Lịch sử Bình Giả

Mầng kỷ niệm 50 năm định cư Bình Giã (1955 – 2005)

 

MẦNG KỶ NIỆM
50 NĂM ĐỊNH CƯ BÌNH Già (1955 – 2005)

 

Trước lễ Noel 2004, khoảng cuối tháng 11, anh Ng. Kim có điện thọai cho tôi, trước là thăm hỏi sức khỏe, sau là báo cho tôi biết rằng bà con gốc Bình Giã ỏ Mỹ đang chuẩn bị tổ chức mầng kỷ niệm 50 năm định cư Bình Giã. Anh có đề nghị tôi viết một bài nói về lai lịch Bình Giã, để cho lớp trẻ có thêm tài liệu. Tôi trả lời anh rằng tôi vốn là cựu Ủy viên Ban Quản Trị thành lập trại Bình Giã từ ban đầu, hồi năm 1955, nhưng sau khi Bình Giã đã hoàn tất định cư và địa phương hóa, thì tôi rời khỏi trại từ năm 1958 nên chẳng biết bao nhiêu mà viết, xin để vị nào sống ở đó lâu và am tường nhiều, viết thì đầy đủ hơn. Anh N. Kim lại đề nghị tôi viết những chuyện từ 1958 về trước cũng được rồi. Với sự thịnh tình của anh và để tỏ lòng hưởng ứng mầng kỷ niệm 50 năm thành lập trại định cư Bình Giã,  tôi xin mạo muội đóng góp ít giòng. Nhớ lại những chuyện hơn 50 năm về trước cũng khó, nếu có đìều gì sơ suất, kính xin quý vị cao minh bổ túc cho, tôi thành thật cảm ơn.

 

Trước hết xin hoan nghênh, chào mầng và khen ngợi thế hệ thứ hai, lớp trẻ kế tiếp và những quý vị đã có sáng kiến cổ động tổ chức mầng kỷ niệm 50 năm định cư Bình Giã. Đồng thời xin tạ ơn cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị cứu tinh đồng bào di cư, tri ân cố linh mục Nguyễn Viết Khai là người đã nhiệt tình và có công nhiều với đồng bào Bình Giã từ thủa ban đầu, nhớ ơn những người đã liều mạng đưa tài liệu hiệp định Genève từ ngoài Bắc về phổ biến cho bà con ở Nghệ Tĩnh hồi năm 1954, ghi công những anh em Vinh đã làm thông ngôn và hướng dẫn Ủy Hội Quốc tế về các xứ họ can thiệp cho bà con được di cư năm 1955. Sau cùng xin cảm phục và tưởng nhớ đến con người đã can đảm âm thầm thay mặt bà con vứt đơn xin di cư vào xe của Ủy Hội Quôc Tế tại Vinh hồi đó.

 

Kỷ niệm 50 năm di-định cư Bình Giã là nhớ tới những người đã can đảm và quyết tâm rời bỏ quê hương rất thân yêu để đi tìm hạnh phúc no ấm và tự do cho chính mình và con cháu về sau.  Kỷ niệm 50 năm Bình Giã di cư là nhắc tới những gian truân, những vui buồn sướng khổ trên đường hành trình từ

 

quê Mẹ cho tới miền đất mới, là nhắc tới những công lao khó nhọc của bao người khai hoang lập nghiệp cùng lòng thương yêu bao la của tha nhân dành cho dân di cư Bình Giã, để Bình Giã thành công, để Bình Giã phát triển. Kỷ niệm 50 năm Bình Giã là sự biết ơn, là lòng hiếu thảo, là sự nhớ tới quê Mẹ, với niềm tự hào là trong mọi hòan cảnh tự do dân chủ chúng ta luôn luôn đủ sức tự túc tự cường, không phải là những kẻ ăn bám của xã hội.

 

Nói chuyện lập cư Bình Giã, tôi xin được nói về:

 

I   – Con người Bình Giã gốc Nghệ Tĩnh với quá trình di cư lập nghiệp;
II  – Miền đất định cư Bình Giã thời 1955;
III-  Thời cuộc đã tạo nên cơ duyên cho người gặp đất.

Ba yếu tố trên gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
(Bạn thích đọc hết hay chọn phần nào mà bạn muốn tìm hiểu trước).

I* ĐỒNG BÀO DI CƯ BÌNH GIẢ GỐC NGHỆ TĨNH :

 

a- Thời Gian Trước Khi Nộp Đơn Xin Di Cư : Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến 1945-1954 gọi chung là khu 4, là vùng hậu phương  của Việt Minh, không hề có quân Pháp hay lực luợng quân sự quốc gia  chiếm đóng, chỉ thỉnh thỏang có máy bay Pháp tới thả bom những nơi trọng yếu. Hồi đó người dân Nghệ Tĩnh không biết chi nhiều ở thế giới bên ngòai, chỉ có thông tin một chiều của chính quyền mà thôi. Dân Nghệ Tĩnh biết rất nhiều và rất rõ về cải cách ruộng đất, về đấu tố, về bắt bớ phản động, về học tập mê tinh hàng đêm, về dân công , tân binh, bộ đội, biết nhiều về thuế nông nghiệp mà nông dân phải đóng mỗi mùa gần hết lúa, nghe nhiều về giai cấp vô sản lãnh đạo, công nhân là nòng cốt của cách mạng vô sản, tranh thủ độc lập để tiến lên thế giới đại đồng. Tiêu thổ kháng chiến được triệt để thi hành ở vùng nấy : Các đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, mà xe hơi đi được đều bị đào theo hình chữ Z từng đọan một, để người có thể đi bộ  nhưng xe không thể chạy được, chỗ nào có phố xá nhà ngói là phá tuốt, các thành phố thì không còn viên gạch nào trên viên gạch nào. Hồi trước Vinh là cấp Thành phố sau Hà nội, Hải Phòng, Huế, Đà nẵng, Saigòn, có nhà thờ Cấu Rầm và khu nhà xứ rất đẹp, dòng Phanxicô nam, nữ, có nhiều nhà máy lớn như nhà máy cưa, nhà máy diêm, nhà máy điện, nhà máy làm đầu tàu xe lửa. Sau tiêu thổ thì Vinh là một bãi hoang tàn, đi bộ phải đi theo hình chữ Z, thanh niên vừa đi vừa nhảy qua lỗ hầm. Vì thế người ta chỉ sống qua ngày trong xóm làng, chả biết đi đâu, mà đi xa thì phải có giấy phép của Công an.

 

Thanh Nghệ Tĩnh là nơi cung cấp nhân tài, nhân lực, của cải vật chất cho chiến trường Việt Miên Lào. Dân  không biết chi về hiệp định Genève 54, về chuyện người dân có quyền đổi vùng sinh sống.Trong số thanh niên đã trốn ra Phát Diệm hay Hà Nội những năm trước, sau hiệp định Genève, có người đã dùng giấy tờ gỉa liều mạng lén đưa văn bản hiệp định về cho bà con. Không biết giờ nầy họ có còn hưởng được sự thanh bình của quê hương đất nước, hoặc không khí tự do như chúng ta ở hải ngọai này không, hay đã vùi thây nơi chốn mồ mả không tên. Tôi gọi họ là những chiến sĩ vô danh, dù họ còn sống hay đã khuất và xin thành kính tri ân. Nhờ họ mà bản sao hiệp định đình chiến được phổ biến lén cho nhau. Lúc đó là vào mùa thu 1954, vừa sau đấu tố ít lâu, làng xóm đang chìm đắm trong bầu không khí sợ hãi tột đỉnh, như sống trong tử khí, ra đường không dám chào nhau,  về nhà  cũng  chỉ  nói  nhỏ  thì  thầm như thể có người nghe lén gần mình mà không hay. Ai có được văn bản thì chỉ phổ biến cho người thân nhất của mình mà thôi, thế mà rồi cả làng ai cũng có, từ xứ nọ tới cứ kia, không biết ai là người có trước ai là người có sau. Kèm thêm tin tức chuyền miệng rỉ tai: vào Nam được tự do no ấm, được cung cấp tiền gạo áo quần, nhờ Chánh Phủ Ngô Đình Diệm. Từ lâu nhiều người đã nghe câu : « Đày vua không Khả, đào mả không Bài, hại dân không Diệm ». (Ngô đình Khả chống việc Pháp đày vua, Nguyễn hữu Bài chống việc Pháp muốn đào lăng nhà Nguyễn, Ngô đình Diệm chống Pháp đánh thuế sưu cao thuế nặng). Người ta tin tưởng, ước mong, chờ đón ngày đổi đời, từ bỏ chốn cực khổ cộng sản, cực khổ cả tinh thần lẫn vật chất, chốn chân lấm tay bùn mà không có ăn, chốn đồng chua nước mặn, chốn lụt lội mỗi năm mấy lần, chỗ đất ít người nhiều, đất cằn cỗi cày lên sỏi đá,..v..v. Nhiều người chả biết hiệp định là cái gì, chỉ có nghe mà tin mà quyết tâm ra đi. Người công giáo có được tin tức cụ thể và đòan kết nên đồng lòng di cư, nhiều người bên lương muốn đi lắm, mà lẻ loi nên không dám làm đơn, có người đi được thì phải trốn ra Hà nội đã, hoặc có một số rất ít đi được qua vĩ tuyến 17 hay trốn qua Lào rồi vào miền Nam hoặc xin tỵ nạn ở Tòa Đại Sứ QGVN. tại Lào. 

b- Ngày Nộp Đơn Di Cư và Thời Gian Chờ Đợi : Nơi xứ họ tôi ở, ngày nộp đơn xin di cư vào Nam tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Xã, tuy không ai rủ ai, nhưng đồng lọat cùng một ngày một lúc, như một cuộc tập trung không loan báo. Ủy Ban thì ngạc nhiên bỡ ngỡ, dân thì cứ để đơn lên bàn xong là về. Công an điều tra tự sự thì trả lời là đi chợ nghe thiên hạ nói mà biết, không rõ là ai nói. Ít lâu sau ủy viên thông tin trèo lên cây cao từng xóm một, cầm loa kêu gọi đồng bào đi rút đơn về, vì đơn không hợp lệ, nhưng không ai chịu đi rút đơn. Sau mấy tuần, cán bộ thông tin lại trèo lên cây phóng loa kêu bà con lên xã rút đơn về, vì đơn quá hạn. Dân gian tuy bình dị nhưng cũng lý luận đáo để, thầm nghĩ rằng nếu đơn không hợp lệ hay quá hạn thì dẹp bỏ, lo gì mà chánh quyền lại phải năn nỉ dân rút đơn. Cho nên ai cũng vững dạ mà chờ. Thêm vào đó, hàng đêm loa phóng thanh trên các chòi cao, loan báo những tin tức như : vào Nam thì cực khổ, có người phải bươi đống rác mà kiếm ăn, con gái phải đem vào nhà điếm, nhiều cặp vợ chồng phải phân ly…v..v.., Tiếp thêm là lời  khuyên đồng bào hãy ở lại quê hương, đừng bỏ làng xóm mà đi. Những lời khuyên bảo này lại củng cố niềm tin cho các đương đơn, là kiên chờ sẽ được đi, vì nói rằng đơn không hợp lệ và quá hạn thì cần gì phải khuyên bà con ở lại. Thế là ai có nộp đơn xin di cư, bỏ cày cấy vụ lúa mùa tháng năm, bỏ sản xuất nương vườn. Chánh quyền thấy được sự quyết tâm của đồng bào, không kêu gọi rút đơn nữa, mà tiếp tục loan tin xấu của tình hình di cư ở miền Nam, kèm theo lời khuyên nhủ ở lại với quê hương. Bà con đã nộp đơn hi vọng sẽ được đi vào dịp Noel năm đó. Đến một lúc, bộ đội và cán bộ về đóng tại nhiều gia đình có đơn đi Nam, thật là một quỷ kế của cộng sản : trong gia đình phải nói lén, bà con xóm giềng khó bàn bạc với nhau, chờ dịp ra ngòai mới chuyện trò trao đổi, như đi gánh nước, đi chợ, đi giữ bò, đi nhà thờ. v..v.. Tuy nhiên cũng có phản ứng ngược, trong nhà tôi lúc đó có  một anh tập kết từ Nam ra, đến bữa ăn thì anh bỏ gạo nấu cơm chung, nhà tôi 4 người nấu nửa cơm nửa khoai, thêm phần gạo anh nữa là cơm nhiều hơn khoai, và anh phải ăn cơm hấp khoai. Anh biết chúng tôi quyết tâm đi Nam, tới bữa ăn anh vui vẻ điềm tĩnh, nói chuyện bình thường không hề tuyên truyền, anh cho biết ở trong Nam người ta không ăn cơm hấp khoai, cơm trắng không đỏ như cơm nhà tôi, cá và thịt nhiều hơn quê tôi, lúa gạo thì dư thừa, thời tiết không nóng lắm mà không lạnh…v…v…

 

Sau Noel ít lâu không thấy được đi, ai cũng bồn chồn. Tết nguyên đán năm ấy buồn lắm, ai cũng hờ hững vừa chờ đi vừa lo lắng, nếu không đi được thì khốn to, ruộng đồng đã bỏ hoang. Thế là, sau Tết được một thời gian, một nhóm anh em khá đông đã nộp đơn, vốn là bần nông đã từng tham gia hăng hái trong các họat động chánh quyền lâu nay, kéo nhau tới Ủy Ban để kêu nài xin cho di cư như đã thỉnh cấu, vì của cải mùa màng không còn gì. Mỗi lúc một đông thêm, kẻ đứng người ngồi đầy chật nhà làm việc của Ủy Ban. Họ ở lì với Ủy Ban cả ngày, Ủy ban chỉ có mấy người mà tiếp cả mấy chục người loanh quanh cả ngày, dân thì có kẻ về lại có người tới, Ủy Ban khó lòng làm được việc gì hơn. Qua ngày sau, Ủy Ban dời trụ sở làm việc sang làng khác, dân xin di cư lại có người đi tìm, y như con kiến đi tìm mồi. Tìm được nhà của Ủy Ban rồi, ngày sau lại từ từ kéo nhau tới, bà con càng lúc càng đông, đàn ông đàn bà rên nài thảm thiết, tiếng thở dài tiếng than van. Ăn rồi không làm gì hết, chỉ có việc đi tới ngồi chờ ở Ủy Ban, trụ sở Ủy Ban ít ngày lại dời đi làng khác.

 

Trong khi đó,  một số khác tuy có nạp đơn,  nhưng không dám tới quấy rầy Ủy Ban vì sợ dễ bị khép tội hơn. Họ có kế họach khác, làm đơn khiếu nại Ủy Hội Quốc Tế. Biết được UHQT. đóng ở Vinh, nhưng không thể mang đơn vào văn phòng họ được, vì có công an canh phòng trong ngòai. UHQT.có chiếc xe Jeep trần, treo cờ, thỉnh thỏang chạy qua lại mấy đường trong thành phố, xe chạy rất chậm, vì đường đã bị đào từ nhiều năm trước. Bà H., lúc ấy khỏang dưới bốn mươi tuổi, cùng vài người  tới Vinh, (lấy cớ đi thăm người quen ở làng khác,lúc này đi lại dễ hơn vì đã đình chiến), đi từ từ chờ dịp có xe UHQT. Mỗi người một phía đường, cách khỏang vừa đủ nghe tiếng nhau được. Bổng từ xa, hướng nhà thờ Cầu Rầm, một chiếc xe jeep đang gập ghềnh ngoằn nghòeo thong thả tới, mấy người đi đến ngã tư thì ngừng lại, mỗi người một góc, xe đi thẳng hay quẹo trái quẹo phải cũng có người với  được. Chốc lát chiếc xe tới và quẹo trái ngay góc bà H. , vì xe lăn chậm và sát lề đường nên Bà phản ứng kịp thời, Bà nhào nhanh tới xe tay vuốt từ trong khăn vấn đầu, có đội nón, ra một bì thư vứt ngay vào xe. Chiếc xe không ngừng lại, cứ từ từ lăn bánh gập ghềnh như anh say rượu. Bì thư có tờ đơn bằng tiếng Pháp xin UHQT. can thiệp cho đồng bào xứ chúng tôi được di cư, vì đơn xin nộp chính quyền đã lâu rồi. Tôi còn nhớ trong xe có một người da ngăm ngăm vấn khăn đầu, hai người da trắng, một thanh niên V.Nam, một tài xế cũng người Việt. Thành phố Vinh lúc ấy đang thanh vắng hoang tàn, thế mà chỉ mấy phút sau có 2 thanh niên từ đâu chạy tới bắt bà H. Chúng tôi khi ấy vẫn còn giữ khoảng cách xa lạ với nhau, liền nhanh chân đi về nhà báo tin cho chồng bà hay tin : vừa may mắn vừa rủi ro, nhưng ai cũng tự tin vào sự can đảm và nhanh trí của bà H. Quả thật, gần 7 giờ tối hôm ấy thì bà H. về đến nhà, bà đã khai với công an là vì xe ô-tô   quẹo bất thần vào góc đường nơi bà đứng, bà hỏang sợ mà trật chân nghiêng người vào thành xe nên rủ tóc và nón ra, chỉ có thế thôi. Hồi đó tôi tưởng anh thanh niên V.Nam trong xe là công an, nhưng khi vào Nam thì được biết anh ấy là thông ngôn, người Đức Thọ, cựu chủng sinh Vinh, đã ra Phát Diệm mấy năm trước, sau di cư làm việc ở vùng Cao Nguyên. Được biết một người nữa quê ở Hương Khê, cũng là cựu chủng sinh Vinh, cũng  là thông ngôn đi với UHQT. về các xứ ở địa phận Vinh hồi đó, sau di cư làm việc ở Saigòn.

 

Xin hãy nhớ tới  những quý vị nầy, họ đã góp sức phần nào cho công cuộc di cư của đồng bào Nghệ Tĩnh chúng ta nói chung và đồng bào Bình Giã nói riêng.

c- Lên Đường Di Cư : Khoảng nửa tháng 3-55, xứ chúng tôi bắt đầu được kêu cho đi từng đợt,  mỗi đợt cách nhau ít ngày hoặc một hai tuần và chỉ có mấy gia đình mỗi  đợt. Giữa tháng 4-55, tới chúng tôi là đợt thứ năm và là cuối cùng mà đông nhất, được gọi dồn dập và thúc đi gấp rút. Phần đông những người có đơn xin, được kêu đi trong đợt chót nầy, có nhà được kêu buổi sáng, có nhà buổi trưa, có nhà buổi chiều, có nhà được kêu khi 7 giờ tối, 8 giờ tối, 9 giờ tối ..v..v.., không những kêu mà như là bị đuổi, phải đi gấp. Tôi được gọi vào khỏang 8 giờ tối, đi cả đêm cùng một số người nữa, được cán bộ dẫn tới bờ sông, một nơi vắng vẻ không phải là bến đò. Trong tối tăm và yên lặng  của cái vắng vẻ ban đêm nơi bờ sông, trên mặt nước lô nhô mấy chiếc thuyền đang phát ra những tiếng rì rầm. Sau khi nghe cán bộ hướng dẫn tuyên bố : « Đồng bào chuẩn bị xuống thuyền », chúng tôi được gọi tên từng người  để bước xuống thuyền .Vào thuyền, nhờ đã quen nhau mà nhận được nhau qua tiếng nói, không thấy được mặt người, những người được kêu đi trong cả ngày vẫn còn trong mấy chiếc thuyền đây. Nói năng cũng phải ý tứ và thì thầm, sợ có cán bộ. công an chen lấn trong đám đông u tối này. Chúng tôi lấy làm lạ : sao mà bà con được gọi nhiều lớp khác nhau suốt cả ngày, cả đêm, dồn dập đi nhanh, mà mọi người lại còn nấp cả ở mấy thuyền đây ? Hay là ngày mai có Ủy Hội Quốc Tế về, chúng tôi bị đưa đi nấp qua ngày rồi lại trở lui ? Suy nghĩ này đã có đúng một phần nửa, vì sau khi vào Nam chúng tôi được biết ngay ngày hôm sau là có Ủy Hội Quốc Tế về làng xứ chúng tôi, mà anh L.L.người Đức Thọ mà tôi nói ở trên là thông dịch viên .

Khuya hôm đó, đoàn thuyền nhổ neo chèo chống cả đêm, trong ngày mai chúng tôi được đổ bộ lên phần đất huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, rồi được dẫn tới  trú ngụ trong một cái đình làng lớn, mỗi gia đình được một chỗ nhỏ đủ trái chiếc chiếu trên nền nhà để ngã lưng, hoặc cuốn chiếu lại dọn ăn sơ sài. Hành trang mang theo đại khái là áo quần, đồ ăn mặn khô, gạo đựng trong túi vải dài, một ít nước, một cái nồi đồng nhỏ, một ít tiền lận lưng. Đêm ngủ thì ít mà lo nghĩ thì nhiều, ngày  thấp thỏm ngồi chờ hoặc lang thang quanh quẩn, ăn thì nấu nướng quanh đình, chỉ cần chén cơm với muối mè là qua ngày, vệ sinh thì nhờ lùm cây hoặc cánh đồng kế cận, khỏi cần tắm rửa. Bảy ngày chờ đợi ở đây mà như cả tháng, đầy hoang mang vì không hiểu sao lại bị tập trung chờ đợi dai dẳng ở đây như vậy, quá thiếu thốn và không tiện nghi chi cả, đến nỗi một trẻ em đã bị bệnh mà chết. Sau một tuần, cán bộ cho lệnh đi, đồng bào tập trung tới bến xe, nơi đây đã có sẵn mấy xe cam-nhông chạy bằng than hoặc dầu gasoil, để cho chúng tôi thuê đi Vĩnh Linh, xe than gía 6 vạn mỗi người, xe dầu gía đắt hơn ít nhiều. Trước khi lên xe thì cán bộ đọc tên kiểm tra giấy Thông hành lại. Đường quốc lộ số 1 từ Hà Tĩnh vào Vĩnh Linh bị đào tiêu thổ kháng chiến nhiều nơi, chỉ trừ đọan đường Đèo Ngang (hai bên và trên Đèo) không bị đào, nên xe vận chuyển rất chậm, bò lúc lắc từ từ mà thôi. Thỉnh thỏang mỗi ngày mấy lần, xe phải ngừng lại để đổ nước vào radiateur và thêm than vào lò, quạt lò cho than cháy thêm. Trong thùng xe bà con đứng chen chúc níu vào nhau hoặc dựa vào thành xe, chỉ có ai gìa cả thì ngồi bẹp xuống sàn, mọi người hít thở làn hơi của nhau pha với cái không khí oi bức của mùa hè. Đọan đường chưa đầy 200km mà xe bò mất 3 ngày, đêm ngủ ngày đi. Dọc đường, thỉnh thỏang có vài xe cam nhông chở đầy người, chạy ngược chiều chúng tôi, từ phía nam ra, người trên xe la hò dơ tay khóat chúng tôi trở lại, cán bộ hướng dẫn cho biết đó là đồng bào đi Nam quay trở về. Chúng tôi thừa hiểu đó là màn dàn cảnh ngụy tạo để đánh lừa người di cư mà thôi. Sau 3 ngày chúng tôi tới Vĩnh Linh, lại được phân tán mỗi gia đình di cư tới ở trong một nhà dân địa phương. Vợ chồng tôi được gởi vào nhà một vợ chồng son trẻ như chúng tôi, đêm đến họ nhường chúng tôi nằm cái giường tre, họ nằm dưới đất, chúng tôi không chịu, sau mấy lần giằng co, cuối cùng chúng tôi đành phải chiều ý họ. Ngày sau có một anh cán bộ trẻ tới thăm chúng tôi, khuyên bảo chúng tôi : « là người có học thức, nên ở lại phục vụ đất nước thanh bình, nếu anh chị qua bên kia thì sẽ bị phân ly, chồng đi một nơi, vợ một nẻo, đàn ông phải đi làm đồn điền cao su, đàn bà con gái bị đưa đi vào nhà điếm…v…v… Những gia đình di cư khác cũng có cán bộ tới tuyên truyền khuyên bảo ở lại. Những lời gỉa dối và dụ dỗ nói trên không thể lay chuyển được ai cả.

d- Thời Gian Tiếp Cư Tạm Trú : Ở Vĩnh Linh được hơn một ngày, vào chiều hôm sau, chúng tôi được gọi tập trung gần cầu sông Bến Hải, sắp hai hàng dọc, cán bộ đi trước, chúng tôi theo sau mà lòng hân hoan vui mầng. Khi tới giữa cầu đã có sẵn đại diện Pháp và Quốc gia Việt Nam. Anh cán bộ Việt Minh giao danh sách đồng bào di cư cho Đại Diện Pháp Việt, rồi giữ lại một tờ có chữ ký của bên nhận. Chúng tôi đi theo đại diện Pháp Việt qua bên kia cầu, khi đó đã chiều lắm, có mấy chiếc xe GMC nhà binh chờ sẵn.  Chúng tôi được hướng dẫn vào trạm để đổi tiền miền Bắc lấy tiền miền Nam, nếu tôi nhớ không sai  thì từ 6 vạn hay 8 vạn đồng tiền miền Bắc lấy 100$ tiền miền Nam, đổi tiền xong, mọi người lên xe. Lúc đó lòng sung sướng không sao tả xiết, nhiều người khóc vì sung sướng, và chạnh lòng thương những người còn ỏ lại quê nhà. Trời bắt đầu tối, xe chạy độ gần một tiếng đồng hồ thì  hiện ra cảnh trí văn minh đẹp đẽ, ánh đèn màu sắc rực rỡ, so với sự tối tăm quê mùa của làng tôi thì đây đã là thiên đường hạ giới rồi, hỏi ra thì đó là thị trấn Đông Hà, còn cách thị xã Quảng Trị gần nửa giờ xe.

 

– Ở Đông Hà Quảng Trị : Tối hôm đó, vào cuối tháng 4-1955, chúng tôi được ngừng xe tại Đông Hà, vào tạm trú trong nhà bạt. Khi xe vừa dừng cạnh nhà bạt, thì có tiếng một phụ nữ vọng từ trong bạt ra :«Đồng bào xứ nào đó, ôi thiên đường đây rồi, cơm gạo trắng  tinh ». Đây là trại tạm trú di cư tại Đông Hà, nằm ở địa đầu đất nước miền Nam, đã có sẵn khá đông hàng ngàn người di cư từ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình.Trong nhà bạt đã có chỗ sẵn dành cho chúng tôi, dọc ở giữa nền là lối để đi lại, hai bên là sàn lán bằng tre chẻ bẹp kết liền nhau, mỗi gia đình một phần vừa đủ nằm, kế cận với  gia đình  khác liên tiếp. Tuy chỗ nằm không sung sướng gì, nhưng sau hơn 12 ngày hành trình vất vả, ngồi đò lắc lư, đi xe dằn vật, tinh thần căng thẳng nửa mầng nửa lo, thì đây là nơi được nghỉ ngơi thỏai mái như trút xong một gánh nặng của cuộc đời rồi. Sau khi sắp xếp xong hành lý và chỗ nằm, bà con được ăn cháo và bánh mì, ăn xong, được phát cá khô, tép khô và gạo để chuẩn bị cho bữa ăn những ngày kế tiếp. Sau ít ngày chúng tôi được cấp phát áo quần, chăn mền, đồ hộp, bơ sữa..v..v..và tiếp theo là tiền : mỗi  người lớn được cấp 13$ mỗi ngày, trẻ em được 6$, cứ 2 tuần lễ được phát tiền 1 lần, do Ban Tiếp Cư và phát ngân viên của Phủ Tổng Ủy Di Cư phụ trách. Độ chừng một tuần sau, ngòai số di cư liên tiếp từ bên kia vị tuyến qua, đòan di cư xứ chúng tôi tăng thêm một hài nhi tại chỗ, do một sản phụ trong đòan vừa hạ sinh một bé trai. Cậu bé nầy đến nay cũng tròn 50 tuổi, với vợ con đang sanh sống tại Hoa Kỳ.

 

– Ở Huế : Khỏang giữa tháng 5-55, nghĩa là sau ít tuần lễ ở Đông Hà, đòan chúng tôi được dời vào Huế bằng xe cam-nhông. Khi tới Huế thì trời đã tối, thành phố Huế lớn lao và tràn ngập ánh sáng muôn màu, cùng với cầu Tràng Tiền trắng mướt, soi hình thướt tha dưới lòng nước sông Hương hiền dịu. Lòng tôi nôn nao, vô cùng xúc động như lạc vào cảnh mơ tiên, tức thì tôi bật ra khóc nức nở, vì thương ôi cho những người thân không đi được. Chúng tôi được tạm trú tại vùng Tòa Khâm, trong trại lính củ của Pháp gần bờ sông Hương. Nhà lợp tôn, dọc nền nhà có lối đi ở giữa, hai bên có lán tre, cách sắp xếp ăn nghỉ cũng như ở Đông Hà. Dân di cư tạm trú ở Huế rất đông, ngòai trại Tòa Khâm còn có trại An Hòa phía bên kia sông Hương, cách chợ Đông Ba hơn 1 cây số.Trại Tòa Khâm gồm nhiều xứ mà tôi nhớ được như : Bùi Ngọa, Bình Thuận, Cam Lâm, Gia Hòa, Kẻ Vang, Thổ Hòang, Sơn La, Đông Tràng,.Kẻ Mui, Kẻ Đọng..v..v.. Đồng bào mỗi trại có tổ chức tự quản, tòan trại bầu một Trại Trưởng, mỗi xứ bầu một vị Đại Diện, Trại Trưởng cầm nắm danh sách đồng bào tòan trại, Đại diện xứ cầm nắm danh sách dân của xứ mình, để tiện việc kiểm tra dân đến trại, dân rời trại, tịên vịêc cấp phát tiền bạc, lương thực, áo quần,..v..v.. Đời sống không thiếu thốn chi, nhưng có cái khó là đông người quá, nhà tôn rất nóng , ở chung hỗn độn, và thức ăn bơ sữa không quen bụng dân mình, nên tình trạng vệ sinh rất tồi tệ và bừa bãi trong các trại tạm trú. Vào trại được mấy tuần, thì đòan xứ chúng tôi lại có thêm một hài nhi tại chỗ do một sản phụ đã hạ sinh một bé gái, cô này hiện có chồng con ở Việt Nam.

 

Chúng tôi vốn ở nơi quê mùa, bao nhiêu năm không thấy thành phố hoặc chút ánh sáng văn minh, chưa hề được nghe radio, nay đã nhìn Huế như kinh thành tráng lệ, lại sống gần đài phát thanh, cạnh cầu Tràng Tiền, bên giòng sông Hương, ngày ngày nhìn nữ sinh Đồng Khánh áo dài thướt tha qua lại trên cầu, tai nghe giọng ca hò Huế từ loa phát thanh vọng ra, thì sự cảm xúc tuyệt đẹp không thể nào tả hết được. Ngày Phật đản, ban đêm đèn « hoa đăng » tràn khắp sông Hương, dập dìu màu sắc với ánh nước long lanh, như hồ sen mênh mông đầy hoa nở rộ về đêm, với ánh sáng nhiệm mầu. Nhưng có một đều đáng nói là hồi ấy chúng tôi thật ngây ngô : Đàn ông ăn mặc quê mùa, đàn bà có nhiều bà còn mặc váy, thanh niên có người trèo lên cây cao của thành phố để bẻ củi khô, thậm chí có người chặt cả cành tươi, tất nhiên họ bị cảnh sát mời xuống giải thích và thông cảm, đàn bà từng nhóm đi kiếm củi rai rai dọc đường, và còn khá đều ngây ngô khác…v…v…

Ở Huế tôi có dịp gặp cha Cao Văn Luận mà tôi được biết khi cha còn là đại chủng sinh Xã Đoài, bấy giờ là Viện Trưởng  viện đại học Huế, cha Nguyễn viết Khai từ Saigòn ra Huế để thăm đồng bào di cư Nghệ Tĩnh, rất ân cần hỏi han để tìm cách giúp đỡ đồng bào nếu cần. Nhân một buổi đi rước Đức Mẹ ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế, tôi lại có dịp gặp mấy người bạn củ, trước kia cùng học ở Vinh, khi ấy có anh đã là đại úy QĐQGVN, có anh là sinh viên Đại Học Huế…v…v…

 

– Ở Hòa Mỹ Đà Nẵng : Độ giữa tháng 7-1955, chúng tôi rời Huế vào Đà Nẵng bằng xe lửa, rồi được xe chở tới tạm trú tại Hòa Mỹ cách thị xã Đà nẵng  độ 5 cây số, trong một trại lính trên đồi cao của Pháp bỏ lại. Ở đây cao ráo, rộng rãi và thóang mát hơn ở Huế, nên tình trạng vệ sinh cũng khá tốt, mặc dầu dân số khi đó hơn 4500 người, gồm có người Bắc, người Nghệ Tĩnh và Quảng Bình. Khi chúng tôi tới với dân số khá đông nên Ban diều hành trại được bầu lại, tổ chức tự quản y như lúc ở Huế. Mọi trợ cấp tiền bạc, áo quần, lương thực và thuốc men đầy đủ như mấy nơi trước. Tới đây được vài tuần thì xảy ra một tai nạn thảm thương cho một gia đình người xứ Nghi Lộc :một thanh niên đào đất kiếm đồ chôn bỏ của lính Pháp, đụng phải quả lựu đạn phát nổ làm chết hai mẹ con một gia đình khác. Đà nẵng khi đó còn có trại Chợ Cồn, cũng rất đông bà con di cư Nghệ Tĩnh và Quảng Bình.

 

– Rời Đà Nẵng Vô Nam : Đồng bào trại Hòa Mỹ được dời từ từ vào Nha Trang bằng xe lửa, hoặc vào Nam bằng tàu thủy, lai rai độ mỗi tuần một chuyến, theo lịch trình của phòng tiếp cư Đà nẵng và sự cắt đặt của Trưởng trại di cư. Sau khi đồng bào dời đi đã khá nhiều, gặp lúc có chuyến tàu rất tốt tên là “ville de Hai Phong ”, đòan xứ chúng tôi may mắn được đi chuyến này. Tàu neo đậu ngòai biển xa, chúng tôi được tàu nhỏ gọi là “tàu há mồm ” chở tới, rồi từng người leo thang lưới  mà lên tàu lớn. Tàu rất sạch và đẹp, chở gần 500 di dân, trên tàu đã có sẵn lính Pháp hộ tống khỏang một đại đội. Mọi sự trên tàu đều xa lạ với chúng tôi. Đến bữa ăn, mỗi người được phân phát một phần ăn theo món Tây, phần nhiều là thịt hầm, khoai tây, đậu, bánh mì. Xuống tàu hơn một buổi thì xứ chúng tôi lại thêm một nhân khẩu nữa, một sản phụ hạ sinh một bé gái. Ở Huế và Hòa Mỹ thì sản phụ được chở đi nhà thương, còn ở tàu khi đầu thì lo lắm, nhưng may là tàu có bác sĩ nên mọi việc đều tốt đẹp. Ra khơi, nhìn biển mênh mông yên lặng thật tuyệt vời, thỉnh thỏang lại có đàn cá chuồn bay trên mặt nước, hoặc cá heo bơi đua với tàu, trông rất hay. Đi được một ngày đường thì biển bắt đầu nổi sóng, càng lúc càng mạnh hơn, có một ít người bị say sóng. Sau độ hơn một ngày một đêm thì chúng tôi được lệnh xuống khoang tàu hết; lính Pháp cầm vũ khí, có anh kèm thêm ống dòm nhảy lên boong tàu, tất cả nằm dài chỉa súng ra ngòai xung quanh tàu trong tư thế chiến đấu. Được biết khi ấy tàu đang rẽ vào cữa Cần Giờ để cập bến  Saigòn, mà phải đề phòng quấy rối của tàn quân Bình Xuyên vừa bị dẹp tan ở Saigòn mấy tuần qua, bởi vì trước chúng tôi ít lâu, đã có chuyến tàu chở đồng bào xứ Làng Ênh bị tàn quân Binh Xuyên bắn bị thương một số và chết mấy người.

 

Chiều hôm đó, chừng giữa tháng 8-55, tàu chúng tôi may mắn cập bến an tòan, lên khỏi tàu được Ban Tiếp Cư (Phủ Tổng Ủy Di Cư) đón tiếp ân cần, cho chích ngừa mọi người, cấp cho mỗi người 800$, đây là món tiền cuối cùng để sống qua những ngày còn trong trại tạm trú. Nhận tiền rồi, chúng tôi được xe chở về tạm trú ở Bình Đông 3, là một nhà rất lớn, nguyên là kho chứa gạo của người Tàu được thuê  cho đồng bào di cư tạm trú, ở đây có khỏang  gần vài ngàn người. Đêm đầu chúng tôi phải trải chiếu và lót nilông  lên nền gạch để nằm ngủ, coi bộ ẩm thấp, dơ bẩn và khó nằm, rồi ngày mai được Ban Tiếp Cư cấp cho ván gỗ, từng tấm đã được kết lại bằng cái giường lớn có chân kê khỏi mặt đất độ 20 cm, mỗi gia đình một vài tấm tùy theo nhu cầu. Ít bữa sau, chúng tôi được biết đồng bào di cư Nghệ Tĩnh (không kể Quảng Bình), còn có ở Bình Đông 2, Bình Đông 1, và trại Xuân Trường , mỗi nơi cả mấy ngàn người nữa, một số ở Đà nẵng, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết..v..v..Tổng dân số di cư Nghệ Tĩnh (không kể Quảng Bình), hồi ấy theo lời cha Nguyễn viết Khai thì khỏang 45.000-48.000 người, đến từ hơn 50 xứ thuộc địa phận Vinh. Những xứ có đông người di cư nhất theo tôi được biết thời ấy là : Gia Hòa, Thổ Hòang, Nghi Lộc, Xuân Phong.

 

Biết đây là nơi tạm trú cuối cùng để đi định cư, nên ai cũng mong được đi định cư sớm và nóng lòng muốn biết sẽ được định cư ở đâu. Nơi đất lạ quê người, chúng tôi cũng mù mờ, nhưng may có được một số người đã trốn ra bắc hay vô nam từ những năm trước giúp đỡ, đặc biệt có cha Nguyễn viết Khai là người thông giỏi, hăng hái, nhanh nhẹn, can đảm, sáng kiến, là đại diện cho địa phận Vinh di cư theo đề cử của cha Trương cao Khẩn tổng đại diện địa phận Vinh ở miền Nam. Cha thường xuyên liên lạc với Phủ Tổng Ủy di cư để gấp rút chương trình định cư cho dân, đồng thời tích cực tham gia việc kiếm đất cho đồng bào chúng tôi. Đồng bào di cư Nghệ Tĩnh đã tự nguyện lần lượt chọn nơi an cư lạc nghiệp, rải rác từ Quảng Trị, Huế, Đà nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết, Bình Tuy, Kontum, Banmêthuột, Quảng Đức, Phước Long, Bình Long, Đàlạt, Bình Dương, Biên Hòa, Saigòn, Cần Thơ, Rạch Gía, Phú Quốc v..v.., tùy theo nghề nghiệp và sở thích. Chúng tôi và đa số đồng bào tạm trú ở Bình Đông 1,2,3 và Xuân Trường Thủ Đức ghi tên xin đi lập nghiệp ở Bình Giã. Ít lâu sau tôi được giấy của cha Khai cử vào Ban Quản Trị trại  định cư Bình Gĩa, và được biết là sẽ có Sự vụ Lệnh của Phủ Tổng Ủy di cư hợp thức hóa việc tuyển dụng sau. Được ít hôm,  tôi bàn giao sổ sách trại Bình Đông 3 cho người kế nhiệm. Đầu tháng 10-1955 tôi được xe chở đi Bình Gĩa. Chạy theo tỉnh lộ Bàrịa đi Xuân Lộc, qua khỏi đồn điền cao su Bình Ba được mấy cây số, gặp ngã ba thì xe chạy chậm, khi quẹo phải vào Bình Gĩa, thì bên trái đường đã có tấm bảng ghi chữ thật lớn : “TRUNG TÂM ĐỊNH CƯ BÌNH GIẢ” với mũi tên chỉ thẳng về hướng đông.

 

II* TRẠI ĐỊNH CƯ BÌNH GIẢ: Khi tôi tới Bình Giã, thì nơi đây còn là rừng hoang vu, xe chúng tôi ngừng lại sát lề đường bên tay phải, cạnh một căn nhà lá cách đường chừng vài mươi mét. Ông Nguyễn tiến Hòang là chủ tịch Ban Quản Trị trại ra đón tôi, vào nhà đã có mặt mấy anh em thuộc Ban Quản Trị. Nhà nầy là văn phòng và là nơi hội họp, có ngăn vách một phần cho mấy anh em ngủ đêm. Gần đó có một nhà tranh rộng và dài để làm nhà bếp và nhà ăn chung, một nhà khác lớn hơn nữa để làm nhà kho tạm. Mấy nhà này kề nhau, cạnh đường cái và gần khu trung tâm làng I sau này. Khu nhà ở Bình Giã để định cư đồng bào, theo bản đồ được ước định khi đó, là dọc theo con đường từ ngã ba Ngãi Giao vào Xuân Sơn, khoảng từ con suối (cách ngã ba Ngãi Giao độ 1km) chạy dài về hướng đông (phía vào Xuân Sơn) chừng 3km, hai bên đường mỗi bên đo vào độ 500m, đủ cho 5 dãy vườn và nhà, ( mỗi vườn dài 80m, rộng 25m ) và 2 con đường dọc đủ rộng cho 2 xe hơi tránh nhau. Còn đường ngang thì cứ 3 nhà là có 1 đường nhỏ đủ cho hai xe đạp tránh nhau hoặc một đường lớn rộng bằng đường dọc. Diện tích đất dự trù cho 1500 gia đình với dộ hơn 6.000 người, chia làm 3 làng mỗi làng 500 gia đình. Đất khi ấy là một vùng bán khai, bao gồm một ít đất đã có chủ canh tác, một ít đất đã khai phá nay bỏ hoang vì sự du canh của người thiểu số, một phần đất đã khẩn trưng của chủ đồn điền, còn phần lớn là rừng rậm hoang vu vô chủ, chim kêu vượn hót, có đủ lọai thú rừng như : nai, cọp, trăn, heo rừng. Phần đất có chủ, về sau đã được Phủ Tổng Ủy Di Cư và chánh quyền gỉai quyết thỏa đáng. Rừng rậm đất hoang nên phải khai phá. Công cuộc khai phá được tiến hành với tổ chức như sau:

 

Ban Quản Trị Trại : phụ trách điều hành công tác chung toàn trại ( 3 làng), trực thuộc Ty Định Cư Bà Rịa do ông Kỷ Sư Thái làm Trưởng Ty, về mặt hành chánh, kỷ thuật, lương bổng,  tiền gạo, cấp phát,..v..v..Còn về mặt tinh thần, cố vấn, điều động dân chúng từ các trại di cư tới khi đã có điều kiện, là nhờ cha Nguyễn viết Khai. Ban Quản Trị khi ấy gồm có :

 

Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký, Quản kho (chủ tịch do ô. Nguyễn tiến Hòang)

 

Ban Trắc Lượng Viên: Gồm một tóan chuyên viên đo đạc của Phủ Tổng Ủy Di Cư gởi tới. Đây là những người rất quan trọng, họ có máy móc, ống nhắm, ống dòm, bản đồ, địa bàn, búa, rìu, cọc gỗ dài, cọc gỗ ngắn, sơn đỏ, sơn vàng, xe Dodge..v.v… Họ là người tiên phong, đi nhe nhắm cắm ranh giới khởi đầu trại, ranh đường dọc, đường ngang  để cho các xe ủi làm việc. Sau khi đã có đất trống, họ lại phải nhe nhắm lại, ấn định vị trí khu Công ốc và Thương mãi mỗi làng, vị trí nhà thờ, vị trí chính xác các con đường để xe ủi nâng cấp thêm, vị trí vườn 25m x 80m hoặc 25m x 40m theo ý dân làng I sau nầy, vị trí các  nhà dân cả 3 làng  trong phạm vi 1km x 3km mà mọi nhà đều ngay hàng thẳng lối, hàng dọc cũng như hàng ngang, vị trí các giếng nước để nhà thầu đào giếng làm việc. Họ phải làm việc rất khẩn trương.

 

Ban Nông Cơ : Là các tài xế xe ủi. Trước sự gấp rút của bà con di cư mong đợi, sự khẩn khỏan của Ban Quản Trị, các xe ủi làm việc không ngừng, khi đầu thì ủi thật sạch hết những cây lớn nhỏ, về sau gấp quá, chúng tôi đề nghị chỉ ủi những cây lớn, còn các cây nhỏ thì để dân chúng tự chặt phát và sẽ xin Phủ Tổng Ủy cấp tiền thù lao cho dân.

 

Ban Định Cư Làng: Đến gần cuối tháng 10-1955, khi xe ủi đã tiến ra xa, để lại phía sau phần đất đã dọn sạch hoặc đang còn những cây nhỏ dễ chặt, và Phủ Tổng Ủy đã chấp thuận ngân khỏan thù lao cho nhân công phát tay, thì một số anh em cán bộ khác, do Phủ Tổng Ủy tuyển dụng  trả lương, được điều động tới lãnh trách nhiệm điều hành định cư mỗi làng, gọi là Ban Định Cư Làng. Mỗi Ban Định Cư Làng gồm một Trưởng Ban và 5 ủy viên.

 

           Các Trưởng Ban Định Cư của 3 làng lúc ấy gồm có các ông :

 

 

    1. Ông Bùi quang Báu , Trưởng Ban làng I   (hoặc gọi là chủ tịch)

 

    1. Ông Đinh thế Lưu    , Trưởng Ban làng 2          – nt –

 

    1. Ông Phạm văn Hiển,  Trưởng Ban làng 3.         – nt –

 

 

Lực Lượng Thanh Niên: Khỏang cuối tháng 10-55, một số thanh niên di cư khỏe mạnh được chở tới để chặt phát những cây nhỏ còn sót lại, và về sau là dựng các nhà bạt (tente nhà binh) do Phủ Tổng Ủy cấp để chuẩn bị đón nhận đồng bào tới. Số thanh niên làm việc, được chấm công, có phụ cấp gạo và tiền, dưới sự hướng dẫn của Ban Định Cư làng, và được cấp các dụng cụ làm việc như dao, rựa, búa, rìu, cưa,..v..v..Họ cũng được cấp xe vận tải nhỏ và tài xế để làm phương tiện hàng ngày. Tôi không nhớ rõ số thanh niên lúc đó là bao nhiêu, nhưng có một số thanh nữ lo việc nấu ăn. Việc đầu tiên của họ khi tới nơi là dựng một số nhà bạt (lều vải nhà binh) làm nơi trú ngụ, rồi ngày hôm sau là đi chặt cây. Công việc tiến triển rất tốt, xe ủi đi trước đổ cây lớn, thanh niên đi sau hạ cây nhỏ. Về sau một số được phân công đi dựng nhà lều chuẩn bị đón đồng bào tới.

 

Nhà Thầu Đào Giếng : Vấn đề nước ăn uống, từ ngày khởi công khai phá, nhờ Ty Định Cư Bà Rịa vận dụng nên mỗi ngày đều có xe citerne chở nước tới đổ vào các thùng fut cho chúng tôi, đó chỉ là tạm thời cho một số ít người trong thời gian ngắn. Hơn 6.000 dân sẽ tới thì nước là vấn đề ưu tiên.  Song song với các công tác nói trên, việc rất cần thiết mà chúng tôi thật bận tâm lúc bấy giờ là việc đào giếng. Theo bản đồ, các vị trí cắm nọc để đào giếng rải rác trên diện tích 3 làng do các Trắc lượng viên đã làm rồi, mà Phủ Tổng Ủy chưa thực hiện xong việc đấu thầu. Việc đấu thầu phải có hồ sơ « Điều Kiện Sách » ghi rõ vị trí giếng trên bản đồ, số lượng giếng, chiều sâu ước tính mỗi giếng, trị gía phỏng định, v..v.. Việc bố cáo trên mấy tờ báo phải có thời gian tối thiểu, các nhà thầu phải có đủ một số điều kiện kỷ thuật và tài chánh, họ còn phải tới nơi khảo sát tại chỗ trước khi nạp đơn dự thầu, thầu xong còn chờ xét duyệt,..v..v., nghĩa là việc đấu thầu phải theo thủ tục, nên phải có thời gian, chúng tôi hết sức nóng lòng. Khi tóan đào giếng tới đã là một tin vui lớn cho chúng tôi rồi. Phải có giếng, phải có nước thì mới đem đồng bào lên được. Giếng được khởi sự đào từ các vị trí gần đường cái hoặc gần các khu Thương mại, rồi tiến dần ra xa. Công việc cũng rất khó khăn , càng mong càng thấy khó, đào đất bằng tay, càng xuống sâu càng gặp đá, có giếng sâu 18m, có giếng sâu 20m, đào xong còn phải xuống ống thành ciment, có chỗ nước trong có nơi nước hơi vàng. Nhưng điều kiện tiên quyết đang được thực hiện.

 

Cơ Sở Y Tế : Đây cũng là vấn đề tiên quyết, phải sẵn sàng trước khi dân tới. Tôi không còn nhớ Y trá được tuyển dụng khi đó là ai, nhưng nữ hộ sinh hồi ấy do Sự Vụ Lệnh tuyển dụng của Phủ Tổng Ủy là cô Kim Châu và cô Lan, về sau họ có cơ sở y tế đặt tại nhà Vòm bằng thiếc tại khu Thương Mãi làng II.

 

Chuẩn Bị Cho Đồng Bào Tới Định Cư : Trong khi xe ủi vẫn tiếp tục ủi ra xa, việc đào giếng đang tiến hành ỏ những dãy nhà các hàng sau, nhưng đường ngang dọc đã thành hình, vị trí nhà dân đã cắm cọc được nhiều, các khu Thương mãi đã có ranh giới, nên có thể đưa đồng bào tới. Theo hội ý của anh em cán bộ cùng cha Nguyễn viết Khai, ông Kỷ sư Thái Ty Định cư Bà Rịa và số dân chúng có mặt ỏ Bình gĩa hoang vu khi đó, thì nếu muốn tiến hành định cư nhanh chóng là nên đưa đồng bào tới, để họ trực tiếp tham gia những việc có thể làm được, kinh phí của dự án còn dư sẽ cho dân lao động, ví dụ : tiền công dựng nhà, tiền phát rừng mà xe ủi không làm hết..v..v..Biết rằng tới đây thì vất vả cực khổ hơn cho những gia đình có trẻ nhỏ và những kẻ gìa cả bệnh họan, nói là cực khổ hơn là vì ở mấy chỗ tạm trú cũng đã cực rồi, ở Bình Đông thì phải sắp hàng chờ nước máy nhỏ giọt hàng giờ, mùi cống hôi thối, ở Xuân Trường Thủ Đức thì nhà lều nóng bức. Kết luận là phải đưa đồng bào tới, Ty Định Cư Bà Rịa trình xin lệnh của Phủ Tổng Ủy, để chuẩn bị lều bạt, xe cộ, phương tiện. Sau khi có lệnh chấp thuận của Phủ, cha Nguyễn viết Khai cho lịch trình và danh sách ưu tiên thứ tự các xứ ở các trại tạm trú , để họ lần lượt lên đường đi định cư. Các xứ thuộc làng I đi trước, làng II đi sau, làng III đi chót. Việc sắp xếp các xứ thành mỗi làng là do nơi văn phòng cha Khai ở Saigòn đã ghép sẵn khi có danh sách của đồng bào xin đi Bình gĩa, vị trí mỗi làng cũng đã ấn định trên bản đồ, không biết trước được chỗ nào tốt chỗ nào xấu.

 

Ban Quản trị Bình Giã, tiếp đó nhận được văn thư thông báo của Ty Định Cư Bà Rịa cho biết chuẩn bị để tiếp nhận đồng bào, sau đó ít hôm thì một số lều bạt từ Saigòn được chở tới và được anh em thanh niên dựng rải rác dọc theo hai bên đường trại. Phủ cũng cấp cho tài xế và  2-3 chiếc xe chuyên chở nhỏ, túc trực để phục vụ đồng bào khi họ tới, xử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc đưa dân đi chợ Bà Rịa.

 

Tiếp Đón Đồng Bào Tới Định Cư : Đây là giai đọan vất vả cực nhọc nhất cho mọi người. Khoảng cuối tháng 11-1955,  xe vận tải chở dân chúng ào ạt nhiều chuyến đến mỗi ngày, dân thì mệt nhọc rên la, hỏi han đủ thứ, giữa cảnh màn trời chiếu đất, rừng hoang âm u, thiếu thốn nhiều chuyện, chỗ ăn chỗ ở, chỗ nấu chỗ rửa, vệ sinh cá nhân, ngày nóng đêm lạnh, tối đèn lờ mờ, trẻ con khóc la, người gìa rên rỉ. Còn cán bộ thì chạy ngược chạy xuôi, người thì sắp xếp dân chúng vào từng nhà lều, xứ nào theo xứ đó, mấy gia đình chung một lều mà đôi khi phải dời qua dời lại vì có những gia đình thích ở chung với nhau, lạc bầy thì mất bạn, người thì phải đeo xe dẫn đồng bào tới vị trí khác, chậm chạp một chốc hoặc phải quay xe trở lui trở tới là bị mấy anh nóng tiết chửi bới om sòm. Dân mình khi đó hăng lắm. Nhất là một số anh em làng III, họ ở xa Văn Phòng Ban Quản Trị trại nên có cảm tưởng là xa xôi, cuối trại, bực mình và dễ thắc mắc, nhất là sau khi một số trẻ em hoặc người gìa cả bị bệnh nặng hoặc chết đi thì nhiều bà con làng III lại thêm hoang mang.

 

Nhận Dụng Cụ và Dựng Nhà Ở : Sau khi đồng bào đã tới được một số, Phủ Tổng Ủy cho nhà thầu giao các dụng cụ để cấp phát cho bà con, như : búa đinh, rìu, rạ, cưa, cào, cuốc, xẻng..v..v.., tiếp theo là sườn nhà bằng gỗ dầu, lá kè và đinh. Sau khi sắp xếp xong chỗ ăn chỗ ở, đồng bào bắt tay vào đất đai nhà cữa : đàn ông chia nhau việc nặng, người thì đi chặt cây dọn đất và đốt bờ gom mà xe ủi đã gom lại thành bờ, người thì lắp ráp sườn nhà, lợp mái và thưng vách ngòai xung quanh và vách ngăn giữa. Mỗi vườn dựng một nhà 2 gian, ngay hàng thẳng lối chiếu hàng ngang cũng như hàng dọc theo vị trí mà trắc lượng viên đã cắm cọc, người thì đan tranh để lợp nhà. Đàn bà thì đi cắt tranh, dọn dẹp. Đồng bào tới thêm, đất càng dọn được nhiều, nhà càng dựng được nhanh, nhưng đôi khi cũng bế tắc vì thiếu nguyên liệu, thiếu lá thưng, thiếu đinh, thiếu sườn nhà, vì nhà thầu giao chưa kịp. Theo dự án thì nhà bằng sườn gỗ, thưng lá, lợp tôn, dựng sẵn cho dân; nhưng Ban Quản Trị trại họp bàn cùng cha Khai và ông Kỹ Sư Thái Ty Định Cư Bà Rịa xin để bà con ta tranh thủ phần công dựng, bao luôn mái tranh, chỉ xin bộ sườn và lá kè để thưng xung quanh. Tiền tôn, tiền công, tiền dư của dự án được Phủ Tổng Ủy hòan cấp cho dân sau.

 

Hễ nhà nào làm xong là có đôi ba gia đình, tình nguyện bỏ nhà bạt dọn qua nhà tranh ở liền, tấm ván lớn được cấp phát ở Bình Đông trước đây kê gần sát mặt đất, nay có cây rừng nên được nâng cấp lên cao, làm giường phản, có chân cẳng đàng hòang. Trong khi đó xe ủi vẫn ủi ra xa, tóan đào giếng vẫn tiếp tục thi công.

 

Bắt Thăm Nhà : Vào mùa xuân 1956, khỏang tháng 3, tôi nhớ là trước ngày sinh con trai đầu  lòng của tôi độ 1 tháng,  xứ chúng tôi tổ chức bắt thăm nhà. Trước khi bắt thăm nhà, phải ấn định ranh giới mỗi làng dựa theo tổng số gia đình mỗi làng, mỗi làng gồm các khu, mỗi khu gồm nhiều xứ nhỏ ghép lại, nếu xứ đông dân thì thành một khu như Nghi Lộc, Gia Hòa, Xuân Phong. Ban Tiếp Cư làng tính số vườn và nhà cho phù hợp với số gia đình từng khu rồi giao cho Đại diện khu sơ đồ nhà để họ tổ chức bắt thăm. Ai nấy có nhà ở vĩnh viễn, làm chủ căn nhà miếng vườn, bắt đầu một cuộc sống mới hòan tòan và thật sự hưởng tự do độc lập. Ai được ở hàng trước gần đường chính lộ thì vui mầng nhất, ai được ở các hàng kế thì cũng thích, còn ai nhằm hàng sau cùng thì có kẻ buồn vì xa xôi hẻo lánh sợ cọp, mà cũng có người mầng vì cho rằng có điều kiện mở rộng đất đai thêm hoặc đi làm rãy rất gần. Cụ thể là ông anh vợ tôi bắt thăm được căn nhà hàng sau cùng, tôi đã thương lượng với cố N. để đổi lấy căn nhà hàng A mà cố đã bắt trúng.

 

Chia Đất và Phóng Đường Ra Nương Rãy: Sau khi an cư rồi, phải tính chuyện lạc nghiệp. Ngòai khu gia cư, phần đất kế tiếp đã được ủi hết cây lớn và phát sạch cây nhỏ, nay chia đều cho dân, mỗi gia đình 1 mẫu tây, xứ nào theo ranh giới xứ đó từ trong khu gia cư chiếu thẳng ra. Qua khỏi phạm vi đó, ai muốn khai khẩn thêm tùy khả năng.Trên phần đất rãy này không có dự án làm đường, không có vị trí đường lưu thông nên mỗi xứ dành ra phần đất để làm đường đi, chiếu từ các đường ngang lớn ở trong khu gia cư phóng ra, nhờ vậy mà có đường ngang dọc ở nương rãy như ngày nay.

Các Trợ Cấp của Dự Án Định Cư Bình Giã:  Trại định cư Bình Giã lúc bấy giờ có 3 dự án viện trợ : Làng I do viện trợ Pháp, làng II và làng III do viện trợ Hoa Kỳ, cho nên không hòan tòan giống nhau về sự trợ cấp, ở đây tôi xin nhớ lại chung chung tương đối mà thôi :

 

* Về lương thực: Kể từ ngày nhập trại vào cuối tháng 11-55, đồng bào  được cấp phát gạo ăn trong khỏang gần một năm tiếp, mỗi người 800 gr một ngày.

 

* Về tiền bạc: Nhân công làm vịêc được trả tiền mỗi ngày 40$, như phát quang, làm nhà, bứt        tranh,..v..v..Khi kết thúc dự án, tiền tu chỉnh án còn dư đem cấp cho dân, mỗi gia đình  còn được 2.600$  (khi ấy vàng khỏang 3.000$/ 1 lượng, còn đôla là 60$/ 1 đô). 

* Về Dụng Cụ: Ngòai căn nhà 2 gian, đất vườn, đất rãy,  các dụng cụ để làm việc nói trên, mỗi gia     đình còn được cấp một cái cày tay của Nhật rất tiện dụng, có bộ phận điều chỉnh độ sâu cạn xuống đất khi cày, được cấp răng bừa, v…v…

 

* Về Nông Súc: Hai gia đình được một con bò nhập từ Thái Lan, nhưng không thích dụng được với đất rừng mới khai phá, lại vì hai nhà một bò thì khó bảo quản,  nên  hầu hết đã đem bán chia nhau, mỗi con khỏang 5.000$ lúc đó, nhưng về sau thấy bò có lợi thì tiếc.

 

* Về Cây giống: Được cấp phát cây giống như cây chuối, cây cà phê đã ương sẵn trong bao nylon nhỏ, các lọai hạt giống về hoa màu và rau cải, …v…v…

 

* Về Chuyển Vận : Mỗi làng được cấp một xe vận tải nhỏ để vận chuyển khẩn cấp hoặc chở dân đi chợ Bà rịa, tài xế được trả lương cho đến khi trại thành địa phương hóa thì mỗi làng tự lo.

 

* Về Y tế và Học Đường : Nhân viên y tế và các giáo viên Tiểu học 3 làng đều có ngân sách của dự   án trả lương cho đến khi trại được địa phương hóa, sẽ do chánh quyền địa phương và Ty Giáo dục tỉnh lo.

 

* Đồ Viện Trợ ngòai Dự Án : Ngòai những trợ cấp của Dự án, còn có những cấp phát không dự tính trước, có khi nào thì cho khi đó. Về khỏan này, đồng bào thỉnh thỏang được lãnh bột mì, bột bắp, gạo Mỹ, phô ma hộp, dầu ăn, bơ thực vật, cá hộp, áo quần củ và mới,…v…v…

 

Khu Thương Mãi : Mỗi làng có một khu Thương mãi gồm có nhà lồng chợ và tiệm buôn, dành cho những người không làm nông nghiệp, mà chỉ biết buôn bán. Những gia đình buôn bán đã có khai danh sách từ thủa ban đầu khi ghi tên xin định cư, họ không được cấp phát đất rẫy, không được cấp bò hoặc bất cứ dụng cụ nông nghiệp hay cây cối hạt giống gì cả, mà được cấp một lần 10.000$ và một căn nhà nơi khu Thương mãi để mở tiệm buôn..Sau một thời gian họat động, chỉ có khu Thương mãi làng II thành công và kết chợ, còn khu Thương mãi hai làng kia đành dẹp tiệm.

 

Khu Công Ốc : Dự án viện trợ của mỗi làng đều có ngân sách xây dựng khu công ốc liền với khu Thương Mãi, gồm có nhà trường, bệnh xá và văn phòng hành chánh. Khu Thương mãi và khu công ốc, được dân chúng gọi tên chung là Khu Trung Tâm Làng, vì nó nằm giữa làng. Trừ bệnh xá đã làm trước, còn tòan bộ các công ốc khác đều được xây dựng bằng gỗ, ván và lợp tôn, sau khi nhà ở của dân đã ổn định.

 

 Nhà Thờ và Nhà Xứ:  Dự án viện trợ 3 làng không có ngân sách cho nhà thờ nhà xứ.Khi dân mới nhập trại, mỗi làng dành một nhà bạt để cha lãnh đạo tinh thần làm lễ, cha Nguyễn văn Kiều phụ trách làng  I, cha Đòan duy Đông phụ trách làng II, cha Trần thanh Cần phụ trách làng III. Sau khi đồng bào đã bắt thăm nhà, mỗi làng họp các đại diện khu  để bầu Ban Hanh Giáo xứ, đặt tên giáo xứ và tên làng như hiện nay, mỗi khu được coi là họ đạo nhỏ cũng được đặt tên trong buổi họp đó. Làng I có tên là Vinh Hà vì hầu hết là đồng bào Hà Tĩnh, làng II là Vinh Châu vì tòan là đồng bào huyện Diện Châu tỉnh Nghệ An, làng ba gọi là Vinh Trung gồm các xứ ở Nghệ an miền Trung. Ban hành giáo xứ và họ bắt đầu cắt cử nhân công đi chặt cây , cưa ván , kiếm lá làm nhà thờ và nhà xứ. Nhà thờ nhà xứ từ đó theo thời gian,cũng đã thay đổi lần lần cho tới ngày nay.

 

Ban Quản Trị Hết Nhiệm Vụ : Sau khi nhà cữa dân chúng đã ổn định, đất rãy đã chia xong, đường sá và giếng nước đã hòan tất, Ban Quản Trị hết việc làm và nhận Sự vụ lệnh nghỉ việc, còn Ban Định Cư 3 làng vẫn tiếp tục công tác hành chánh cho đến khi được địa phương hóa. Tiếp đó tôi được thuyên chuyển tới làm việc tại Ty Định Cư Bà Rịa, được cùng ông Kỹ sư Thái đi công tác các trại định cư người Bắc, như : Long Hương, Chu Hải, Ông Trịnh, Láng Cát, ..v..v..có dịp thấy rõ được sự khác biệt lớn lao về đất đai giữa Bình gĩa và các nơi nầy, đất Bĩnh gĩa từ ruộng đến nương rãy, màu mỡ bao nhiêu thì đất những nơi nầy thua kém đến bấy nhiêu, nhiều nơi đất bị nhiễm nước mặn. Dân số mỗi nơi cũng ít, trừ các trại đánh cá ở miền duyên hải.

LỜI BÀN VÀ KẾT LUẬN: Thời cuộc như một cơn bão tố đã xô đẩy con người trôi dạt phân tán. Gian truân cũng hun đúc con người thêm dũng khí. Người Nghệ Tĩnh bỏ được quê hương ra đi phải có can đảm mãnh liệt và trải nhiều khó khăn gấp nhiều lần những đồng bào nơi khác thì mới đi được. Đi được rồi, lòng mầng vô kể, nhưng trên con đường dài hơn nửa phần đất nước, qua nhiều nơi tạm trú kể cả buổi ban đầu ỏ Bình Giã, thời gian có người trên cả năm, có người chín, mười tháng, ăn nằm chật hẹp, vệ sinh dơ bẩn, ồn ào náo nhiệt, không khí oi bức..v..v..Ban đầu ỏ Bình Giã, cũng còn nhiều khó khăn, rừng hoang chướng khí, bệnh tật đe dọa, có người đã nản chí bỏ đi lập nghiệp nơi khác, nhưng về sau vẫn thấy Bình Giã là nơi đáng yêu đáng mến. Đó là cái gía phải trả cho cuộc tìm tự do no ấm của chúng ta, không có phép lạ nào làm tốt hơn cho tình trạng của chúng ta lúc đó được, trong khi Phủ Tổng Ủy Di cư phải lo cho gần cả một triệu người di cư được mau ổn định cuộc sống chỉ trong vòng 2 năm.

 

Nhìn về mặt tích cực, thấy được sự bao dung  và lòng thương xót của thế giới tự do nói chung, đặc biệt là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã hết lòng quan tâm lo lắng cho đồng bào di cư, mọi sự đầy đủ cho cuộc sống, có khi còn hơn cha mẹ chia gia tài cho con nữa.

 

Cho nên, Bình Giã đã thành công, Bình Giã đã trưởng thành, Bình Giã đã phát triển.  Bình Giã từ thủa đó cho đến bây giờ luôn luôn là một trong những trung tâm định cư lớn nhất tòan quốc nói chung và là một nơi định cư lớn nhất trong số khỏang 40 trại định cư Nghệ Tĩnh, nói riêng.

 

 III* THỜI CUỘC TRƯỚC 1955 : Như trên đã nói, thời cuộc là như cơn bão tố đã xô đẩy con người trôi dạt, đã xe duyên cho con người gặp đất. Xin lấy mốc thời gian năm 1945 là năm khởi đầu các biến động trong nước dẫn tới cuộc đình chiến 1954 và cuộc di cư sau đó. Năm 1945 lại là năm có nhiều biến cố lớn lao trên thế giới  và trong nước, như : nạn đói làm chết khỏang 2 triệu dân ta, quân Nhật đảo chánh  Pháp ở Việt nam và tòan cõi Đông dương, hai quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống nước Nhật, vua Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện, quân Tàu và quân Anh  vào Việt Nam tước vũ khí quân Nhật, đệ nhị thế chiến chấm dứt, Việt minh cướp chánh quyền và tuyên bố Việt nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, vua Bảo Đại thóai vị, quân Pháp trở lại tái chiếm Nam Bộ, chiến tranh chống  Pháp khởi sự tại miền Nam, các đảng phái chính trị cộng sản và quốc gia  đấu tranh với nhau. Tất cả là những biến cố xảy ra trong năm 1945.

* Nhật đánh Pháp- Nhật đầu hàng ĐồngMinh : Cho đến năm 1945, thì Pháp đã đô hộ nước ta gần 90 năm, kể từ 1858. Vào  tháng 8-1940, sau khi đã đánh chiếm một số tỉnh thành miền đông Trung Hoa từ Mãn Châu xuống tận biên giới Hoa Việt, Nhật Bổn gởi tối hậu thư cho Tòan Quyền Pháp yêu cầu cho quân  đội Nhật được vào đóng quân ỏ Việt Miên Lào và xây dựng một số sân bay trong lãnh thổ này, mà quyền cai trị vẫn do người Pháp. Nước Pháp lúc đó đã đầu hàng  Đức tại bản xứ họ , không  đủ sức chống Nhật ở Đông dương nên buộc lòng phải nhượng bộ yêu cầu của Nhật. Thế là từ năm 1940 quân Nhật tung hoành khắp nước ta, gieo thêm bao nhiêu tai họa cho dân mình. Hơn 4 năm sau, trong khi nạn đói đang  giết chết hàng triệu dân ta, thì quân Nhật bất thần đánh úp quân Pháp vào đêm mồng 9-3-45, bắt Tòan Quyền Decoux  và một số chỉ huy cao cấp Pháp. Các nhà ái quốc VN.chống Pháp bị cầm tù, lúc ấy được Nhật thả ra, trong đó có linh mục Lê sương Huệ địa phận Vinh. Nhật trao trả độc lập trá hình cho Vịệt Nam, vua Bảo Đại cử ông Trần trọng Kim (người Nghi Xuân Hà Tĩnh) làm Thủ Tướng và thành lập nội các (Sau khi Ngô đình Diệm từ chối lời mời) . Gần 5 tháng sau, ngày 6-8-45 quả bom nguyên tử đầu tịên của Hoa kỳ thả xuống Hirôshima Nhật, tàn phá 60% thành phố, làm chết và bị thương hơn 150,000 người . Ngày 9-8-45 Mỹ bỏ thêm quả bom  nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki, sự thiệt hại kinh khủng. Trong khi ấy, Nhật tuy đã chiếm được nhưng đang thất trận  khắp nơi trên tòan cõi châu Á Thái bình dương, từ Mãn Châu, Trung Hoa, Hongkong, Taiwan, Miến Điện, Mãlai, Tân gia ba, Nam Dương, Phi luật Tân, Tân Guinèe, Guam, các hải đảo trên biển đông..v..v..cùng những trận mưa bom ngay trên đất nước Phù Tang, và với 2  quả bom nguyên tử nói trên, nên ngày  14-8-45 Nhật Hòang tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thế chiến thứ 2 kết thúc từ đó. Mà cũng từ đó mở ra một giai đọan mới cho nước Việt Nam, một giai đọan nhiều máu lửa và nước mắt cho dân ta.

* Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Chiến tranh chống Pháp : Đã từ lâu nhiều đảng phái đã họat động chống Pháp chống Nhật, mưu cầu độc lập cho nước nhà,  mỗi đảng theo một đường lối chính trị riêng, nhưng sau khi Nhật đầu hàng, thì Hồ chí Minh và Việt minh đã nhanh chân thắng thế hơn. Trong khi vua Bảo Đại và chánh phủ Trần trọng Kim vẫn còn thực lực và hệ thống hành chánh trong tay, nhưng cứ lừng khừng, thì Việt minh rải truyền đơn khắp nơi hô hào  độc lập dân tộc dân chủ, yêu cầu vua thóai vị. Ngày 19-8-45 Việt minh hô hào một cuộc tập trung dân chúng lớn lao hàng nhiều trăm ngàn người tại Hà Nội để biểu dương  lực lượng, gọi là ngày tổng khởi nghĩa. Sau 2 tuần, vào ngày 2-9-45, Hồ chí Minh tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, đọc bản tuyên ngôn độc lập, quốc hiệu là Việt Nam Dân Chủ Công Hòa.

 

Sau đó hơn một tuần, quân đội đồng minh vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật: Tướng Lư Hán của chánh phủ Tưởng giới Thạch Trung Hoa, dẫn quân vào miền bắc ngày 10-9-45, chịu trách nhiệm từ vĩ tuyến 16 (Huế) trở ra; Tướng Douglas Gracey dẫn quân Anh đổ bộ lên Saigòn ngày 12-9-45, chịu trách nhiệm phía nam vĩ tuyến 16. Hồi ấy quân Tàu rất ô hợp, tồi tàn bẩn thỉu và đói khát, có người đói quá, vào tiệm ăn rất nhiều rồi lăn ra mà chết, có nơi lính Tàu ngồi cả đám bên lề đường bắt chí bắt rận cho nhau, có nơi (nghe nói) khi bàn giao vũ khí, lính Nhật sắp hàng chỉnh tề, lúc lính Tàu vừa tới, chỉ huy Nhật hô « nghiêm » lớn tiếng  để nghênh chào, thì quân Tàu hỏang quá liền bỏ chạy.

 

Thừa dịp tước khí giới Nhật, quân Pháp do tướng Leclerc cầm đầu, bén gót quân Anh đổ bộ vào Saigòn để tái chiếm miền Nam khi ấy gọi là Nam Bộ. (Anh giúp Pháp để dễ bề trở lại Ấn Độ). Dân chúng miền Nam chống lại thực dân Pháp, chiến tranh nhân dân khởi sự từ đó. Tòan dân cả nước đều  một lòng đòan kết chống Pháp, rất nhiều thanh niên miền Bắc miền Trung, với gậy tầm vông và tre vót nhọn, xung phong vào Nam giết giặc, có lúc xe lửa thiếu chỗ. Nhưng sau hơn 5 tháng  thì hiệp định sơ bộ được ký ngày 6-3-1946 giữa Hồ chí Minh và Jean Sainteney, Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong Liên hiệp Pháp, mà Pháp được quyền đem quân đóng trên vĩ tuyến 16 tức là từ Huế trở ra và thay thế quân Tàu giải giới quân Nhật. Đều này đã làm cho các đảng phái, các tôn giáo và nhiều người thất vọng và phản đối, vì như vậy là rước Pháp trở lại đô hộ nước ta lần nữa. Nhưng đó lại là một diệu kế liên hiệp với Pháp mà chính Pháp cũng không ngờ, để Hồ chí Minh lọai trừ các đảng phái, các thế lực đối nghịch và cả những thế lực của Quốc Dân đảng Tàu nữa. Sau khi đã thanh tóan xong các mục tiêu và không còn một tên lính Tàu nào sót lại, vào một đêm âm-u của ngày 19-12-1946, bộ đội VN. được lệnh tổng tấn công  quân đội Pháp trên tòan nước Việt Nam. Không thể dứt đỉểm cái một như Nhật đánh Pháp gần 2 năm trước đó, mà là mở màn một cuộc chiến tranh tòan quốc chống Pháp. Từ đó chiến tranh bột phát, lan tràn, Pháp tăng quân, xử dụng tàu chiến, máy bay bỏ bom bắn phá, xe tăng càn quét, tiến chiếm nhiều nơi theo lối trận địa chiến, trấn giữ các thành phố, hải cảng, sân bay, các đường lộ giao thông..v..v.Việt Minh thiết lập chiến khu, bảo tòan bí mật, tiêu thổ kháng chiến, chủ trương vườn không nhà trống, phá bỏ thành phố, đào đường, ngăn sông, đắp ụ, chủ trương phục kích, gài mìn, đào hầm chông, đánh du kích, đánh quấy rối, chánh quyền có tên là Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến. Miền thôn quê nhiều nơi ngày thì Pháp, đêm là Việt Minh, mà về sau thì ngày là Quốc gia, đêm thì Việt Minh.. Khi đầu thì tòan dân đồng lòng tham gia kháng chiến, kẻ hậu phương người tiền tuyến, anh đi bộ đội em đi dân công, có người trốn vào chiến khu họat động. Về sau khi biết được VNDCCH là cộng sản thì phát sinh ra các thế lực chính trị khác, sẽ nói ở phần sau.Việt minh chủ trương chiến tranh từ nhỏ tới lớn, từ du kích dần tới trận địa chiến. Ròng rã 9 năm trường kịch liệt, hai bên Việt Pháp đều thiệt hại nặng nề. Đến ngày 7-5-1954 Pháp đầu hàng ở trận Điện Biên Phủ, buộc lòng phải ký hiệp định đình chiến Genève ngày 21-7-54.

*Lực Lượng Quốc Gia :Trên đây là diễn biến chiến tranh giữa Việt Minh (VNDCCH) và Pháp từ 1945 đến 1954. Trong thời gian nầy, song song với hai thế lực đó, còn một thế lực thứ ba là lực lượng quốc gia, bao gồm các tôn giáo, đòan thể không đồng tình hoặc chống lại với Việt Minh, và từ năm 1948 về sau đã hình thành các Chánh Phủ Quốc Gia VN vừa dựa vào Pháp để chống công sản, vừa đấu tranh với Pháp theo đường lối chánh trị để dành quyền độc lập quốc gia dân tộc. Lực lượng Quốc gia chính là chỗ dựa và là cơ sở cho cuộc di cư sau hiệp định Genève 1954 . Hiệp định đình chiến là vì chiến tranh mà có, nhưng  chính nhờ lực lượng quốc gia mới có chỗ ẩn thân  cho nhiều người trước khi di cư, và cũng nhờ đó mà có được vùng quốc gia  để đổi vùng. Xin nói đến 2 cơ cấu chính:

 

-Khu an tòan tự trị Phát Diệm (kể từ năm 1946 đến 1954)
-Các chính phủ Quốc gia  (kể từ năm 1948 về sau)

 

Cuối năm 1945 hay đầu 1946, nghĩa là sau khi đã có chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa một thời gian và chiến tranh chống Pháp tại miền Nam đang tiếp diễn, thì người ta đã bắt đầu biết được Hồ chí Minh đi theo đường lối cộng sản, ngày càng rõ rệt, những tài liệu học tập thường nói đến giai cấp vô sản lãnh đạo, công nhân là lực lượng cách mạng, các sách vở « Duy vật lịch sử », « Duy vật biện chứng », « Tư bản dãy chết », được phổ biến khắp nơi. Người ta nói đến « tam vô » : vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Dành độc lập là quá độ tiến lên « thế giới đại đồng », là làm nhiệm vụ quốc tế vô sản. Cộng sản là của chung, là ăn chung, làm chung, mọi người sẽ làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, gọi là thiên đường cộng sản. Sau năm 1945, tại Hà Tĩnh có làng Kẻ giằng đã tổ chức làm nhà trại rồi cùng nhau ở chung, ăn chung, làm chung với nhau một thời gian, rồi dẹp bỏ, nói rằng là chưa đến thời. Khi đó chắc có nhiều người thích hoặc bị ràng buộc hoặc vì sợ phải theo, nên Việt Minh  đã đi đến chiến thắng sau này.

Trong lúc ấy nhiều người lại sợ lắm, nhất là khi nghe mấy chữ « cộng sản tam vô ». Để tìm cách tự bảo vệ cho mình, chống lại thuyết « cộng sản vô thần », chống lại « chủ trương tiêu thổ kháng chiến », một số đòan thể hoặc tôn giáo đã  hình thành những tổ chức tự vệ, như khu an tòan tự trị Phát Diệm, Liên Đòan công giáo Việt Nam, hồi đó Liên Đòan công giáo Địa phận Vinh là hăng hái nhất, nhưng bị dẹp năm 1951. Cuối năm 1945, Chánh Phủ VNDCCH (Việt Minh) đang đóng ở Hà nội, Đức Cha Lê hữu Từ mới về nhậm chức Giám Mục Địa Phận Phát Diệm. Lễ tấn phong Đức Cha Từ là ngày 28-10-45, có sự tham dự của phái đòan chánh phủ, gồm có ông Phạm văn Đồng, ô.Võ nguyên Giáp, Nguyễn mạnh Hà,..v..v.. với thư chúc mầng của Chủ tịch Hồ chí Minh. Biết Đức Cha Từ rất khôn ngoan, có lòng yêu nước lại có công giúp đỡ cán bộ Việt Minh chống Pháp Nhật những năm trước,  khi ngài còn Bề trên dòng Châu Sơn ở Nho Quan gần chiến khu Bắc việt, mặt khác biết được tinh thần mạnh mẽ của khối đông đảo công giáo Phát Diệm Bùi Chu, cụ Hồ đã về thăm Đức Cha  ngày 25-1-46 và tôn phong ngài là Cố Vấn tối cao Chánh Phủ. Đó là một chiến thuật, nhưng Ngài đã lợi dụng uy tín và chức vụ đó để phục vụ cho dân chúng khỏi cơ cực trong cảnh chiến tranh giữa Pháp và Việt minh. Sau ngày phát động chiến tranh 19-12-46, dựa theo lời cụ Hồ đã tuyên bố là mỗi người dân đều cầm vũ khí giết giặc, Đức Cha Từ cho mua vũ khí, tổ chức Tự vệ đòan, canh gác cẩn mật, không cho quân Pháp xâm nhập, bộ đội Việt minh cũng không được vào, gọi là khu an tòan tự trị Phát Diệm. Nhờ vậy, vùng Phát Diệm Bùi Chu không tiêu thổ kháng chiến,  không lâm cảnh vườn không nhà trống, không đào đường ngăn sông, phố xá an tòan, dân chúng làm ăn buôn bán phồn thịnh. Dân nhiều nơi về đây xin tỵ nạn, năm 1947 dân lánh nạn về đây lên tới độ 60.000 người, đủ mọi thành phần và tôn giáo. Đức Cha Từ đã cho xây thêm 600 căn nhà  để phụ giúp cho dân tỵ nạn. Nhờ đây mà nhiều nhà chính trị quốc gia, nhiều thanh niên tránh cộng sản đã có nơi ẩn náu.

 

Các nhà chính trị quốc gia, sau thời gian thương thảo với Pháp (thỏa ước Pháp và Bảo Đại tháng 3-1948) và thỏa thuận với nhau, năm 1948 dã hình thành được Chánh Phủ Quốc Gia do Thủ Tướng Nguyễn văn Xuân cầm đầu.Việt Nam độc lập trong liên hiệp Pháp, do Bảo Đại làm Quốc Trưởng, quốc hiệu là Quốc gia Việt Nam, được nhiều cường quốc Âu Mỹ công nhận và đã gia nhập 35 cơ quan quốc tế với tư cách hội viên. Sau mấy lần thay đổi Thủ Tướng và nội các, đến tháng 6-1954, trước khi ký hiệp định Genève gần 1 tháng, Quốc Trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng, đây là một vị đại ân nhân của tòan thể đồng bào di cư 1954.

 

Trong thời kỳ chiến tranh nói trên, những người không thích cộng sản tìm cách tới vùng quốc gia để sinh sống, hoặc làm việc cho Quốc gia  hay cho Pháp, hầu hết là ở thành thị như Hà nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế..v..v..Trong thời kỳ này nhiều thanh niên Nghệ An, Hà Tĩnh đã thóat ra bắc, vào sống tại vùng Phát Diệm, Bùi Chu hoặc ở các thành phố nói trên. Chính một số trong những thanh niên này đã có công lớn với đồng bào di cư Nghệ Tĩnh : có người chuyền đạt tin tức hiệp định Genève về gia đình, có người làm thông ngôn dẫn đưa Ủy Hội Quốc Tế đình chiến về Nghệ Tĩnh, tới các làng có dân nộp đơn xin di cư.  

 

Trên đây là thời cuộc diễn biến từ năm 1945 đưa đến cuộc di cư 1954 do hiệp định Genève :

 

 

    1. Có chiến tranh mới có hiệp định đình chiến ,

 

    1. Nhờ có lực lượng quốc gia mới có chỗ dựa và có vùng đất để di cư đổi miền,

 

    1. Có Thủ tứơng Ngô Đình Diệm thì cuộc di cư mới lớn lao gần cả triệu nguời 

 

 

và tiến trình di cư, định cư tiến hành rất xuôi chảy thành công mau chóng.

 

Khi ôn lại cuộc di cư của đồng bào Nghệ Tĩnh, xin được nói qua về chánh phủ Ngô Đình Diệm là niềm tin cậy của bà con di cư trước khi nộp đơn xin di cư vô Nam.

 

Giữa tháng 6-1954, Quốc Trưởng Bảo Đại lúc đó ở Pháp mời ô. Ngô Đình Diệm về lập chánh phủ, với tòan quyền dân sự và quân sự, thay thế chánh phủ Bửu Lộc đang thất vọng trước âm mưu chia cắt đất nước của Việt Minh mà quốc tế sẽ chấp thuận. Đây là lần thứ 3, Bảo Đại mời ô. Diệm làm Thủ Tướng, kể từ năm 1945, sau khi Nhật lật đổ Pháp. Lần này ô.Diệm nhận lời, về nước ngày 26-6-54 trước khi ký hiệp định Genève gần một tháng, lập Chánh Phủ và nhận bàn giao ngày 7-7-54. Ông chấp chánh trong tình trạng muôn vàn khó khăn, từ đối ngọai cho đến nội bộ. Ngày 21-7-54 Hội nghị Genève họp phiên cuối cùng để ký hiệp định đình chiến, phái đòan Quốc gia V.Nam và Hoa kỳ  không đồng ý về một số điều khỏan nên không chịu ký hiêp định, các phái đòan Anh, Pháp, Liên xô, Trung Cộng, Việt Minh, Lào, Cao Miên đồng ký. 

 

            Hiệp định Genève có 47 điều với một phụ lục, mà có mấy điều dễ nhớ nhất :

 

– Điều 2 : Giới tuyến quân sự là từ cữa sông Bến Hải, Quảng Trị, theo giòng sông  đến làng Bô-hô su tận biên giới Lào-Việt,  đường ranh  phân chia  lực lượng  quân sự   hai bên là vĩ  tuyến 17, phía bắc thuộc lực lượng Việt Minh, phía nam thuộc lực lượng Quốc gia V. Nam.
– Điều 7 : Trong thời từ gian 300 ngày , dân chúng được tự do đi lại từ khu vực này sang khu vực bên kia, nghĩa là khắp nơi không phân biệt bên nào.

 

Đây là một thắng  lợi lớn cho Việt Minh. Còn những người trong vùng Quốc gia ở miền Bắc thì đa số hốt hỏang, gấp rút lo di cư vô Nam bằng mọi cách, nên tình hình rất hỗn lọan. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, mặc dầu đang gặp muôn vàn khó khăn, nhưng việc khẩn trương nhất của ông là giải quyết việc di định cư cho đồng bào. Sau khi ra Hà nội xem xét tình hình, ngày 9-8-54 cho thiết lập Phủ Tổng Ủy Di Cư, để lo tiếp tế lương thực thuốc men, chuyển vận, tiếp đón, giúp đỡ tạm trú và định cư, với sự cộng tác của Bộ Xã Hội. Mỗi ngày có khỏang 70 phi cơ chở dân từ Nà Nội vào Tân Sơn Nhất, ai không đi được máy bay thì đi tàu thủy. Lời kêu gọi của Thủ Tướng Diệm cùng sự giúp đỡ của phái đòan quân sự Mỹ (MAAG), được thế giới tự do hưởng ứng nhiệt tình. Dân chúng vùng Quốc gia ở miền Bắc và ngay cả đồng bào công giáo Nghệ An Hà Tĩnh, khi đó tuy rất ít tin tức từ ngòai vào (vì đang trong vùng cộng sản), cũng nghe được uy danh và sự giúp đỡ lớn lao của Chánh phủ Ngô Đình Diệm. Biết đồng bào di cư vào Nam rất đông mà thời hạn quá ít, ngày 21-4-55, Thủ Tướng Dịêm cầm đầu phái đòan Quốc gia Việt Nam đi dự hội nghị ở Bandoeng, can thịêp xin triển hạn thời gian di cư và đã được quốc tế chấp thuận gia thêm gần 170 ngày, tới 30-10-1955 là hết hạn.

 

Trong khi việc di cư đang rất bận rộn và tiến hành thật tốt đẹp, thì đầu tháng 9-54 (lúc nầy dân Nghệ Tĩnh chưa di cư hoặc chưa nộp đơn xin), một số sĩ quan thân Pháp do tướng Nguyễn văn Hinh  Tổng Tham mưu trưởng QĐQGVN. chủ mưu, tổ chức lật đổ Thủ Tướng Diệm. Một số bị bắt, còn tướng Hinh và một số thân Pháp (dân Tây) bị trục xuất qua Pháp ngày 29-11-54. Sau đó, Thủ Tướng Diệm lo chấn chỉnh quân đội, đầu tháng 12-54 cử Thiếu Tướng Lê văn Tỵ giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội thay tướng Hinh. Sau hơn một tháng, ngày  13-2-55 Thiếu Tướng Trình minh Thế chỉ huy quân đội Cao Đài và Thiếu Tướng Nguyễn giác Ngộ chỉ huy quân đội Hòa Hảo cùng làm lễ hợp tác trung thành với Thủ Tướng Diệm. Hơn vài tháng sau, cuối tháng 4-55 Thiếu Tướng Nguyễn văn Vỹ chỉ huy trung đòan Ngự lâm quân (lính phòng vệ Bảo Đại) hợp với lính Bình Xuyên (nhóm cờ bạc đĩ điếm và tội ác ở Chợ lớn) đóng bao quanh dinh độc lập, đòi Thủ Tướng Diệm để cho tướng Vỹ làm Tổng Tham mưu trưởng QĐVNCH thay tướng Lê văn Tỵ, như ý muốn của Quốc Trưởng Bảo Đại.. Nhóm  phản lọan nầy bất thành, bị quân phòng vệ dinh độc lập và quân Cao Đài của Tướng Trịnh minh Thế ngăn chận, tước khí giới, (một số lính phòng vệ dinh độc lập là người Nghệ Tĩnh đã ra bắc mấy năm
trước). Rồi sau đó ít ngày, đầu tháng 5-1955, quân

 

Bình Xuyên và Ngự lâm quân từ Đà lạt về chiếm đài phát thanh, bưu điện, ngân hàng quốc gia, xung quanh nhà thờ Saigòn, bắn phá dinh độc lập. Quân đội Quốc Gia, Cao Đài, Hòa Hảo vừa thống nhất được vài tuần, đánh tan nhóm phản lọan này,  nhưng tiếc thay Tướng Trình minh Thế bị hi sinh chiều ngày 3-5-55  gần cầu Khánh Hội, do đạn bắn từ chiếc tàu thủy chở Bình xuyên rút lui. Tàn quân Bình xuyên rút về rừng Sát phía đông Saigòn rồi bị tảo thanh sau đó ít tuần. Giữa tháng 5-1955, Bảo Đại từ Pháp gửi điện về ép Thủ Tướng Diệm phải đưa người Bình Xuyên giữ chức Tổng Giám Đốc Cảnh sát Công an, và để Thiếu Tướng Vỹ giữ quyền hành quân sự. Như vậy là Bảo Đại đã ra mặt bênh vực quân phản lọan chống Chánh phủ. Do đó, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng QG. đã tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại ngày 23-10-55. Mấy tháng sau, vào mùa xuân 1956 nhóm quân Hòa Hảo của Tướng Ba Cụt Lê quang Vinh, là nhóm gây nhiều tội ác, không về hợp tác với Chánh Phủ cũng bị tiểu trừ, Ba Cụt bị bắt sống. Mùa thu năm nầy, đòan quân viễn chinh Pháp cuối cùng ở Việt Nam rời cảng Saigòn ngày 14-7-56.

 

* VIỆT NAM CỘNG HÒA  ra đời : Sau khi thống nhất được tòan bộ lực lượng quốc gia và các giáo phái, củng cố và ổn định được nội bộ, chương trình di định cư tiến hành rất tốt đẹp, tiểu trừ được nhóm võ trang và tội ác Bình Xuyên, dẹp xong sòng bài lớn Đại-Thế- Giới và nhà chứa gái Kim-Chung của Bình Xuyên, Thủ Tướng Diệm, ngày 26-10-1956, tuyên bố thành lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa với Hiến Pháp mới, trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Đệ Nhất Cộng Hòa nước Việt Nam.

(Viết xong ngày 20 tháng 3 năm 2005).

T. Đ. Ng.  tự Văn Ba
(Nguyên Trưởng trại tạm trú Tòa Khâm, trại Hòa Mỹ và Ủy viên Ban Quản Trị trại Bình Giã 55-56).

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời