hiện đang là chánh xứ Kiên Lương), Cha Nguyễn Xuân Tỉnh (dòng Vính Sơn, hiện đang là Giám Tỉnh ở Túc Trưng), Cha Nguyễn Đình Vĩnh (Dòng Phanxicô), Cha Minh hiện đang ở Hoa Kỳ, Cha Lê Văn Hùng (dòng Ngôi Lời, thụ phong linh mục năm2004).

Sống trên đất Gia Hòa Bình Giả còn có Cha Cố Phêrô Nguyễn Viết Bình, con Cố Cụ Nguyễn Đức Châu. Ngài là Cha Linh Hướng đầu tiên của Đoàn Thanh Niên Nam Nữ Gia Hòa; và Cha Giuse Võ Công Tiến, con Cụ Võ Nghị, người gốc Phi Lộc nhưng sống trên đất họ Gia Hòa.

Nam Tu Sĩ:

  • Thầy Louis (tức thầy Lam con cố Mạn) dòng Thiên An Huế.
  • Thầy Antôn Nguyễn Tiền Hiền thuộc Tu Viện Lời Chúa (con ông Nguyễn Nhiệm).
  • Thầy Đaminh Nguyễn Văn Thành dòng Đồng Công (con ông Phùng Văn Phụng).
  • Thầy Phaolô Ngô Văn Thành dòng Phước Sơn (con ông Ngô Ngụ)

Nữ Tu Sĩ:

  • Soeur Andrea Nguyễn Thị Khẩn, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Khấn trọn đời năm 1963 (con Cố Khương).
  • Soeur Marie Regina (Vũ Thị Báu), con của ông Vũ Văn Liêm và bà Nguyễn Thị Nhường gốc Gia Hòa (là em ruột ông Vũ Hồng Nhàn), sinh năm1936,Nữ Tu dòng Bác Ái,hiện ở tại Paris nước Pháp.
  • Soeur Maria Bạch Thị Hòa, dòng Khiết Tâm Đức Mẹ NhaTrang, khấn trọn năm 1971 (con cố Hiếu).
  • Soeur Alicia Maria Hồ Thị Hiến, dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, khấn trọn năm 1970 (em ông Phú ).
  • Soeur Maria Nguyễn Thị Huy, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, khấn trọn năm 1998 (con ông Cố Nguyễn Bính).
  • Soeur Maria Nguyễn Thị Mỹ, dòng Thừa Sai Thánh Tâm Thủ Đức, khấn dòng năm 1985 (con ông Nguyễn Tùy ).
  • Soeur Anna Nguyễn Thị Thu Trúc dòng, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, khấn dòng 08/09/ 2004 (con ông Nguyễn Thái Bình ).
  • Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Hương, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, khấn dòng 08/09 /2004 (con ông Nguyễn Đình Trọng).
  • Soeur Theresa Bạch Thị Thu Hà, dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, khấn dòng năm 2002 (con ông Bạch Hồng).
    Ngoài ra cũng còn lại một số chưa kiểm chứng được.

IX. SỰ RA ĐI RỜI XỨ MẸ:

Đầu năm 1955, hơn 160 gia đình giáo dân xứ Gia Hòa bỏ quê mẹ theo dòng người di cư vào Nam đổi vùng sinh sống. Theo lịch sử của đất nước, thời điểm đó Việt Nam bị chia hai bởi một ranh giới là dòng sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị, hay còn gọi là vĩ tuyến 17 trên bản đồ thế giới: từ Bến Hải trở ra Bắc do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cai trị, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam do Pháp bảo hộ và Vua Bảo Đại làm Quốc Trưởng cai trị . Sự chia căt này do Hội Nghị Genève 1954 tại Thụy Sỹ quyết định và do quyền lực quốc tế cũng như sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam hai bên (sau này thường gọi là hiệp định Genève 1954), trong đó có quy định cho phép người dân hai miền đổi vùng sinh sống. Cũng vì cuộc sống quá nghèo nàn và thiếu thốn nên cha ông chúng ta đã quyết định rời bỏ quê hương để đến một vùng đất mới hòng kiếm một cuộc sống có phần khá hơn. Lúc ra đi cũng gặp những trở ngại nho nhỏ, nên cha ông chúng ta đã ra đi bằng nhiều đợt và bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng tất cả đều được đổ về bến cảng Sài Gòn và được đưa về ở tạm tại kho gạo lớn Bình Đông Một và hai bên cầu chữ Y thuộc Chợ Lớn ngày nay. Một số khác được đưa về ở tạm tại Đình thần Xuân Trường thuộc xã Linh xuân, thôn Thủ Đức Gia Định. Các nơi tạm cư này chỉ dành riêng cho giáo dân thuộc địa phận Vinh, trong đó có Gia Hòa.

X. ĐẾN NHẬN QUÊ HƯƠNG MỚI:

Ngày 28/10/1955,110 gia đình Gia Hòa cùng với các giáo dân xứ khác lần đầu tiên dặt chân đến mảnh đất BÌNH GIẢ để tạo cuộc sống mới. Có một số gia đình người Gia Hòa lại chọn các vùng khác như Nha Trang, Ban Mê Thuột, Phan Thiết, vv… để định cư.

Bình Giả hồi đó là một vùng đất đỏ hoang vu, có thể nói là thâm sơn cùng cốc, thú dữ rất nhiều, chỉ có một con đường độc đạo đất đỏ lầy lội, cây cối um tùm chạy từ ngã ba Ngãi Giao (nay là ngã tư Bùng Binh) đến đầu Xuân Sơn. Bình Giả cũng được thành hình từ đó. Về hành chánh, thời đó Bình Giả thuộc quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa; về giáo quyền, từ năm 1957 Bình Giả thuộc hạt Long Hương, Giáo phận Sài Gòn.
Lúc mới đến, cha ông chúng ta được sống tạm trong các lều bạt trợ cấp, ít tháng sau đó nhà cửa đã được dựng xong, đất đai canh tác đã được chia ổn định, giáo dân được bốc thăm và chia nhà ở theo gia đình. Gia Hòa được chia thành 5 hàng, mỗi hàng là 22 gia đình. Theo hướng đông tây, đông giáp họ Văn Yên, tây giáp họ An Hà còn gọi là Kẻ Gai và Thượng Bình, bắc giáp với lộ chính đối diện họ Nghi Lộc, nam giáp bìa rừng và một ngọn đồi cao (nay là Đồi Đức Mẹ).

Khi nhận phần đất, cha ông chúng ta đã nhìn xa nên đã khôn khéo dành 4 phần đất ngay giữa trung tâm họ đạo để xây dựng nhà nguyện và trường học (nhìn chung không có họ đạo nào trong hạt Bình Giả có phần đất xây dựng nhà nguyện rộng như của Gia Hòa chúng ta).

XI. SỰ TRỢ GIÚP ĐỊNH CƯ:

Đời sồng cha ông chúng ta lúc bấy giờ chỉ trông nhờ vào sự trợ giúp của các cơ quan từ thiện trong cũng như ngoài nước, đặc biệt là của Giáo Hội Công Giáo, qua sự trung gian phân phối gọi là Phủ Tổng Ủy Di Cư. Giáo dân địa phận Vinh cũng có Tòa Đại Diện, trụ sở đặt tại 2bis Trần Khát Trân, sau này dời về 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm do cha chính J.B.Trương Cao Khẩn, kế đó là cha Phêrô Mạnh Trọng Bích và cuối cùng là cha P.M. Nguyễn Viết Khai làm Chánh Đại Diện với mục đích dễ dàng quan hệ với Phủ Tổng Ủy Di Cư và Tòa Giám Mục về quyền lợi của giáo dân gốc địa phận Vinh.

Làng Vinh Hà trong đó có Gia Hòa nhận được sự trợ giúp của cơ quan từ thịên nước Pháp. Sự viện trợ của họ rất nhiều nên vật dụng trợ cấp rất là đầy đủ.

  • Về tôn giáo, họ cung cấp vật liệu thô để xây dựng thánh đường.
  • Về xã hội họ xây dựng trạm xá, trường học, chợ, đường sá, giếng nước, máy phát điện …
  • Về phần cá nhân và gia đình, họ cấp phát vô thường các đồ dùng và thực phẩm như nước mắm, trà, bơ, sữa, dầu ăn, bột mỳ, đậu, chăn mền v.v…nói chung vật dụng nhiều vô số kể. Mỗi gia đình được cấp một căn nhà lá hai gian nằm trên 1 sào vườn và 4 sào đất rãy đã ủi xong để canh tác, mỗi gia đình được cấp 1 con heo, 2 con gà, cày, bừa, cuốc, xẻng, dao, búa, có cả những đồ dùng nhỏ nhất trong một gia đình. Có điều đáng lưu ý là cha ông chúng ta đến Bình Giả lúc ấy hầu như là tay trắng chỉ trông nhờ vào sự viện trợ của các Cơ Quan Từ Thiện và Giáo Hội Công Giáo mà thôi

Khi đặt chân đến Bình Giả, cha ông chúng ta làm sao tránh khỏi những lo lắng và băn khoăn giữa cánh rừng thâm u đầy chướng khí này. Cứ mỗi lúc màn đêm buông xuống thì tiếng gào rúc của cú vượn, tiếng gầm thét của cọp beo, tiếng khàn tác của hươu nai bên cạnh các hè nhà hòa lẫn với tiếng còng tiếng kẻng, tiếng phèng la của đám người dân tộc thiểu số cầu kinh chay đàn rải rác quanh các vùng Bàu Chinh, Bàu Trơ, Ruộng Tre, Quảng Giao, VinhThanh vọng đến, cảnh rừng đã hoang dã lại thêm âm thanh ma quái càng làm thêm cho con người thêm rùng rợn hơn. Vài tháng sau đó các bệnh dịch bắt đầu hoành hành như thương hàn, sốt rét ngã nước v.v… bao trùm lên giáo họ Gia Hòa ta nói riêng và cả Binh Giả nói chung, mà đặc biệt tổn thất nặng nề nhất là Vinh Trung (Làng Ba). Bệnh dịch đã kéo dài trong mấy năm liền khiến nhiều gia đình hoảng sợ đã bỏ đi nơi khác.

Nhưng chính nhờ vào sự viện trợ to lớn của các Cơ Quan Từ Thiện và nhờ vào đức tin vững mạnh, cùng với lòng quyết tâm cao độ của cha ông chúng ta, nên dần dần cũng đã khắc phục được bệnh tật, ổn định đời sống, khu rừng thâm u chướng khí ngày nào sau 50 năm xây dựng và phát triển nay đã trở thành khu làng xinh đẹp và trù phú có thể nói được là vùng đất chảy sữa và mật ong.

XII. THÀNH LẬP GIÁO XỨ:

Từ năm 1955 đến năm 1986,giáo họ Gia Hòa trực thuộc giáo xứ Vinh Hà do cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều sáng lập và chăn dăt đến năm 1972 thì Ngài mất. Linh cửu của Ngài được an táng trước sân thánh đường giáo xứ. Sau đó xứ được trông coi bởi cha Phêrô Trần Quang Minh, đến năm 1976 do cha Phêrô Ngô Kỷ coi sóc. Cho đến năm 1986 thì Gia Hòa được tách xứ sang Vinh Châu. Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1986, Gia Hòa còn được sự hướng dẫn của cha Phêrô Nguyễn Viết Bình (vì Cha ở tại nhà nguyện họ Gia Hòa).

Vinh Hà là tên ghép cho các giáo họ thuộc gốc địa phận Vinh nhưng ở tỉnh Hà Tỉnh di cư vào Nam được gọi ghép là Vinh Hà.

XIII. TÁCH XỨ:

Vào cuối năm 1986, vì nhu cầu giáo vụ và vì họ Gia Hòa ở cách xa thánh đường giáo xứ Vinh Hà nên Đức Cố Giám Mục Đaminh Nguyễn Văn Lãng đã ra sắc chỉ đưa giáo họ Gia Hòa sáp nhập vào giáo xứ Vinh Châu . Vinh Châu cũng là tên ghép của các giáo xứ thuộc gốc địa phận Vinh nhưng ở phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An.
Thực ra tên gọi hành chánh của Binh Giả lúc bấy giờ là làng 1, làng 2 , làng 3. Các Cha Cố sáng lập, hướng dẫn và dìu dắt giáo dân đến Binh Giả lúc đó: làng 1 là Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều, làng 2 là Cha Antôn Đoàn Duy Đông, làng 3 là cha Phêrô Trần Thanh Cần. Các Ngài đã thống nhất đặt tên gọi cho 3 giáo xứ là Vinh Hà, Vinh Châu và Vinh Trung với mục đích là để nhăc nhở mọi người, đặc biệt là con cháu mai sau, luôn nhớ đến cội nguồn của mình là gốc địa phận Vinh.

XIV. SỰ HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC HỌ GIA HÒA:

Gia Hòa đến BìnhGiả vào tháng 11 năm 1955 với số gia đình khá đông, nên cha ông chúng ta đã tranh đấu để được sống quây quần với nhau. Lúc chính thức định cư, Gia Hòa có khoảng trên dưới 90 gia đình, độ khoảng 350 giáo dân. Trên thực tế, Gia Hòa không được tổ chức các cơ sở tôn giáo riêng, nhưng vì địa dư ở cách xa giáo xứ, các người già cả và trẻ em không thể đến thánh đường giáo xứ để sinh hoạt tôn giáo hằng ngày được. Vì thế, họ Gia Hòa đã xin phép đấng bản quyền là Cha Cố Phêrô Nguyễn Văn Kiều, chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Vinh Hà và Đức Cố Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám Mục địa phận Sài Gòn, và đã được các Ngài chấp thuận, nên lúc bấy giờ cha ông chúng ta đã dành một khu đất khoảng 4 sào ngay giữa trung tâm giáo họ để xây dựng ngôi nhà nguyện. Cũng có thể nói được là khi giáo dân vừa mới nhận nhà ở thì cũng là lúc xây dựng nguyện đường bằng các vật liệu nhẹ như tre và bạt, công lao đầu do cụ Nguyễn Nhạc đề xướng và cũng chính ông là ông câu tiên khởi của họ nhà chúng ta. Tiếp đó làm nhà hội, khởi công xây dựng đồi Đức Mẹ, đồng thời dành một khu đất rộng bao quanh đồi để làm tài sản riêng cho giáo họ, những công việc này giáo dân hưởng ứng rất tích cực. Cha ông chúng ta làm như vậy là để giúp con cháu mai sau có điều kiện để tu sửa nguyện đường, xây dựng các công trình, và hương đèn trong nhà thờ nhà nguyện (công việc này chính là sáng kiến của ông Nguyễn Khán và ông Ngô Kim Toàn cùng được sự hổ trợ của một số người khác). Phần đất này được một số tư nhân dâng cúng, một số do cha ông khai phá và đã được thực hiện trên một bản đồ ruộng đất (hiện bản đồ này đang còn). Phần đất này được chia thành 45 lô, không kể 2 lô làm sân vận động (nay là trạm xá, nhà anh Lê Huy Đức và nhà bà Nguyễn thị Dung), toàn bộ phần đất chạy dọc theo hai bên lộ chính vào đồi Đức Mẹ, bắt đầu từ bờ tre ấp chiến lược, tức hướng nam mép đường số 4 trước nhà anh Hiếu và bà Thung hiên nay , một lô ao nằm hướng đông cặp đồi Đức Mẹ nay là sân vận động, và một số ruộng lúa nằm hướng nam khu đồi (hiện nay gia đình ông Nguyễn Huệ và ông Trần Văn Lễ đang canh tác).

Thời đó cha ông chúng ta có những giao ước rất đặc biệt với các giáo biện và một người thủ chí trong làng là được canh tác và hưởng huê lợi trên những phần đất đã được chia sẵn cho các vị ấy (giao ước này được thực hiện thời gian đầu nhưng không hiểu vì sao sau này bị lãng quên).

Kính thưa quý vị, cho đến hôm nay những vị đã có công sáng lập, cũng như những vị đã đóng góp công sức để xây dựng nên giáo họ tươi đẹp này, họ đã lần lượt ra đi trong bình yên để về với Thiên Chúa trong cỏi vĩnh hằng, và đã làm trọn trách nhiệm với con cháu. Chúng ta là người thừa hưởng những di sản quý báu đó, những di sản đã được xây dựng bằng chính mồ hôi, nước mắt, bằng công sức, và những hy sinh to lớn của cha ông. Vậy mỗi người chúng ta nghĩ gì, và nên làm gì cho phải phép, để khỏi thẹn với lòng mình và cảm thấy xứng đáng hơn trước mặt Thiên Chúa?

XV. SỰ ĐÓNG GÓP & CỐNG HIẾN CHO GIÁO HỌ:

Từ ngày thành lập giáo họ đến nay, nói chung thì tất cả giáo dân trong giáo họ đều có công đóng góp vào việc kiến thiết và xây dựng giáo họ. Tuy nhiên, những người có nhiều sáng kiến và hy sinh công của để xây dựng giáo họ được hình thành trù phú và đẹp đẽ như ngày hôm nay không nhiều, tôi xin được nêu những người nổi bật thời mới lập nghiệp:

  1. Cụ Nguyễn Nhạc (cố Hàn): khởi đầu xây dựng nhà nguyện bằng vật liệu nhẹ (tre và bạt), dựng hội quán, đồi Đức Mẹ, ông cũng chính là ông câu tiên khởi của họ nhà.
  2. Cụ Nguyễn Khán (cố Nông): Cụ chính là người khởi công xây dựng nhà nguyện họ vào đầu năm 1962 bằng vật liệu cơ bản và hoàn thành vào cuối năm 1963 (nhà nguyện hiện nay), kiến thiết lại đồi Đức Mẹ, bao các lô đất quanh đồi Đức Mẹ làm đất chung của giáo họ, chính ông đã kêu gọi các gia đình khai phá trước mặt đồi dâng cúng đất vào nhà thờ và đã được một số dân hưởng ứng, ông cũng chính là người bỏ công của để thành lập đội trống đồng (hịên nay đang còn hoạt động).
  3. Ông Ngô Kim Toàn: ông là người cộng tác rất đắc lực với cụ Nguyễn Khán trong việc xây dựng nhà nguyện, mẫu hình và mặt tiền nhà nguyện do ông thiết kế, chính ông đã thực hiện một bản đồ đất đai của giáo họ bao quanh đồi Đức Mẹ (bản đồ đó hiên nay vẫn còn).

Kính thưa cộng đoàn, hiện nay một số đất của giáo họ đang bị chiếm dụng làm của riêng, hầu hết là những thành phần chưa có công gì với giáo họ, mặc dầu trong số đó có những người trước nay ở và lớn lên tại Gia Hòa, có những người đi làm ăn xa, họ chưa biết hoặc chưa từng đổ một giọt mồ hôi trong việc xây dựng giáo họ, nhưng sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, các thành phần này họ trở về, hoặc ra đảm nhận các chức vụ trong dân,một số lợi dụng các chức vụ đó để chiếm đoạt hoặc tráo đổi, cũng có những người trước đây dâng cúng đất vào nhà thờ nhưng nay họ đòi lại quyền lợi , hoặc một số đương chức đương quyền đã dùng đất nhà thờ để đổi lấy lợi ích riêng tư cho gia đình mình , gây thất thoát và lưu lạc một số đất của giáo họ không nhỏ.

XVI. CÁC ĐỜI BHG & CÔNG LAO:

  1. Từ 1955 đến 1957:
    • Ông Nguyễn Nhạc – Trùm họ
    • Ông Hoàng Thung (ông Hồi) – Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Minh Liệu – Thư ký
    • Thời gian này các ông dành phần đất và xin phép đấng bản quyền, dựng nhà nguyện tạm thời bằng vật liệu là tre và bạt, dựng hội quán, đặt tượng Đức Mẹ trên đồi.
  2. Từ 1957 đến 1959:
    • Ông Bạch Trinh (ông Danh) – Trùm họ
    • Ông Hoàng Thịnh – Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Khắc Đổng – Thư ký
  3. Từ 1959 đến 1961:
    • Ông Nguyễn Thới – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Chức – Thủ quỹ
    • Ông Ngô Kim Toàn – Thư ký
  4. Từ 1961 đến 1963:
    • Ông Nguyễn Khán (ông Nông) – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Đăng (ông Long) – Thủ quỹ
    • Ông Ngô kim Toàn – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
    • Thời gian này các ông đã có công rất lớn trong việc xây dựng nguyện đường bằng vật liệu cơ bản (nguyện đường hiện nay), kiến thiết đồi Đức Mẹ, lập công quỹ và quy tập đất nhà thờ về chung quanh đồi Đức Mẹ, thành lập đội trống đồng, lập nhà đòn, lập bản đồ đất, lập những điều khoản giao ước về đất đai với các giáo biện và các thủ chí trong làng. 
  5. Từ 1963 đến 1965
    • Ông Nguyễn Đăng (ông Long) – trùm họ
    • Ông Nguyễn Hưng – Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Đức Châu – Thư ký
  6. Từ 1965 đến 1967:
    • Ông Nguyễn Phong (ông Hạp) – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Lự – Thủ quỹ
    • Ông Ngô Linh – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
  7.  Từ 1967 đến 1970:
    • Ông Bạch Dực (ông Thịnh ) – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Thái Bình – Thũ quỹ
    • Ông Nguyễn Ngọc Nam – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
  8. Từ 1970 đến 1973:
    • Ông Nguyễn Chức – Trùm họ
    • Ông Ngô Tấn – Thũ quỹ
    • Ông Vũ Hồng Nhàn – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
  9. Từ 1973 đến 1978:
    • Ông Ngô Hạnh – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Lự – Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Phú (Khoan) – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
    • Thời gian này cha Nguyễn Văn Ngọc cho giáo họ cái chuông (hiện nay đang sử dụng) ở Hà Tiên. Thời gian này phương tiện vận chuyển và đi lại rất là khó khăn, kinh tế và tài chánh rất là eo hẹp thiếu thốn, ông Ngô Hạnh đã hy sinh rất nhiều để mang được cái chuông về, thời gian này cũng đã sửa lại mái nhà thờ, tam cấp mặt tiền dựng gác chuông gỗ tạm thời (cũng trong thời gian này nhà thờ đã bị mất một số đất rất nhiều không rõ lý do,số đất này xã và khóm đứng ra cấp phát). 
  10. Từ 1978 đến 1981:
    • Ông Nguyễn Minh Liệu – Trùm họ
    • Ông Vũ Hồng Nhàn – Thũ quỹ
    • Ông Ngô Kim Hưng – Thư ký
    • Ông Nguyễn Thường – Thủ từ
  11. Từ 1981 đến 1984:
    • Ông Nguyễn Huệ – Trùm họ
    • Ông Bạch Trị – Thũ quỹ
    • Ông Nguyễn Đình Lượng – Thư ký
    • Ông Lê Phú – Ánh sáng
    • Thời gian này xây dựng nhà phòng (vì Cha Bình ở tại nhà cụ Châu) có một số đất nhà thờ đã được bán cho anh Chỉnh ông Lự để làm nhà phòng, cũng có một số đất bị chiếm, đất cây cừa, đất ao sau, cấp cho bà Dung, ông Thế trồng cây quanh nhà thờ (số cây sao hiên nay). 
  12.  Từ 1984 dến 1987:
    • Ông Hồ Văn Quyền – Trùm họ
    • Ông Đậu Đình Quế – Thũ quỹ
    • Ông Vũ Hồng Nhàn – Thư ký
    • Ông Lê Phú – Ánh Sáng
    • Thời gian này, BHG đã có công rất lớn trong việc vận động đất trong dân để thành lập nghĩa trang mới hiện nay đang sử dụng (vì thời gian này họ Gia Hòa vừa mới chia xứ sang Vinh Châu và nghĩa trang cũ đã bi cấm chôn vì quá gần khu dân cư, cũng trong thời gian này kinh tế rất là khó khăn vì mới đổi tiền). Thời gian này bắt đầu san lấp mặt bằng nghĩa trang, lúc này đang còn rất khó khăn nhưng các ông đã liên hệ được với công ty cầu đường 43 BRVT để thực hiện công trình này, sau đó sắp xếp chia lô và bắt đầu an táng, danh sách những người ủng hộ đât lập nghĩa trang ở vào trang sau.
  13. Từ 1987 đến 1990:
    • Ông Đậu Đình Quế – Trùm họ
    • Ông Nguyễn Đình Thuần – Thũ quỹ
    • Ông Đậu Đình Nông – Thư ký
    • Ông Nguyễn Quang Trung – Phụng vụ
    • Ông Phạm Thương – Ánh sáng
    • Thời gian này đã ủng hộ đất nhà thờ để xây dựng trạm xá Bình giả, xin giấy phép chính quyền và giáo quyền để giới trẻ khởi công xây dựng tượng đài Kitô Vua. Ngân khoản do giới trẻ vận động, trích quỹ để hổ trợ giới trẻ trong công trình là 235 USD và 350.000 VNĐ, vận động bà Thu Minh ủng hộ ngân khoản xây dựng tháp chuông, lập bản vẽ tháp chuông, trồng vườn bạch đàn trước đồi Đức Mẹ phía An Hà .
  14. Từ 1990 đến 1993:
    • Ông Nguyễn Hồng Tiến – Câu họ
    • Ông Ngô Phước – Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Đình Lượng – Thư ký
    • Ông Nguyễn Xuân Chỉnh – Phụng vụ
    • Ông Lê Phú – Ánh sáng
    • Thời gian này bắt đầu khởi công xây dựng tháp chuông, khởi công xây dựng Trường Mẫu Giáo Mầm Non Gia Hòa, ngân khoản Các Dì Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ giúp. Xây cổng trước nguyện đường ngân khoản Cô Khiêm Bà Thường giúp. Cũng trong thời gian này BHG đã xác lập được biên bản dất của giáo họ đã bị mất, bị chiếm,hoặc bị tráo đổi, biên bản này đã được các đương sự đang canh tác hoặc ở trên đất ký vào.
  15. Từ 1993 đến 1997:
    • Ông Nguyễn Đình Lượng – Câu họ
    • Ông Ngô Phước – Phó ngoại-Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Xuân Chỉnh – Phó nội-Phụng vụ
    • Ông Nguyễn Cửu – Thư ký
    • Ông Lê Phú – Ánh sáng
    • Thời gian này sửa sơ lại đồi Đức Mẹ ngân khoản do ông bà Nhàn giúp. Xây cổng và tường rào bao quanh nghĩa trang ngân khoản do ông Trung vận động. Thu hoạch vườn tràm đợt một.
  16. Từ 1997 đến 2001:
    • Ông Nguyễn Quý Hùng – câu họ
    • Ông Đậu Quang Hòe – Phó ngoại-Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Đình Hoàng – Phó nội-phụng vụ
    • Ông Nguyễn Quốc Trung – Thư ký
    • Ông Lê Phú – Ánh sáng
    • Thời gian này sửa sang lại cung thánh nguyện đường, xây tường rào đông tây khuôn viên nhà nguyện ngân khoản thu hoạch vườn tràm, xây dựng bàn thờ nghĩa trang ngân khoản do ông Trung vận động phối hợp liên ban (ban khóm ông Nguyễn Long) làm đường nhựa trước đồi Đức Mẹ ra đường 1 ngân khoản do anh Tuấn bà Bình giúp. Làm đường nhựa từ trạm xá vào nghĩa trang ngân khoản do nhân dân đóng góp. Xây hàng rào mặt tiền nhà nguyện ngân khoản do ông bà Thưởng giúp, san lấp mặt bằng khuôn viên nhà nguyện, ngân khoản do anh Hùng cháu ông Nguyễn Lự giúp.
  17. Từ 2001 đến 2005:
    • Ông Bạch Hồng – Câu họ
    • Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó ngoại-Thủ quỹ
    • Ông Nguyễn Đình Hòa – Phó nội-Phụng vụ
    • Ông Nguyễn Đức Tuấn – Thư ký
    • Ông Lê Phú – Ánh sáng
    • Thời gian này làm mái che bàn thờ nghĩa trang, ngân khoản do anh chị Tình Thủy cây xăng Binh Giả giúp , giao khu vực ruông ao cho giới trẻ lập sân vận động, thu hoạch vườn tràm đợt 2 (18 triệu đồng),liên hệ bắt điện công trình ở nhà nguyện và đồi Đức Mẹ, lập bản vẽ đồi Đức Mẹ, xin phép chính quyền và giáo quyền tu sửa lại toàn khu vực đồi Đức Mẹ (kể cả tượng). Công trình được khởi công vào ngày 24/6/2004 và đã được khánh thành vào ngày 12/12/2004 do cha chánh xứ Vinh Châu làm phép tượng và chủ tế.

XVII. NHỮNG GIA ĐÌNH HIẾN ĐẤT LẬP NGHĨA TRANG:

  1. Ông Nguyễn Khoan
  2. Ông Nguyễn Đăng
  3. Ông Hoàng Thung (ông Hồi)
  4. Ông Nguyễn Thới
  5. Ông Nguyễn Đức Châu
  6. Bà Nguyễn Thị Mầu (bà Khởi)
  7. Ông Bùi Trọng
  8. Ông Bạch Chiến
  9. Ô.Nguyễn Hồng Tiến

XVIII. NHỮNG THÀNH QUẢ 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN:

Suốt một thời gian dài nửa thế kỷ, Gia Hòa đã bước những bước vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển. Cho đến hôm nay sau 50 năm, ta cũng có thể tự hào và gọi được là “Gia hòa City”, những tài sản và cơ sở vật chất của giáo họ cũng có thể gọi là đủ, những con đường chính trong họ đạo đã được nâng cấp trải nhựa. Dân số cũng đông lên cho đến hôm nay đã có 233 gia đình, số giáo dân trong họ hiện nay cũng đã trên 1000 người. Cuộc sống của giáo dân cũng đã được nâng lên rất nhiều. Nói chung cộng đoàn giáo dân họ Gia Hòa luôn cảm tạ và tri ân những người đã đóng góp công sức, của cải để xây dựng giáo họ được đẹp đẽ như ngày hôm nay, và đặc biệt là những người đang sống xa quê hương, luôn hướng lòng về quê mẹ, xem quê mẹ như chùm khế ngọt…

(Tất cả những công trình xây dựng và trùng tu của giáo họ luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn của những quý vị ân nhân ở hải ngoại).

Gioan B. Nguyễn Đình Hòa
(Mọi góp ý bổ sung xin liên lạc về: Gioan B. Nguyễn Đình Hòa 0555 đường 05 Gia Hòa, Binh Giả, Châu Đức – Bà Rịa VT – ĐT ‘ 084,064.883198 – Email dinhhoahoa@yahoo.com).

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời