Bài Vở Cũ Thiếu nhi

CunConHocThanhNgu 3 CunCon



Cún Con Học Thành Ngữ 3

Thành ngữ 3: Dùi đục chấm mắm cáy

– Mẹ ơi, “dùi đục chấm mắm cáy” là sao hả mẹ?

– Con nghe được thành ngữ nầy từ đâu vậy? Mẹ chắc chắn một điều, thành ngữ nầy không phải bà ngoại con dùng để la con.

– Mẹ nói đúng đó, con nghe bà của đứa bạn con la nó. Chúng con chỉ biết nó đã nói cái gì đó không hay thôi nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của thành ngữ nầy thế nào hết. Ủa mà tại sao mẹ lại biết không phải bà ngoại la con?

– Thứ nhất: con gái của mẹ ăn nói ngọt ngào quá như vậy thì bà không la con là cái chắc. Thứ hai: bà ngoại con chẳng nói như vậy bao giờ. Câu thành ngữ của bà ngoai là: “dùi đục chấm nước mắm” hoặc “dùi đục chấm mắm nêm”.

Thành ngữ nầy là một trong những thành ngữ của Việt Nam được thay từ đổi ngữ nhiều nhất!


1. Dùi đục chấm nước mắm:

a. Mẹ cũng không biết tại sao và từ đâu, mẹ được lớn lên với câu thành ngữ “dùi đục chấm nước mắm”. Mỗi lần nói câu nói nào đó cộc lốc, không đầu không đuôi… là bị la: nói như dùi đục chấm nước mắm.

b. => Mẹ luôn nghĩ ý nghĩa của thành ngữ nầy là: cộc cằn, thô lỗ, không đầu không đuôi, không lệ phép.


2. Dùi đục chấm mắm cáy:

a. Năm học lớp 10, lần đầu tiên mẹ được nghe thành ngữ “dùi đục chấm mắm cáy”. Lúc đầu mẹ cứ tưởng họ sai, nhưng tìm hiểu ra mới biết mình sai. Cho đến bây giờ mẹ cũng không biết chỉ mình gia đình mình sai hay cả làng cả quê hương Xứ Bình mình sai? Nhưng ai lại lấy cái “dùi đục” mà chấm vào mắm làm gì? (Dùi đục là một dụng cụ thợ mộc và cũng là vật gia dụng, bằng gỗ thật cứng, to bằng bắp tay, dài hơn hai gang, dùng đánh lên cán đục để lưỡi đục xắn vào gỗ.

b. Có phải chăng “dùi đục giã mắm cáy” rồi lâu ngày người ta dung sai không? Trong bếp của người Việt ngày xưa, dùng để giã tiêu, giã cua… người ta có một cái cối nhỏ bằng sành hoặc bằng gỗ, và một cái chày gỗ, hình dáng và kích thước cũng tương tự như cái dùi đục của thợ mộc. Trong lúc cần giã thứ gì đó, mà chỉ có cái cối, thì người ta cũng có thể lấy dùi đục làm chày, cũng giống như tạm dùng cán dao vậy. Dùi đục đầu không tròn như chày, tất nhiên kết quả không tốt: Giã cáy thì cáy không nhuyễn, lại khua lộp cộp không êm.

c. => Ý nghĩa: những lời lẽ thô kệch, không lọt tai thiên hạ.


3. Bầu dục chấm mắm cáy:

a. Theo sách vở thì “bầu dục chấm mắm cáy” là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi đục” mà thành.

b. Bầu dục là cật heo. Là món ăn ngon rất bổ mà người bắc thường hay luộc vừa chín, thái thành lát mỏng, chấm nước mắm chanh. Vậy mà cái món ngon ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất, có thể nói là mạt hạng trong các loại mắm ở vùng biển. Mắm cáy chỉ dùng để ăn với rau muống, dua, cà…

c. Ý nghĩa của thành ngữ nầy là không phù hợp, thô bạo, thiếu tê nhị.

Kỳ tới: Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm

Cún Con

Các thành ngữ đã đăng

Kỳ 1: Con ông cháu cha
Kỳ 2: Ăn vóc học hay
Kỳ 4: Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm
Kỳ 5: Nghèo rớt mồng tơi
Kỳ 6: Có thực mới vực được đạo
Kỳ 7: Mẹ tròn con vuông

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời