Bài Vở Cũ Thiếu nhi

CunConHocThanhNgu 2 CunCon



Cún Con Học Thành Ngữ 2

Thành ngữ 2: Ăn vóc học hay

Ưu tư:

– Học thành ngữ kiểu như mẹ con mình có lẽ không đúng rồi con ơi?! Mới bắt đầu mà đã đụng phải các câu thành ngữ khó hiểu rồi. Sao mình không bắt đầu bằng các câu thành ngữ đơn giản rồi sau đó khó dần hả con, giống như các sách người ta hay viết đó?

– Học vậy thì chán chết, giống đọc sách lắm, nếu vậy thì con đâu cần có mẹ ở bên để giảng giải đâu. Mẹ biết con đã phải học theo thầy cô, theo sách… cả tuần rồi mà. Con chỉ muốn học các thành ngữ khi con không hiểu rồi hỏi mẹ thôi. Mẹ đừng bắt con học mỗi tuần nha.

– Nói thiệt với con, thành ngữ nầy là một trong những thành ngữ Việt Nam kho hiểu nhất đó. Để mẹ giải thích theo sự hiểu biết của mẹ trước nha. Sau đó, chúng ta phải tìm xem các chuyên gia, các giáo sư người ta giải thích thế nào.

Ý nghĩa:

– Theo mẹ, từ “vóc” là cái gì đó rất có giá trị, rất ngon… còn từ “hay” có nghĩa là giỏi => ăn vóc học hay có nghĩa ăn những thức ăn ngon, bỏ, quí giá như sơn hào hải vị… chắc chắn đầu óc sẽ thông minh hơn để rồi học giỏi.

– Nói vậy có nghĩa là mấy người con nhà giàu được ăn ngon sẽ học giỏi hơn con nhà nghèo hả mẹ? Con đã từng nghe mẹ kể nhiều người con nhà nghèo không có mà ăn… mà học rất giỏi mà.

– Con của mẹ đặt ngược câu hỏi hay quá há! Như con biết đó, để học giỏi đâu phải chỉ thông minh thôi là đủ đâu, phải chăm chỉ học nữa chứ. Như mẹ hay nói với con đó, chúng ta không thông minh nên chúng ta chăm chỉ học để bù lại.

Để chắc ăn, với lại để mẹ và con cùng học, chúng ta tìm xem coi người ta giải thích về thành ngữ nầy thế nào nha.

(… tìm … đọc …)

Đây rồi có bài đăng trên báo Sài Gòn năm 2007 hay lắm nè:


SÀI GÒN THỨ BẢY

Ăn vóc học hay

Hỏi: Kính nhờ quý Tuần san vui lòng giải thích bốn chữ “Ăn vóc học hay” có nghĩa là gì.

Trần Thị Nha Trang (đường Trần Phú, quận 5, TPHCM)

NGHÊ DŨ LAN: “Ăn vóc học hay” là một câu tục ngữ có nhiều kiến giải khác nhau. Tạm nêu vài trường hợp tiêu biểu:

1. Hiểu theo ngoài Bắc

Nguyễn Lân trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Hà Nội: NXB Văn Hóa, 1989) mặc nhận rằng “vóc” là một tính từ và cho rằng nó có nghĩa là “ít” nên giảng “Ăn vóc học hay” có nghĩa là “Ăn ít mà học giỏi”.

Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, 1999), lại cho rằng “ăn vóc” có nghĩa là “ăn khỏe”.

2. Hiểu theo trong Nam

Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, tome II, 1896, tr. 557, mục từ “Vóc”) giảng “vóc” là “thân thể”, và giảng “Ăn thì vóc học thì hay” là “Ăn thì phải có sức lực, học thì phải biết điều”. (tome I, 1895, tr. 435, mục từ “Học”).

Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (Sài Gòn: NXB Khai Trí, 1970, hai quyển) giảng “vóc” là “danh từ: Thân hình con người” (quyển Hạ, phần I, tr. 1780), và giải thích “Ăn vóc học hay” có nghĩa là “Ăn cho nên vai nên vóc thì học cũng phải cho nên người” (quyển Thượng, phần II, tr. 16).

Qua kết quả tìm kiếm trên mạng, có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong dân gian dường như khá phổ biến cách hiểu tương tự như ông Paulus Của và ông Lê Văn Đức, đại để là “Được ăn thì vóc dáng thêm cao lớn; được học thì đầu óc thêm mở mang”.

3. Hiểu theo từ cổ

Tuy nhiên, mấy cách hiểu vừa dẫn trên lại không được một số nhà nghiên cứu tán thành. Các vị ấy bảo “hay” là tính từ thì “vóc” cũng phải là tính từ để tương xứng. Nói cách khác, nếu giảng “vóc” là vóc dáng (thân thể) thì “vóc” là một danh từ, không tương xứng với tính từ “hay”.

Bách khoa toàn thư Việt Nam (http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn) khi giảng mục từ “Tục ngữ” đã lưu ý rằng “Có những câu [tục ngữ] xuất hiện từ lâu đời, còn giữ lại những từ cổ”; liền sau đó cho thí dụ: “Ăn vóc học hay”. Tuy các nhà biên soạn không nói rõ nhưng có thể suy ra “vóc” chính là một từ cổ. Nó cổ đến nỗi Paulus Của (bản in 1895-1896, đã dẫn trên) cũng sơ ý không nhận ra ý nghĩa xưa cổ, mặc dù trong bộ Tự vị quý báu của ông ở nhiều mục từ khác đã có công ghi chép được khá nhiều nghĩa của một số từ cổ tiếng Việt mà ngày nay rất ít người biết.

Một học giả uy tín trong lĩnh vực giải mã các từ cổ tiếng Việt là Huệ Thiên (tức An Chi) khi viết bài “Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?” (http://www.hanosoft.com) đã lý giải như sau (lược trích):

“Thực ra, vóc là một từ Việt gốc Hán – và đúng là một tính từ – bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là úc, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy tất nhiên là vóc cũng có cùng nghĩa đó và “ăn vóc” tất nhiên có nghĩa là ăn ngon. (…) Tóm lại, vóc trong “ăn vóc học hay” là một từ cổ và từ cổ này có nghĩa là thơm, ngon. Vậy “ăn vóc học hay” không có nghĩa nào khác hơn là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ”.

Cún Con

Các thành ngữ đã đăng

Kỳ 1: Con ông cháu cha
Kỳ 3: Dùi đục chấm mắm cáy
Kỳ 4: Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm
Kỳ 5: Nghèo rớt mồng tơi

Kỳ 6: Có thực mới vực được đạo
Kỳ 7: Mẹ tròn con vuông

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời