Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

NgaReCuocDoi UyenPhuong

Nga Re Cuoc Doi – Uyen Phuong

Ngã Rẽ Cuộc Đời

Uyên-Phương

Tôi đã cố lết những bước chân lặng lẽ đi bên người đàn bà
xa lạ mà ngay giờ phút đó tôi bắt đầu tập tành gọi chữ Mẹ. Người đàn bà
có cái tên nghe thật hiền và dễ thương: Dì Hường! Đó là cái tên mà mọi người
đều gọi Dì như vậy. Chiếc xe gắn máy chở chúng tôi ra khỏi cổng Cô Nhi
Viện. Chúng tôi được đưa đến bến xe. Bắt đầu cho một cuộc sống mới, tôi đã được
nhận làm con nuôi của Dì Hường từ đó. Tôi khác nào như con chim lạc đàn mà tâm
tư tôi ngay từ lúc khởi đầu bước những bước đơn côi, đã thấy tràn đầy băn khoăn,
lo âu.

Nay tôi đã muời bảy tuổi, cái tuổi biết buồn, biết lo sợ,
biết thương và ghét. Tuy được nâng niu, chiều chuộng với hết tình thương yêu
của Dì Hường, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy một khoảng cách, khoảng cách hết sức
mịt mờ. Tôi đã cố tạo cho mình sự ấm cúng của một niềm yêu thương nào đó mà
tôi đã bị mất đi khi tuổi lên năm.

Tôi lặng người ngồi xuống. Chiếc bàn ngay đó có tấm hình
tôi chụp lúc còn nhỏ, có lẽ khoảng chín, mười tuổi gì đó, dễ thương và tội nghiệp,
tôi nghĩ vậy. Tôi chăm chú nhìn tấm hình mà thôi quên mất đó chính là mình.
Một linh cảm về thân phận đã len lén đến trong tôi. Tôi lạnh cả người và cảm
thấy buồn rầu khó tả, nỗi buồn xót xa, ngấm ngầm rồi đột nhiên khẽ vang lên:
“Mẹ tôi là ai” Người đàn bà ấy vì lý do gì đã phải bỏ rơi tôi?

“Làm gì mà đăm chiêu vậy hả Ngọc”? Tiếng Dì Hường văng vẳng
thoáng nhẹ như làn gió đã đánh thức tôi. Dì mặc bộ đồ ngủ màu hồng nhạt,
Dì mỉm cười để lộ hàm răng trắng thật đẹp. Tuy Dì đã thuộc lứa tuổi trung niên,
nhưng dưới mắt tôi, Dì vẫn đẹp làm sao và có nét rất thu hút. Nhưng tại sao
Dì vẫn không lấy chồng?

Vẫn ngồi đó, tay đang cầm tấm hình của tôi và như không muốn
Dì xen vào ý nghĩ riêng tư của mình, tôi phải nói dối với Dì Hường: “ Con đang
nhìn lại tấm hình con chụp lúc còn nhỏ, nay con đã lớn và còn trông già nữa
… già gần như … Mẹ”. Tim tôi nhói đau vì tôi thoáng đã buột miệng gọi bằng Dì.
Tôi lại nói dối Dì mất rồi. Tôi đang muốn biết mẹ tôi là ai, tôi cố nở nụ cười
đáp lại Dì, nhưng nụ cười của tôi mang vẻ chua chát bởi vì tâm hồn tôi đang
đau se sắt.

Dì như đọc đựơc tâm tư tôi, ngồi xuống cạnh tôi và Dì nói
như để chia sẻ, an ủi tôi:

– “Bao giờ cũng như bao giờ, con vẫn dễ thương nhất và đẹp
nhất … Mẹ hiểu con hơn ai hết.”

Dì đứng lên bước tới cửa sổ như để tránh ánh mắt của tôi
đang ngơ ngác nhìn Dì. Dì nói tiếp giọng rất nhẹ thoáng ngỡ như làn gió:

“Con phải can đảm lên chứ! Mẹ mong con phải kiên trì và
thành công trên con đường học vấn, để mai sau con sẽ đạt một địa vị trong xã
hội.”

Tôi bàng hoàng. Dì Hường đã khóc. Hơn lúc nào hết tôi cảm
thâý một cái gì nhoi nhói trong tim và tôi thấy thương Dì Hường vô cùng. Thật
nhanh tôi lại quên đi cái buồn thân phận của chính tôi mà tôi cứ ngỡ nó sẽ dày
vò mình đến cùng cực. Tôi bước đến bên cạnh Dì, tôi cố biểu tỏ một sự xúc động,
trìu mến như để an ủi rằng tôi sẽ không để Dì thất vọng. Tôi cố cười, nhưng
không dấu được sự mâu thuẫn, sự dày vò bởi vì những sự an ủi đó, chính tôi,
hơn ai hết, đang cần có nó. Dì quay người lại đưa mắt nhìn tôi trìu mến,
vỗ đôi vai tôi và nói nhẹ: Con rán ngủ sớm cho khoẻ. Dì từ giã tôi về
phòng ngủ. Chỉ còn lại mình tôi với khoảng trống bơ vơ, tôi bỗng khóc. Cô đơn
tràn về, tôi nằm ngập xuống giường, cố giỗ giấc ngủ trong niềm đau và hiu quạnh.

Dì Hường đã chuẩn bị lo cho tôi gửi tôi lên tỉnh học, điều
này rất hiếm có được ở một gia đình nơi thôn quê lo cho con lên tỉnh học trong
thời buổi này, hơn nữa tôi chỉ là đứa con nuôi của Dì mà thôi. Sự đó đã biểu
lộ tình thương cửa Dì rất bao la đối với tôi.

Sáng hôm sau tôi được Dì đưa ra chuyến xe sớm nhất để lên
Vũng Tàu. Dì đã mướn cho tôi một phòng trọ. Chúng tôi bước tới cuối dãy hành
lang, dừng lại ở căn phòng mang số 49. Một cảm giác lành lạnh chuyển vào người
tôi khiến tôi run lên và bất chợt tôi rùng mình. Đẩy cửa Dì và tôi bước
vào. Tuy phòng nhỏ, nhưng tương đối đầy đủ tiện nghi. Từ những mùi hôi, mùi
khói xe, cùng những mùi vị đặc biệt nơi thành phố, khiến tôi thật ngỡ ngàng
và khó chịu. Tôi thấy nhức đầu làm sao và cảm thấy mình cũng quê mùa làm sao
ấy. Những cái xa lạ của cảnh đời mới đến tiếp theo đã làm cho lòng tôi hoang
mang và lo sợ.

Sau hai ngày, Dì từ giã tôi về quê. Và, tôi đã nhập học.
Ngày đầu nhập học, hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Tôi thấy những
cô gái tỉnh thành có làn da trắng, đẹp, kiêu sa. Thanh niên thì hình như ai
cũng có vẻ cao lớn, ăn bận trông ra vẻ sinh viên. Vài học sinh trong lớp nhìn
tôi với cặp mắt không chớp, tò mò. Trong cái nhìn vẻ ta đây, kênh kiệu đó, tôi
hiểu rằng, tôi chỉ là một cô gái quê. Tôi thấy thật khó chịu. Trong giờ nghỉ
học tôi hay ra ngồi thơ thẩn một mình ngắm cảnh lạ, cảnh vật mà tôi không được
thấy ở quê tôi. Quê tôi đất đỏ, bụi mờ, chỉ có hoa phượng nở mỗi lần hè đến.
Tôi cảm thấy nhớ Dì Hường, nhớ dăm đứa bạn thường mỗi tối rủ nhau đi ăn chè.
Nhớ có lần mấy nhỏ bạn cùng tôi ăn chè xong chúng tôi trả tiền rồi chôm luôn
cả ly mang về nhà.

Lang thang quanh công viên nhà trường, tôi thấy có tảng đá
lớn bên cạnh ghế đá của công viên, tôi ngồi nghỉ chân. Ở đây tôi có thể nhìn
bao quát phía sau nhà trường, trước mắt là sân cỏ, quanh quẩn cũng có vài ngươì
ngồi đọc sách. Tôi nghĩ tới, lát nữa lại phải gặp những đứa cùng lớp toán mà
tôi ngao ngán.

Tâm tư heo hắt của một người con gái không biết bố mẹ là
ai, phải sống với những thời gian dài thiếu tình yêu gia đình, ở một Cô Nhi
Viện. Hoàn cảnh thảm thương đó đã tạo cho tôi sự phẫn uất thường trực trong
tâm trí tôi. Tôi nhìn cuộc đời, mặc dù lòng tự nhủ hãy yêu thương, nhưng không
hiểu sao tôi luôn hằn học, tôi luôn cảm thấy một sự xa cách, luôn cảm thấy sự
lãnh nhạt đối với mọi người chung quanh. Vì vậy, trong cuộc sống, tôi luôn muốn
xa rời, nấp mình trong xa vắng cách biệt, để mình lại đối diện với mình, nghe
những buồn thương từ trong trái tim dâng trào ra. Những lúc như thế, tôi tự
nhủ lòng hãy yêu thương hết mọi người. Nhưng khổ nỗi, chính bản thân tôi, trong
suốt những năm tháng ấu thơ, có đâu tình thương để làm vốn xử dụng với cuộc
đời lúc này. Cũng bởi những hằn-học về cuộc đời dồn nén trong tôi, nên tính
tình tôi nhiều lúc bướng bỉnh. Cái tính bướng bỉnh của tôi chưa đến lúc tỏ sự
đề kháng nhưng cũng sẵn sàng chờ thời điểm để biểu tỏ.

Tôi giật mình vì có bóng người như đang đi dần về phía tôi
ngồi. Hắn ta là một trong số bạn cùng lớp mà tôi không ưa và đang chờ thời cơ
để trút nỗi hằn học cuộc đời lên hắn. Dừng lại trước mặt tôi, hắn nghiêng đầu
hỏi:

– Cô ngồi đây học bài hay ngắm cảnh? Một mình buồn chết!

Tôi bắt đầu khó chịu và nóng ran trong người vì bực bội.
Tôi tỏ thái độ rất ư là “cà chớn”

– Anh muốn gì?

Trong lớp có khi hắn nhìn sang tôi không chớp mắt, nhưng
bây giờ trông hắn lạ hơn, và không đáng ghét mấy. Hắn nói nhẹ nhàng:

– Nếu cô không ngại, tôi có thể ngồi đây được chứ?

Tôi ném cho hắn một cái nhìn khó ưa.

– Tại sao lại có sự ngẫu nhiên gặp nhau ở đây?

Hắn chưa hiểu rõ hàm ý của tôi, hắn nói:

– Không phải là sự ngẫu nhiên, tôi tìm đến cô.

Tôi tặng thêm cho hắn một cái nhìn hiếm có của mấy cô gái
đến lúc gọi là “bà chằng” và hất hàm tôi hỏi:

– Vậy bây giờ anh muốn gì?

– Tôi muốn làm quen với cô.

Tôi bắt đầu thấy nguội lại, trái tim biết hờn, biết giận
và biết nổi máu “tam bành” cũng lạnh trở lại. Đột ngột hắn hỏi:

– Quê Ngọc ở đâu?

Nghe hắn nói tên tôi một cách nhỏ nhẹ tôi muốn mỉm cười
đáp lễ, nhưng cái tôi trong tôi còn nặng nợ “oán thù” và hơn nữa tôi đâu có
dại khờ gì để lộ cái thân phận nhà quê lên tỉnh của mình lòi ra nên tôi nói
đanh như thép:

– Bộ hỏi để đón đường ăn hiếp hay sao? Vậy anh ở gần đây?

– Đúng rồi Ngọc!

Hắn lại nói đến tên tôi, lần này thì tôi đỏ mặt, tôi nhún
vai và cố tránh để hắn khỏi hỏi thêm chi cho rắc rối cuộc đời.

– Anh học trường này mấy năm rồi? Anh có nhiều bạn?

Hắn lặng im không nói. Đôi mắt hắn nhìn xa xa và thật lâu
hắn quay nhìn tôi.

– Đạt học ở đây đã ba năm. Đạt rất ít bạn vì cảm thấy
mình khô khan nên chẳng ai thèm. Mới gặp người ta đã không thèm nhìn làm
sao quen được. Phải không?

Đôi mắt hắn lại nhíu mày nhìn tôi thấy mà ghét. Tôi cúi
xuống trốn tránh ánh mắt đó, ánh mắt đen, to và chăm chiêu dưới chân mày rậm
trông có nét vẻ đàn ông thăng trầm hơn là một sinh viên.

Tôi nói như dỗi hờn:

– Ai thèm làm bạn với anh!

Hắn đang ngớ ngẩn và vui sướng vì câu nói của tôi bắt đầu
có dấu hiệu thân thiện. Tôi đứng lên nói vội:

– Sắp tới giờ toán rồi, vào lớp sớm để chuẩn bị, hôm nay
có bài thi cuối tuần.

Hắn tỏ ra tiếc nuối, như muốn nói điều gì rồi lại thôi.
Trông hắn còn có nhiều điều muốn nói, nhưng đã bị tôi làm mất hứng. Tôi tự hào
làm ra vẻ ta đây cũng là dân thành phố để rồi tôi mỉm cười thầm, khoái chí.

Một khoảng thời gian sau đó tôi và Đạt thường gặp nhau.
Dần dà tôi nhận lời Đạt đi phố, đi ăn chè, đi bách bộ. Có lúc chúng tôi nhìn
nhau bằng ánh mắt thông cảm và hiểu nhau. Ở quê tôi thường đi ăn chè với bạn
bè nên hễ mỗi lần đi ăn chè với Đạt tôi thích lắm. Đó cũng là những kỷ
niệm mà tôi chẳng quên được khi ở dưới quê. Đi bên Đạt, trên đường phố những
người bán hàng dọc đường mời mọc những món như ổi, khoai lang luộc, chuối luộc,
chuối chiên …ôi đủ thứ các món. Tất cả những tiếng ồn ào này đã làm tôi
rộn ràng theo.

Có lần Đạt đưa tôi vào một quán café đơn sơ, nhưng rất ấm
cúng. Chúng tôi ngồi bên nhau gần cả giờ, bất chợt Đạt nắm tay tôi, cũng không
hiểu sao tôi chẳng có phản ứng gì cả. Tôi cảm nhận nơi Đạt một tình thân thiết,
một sự yêu thương nào nhẹ nhàng mà bao lâu tôi hình như khao khát.

Đạt nhìn tôi chẳng nói lời gì, tôi cúi mặt rút tay mình về.
Đạt nhìn tôi sát gần hơn:

– Ngọc đừng dấu kín mình trong thế giới thầm lặng như vậy.
Mình làm bạn với nhau. Đạt tin chắc rằng mình sẽ tạo được niềm vui cho
nhau, phải không?

Tôi yên lặng và thầm nghĩ sao Đạt hiểu ý nghĩ của tôi sâu
xa như vậy. Đúng là tôi đang dấu kín thân phận của mình trong thế giới
nhức nhối của riêng tôi. Bỗng chốc tôi nhớ đến Dì Hường, đến ngày tôi phải xa
thành phố này. Một thoáng tôi trả lời bâng quơ:

– Không biết!

Đạt có vẻ ngạc nhiên vì tôi trả lời cộc lốc:

Hai người chung trường, chung lớp, làm bạn với nhau Ngọc
thấy không tốt sao, hơn nữa Đạt rất quý mến người con gái đang ngồi trước mặt
Đạt đây nè.

Đạt cố tình trêu nghẹo cho tôi nói chuyện. Vẫn giữ vị trí
yên lặng hồi lâu, tôi ngước mặt nhìn Đạt rồi không hiểu sao tôi lại cúi mặt
chẳng nói gì.

Đạt gọi khẽ tên tôi và lặng im …

Cũng từ đó chúng tôi thân thiện hơn. Tôi bắt đầu có niềm
tin nơi Đạt. Cũng từ đó chúng tôi đã thương quý nhau, chăm sóc nhau hơn.
Tiếp xúc nhiều với Đạt tôi có cuộc sống ý nghĩa hơn. Tình thương của Đạt mang
đến cho tôi, đã để cho tôi được yên vui nhìn đời, nhìn mọi người chung quanh.
Tôi quên đi sầu muộn, quên những mặc cảm quê mùa, và quên luôn cả những đứa
bạn khó ưa bên cạnh. Những hằn học, những thái độ giận hờn, những tủi buồn thân
phận của tôi tự lúc nào đã tan biến đi. Tôi cảm mến những người chung quanh.
Những cơn giận dữ bất chợt cũng biến tan theo. Và với Đạt, tôi đã trở lại bản
chất thực của tôi, một cô gái đơn sơ, hiền dịu. Tôi rất hãnh diện với bạn bè,
tôi đã có Đạt. Tôi cảm thấy bóng hình của Đạt đã chiếm một địa vị quan trọng
trong đời sống tôi, trong tâm hồn tôi.

Thấm thoát chúng tôi quen thân nhau hơn một năm. Tôi cảm
thấy tôi như trẻ, đẹp ra. Yêu Đạt, tôi luôn như con mèo nhỏ. Đạt rất giỏi về
môn Anh văn, tôi theo Đạt tập tành đối thoại. Tôi khá về môn toán. Thường thì
chúng tôi hay ở bên nhau học bài có khi cả ngày. Lâu lâu, Đạt nhìn tôi với ánh
mắt trìu mến thiết tha. Riêng tôi, có những mộng mơ của tuổi mới yêu, tuổi biết
hờn giận. Tôi mơ được làm vợ Đạt. Tôi mơ được có những buổi chiều bên nhau trong
giờ cơm, mơ một mái ấm gia đình. Đạt cũng vậy, chúng tôi nói cho nhau nghe về
ước mơ của riêng mình.

Một chiều khi tan học, tôi chờ Đạt như mỗi ngày. Hai chúng
tôi đi bên nhau về nơi quán trọ. Ở đó, chúng tôi gặp một cô gái đứng chờ
sẵn nơi cổng nhà trọ. Gặp chúng tôi, cô gái trố mắt nhìn và reo lên:

– Anh Đạt! Em lên thăm anh nè.

Đạt bất thần nhìn tôi rồi lại nhìn cô gái đó. Ban đầu tôi
cứ ngỡ là em gái của Đạt. Tôi lại càng hãnh diện là được gặp người nhà của Đạt.
Nhưng tôi bàng hoàng đứng bất động khi cô gái nói với Đạt thật âu yếm và hờn
giận:

– Bộ anh bận học quá sao mà không có thư cho em?

Cô còn xoi mói thêm khi ném về phiá tôi tia nhìn ghét hận:

– Bộ anh có người khác …?

Tôi cảm thấy mình là kẻ dư thừa lúc này, nên tôi bỏ đi như
chạy vào căn nhà trọ. Vì quá đột ngột và xúc động, tôi vấp phải vào một bậc
đá và té nhào xuống. Đạt chạy lại cố đỡ tôi dậy và cầm tay tôi như van lơn,
như phân trần. Tôi nhìn Đạt trong ngấn lệ, giật tay lại và bỏ chạy về phòng,
khép cửa lại tôi khóc … tức giận và tự hỏi: Tại sao Đạt gạt cô gái đó và gạt
luôn cả tôi?

Sau khi tôi biết Đạt có người yêu, tôi đau khổ vô tận. Từ tận sâu tâm hồn tôi,
có một cái gì rạn nứt ghê gớm, một sự đổ vỡ không thể hàn gắn được. Tôi chưa
hề yêu và được yêu cho đến khi gặp Đạt. Lòng tôi quặn đau từng hồi. Tôi nhớ
lại lần đầu Đạt đến bên tôi trong công viên nhà trường. Đạt đã mang đến bao
nhiêu niềm tin từ một cõi khô khan trong tôi. Đạt vun xới cho tôi biết thương
yêu và cảm thông, biết nếm mùi hạnh phúc. Nhưng bây giờ đây cũng chính Đạt lại
cướp đi cái niềm vui của hạnh phúc mà tôi đang chập chững bước vào. Đạt
thật quá tàn ác đến nỗi tôi không dám từ đây còn đặt được niềm tin ở bất cứ
nơi người đàn ông nào trong đời. Cái quê mùa và khờ khạo của tôi đã vượt được
thời gian tính để tôi có một tự tin vững chắc nơi Đạt hơn. Nhưng bây giờ đã
hết rồi những ước mơ nhỏ nhoi và một ao ước mái ấm gia đình cũng không còn có
nữa.

Tôi nghe có tiếng gõ cửa. Đạt vào phòng tôi. Lặng yên trong
giây lát, Đạt đến gần bên tôi và năn nỉ:

– Tha lỗi cho anh, Ngọc! Hãy tha cho anh một lần. Anh chưa
bao giờ dối lòng với em. Hãy cho anh giải thích rồi sau đó tùy em trừng
phạt anh. Người con gái đó là con của một gia đình rất thân với gia đình của
ba má anh, và hai bên có ý định muốn anh sau này sẽ cưới cô ta làm vợ. Nhưng
với anh, tình yêu phải được cho và nhận một cách chân chính là tình yêu sống,
còn tình yêu có tính toán là tình yêu chết. Em có hiểu cho lòng anh không hả
Ngọc?

Tôi vẫn đứng chết chân một chỗ. Những lời nói của Đạt
làm tôi xúc động mạnh, tôi muốn quay qua ôm chầm lấy Đạt khóc cho thật đã. Nhưng
trong tim tôi lại nhói lên niềm đau của tự ái, và một cách nhanh chóng tôi lại
tự nghĩ: Thân phận tôi biết đâu cũng giống thân phận người con gái tội nghiệp
kia. Họ cũng từ xa đến tìm Đạt. Biết đâu cô gái đó cũng từ quê lên? Lòng
tôi phút chốc rối loạn và tôi thật cố gắng để nói thành lời với Đạt:

– Anh hãy về đi, xin đừng làm phiền em lúc này nữa, mong
anh đừng bao giờ đến đây tìm em. Anh nói rất đúng. Anh từng nói con người
phải đi tìm hạnh phúc. Bây giờ anh đã có hạnh phúc, anh đi đi …

Bỗng chốc tôi quay lại nhìn Đạt, đôi mắt tôi trở nên lạnh
lùng, thật hằn học và đay nghiến. Tôi nói như hét với Đạt cùng tất cả niềm uất
nghẹn:

“Từ đây anh không còn có quyền để bước vào căn phòng
này nữa. Anh không xứng đáng nữa anh biết không?” Tôi bật khóc ….

Đạt nhìn tôi đau khổ, không nói lời nào, Đạt bước ra khỏi
phòng tôi. Còn lại một mình, tôi khóc … Cơn gió thổi vi vu, xuyên qua
cửa. Đêm bắt đầu buông. Ánh đèn đêm rủ màn và tim tôi quặn đau. Một mình, tôi
thèm có Đạt hơn lúc nào hết. Nhưng tiếng gió Thu lạnh quá … Đạt ơi! Ngọc không
trách Đạt đâu, chỉ trách là tại Ngọc đã không ghét Đạt như ghét những người
bạn học khó ưa đó thôi. Nơi công viên mình gặp và quen nhau từ lúc đầu
giá như Ngọc ghét Đạt …! Gió Thu lại rít lên nữa ngoài kia. Tôi cố dỗ dành cho
mình một giấc ngủ trong cô đơn. Nhưng tôi cảm thấy không muốn xa căn phòng đầy
ắp kỷ niệm nầy. Tôi sắp phải xa nó rồi sao?

Tôi đã mất hết niềm tin lần đầu được yêu. Tôi không
còn tâm trí để học nữa.

Sau khi tôi học xong năm thứ nhất, tôi quyết định trở về
quê. Tôi chẳng còn gì. Cảm giác đó khiến lòng tôi se thắt lại. Tôi mong được
tìm về tổ ấm, tổ ấm chỉ có hai người: tôi và Dì Hường. Tôi sẽ tìm quên Đạt nơi
đó. Thế là hết! Tất cả đã đi qua. Đạt sẽ không còn trong tôi. Chỉ còn chăng
là những kỷ niệm, kỷ niệm của lần đầu yêu, của một chút bóng dáng hạnh phúc.
Và, những đau đớn sẽ được xóa dần theo năm tháng nhọc nhằn. Ở đó tôi sẽ tìm
lại dấu vết xưa, hình ảnh cô gái quê. Ở đó sẽ có hoa phượng nở, sẽ có những
cơn mưa nặng hạt, dội mạnh trên mái tôn nhà. Sẽ có những con đường đất đỏ dính
bám chân người. Ở đó, tôi sẽ quỳ dưới chân Dì Hường để mong được tạ lỗi với
Dì là tôi đã rất hà tiện khi tôi gọi Dì bằng Mẹ. Tôi ân hận và áy náy đã phụ
lòng quảng đại và bao la của Dì dành cho tôi. Hai hàng nước mắt trào mi,
rơi xuống và tôi nghe bờ môi mình mặn đắng …

Tôi vẫn yêu Đạt, vì Đạt là người đã cho tôi phần thưởng của
tình yêu đầu đời. Trước khi giã biệt Đạt tôi thiết tha gửi đến Đạt với tất cả
tình yêu thương còn lại như một món quà để chúc phúc cho Đạt.

Đạt thương quý của Ngọc!

Sao mây vẫn còn xanh hoài Đạt nhỉ? Nhưng công viên kia
rồi sẽ vắng bóng người con gái quê mà Đạt từng ấp ủ thương yêu! Những bài toán
khó giải từ đây sẽ còn khó hơn ! Và Đạt ơi, tình yêu cho và nhận là tình yêu
sống, tình yêu tính toán là tình yêu chết. Vậy Ngọc không tính toán với Đạt.
Yêu Đạt, Ngọc sẽ không tính toán gì nữa cả. Xin gửi lại Đạt một món quà duy
nhất của Ngọc đó là trái tim của Ngọc …!!! Vĩnh biệt Đạt !!!

Cửa ngõ của cuộc sống trong quãng đời chạy trốn tình người
lại mở rộng cho tôi lặng lẽ trở về bên Dì Hường để được ngủ yên trong tình thương
yêu của Dì. Nhưng có điều tôi cảm giác là những ngày tháng tiếp theo,
dù tôi có cố gắng tìm lại an bình cho tâm hồn chăng nữa, tôi vẫn sẽ chỉ luôn
thấy một niềm hiu quạnh vô bờ. Niềm hiu quạnh như thân phận của tôi và như cảnh
đời tôi đang và sẽ hiện diện …

Uyên Phương

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời