Bài viết khác

Năm Mùi nói chuyện con dê (Sưu tầm)

Kết quả hình ảnh cho xuân ất mùi

1. Dê được loài người nuôi từ bao giờ?
Theo di tích để lại, dê được loài người nuôi từ lâu, có thể là trước thời kỳ đồ đá mới, cách đây hơn hai vạn năm. Các nước ở Trung Đông, Ấn độ nuôi sớm nhất rồi tới Ai Cập. Sau đó, mới tới các nước phương Tây, châu Á và châu Phi. Hiện nay, người ta cho rằng có ba nhóm dê có nguồn gốc từ ba loài dê rừng: Nhóm dê châu Âu, dê châu Á và dê châu Phi. So với dê rừng, dê nuôi có sừng nhỏ và yếu hơn, đôi khi thiếu hẳn, tai dài hay ngắn hơn tùy giống. Riêng màu sắc và phẩm chất lông thay đổi nhiều nhất, rõ nhất là dê giống Angôra và Casơmia có lông dài mịn như lông cừu.
2. Có phải dê là loài vật có tính khí bất thường không?
Dê ăn lá cây, nhưng khi kiếm ăn, dê luôn luôn tìm món ăn mới, nếm mỗi món một chút để rồi không ưng món nào cả. Người ta đã thống kê thấy dê ăn tới 80% là các loại cây hoang dại và dê ăn cả một số lá đắng mà nhiều loại thú khác không ưa. Nhưng dê lại rất sợ ăn ở cánh đồng có bón phân.
Dê ưa chạy nhảy và nhất là ưa leo cao, mà leo tới những chỗ người cho là nguy hiểm nhất (vách núi, mỏm đá cạnh vực sâu…).
Dê thường chọi nhau rất hăng, không riêng dê đực mà cả dê cái cũng vậy. Chúng dùng sừng húc vào mắt, miệng, bụng của địch thủ, nếu không có sừng thì chúng húc đầu không (!). Cuộc chiến đấu có khi lâu đến hàng nửa giờ. Người ta kể chuyện có một bộ hành ngồi ngủ gật trên khúc gỗ. Một chú dê đực kiếm ăn gần đấy, nhìn thấy đầu người khách ngất ngưởng, lúc sang phải, lúc sang trái. Cho đấy là một cử chỉ khiêu khích, dê liền chuẩn bị tư thế chiến đấu. Sau khi lùi lại lấy đà, dê cúi đầu, “xung phong” húc người ngủ gật ngã lăn kềnh.
Nhưng nhiều khi, dê tỏ ra rất nhát, dê hoảng sợ trước một vật lạ, vùng chạy trốn làm người dữ không được. Dê cũng rất nhát trước thú dữ. Khi nhìn thấy đôi mắt dữ tợn của con báo ngoài cửa chuồng thì dê hoảng sợ, xô đẩy nhau ầm ĩ, trèo và rúc bừa qua khe chuồng.
Nhiều người nuôi dê thường phàn nàn dê có tính ương bướng, thích làm trái ý người. Muốn chăn theo đường này, dê lại chạy theo đường khác.
3. Dê có là loài vật khôn không?
Dê rất mến người cho ăn, nhận biết người này từ xa và kêu ầm lên để đón chào. Dê kéo xe, nếu được vỗ về sẽ kéo xe ngoan ngoãn hàng giờ, nhưng nếu bị ngược đãi hoặc bị đánh đập vô cớ, chúng sẽ “ì” ra không kéo nữa. Nhiều lúc dê phạm lỗi, bị phạt đòn, dê không kêu, nhưng nếu bị đánh bất công, dê “be” ầm lên để phản đối.
Ở châu Phi, người ta quen vắt sữa dê hai lần trong ngày. Nếu chậm vắt bị tức sữa, dê chạy ngay về nhà ra hiệu cho người nuôi.
4. Nuôi dê có lợi không?
Dê tự kiếm thức ăn dễ dàng và không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt. Dê nuôi sáu tháng có thể đẻ. Dê chửa khoảng 20-22 tuần, đẻ 1-2 con. Dê con mới sinh đã biết tìm vú mẹ, sau 5 hôm đã tung tăng chạy theo mẹ. Dê lớn nhanh, khoảng hai tháng đã có thể mọc sừng.
Từ lâu , dê được coi như gia súc của người nghèo. Ở nhiều nước, người ta dùng dê để kéo xe cho người già và trẻ em và đến chỉ huy đàn cừu ở các vùng núi cao. Dê xua cừu rất khéo, ít khi để xảy ra tai nạn, mặc dù cừu đi ăn ở chòm núi rất hiểm trở. Bên châu Âu, ở vùng núi cao, dê được nuôi từng đàn, nuôi có người chăn hay nuôi bán tự nhiên. Có nghĩa là, dê được thả rông suốt mùa ấm và chỉ tập trung về trại vào mùa lạnh. Hàng ngày và có khi hàng tuần, chỉ cần một người mang muối cho dê ăn ở nơi nhất định. Ở châu Phi, dê được thả rông ban ngày ở thảo nguyên và buổi tối được đồn về chuồng để tránh thú dữ.
Một dê cái tốt giống, được ăn uống đầy đủ có thể cho 800 lít sữa mỗi năm. Giống dê ta hiện nay chưa tốt, mỗi ngày chỉ cho khoảng ¼ đến ½ lít sữa, trong khi giống dê Ấn Độ có thể cho 1 lít. Ở một số thành phố Ai Cập, người ta thường gặp phụ nữ dắt từng đàn dê đi trong phố, rao bán sữa vắt tại chỗ.
Dê là loại gia súc nên nuôi nhiều, nhất là ở các vùng có đồng cỏ xấu, đồi sim, mùa cằn cỗi, hoặc những vùng có vách núi dựng ngược. Chỉ cần đề phòng dê phá cây trồng của địa phương. Khó khăn này có thể giải quyết như sau: Nếu chỉ có vài con, ta có thể dùng dây thừng khoảng 10 mét buộc cho dê ăn và đổi chỗ cho dê sau một thời gian nhất định. Nếu có đàn dê lớn, ta cho một nhân công chăn dắt, tính ra vẫn có lợi như thường./.

Hoàng Hương sưu tầm

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời