Bài Vở Cũ Thiếu nhi

TimKiemNuocTroi ThaiDoDungDung



Kể Truyện Em Nghe


(Trích từ Giáo Lý Hồng Ân của ĐGM Đôminicô Nguyễn Chu Trinh)

TÌM KIẾM NƯỚC TRỜI

Xưa có một ông vua rất giàu có, luôn sống trên nhung lụa ngọc ngà. Nhưng vua cũng chân thành tìm kiếm Nước Trời. Một hôm đang khi ngủ, vua bỗng giật mình thức dậy vì có tiếng chân dậm thình thịch trên mái nhà. Vua nổi giận quát lớn:

– Ai làm gì trên đó?

Bỗng có tiếng trả lời:

– Tôi bị mất con lạc đà đang đi tìm!

– Đồ khùng! Mất lạc đà sao lại lên mái nhà đi tìm?

– Vua cũng khùng không kém! Ai lại ăn mặc lụa là, nằm trên giường nhung nệm gấm, ăn toàn những thứ cao lương mỹ vị, mà lại muốn gặp được nước Thiên Chúa sao?

Nghe những lời ấy, vua liền tỉnh ngộ. Từ đó vua sống hy sinh, hãm mình ép xác và sau trở thành vị đại thánh.

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ” (Mt5,3)


THÁI ĐỘ DỬNG DƯNG

Một Linh Mục trẻ đầy nhiệt huyết và rất hăng say hoạt động vừa về nhậm chức Cha sở một họ đạo kia. Chúa Nhật đầu tiên, khi cử hành thánh lễ, ngài vô cùng thất vọng, vì nhà thờ vắng tanh, chỉ có vài chục ông già, bà già dự lễ với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt và máy móc. Hôm sau, ngài gọi điện thoại đến từng gia đình, mời gọi và khuyến khích giáo dân trở lại đời sống đạo. Nhưng nhiều người nói, sở dĩ họ không đến nhà thờ nữa, vì họ thấy xứ đạo đã chết rồi. Cha sở đưa vấn đề này ra thảo luận với ban hành giáo xứ thì tất cả đều đồng ý là những nhận xét ấy không xa sự thực là bao nhiêu.

Cha sở cầu nguyện và suy nghĩ một thời gian, rồi một hôm ngài ra thông cáo báo tin Chúa Nhật tới sẽ có lễ an táng cho xứ đạo và mời mọi người tới tham dự lễ. Chúa Nhật kế đó người ta kéo đến chật ních nhà thờ, đề xem ông cha sở mới “làm trò” gì.

Ngài đặt một quan tài ở trước gian cung thánh và sau lời nguyện tiễn biệt cuối cùng, ngài mời mọi người lên nhìn mặt và nói lời vĩnh biệt với người quá cố. Tất cả đều lên trước quan tài và khi nhìn vào quan tài, mọi người đều ngạc nhiên khi thấy chính mình trong đó. Thì ra cha sở đã khôn khéo đặt một tấm kiếng lớn ở đáy quan tài, nên mỗi người đếu thấy mặt mình trong tấm gương. Ngỡ ngàng giây lát, nhưng cuối cùng mỗi người đều nhìn nhận, chính thái độ dửng dưng của mỗi cá nhân đã giết chết họ đạo, nên họ bắt đầu tham gia các sinh hoạt của họ đạo, dần dần họ đạo đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

“Đừng hỏi: ‘Giáo Hội đã làm gì cho tôi?’, nhưng hãy hỏi: ‘Tôi đã làm gì cho Giáo Hội?’”

Dép Lê sưu tầm

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời