Tùy Bút Văn Nghệ

MẸ TÔI, NGÀY ẤY – BÂY GIỜ!

“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi.”
Bây giờ tôi mới thấm thía hết câu ca dao này. Mẹ tôi bây giờ đúng là như chuối chín cây thật rồi các bạn ạ.
Mẹ tôi lập gia đình từ rất sớm, với sự nghiêm khắc và nho giáo của ông ngoại, mẹ tôi được “đặt” vào làm dâu cho một gia đình khá giả lúc đó. Ba tôi chỉ là người nông dân chất phác thật thà, không phải là người khéo vun vén gia đình nên mọi việc trong ngoài lại một lần nữa “đặt” lên vai mẹ tôi. Ông trời cũng rất công bằng vì đã phú cho mẹ tôi là người phụ nữ rất giỏi giang, một mình Bà tần tảo buôn bán để nuôi đủ tám con với một chồng. ( lúc đó tôi chưa ra đời). Và thời đó mọi người ai cũng biết đến mẹ tôi như một vị mạnh thường quân. Bà sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn.
Nhưng vì thời cuộc và cũng có một vài lý do cá nhân, gia đình tôi Nam tiến. Gần như là hai bàn tay trắng vào vùng đất Vũng Tàu gầy dựng lại sự nghiệp, không bà con họ hàng, ba tôi lại quá an phận, phần vì lạ nước, con thuyền gia đình tôi gặp sóng lớn. Tôi được hân hạnh chào đời trong hoàn cảnh như vậy đó. Mẹ tôi ốm đau liên miên, ba tôi suốt ngày say xỉn. Các anh chị của tôi- những nông dân nhí- đành dang dở việc học để vào cuộc mưu sinh. Đã hơn một lần anh chị em chúng tôi chuẩn bị để lo việc hậu sự cho mẹ tôi, nhưng Chúa vẫn còn muốn mẹ tôi chăn dắt chín con cừu tội nghiệp này nên một thời gian sau đó, khi nhà tôi không còn gì để bán, bệnh mẹ tôi cũng từ đó mà thuyên giảm. Tất cả dành dụm tiền để mua thuốc thang cho mẹ. Cả nhà chỉ có chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại cũng đành bán, anh hai tôi có chiếc đồng hồ đeo tay đã cũ cũng phải bán. Những lao động chính trong nhà lấy khoai mì thay cơm, muối thay cho cá thịt, những bữa ăn vội vàng để tiếp tục mưu sinh. Lúc đó tôi còn bé nên được quanh quẩn ở nhà với mẹ và kiêm luôn chuyện nấu nướng chăm sóc mẹ. Những lúc rảnh rỗi, tôi và chị kế ra đồng hái rau, bắt ốc để tăng cường dinh dưỡng cho cả nhà.
Mẹ tôi dần bình phục với sự chăm sóc vụng về của anh em chúng tôi, mẹ gầy rộc.
Và cũng từ đó, nhà tôi có nhiều âm thanh lạ. Những “bữa tiệc đứng” có khi trong nhà, có khi ngoài trời ngày càng nhiều. Nước mắt chan với ngô khoai mặn chát mà không cần dùng muối. Mẹ và các công dân của mẹ chỉ biết khóc và an ủi nhau, cùng nhau cầu nguyện và cùng cố gắng lao động nhiều hơn. Cuộc sống khó khăn đã cướp đi nhiều thứ quý giá của gia đình tôi, nhưng thật may mắn là chúng tôi vẫn còn mẹ. Hai năm sau ba tôi dọn ra ở riêng với nữa số tài sản trong nhà. Mẹ và chín công dân một nữa tài sản còn lại. Cười ra nước mắt!!
Một kế hoạch kinh doanh được đề ra để khắc phục nền kinh tế đại gia đình. Mẹ lo nội trợ, kiêm luôn nghề làm bánh tráng, tôi và chị kế là nhà “phân phối”. Mỗi ngày bán được vài chục cái là may mắn lắm rồi. Các anh chị khác thì lo trồng trọt. Tuy khó khăn chưa hết, nhưng bữa ăn trong nhà đã dần được cải thiện, cơm độn thay cho ngô khoai. Thỉnh thoảng được mẹ chăm chút cho nồi chè bắp hay bữa cơm trắng thật thịnh soạn, những chiếc áo mới do tay mẹ may tuy không sắc sảo, không hợp mốt nhưng luôn làm chúng tôi rất thích thú. Đặc biệt là chúng tôi được quây quần ngồi ăn bên nhau, chứ không còn ăn tiệc đứng nữa.
Một ngày nọ, ông trùm giáo họ (chuyên lo việc đạo) đến nhà nói chuyện với mẹ tôi, nội dung chủ yếu là hãy tha thứ và đón nhận ba tôi trở về. Lúc đầu chúng tôi phản đối kịch liệt, nhưng mẹ tôi đã phân tích đường phúc đường tội, phân tích đạo làm người, đạo làm con. Nhà tôi lại chào đón ba về. “ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. Ba tôi cũng gầy rộc, áo quần mặc theo mốt Napoleon, tài sản mang theo tiêu xài coi như hết. Điều đó không làm chúng tôi câu nệ, hay oán hận gì. Nhưng ba tôi ngựa quen đường củ, và nhà tôi lại có những âm thanh lạ! Chúng tôi quay qua oán trách mẹ.
Người đáng thương nhất là mẹ tôi. Các anh chị lớn lập gia thành thất, đồng nghĩa với việc lao động chính trong nhà nhường lại cho mẹ tôi. Mẹ đổi qua nghề làm bánh ích lá gai, cái tên bánh giống như cuộc đời mẹ tôi vậy, chỉ toàn gai gốc. Cuộc sống nhà tôi được chăm lo từ tiền bán bánh, người khen kẻ chê, nhiều khi thấy mẹ sách giỏ bánh còn nặng trĩu về mà ứa nước mắt- chợ trái cây nhiều và rẻ nên họ không ăn bánh- mẹ giải thích. Tôi học thành tài như hôm nay cũng nhờ vào tiền mẹ bỏ ống heo mỗi khi bán bánh. Tôi thành tài trong mồ hôi và cả nước mắt của mẹ.
Khi tôi 25 tuổi thì ba tôi mất, kết thúc chặng đường tòng phu của mẹ.

Mẹ tôi bây giờ đã thuộc thế hệ U70. Con cái đã trưởng thành, mẹ tôi không còn phải vất vả sớm hôm nữa. Hằng ngày Bà đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện cho con cháu, chăm thêm luống rau bụi cà, còn thời gian rảnh Bà đi thăm, trò chuyện với các bác trong xóm, vui cảnh điềm viên.
Tôi định cư ở một thành phố xa nhà, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm mẹ. Cứ mỗi lần về, tôi lại thấy mẹ khác, khác ở mái tóc ngày càng bạc, dáng đi ngày càng chậm chạp, giọng nói khàn khàn, bài thơ quen thuộc ngày nào bây giờ phải suy nghĩ lâu mẹ mới đọc được, các món ăn phải nấu thật mềm mẹ mới ăn được vài miếng, số lần đi bác sĩ cũng tăng, những bất thường về sức khỏe cũng ngày càng nhiều. Và rất nhiều điều khác nữa tôi không thể kể hết. Những năm tháng nhọc nhằn đã hằn lên vai mẹ tôi, nhưng có lẽ nổi đau về tinh thần nhiều hơn.
Tôi đã thay ba phần nào san sẻ bớt gánh nặng cho mẹ, phần nào an ủi được những tổn thương của mẹ. Tôi đang chạy đua với thời gian các bạn ạ! Vì “ mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”!
Hỡi những ai đang còn mẹ hãy chạy đua cùng thời gian với tôi.

Chuồn Chuồn Ớt

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời