Tin trong nước

Thương quá miền Trung ơi!

Sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền trung, siêu bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng. 
Ban biên tập xin trích đăng một số tin bài để bà con ta cùng hướng về Quê hương để hiệp thông chia sẻ cách này hay cách khác nhằm xoa dịu nỗi đau của đồng bào vốn đã chịu quá nhiều đau thương …!
Ban biên tập Trang Nhà Bình Giả-Quê Hương Yêu Dấu

Nguồn nld.com.vn

Khổ lắm miền Trung!

Thứ Ba, 01/10/2013 23:37

Siêu bão số 10 quét qua đã quăng quật “khúc ruột miền Trung” tơi tả, hoang tàn

Sau bão 1 ngày, sáng 1-10, người dân Quảng Bình – tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 10 – tranh thủ nắng ráo để dọn dẹp nhà cửa. Nhiều người dân nghèo rơi nước mắt trước căn nhà chỉ còn trơ nền trống hoang.
Khó nhọc gượng dậy
Có mặt tại TP Đồng Hới vào sáng 1-10, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn, tan nát bao trùm cả TP. Cây cối bị ngã đổ, trốc gốc nằm ngổn ngang trên đường phố. Hầu hết các công ty, cửa hàng đều nghỉ bán để lo khắc phục hậu quả của bão. Toàn bộ hệ thống điện, nước trong TP Đồng Hới bị tê liệt. Đến chiều cùng ngày, mới chỉ có một số cơ quan chủ chốt ở TP Đồng Hới có điện. Tất cả các trường học cũng cho học sinh nghỉ học.
Sau bão, gia sản còn lại của chị Ngô Thị Giang (xã Ngư Thủy Bắc) là một ít áo quần Ảnh: QUANG NHẬT
Ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình, cho biết bão số 10 đã làm hệ thống điện trên toàn tỉnh bị tê liệt. Hiện điện lực tỉnh Quảng Bình đã khôi phục cấp điện trở lại cho một số tuyến ở TP Đồng Hới. Dự kiến ngày 6-10, sự cố điện mới cơ bản khắc phục xong.
Trong khi đó, tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã, xót xa: “Trên 90% trong tổng số hơn 1.100 nhà dân của xã đều bị hư hỏng sau bão, trong đó 40% bị tốc mái và sập hoàn toàn”.
Những lần trước, mỗi khi gia đình có việc gì đều được bà con chòm xóm qua đỡ đần nhưng sáng 1-10, dù căn nhà đã bị tốc mái hoàn toàn, đồ đạc ngổn ngang nhưng vợ chồng ông Lê Văn Khơ (85 tuổi) và bà Đào Thị Phổ (80 tuổi) phải tự mình dọn dẹp. Chiếc giường cũ kỹ của ông bà cũng bị bão đánh tan tành. Bà Phổ nước mắt ngắn dài đứng bên bàn thờ tổ tiên dọn dẹp. Bà bảo rằng muốn thắp nén nhang cho tổ tiên nhưng nay cũng chẳng còn cây nào, tiền trong nhà đã cạn.
Cách đó không xa, căn nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Não (30 tuổi) đổ sập hoàn toàn. Nhìn cảnh nhà và người chồng Nguyễn Trần Hiển bị động kinh ngồi co quắp, chị Não đau đớn nói: “Cách đây 3 năm, khi đang làm thợ cơ khí thì chồng tôi bị điện giật, phải vay mượn chạy vạy lắm mới cứu được mạng sống. Sau cơn bão này, chẳng biết làm sao gắng gượng dậy được. Gạo trong nhà đã hết sạch mà chẳng còn tiền mua”.
Tan tác nơi cửa biển
Cùng cảnh ngộ như ở Ngư Thủy Bắc, hàng ngàn hộ dân các xã ven biển của huyện Bố Trạch như Nhân Trạch, Lý Trạch, Đức Trạch… cũng bị thiệt hại nặng nề.
Sau bão, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hồng và ông Phạm Văn Lương (xã Đức Trạch) nỉ non tiếng than khóc. Trong ngày 1-10, hàng chục người thân cùng làng xóm đã ra đoạn sông Gianh ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch để tìm thi thể của ông Lương. Nỗ lực của hàng chục con người chỉ tìm ra con tàu cá bị đắm, trong khi thi thể người xấu số vẫn mất tích.
Nói về thiệt hại sau bão, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, chỉ dùng 2 từ: kinh hoàng. Ông bảo rằng dù người dân và chính quyền đã hết sức chủ động nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại vì bão quá mạnh.
Thống kê sơ bộ, đến nay huyện Bố Trạch có đến 35.520 nhà bị sập và tốc mái, 1 người chết, 1 mất tích, 18 người bị thương, gần 8.000 cây cao su gãy đổ… Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 2.730 tỉ đồng. “Một con số thiệt hại khủng khiếp, gấp hàng trăm lần nguồn thu mỗi năm của toàn huyện. Dân vùng biển thì tan hoang nhà cửa, dân ở rừng thì thiệt hại nặng về cao su, người dân đứng trước rất nhiều khó khăn sau bão” – ông Gòn nói.
7 người chết, 179 người bị thương
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, tính đến 19 giờ ngày 1-10, tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cơn bão số 10 đã khiến 7 người chết (Quảng Bình: 5 người, Thanh Hóa: 2 người), 4 người mất tích, 179 người bị thương.
Con số này tăng gấp 5 lần so với tổng hợp vào sáng cùng ngày. Hơn 187.000 căn nhà bị tốc mái, trong đó chủ yếu ở Quảng Bình với 150.000 căn.


V.Duẩn


Quảng Bình mong được trợ giúp
Sáng 1-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 10 tại huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau khi thăm các ngư dân đang neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở chính quyền huyện Bố Trạch cần thống kê thiệt hại; hỗ trợ những người mất nhà cửa có nơi ăn chốn ở; tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người chết do bão… Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng hậu quả của bão số 10 gây ra với tỉnh Quảng Bình quá nặng nề, vượt khả năng ngân sách địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục thiệt hại.
H.Dũng


HOÀNG DŨNG – QUANG NHẬT


Nguồn dantri.com.vn

Nghệ An:

Nước dâng ngập nóc nhà, hàng trăm hộ dân bị cô lập

(Dân trí) – Chiều ngày 1/10, hàng trăm hộ dân tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vẫn bị cô lập trong nước lũ do hồ Vực Mấu tiến hành xã lũ. Nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu đói do tài sản, lương thực bị cuốn trôi theo nước lũ.
 >>  Xả lũ hồ Vực Mấu, hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước
 >>  Bão số 10 suy yếu và tan dần, ít nhất 3 người chết

Mưa trắng xóa trời, nước đã ngập lên trên nhiều nóc nhà
Mưa trắng xóa trời, nước đã ngập lên trên nhiều nóc nhà
Chiều ngày 1/10, vượt gần 150km từ TP Vinh, PV Dân trí đã có mặt tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt xả lũ của hồ Vực Mấu vào tối 30/9 và rạng sáng 1/10. Từ đầu xã, lực lượng chức năng đã tiến hành chốt chặn không cho người qua lại do nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến các xóm bị nước lũ chia cắt. Dưới làn mưa trắng xóa trời, nước đã ngập lên trên nhiều nóc nhà, cột điện, cây cối… Nhiều người dân đứng trên bờ chỉ biết đứng trên bờ cao nhìn xuống nhà của mình đang bị lũ nhấn chìm.
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 nên trong chiều ngày 30/9 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 19h ngày 30/9 đến 7h sáng 1/10 là 407mm dẫn đến nước lũ thượng nguồn về nhanh. Trước tình hình trên, xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành vận hành tràn xả lũ hết công suất với 5 cánh cửa, với lưu lượng khoảng 1.500m3/s.

Trong đêm 30/9, chính quyền xã Quỳnh Trang cùng lực lượng quân sự, công an TX Hoàng Mai đã có mặt tại các xóm để hỗ trợ người dân lên khu vực cao tránh lũ. Ông Đậu Minh Công – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết: “Từ 21h tối 30/9, nước lũ từ hồ Vực Mấu tràn về, chúng tôi đã thông báo cho bà con di dời người, tài sản lên khu vực cao. Nước lũ đã ảnh hưởng đến 7 xóm của xã, trong đó có trên 500 hộ dân với 2500 khẩu. Hiện tại chưa có thiệt hại về người nhưng do nước lũ về nhanh nên nhiều tài sản, gia súc, gia cầm của bà con không kịp di dời đã bị cuốn trôi theo nước lũ”.

Toàn bộ các gia đình bị nước lũ nhấn chìm đã được di chuyển lên trụ sở ủy ban xã, trạm y tế, trường học… để lánh tạm. Chiều 1/10, hiện vẫn còn 170 hộ dân tại xóm 5 đang bị cô lập hoàn toàn. Toàn bộ xã Quỳnh Trang cũng đang bị mất điện từ 22h ngày 30/9.

Theo ông Công, đây được xem là trận lũ lịch sử trong vòng 42 năm trở lại đây đối với địa phương. “Khó khăn nhất lúc này của địa phương là lương thực, nước uống…cho bà con nhân dân do nước lũ cuốn trôi tài sản, lương thực”, ông Công nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Cảnh Hy – Phó Giám đốc xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trước khi xả tràn, vào 7h sáng 30/9, xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu đã gửi thông báo xả tràn cho các tiểu ban phòng chống lụt bão của các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Mai Hùng, TX Hoàng Mai… dọc ven sông Hoàng Mai chủ động di dời người dân và tài sản ở dưới vùng thấp di dời lên vùng cao. Tuy nhiên, do sự chủ quan của người dân nên không kịp di dời tài sản đến nơi an toàn ”.
Ông Hy cho biết thêm, cho đến 16h chiều 1/10, thời tiết tại địa bàn Quỳnh Lưu vẫn còn mưa to. Với công tác xả tràn, lượng nước ở hồ và hạ lưu đã giảm. Đỉnh lũ sáng nay là 22,62 m đến chiều còn 21,97m. Hiện tại đập và tràn xả lũ đang đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu vẫn tiếp tục quan trắc, theo dõi lượng mưa để điều tiết, đóng giảm cửa tràn để hạn chế việc ngập lụt ở hạ lưu.
Dưới đây là một số hình ảnh nhiều nhà dân ngập sâu trong lũ do PV ghi lại:
Các hồ chứa nước đang tiến hành xã lũ để tránh sự cố vỡ hồ đập.
Các hồ chứa nước đang tiến hành xã lũ để tránh sự cố vỡ hồ đập.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ.
Do mấy ngày qua mưa lớn kéo dài nên nhiều nơi đã bị ngập sâu trong lũ.
Do mấy ngày qua mưa lớn kéo dài nên nhiều nơi đã bị ngập sâu trong lũ.
Do mấy ngày qua mưa lớn kéo dài nên nhiều nơi đã bị ngập sâu trong lũ.
Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt.
Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt.
Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt.
Hàng trăm hộ dân bị ngập sâu trong nước.
Hàng trăm hộ dân bị ngập sâu trong nước.
Các cơ quan chức năng tiến hành chặn những con đường bị ngập lụt.
Các cơ quan chức năng tiến hành chặn những con đường bị ngập lụt.
Các cơ quan chức năng tiến hành chặn những con đường bị ngập lụt.
  Hiện tại, mưa lớn trên địa bàn Nghệ An vẫn đang kéo dài khiến tình hình lũ lụt càng diễn biến phức tạp.

Các cơ quan chức năng tiến hành chặn những con đường bị ngập lụt.

Bà Văn Thị Quế (58 tuổi, xóm 10, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai) bật khóc khi nhìn nhà mình chìm trong biển nước 

                                                                                 Doãn Hòa – Phong Tình – Nguyễn Duy


Nguồn thanhnien.com.vn

Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ

02/10/2013 03:20

Thị xã Hoàng Mai của Nghệ An và huyện Tĩnh Gia của Thanh Hóa với hàng ngàn nhà dân hôm qua đã ngập chìm trong biển nước do vỡ đập và xả nước hồ thủy lợi.

 Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ 2
Hồ Đồng Đáng ở huyện Tĩnh Gia bị vỡ – Ảnh: Ngọc Minh
Thanh Hóa vỡ đập hàng loạt
Liên tiếp 2 đập thủy lợi trên địa bàn H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vỡ toang hôm qua nhấn chìm hơn 1.000 hộ dân của các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Tùng Lâm và Hải Thượng.



Đường sắt tê liệt

Sáng 1.10, tại Km 233+900 đến 234+075 (thuộc địa phận H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nước lũ chảy qua đường sắt làm ngập mặt ray nhiều đoạn. Đồng thời nước chảy xiết đã làm trôi đá vai nhiều đoạn trên tuyến, khiến nhiều chuyến tàu bị dừng hoạt động, đến chiều tối qua vẫn chưa khắc phục xong. Tàu NA1 với 252 khách đang phải nằm lại tại ga Khoa Trường, tàu SE3 có 210 khách đang phải tạm dừng tại ga Trường Lâm.
Tại Nghệ An, QL1A đoạn qua thị xã Hoàng Mai bị ngập sâu trong nước. Đến 15 giờ hôm qua, giao thông hoàn toàn tê liệt. Cơ quan chức năng đã lập trạm chốt chặn tại thị trấn Diễn Châu để hướng dẫn xe ô tô chạy từ nam ra bắc ngoặt lên tuyến QL7. Hai tàu khách chở hàng trăm hành khách cũng bị kẹt tại đây.

Mãi đến đầu giờ chiều qua, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng CSGT đường thủy, PV Thanh Niên mới tiếp cận được thôn Trường Sơn, xã Trường Lâm. Để vào được, phải vượt qua 3 điểm ngập dài khoảng 4 km, có điểm sâu tới hơn 1 m trên QL1A, sau đó đi ca nô vượt qua cánh đồng Nhòn. “Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng, gia đình tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng nước đổ ầm ầm bên hông nhà. Vợ chồng mở cửa nhìn ra thì toàn bộ chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà bị lũ cuốn mất. Mất hết rồi các bác ạ”, chị Cao Thị Thúy, mếu máo kể lại giây phút kinh hoàng khi đập Đồng Đáng bị vỡ. Anh Hoàng Quốc Tuấn có trang trại chăn nuôi ở khu vực gần đập Đồng Đáng cho biết: “Toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình tôi bị cuốn phăng kéo theo hơn 400 con gà, 3 con lợn và 1 con bò”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, cho rằng đây là cơn lũ lớn nhất trong khoảng 40 năm qua trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 7/13 thôn bị ngập với hơn 500 hộ dân bị nhấn chìm trong nước, trong đó có 200 hộ bị ngập nặng nhất phải di dân. Suốt từ sáng đến chiều 1.10, lực lượng bộ đội, công an và các cơ quan chức năng đã điều động phương tiện di dời hơn 800 người ra khỏi vùng ngập. “Rất may đập vỡ lúc rạng sáng, nên người dân đã kịp thời sơ tán lên chỗ cao tránh lũ”.
Trước đó, vào khoảng 1 giờ ngày 1.10, hồ Thung Cối có dung tích khoảng 200.000 m3 trên địa bàn xã Phú Lâm, H.Tĩnh Gia cũng bị vỡ; hồ Khe Tuần, xã Tân Trường bị tràn khiến toàn bộ các xã phía hạ lưu như Phú Lâm, Mai Lâm, Tùng Lâm, Hải Thượng… bị ngập. Anh Hoàng Văn Sơn, ở thôn Tùng Sơn, xã Mai Lâm, thất thần nhìn căn nhà bị cơn lũ cuốn sập trong đêm. “Cứ tưởng nhà sát đường QL1A thì không bị lũ, ai ngờ nước từ trên nguồn trút xuống mạnh quá khiến vợ chồng tôi lâm vào cảnh trắng tay”, vợ anh Sơn vừa khóc vừa kể.
Tại H.Nông Cống, sáng qua 2 em Nguyễn Lương Nguyên và Mai Kim Quang (12 tuổi, ngụ xã Công Bình) trên đường đi học về thì bị lũ cuốn trôi.
Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ 1
 Người dân vùng lũ được di chuyển đến nơi tránh lũ an toàn – Ảnh: Ngọc Minh
 Nghệ An xả lũ, 2.000 nhà dân bị nhấn chìm
Việc hồ thủy lợi Vực Mấu bất ngờ mở 5 cửa tràn để xả lũ đã khiến thị xã Hoàng Mai, Nghệ An bị nhấn chìm trong biển nước. Lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp, nhiều tài sản đã bị nước lũ nhấn chìm.



Hôm qua Thủ tướng đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão phải khẩn trương tổ chức ngay việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân.


Chiều qua, mưa vẫn tiếp tục trút xuống, trong khi nước từ thượng nguồn vẫn đổ về rất mạnh khiến nước lũ lên nhanh. Gần 2.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước, hàng chục khối, xóm bị lũ cô lập hoàn toàn. UBND tỉnh đã huy động xuồng cao tốc của Bộ Chỉ huy quân sự cùng đông đảo lực lượng bộ đội, công an đến các xóm ở phường Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang, Quỳnh Thiện sơ tán những người dân còn mắc kẹt trong lũ. Đến chiều tối qua mới sơ tán được 495 hộ đến nơi an toàn. “Nước lên quá nhanh khiến gia đình tui không kịp trở tay, hơn tấn thóc bị nước làm hỏng hết rồi, bầy lợn nuôi trong chuồng đã bị trôi mất”, ông Đậu Viết Vinh, P.Mai Hùng, nói. Lũ đã cuốn trôi hai mẹ con ở khu tập thể xi măng Hoàng Mai, đến tối qua chưa tìm thấy.
Chiều tối qua, trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Thủy Lợi Bắc (đơn vị quản lý và khai thác hồ thủy lợi Vực Mấu), cho biết tối 30.9, khi mực nước trong hồ đạt cao trình 20,5 m, dưới mức báo động 1, công ty đã bắt đầu cho mở một cửa để xả lũ. Sau đó, thấy mưa quá to và nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh nên công ty đã chỉ đạo cho xả toàn bộ 5 cửa. “Chiều 30.9, chúng tôi đã có thông báo gửi các phường, xã biết việc xả lũ để dân đối phó. Tuy nhiên do lượng mưa quá lớn cộng với thủy triều dâng cao, nước thoát chậm nên đã gây ngập lụt”, ông Mai nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, cho rằng việc tính toán mức nước xả lũ là chưa chính xác. Đây là một hồ thủy lợi lớn, với dung tích phòng lũ đạt 110 triệu m3 nước, nằm ngay trên “đầu” thị xã nên rất nguy hiểm.
Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ 3

31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn

Theo thông tin tổng hợp từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đến chiều 1.10, các hồ chứa ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đang tích nước phổ biến từ 70 – 100% so với công suất thiết kế. Trong đó, một số hồ đang được xả tràn, gồm hồ Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá ở Nghệ An và hồ Sông Mực, Yên Mỹ tại Thanh Hóa. Sau mưa bão số 10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi hiện có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, gồm: Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu – Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế); An Long (Quảng Nam); Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi). Ở các công trình này, đơn vị quản lý phải có lực lượng theo dõi thường trực 24/24, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó trong tình huống xảy ra sự cố.
P.Hậu

Hà Tĩnh chưa thống kê được thiệt hại

Đến chiều tối qua, các cơ quan chức năng của tỉnh này vẫn chưa thể thống kê được chính xác con số thiệt hại do bão. Tuy nhiên thông tin ban đầu cho biết trên địa bàn đã có 18 người bị thương, hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái. Mưa bão cũng làm 60 cây cầu, 243 cột điện bị đổ gãy.
Nguyên Dũng
Vĩnh Linh thiệt hại nặng nhất
Vĩnh Linh, huyện đầu phía bắc của tỉnh Quảng Trị là địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau bão. Sáng 1.10, PV Thanh Niên đã chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát hiện hữu ở nhiều nơi, đặc biệt tại xã cực đông bắc – Vĩnh Thái. Tại đây, có đến 650 ngôi nhà mất nóc. Cao su tại địa phương này cũng bị thiệt hại nặng với hơn 4.000 ha trong tổng số 6.000 ha của toàn huyện bị thiệt hại, ước tính con số lên tới khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách tỉnh năm 2012. UBND tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng, gia đình có nhà bị sập 6 triệu đồng, nhà bị tốc mái 1 triệu đồng.
Theo thống kê ban đầu, bão đã gây thương tích cho 20 người dân, 11 ngôi nhà sập, 3.600 ngôi nhà tốc mái, hàng chục trường học, bệnh viện, công sở bị hư hại…
Nguyễn Phúc
Ngọc Minh – Khánh Hoan

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời